Nhà thần học Bernard Lonergan có thể dạy chúng ta điều gì về sứ mạng kỹ thuật số của Giáo hội Công Giáo?
AMERICA MAGAZINE – Một cánh đồng mục vụ mới cho giáo hội là sứ mạng trong môi trường kỹ thuật số. Nói một cách đơn giản hơn, đây có thể được gọi là sứ mạng kỹ thuật số. Việc suy tư về cánh đồng mới này có thể được hưởng lợi từ cuộc đối thoại với tư tưởng của linh mục Bernard Lonergan, SJ, một nhà thần học người Canada, và cụ thể là với những suy tư của ông về "Truyền thông" trong Chương 14 của tác phẩm Method in Theology (Phương pháp trong Thần học) (1972).
Vào đầu năm 2024, khoảng 5,35 tỷ người, chiếm 66% dân số thế giới, đã có thể truy cập vào internet và phương tiện truyền thông xã hội. Điều này, cùng với việc tiếp nhận trí tuệ nhân tạo, đang thay đổi thực tế của chúng ta theo nhiều cách hơn chúng ta có thể tưởng tượng trước đây.
Theo Báo cáo Tổng hợp của Phiên họp Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023 tại Rôma thì môi trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng "ngày càng hiện diện trong cuộc sống của trẻ em và gia đình. Mặc dù nó có tiềm năng to lớn để cải thiện cuộc sống của chúng ta nhưng nó cũng có thể gây tổn hại và tổn thương". Báo cáo cho biết thêm, "nhiều người trẻ đã từ bỏ không gian vật chất của Hội Thánh" và thay vào đó “ưa thích những không gian trực tuyến hơn".
Những hiện tượng mơ hồ và khó hiểu như vậy là những gì Công đồng Vatican II đã xem là “dấu chỉ thời đại”. Chúng cũng thuộc về “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày này” mà công đồng khẳng định trong Gaudium et Spes là mối quan tâm sâu sắc của riêng Giáo hội và là những lĩnh vực mà chúng ta nên giúp làm cho Chúa Kitô hiện diện. Một trong những nhóm nghiên cứu (sau đây gọi là Nhóm Nghiên cứu Ba) về các câu hỏi được nêu lên trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về hiệp hành đang nỗ lực giúp chúng ta làm chủ những hiện tượng này và đáp lại như một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo hơn.
May mắn thay, phiên họp Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023 đã nhận ra những dấu chỉ, hy vọng và lo âu này dưới hình ảnh gợi mở về một lục địa mới cần được loan báo Tin Mừng và đưa vào Giáo hội qua các bí tích: “Sứ mạng kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một công cụ để loan báo Tin Mừng, mà còn là ‘một không gian, một lãnh thổ… một thế giới mới cho Giáo hội hiệp thông và sứ mạng,” theo lời của bạn trẻ José Manuel Urquidi và Sơ Xiskya Lucia Valladares Paguaga, RP. Khám phá này (khiến phần lớn các đại biểu Thượng hội đồng ngạc nhiên) đã khơi dậy trong tất cả chúng ta—bắt đầu từ Đức Giáo hoàng Phanxicô—những cảm xúc sâu sắc và sống động về đức tin, hy vọng, tình yêu và lòng nhiệt thành.
Vậy nên, đây là hai câu hỏi đối ứng cụ thể hơn của chúng ta:
- Lập luận của Lonergan trong chương về truyền thông giúp chúng ta nắm bắt được tầm quan trọng của việc Giáo hội thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng ngay cả trong môi trường kỹ thuật số như thế nào? Làm thế nào để chúng ta một cách có ý thức và thông minh, đưa sứ mạng kỹ thuật số vào tiến trình Giáo hội trở nên hiệp hành?
- Khoảnh khắc quyết định này trong lịch sử Giáo hội—mà thời của Lonergan chưa từng tưởng tượng—mang lại ý nghĩa mới nào từ công trình của ông về truyền thông? Nó đòi hỏi sự hợp tác mới nào giữa các nhà thần học và những người khác trong khoa học nhân văn và lịch sử?
Hội nhập văn hóa
Môi trường kỹ thuật số là một nền văn hóa, một “nơi chốn” mà tất cả chúng ta dành một phần lớn thời gian trong cuộc sống. Không chỉ là một công cụ hay công nghệ, “văn hóa kỹ thuật số tạo nên một sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta hiểu thực tế và cách chúng ta liên hệ với chính mình, với nhau, với môi trường của chúng ta, và thậm chí với Thiên Chúa.” (Báo cáo Tổng hợp). Nó đang có “tác động sâu xa trên các ý niệm về thời gian và không gian, trên việc chúng ta nhận hiểu về chính mình, nhận hiểu người khác và thế giới, cũng như trên khả năng liên lạc, học tập, tiếp nhận thông tin và đi vào mối tương quan với người khác” (Christus Vivit, 86).
Tuy nhiên, gọi các không gian này là “văn hóa” có thể gây hoang mang, vì cho đến nay, văn hóa luôn liên quan hữu cơ với không gian và nơi chốn “thực” như một ma trận không thể thiếu. “Thuyết nhị nguyên giữa thực và ảo không mô tả chính xác thực tế hay thậm chí là trải nghiệm của tất cả chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ tuổi nhất, những người được gọi là ‘người bản địa kỹ thuật số’”, theo Báo cáo Tổng hợp sau Phiên học họp Thượng Hội đồng tháng 10/2023. Những năm gần đây, chúng ta đã thấy rằng những gì bắt đầu và diễn ra trong nền văn hóa kỹ thuật số đang tạo ra những thay đổi lớn trong thế giới vật chất: chẳng hạn như Mùa xuân Ả Rập, phản ứng trước cái chết của George Floyd, phong trào #MeToo, kênh YouTube của MrBeast và nhiều sự kiện khác.
Lập luận của cha Lonergan trong Phương pháp trong Thần học cách đây nửa thế kỷ đã diễn đạt một cách tuyệt đẹp và chính xác thách thức mà sứ mạng kỹ thuật số phải đối mặt, hoặc thậm chí một cách sâu xa hơn, thách thức làm nảy sinh sứ mạng kỹ thuật số:
Thông điệp Kitô giáo phải được truyền đạt đến mọi dân tộc. Việc truyền đạt đòi hỏi các nhà giảng thuyết và giáo lý viên phải mở rộng tầm nhìn của mình để bao gồm sự hiểu biết chính xác và sâu sắc về văn hóa và ngôn ngữ của những người mà họ hướng đến. Họ phải nắm bắt các nguồn lực ảo của nền văn hóa và ngôn ngữ đó, và họ phải sử dụng các nguồn lực ảo đó một cách sáng tạo để thông điệp Kitô giáo trở thành một dòng phát triển trong nền văn hóa, chứ không phải là một yếu tố phá vỡ nền văn hóa hay một mảng vá ngoại lai chồng lên đó.
Cách dùng từ “ảo” của Lonergan hoàn toàn khác so với ngày nay. Hiện nay, chúng ta sẽ diễn đạt lại thành: “Họ phải nắm bắt các nguồn lực của nền văn hóa ảo và ngôn ngữ ảo đó”. Thật vậy, đây chính là điểm mấu chốt của bài viết này.
Như thể đáp lại cách hiểu Lonergan theo nghĩa hiện nay, Thượng Hội đồng nói rằng Giáo hội đã sẵn sàng thực hiện “sứ mạng loan báo Tin Mừng ngay cả trong môi trường kỹ thuật số, nơi liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống con người và do đó phải được công nhận như một nền văn hóa chứ không chỉ là một lĩnh vực hoạt động”.
Loan báo Tin Mừng
“Giáo hội Kitô giáo là cộng đồng hình thành từ việc truyền đạt bên ngoài của thông điệp của Chúa Kitô và từ món quà bên trong là tình yêu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa có thể được trông cậy để ban ân sủng của Người….” Do đó, Lonergan đã kêu gọi chúng ta chú ý đến việc truyền đạt hiệu quả thông điệp của Chúa Kitô.
Sứ mạng kỹ thuật số của Giáo hội bắt đầu từ khi nào? Có thể cho rằng nó bắt đầu khi mạng xã hội, podcast, blog và YouTube ra đời. Điều này không đợi đến khi được phát minh. Những người giáo dân, linh mục và tu sĩ không chờ đợi lệnh từ Vatican, giám mục hoặc bề trên của họ. Nhận thấy nhiều linh hồn lang thang trong không gian kỹ thuật số để tìm kiếm ý nghĩa, họ đã chủ động giới thiệu tình yêu của Chúa Kitô. Sứ mạng kỹ thuật số đã nảy mầm như "hạt giống được gieo xuống đất. Đêm hay ngày, người [nông dân] ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27).
Nhận thức về những gì đã nảy sinh, Nhóm Nghiên cứu Ba đang cố gắng chuẩn bị các phương tiện và cách thức cần thiết của Giáo hội để hỗ trợ sự phát triển đó. Tuy nhiên, phần lớn các nhà lãnh đạo và thành viên của Giáo hội không hề biết về lục địa kỹ thuật số đang chờ được loan báo Tin Mừng và phục vụ, hoặc về những nhà truyền giáo và mục vụ kỹ thuật số – dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nam hay nữ, trẻ hay già – họ là ai và họ làm gì. Thực tế, những "người làm việc kỹ thuật số" này đang cung cấp sự đào tạo mục vụ và đồng hành trực tuyến quan trọng cho các tín hữu Công Giáo đã chịu phép rửa tội, cũng như việc loan báo Tin Mừng cho các tín hữu Công giáo đã bỏ đạo và những người chưa biết đến Chúa Kitô.
Theo truyền thống, các nhà truyền giáo được giám mục hoặc bề trên của họ sai đi, người đồng hành với họ từ xa và thỉnh thoảng đến thăm họ. Ngày nay, nhiều người Công Giáo có ảnh hưởng (dù họ ở đâu, dù họ có độ tuổi và xuất thân như thế nào) cần gặp các giám mục của họ để bắt đầu đối thoại và khám phá chiều kích giáo hội, nền tảng không thể thiếu, của sứ mạng của họ. Báo cáo Tổng hợp lưu ý rằng "Chúng ta cần tạo cơ hội để công nhận, đào tạo và đồng hành với những người đang làm việc với tư cách là nhà truyền giáo kỹ thuật số".
Khi Thượng Hội đồng phê duyệt Báo cáo Tổng hợp, bao gồm Mục 17 về "Truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số", thì đó không phải là việc đưa ra một ý tưởng hoàn toàn mới để biến thành hiện thực, mà là học hỏi từ và xây dựng trên công cuộc truyền giáo và mục vụ ấn tượng đã và đang diễn ra một cách tự phát.
Những chân trời mới
Hãy trở lại câu hỏi ban đầu: “Những quan sát của Lonergan về truyền thông và Báo cáo Tổng hợp của Thượng Hội đồng—và suy tư của Nhóm Nghiên cứu Ba về báo cáo này—đã soi sáng cho nhau như thế nào?”
Lonergan làm sáng tỏ huấn quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô về sứ mạng kỹ thuật số vì công trình của ông giúp chúng ta nắm bắt được sự cần thiết phải hiểu những nền văn hóa mới mà con người ngày càng sống và thực sự đắm chìm—và do đó, sự hội nhập văn hóa rất năng động là điều cần thiết. Báo cáo Tổng hợp cho biết “Các nhà truyền giáo luôn đi cùng Chúa Kitô đến những chân trời mới, trong khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đi trước họ”. Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận cái được gọi là lục địa mới này với lòng nhiệt thành của một Phanxicô Xavier hoặc một Mẹ Cabrini.
Sứ mạng kỹ thuật số nảy sinh từ đức tin của chúng ta và từ giáo hội, nhưng theo những cách tự phát và phân tán. Cả Đức Thánh Cha và Thượng Hội đồng đều yêu cầu công nhận và đưa sứ mạng kỹ thuật số vào giáo hội hữu hình, và trở thành một mục vụ và sứ mạng thực sự của giáo hội.
Liệu đây có phải là lần đầu tiên những hình thức truyền giáo và mục vụ rất mới được Giáo hội tiếp nhận nhanh chóng như vậy, với hai tài liệu chính thức trong vòng chưa đầy sáu tháng kể từ khi được giới thiệu tại Thượng Hội đồng? Như Báo cáo Tổng hợp lưu ý, “chúng ta không thể truyền giáo cho nền văn hóa kỹ thuật số nếu không hiểu nó trước”; Lonergan cũng sẽ nhấn mạnh việc hiểu trước khi giao tiếp. Tuy nhiên, sứ mạng kỹ thuật số liên quan đến truyền thông, đời sống mục vụ và thần học mục vụ hoặc thực hành thực sự là động lực truyền giáo đang chỉ mới bắt đầu kết nối và thụ hưởng từ những hiểu biết sâu sắc của Lonergan.
Với bộ công cụ mà Lonergan cung cấp qua Phương pháp trong Thần học của ông, chúng ta hãy bắt đầu một phương pháp giải thích khôn ngoan về hiện tại, bao gồm việc thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng và những đổi mới kỹ thuật số đáng kinh ngạc. Chúng ta hãy đánh giá cao tiềm năng to lớn của chúng đối với đối thoại—ví dụ, với những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày này, đặc biệt là của giới trẻ. Trong một sứ mạng mới cho một thế giới mới, chúng ta hãy can đảm và sáng tạo trong việc mang đến Lời Chân lý được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô.
Đức Hồng y Michael Czerny, SJ là Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican và là tham dự viên của Thượng hội đồng về hiệp hành.
Có thể xem cách trình bày khác về 'sứ mạng kỹ thuật số' trong poster sau.
___________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: americamagazine.org
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo