Ngôi mộ của thánh Phaolô
WGPSG -- Các truyền thống của Giáo hội Roma đều cho rằng thánh Phaolô bị chém đầu ở ngoại thành Roma khoảng năm 67. Sau đó, ngài được đem chôn cất tại một nghĩa trang công cộng của dân thành Roma. Vị trí ngôi mộ của ngài là dưới bàn thờ chính của đại thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành hiện nay.
Theo truyền thuyết, ngài được một phụ nữ tên là Lucina chôn cất. Đây là một ngôi mộ của người nghèo với một quan tài đá thông thường của dân Roma thời đó; bên trên có bia mộ bằng đá cẩm thạch loại xấu. Ngôi mộ của ngài chôn chung lẫn lộn với đủ hạng người khác trong một nghĩa trang lộ thiên [1] (sub divos) được sử dụng từ thế kỷ I BC đến thế kỷ III AD. Nhân dịp trùng tu đại thánh đường năm 1823, các nhà khảo cổ phỏng đoán có khoảng 5000 ngôi mộ cổ bên dưới đại thánh đường hiện nay.
Trong tác phẩm Lịch sử Hội Thánh (Historia Ecclesiae), vị giám mục sử gia Eusebio thành Cesarea (265-340) có trích lại một đoạn bức thư của linh mục Gaio, dưới thời Giáo Hoàng Zefirino (199-217). Linh mục Gaio cho biết có hai mái vòm xây che trên mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ở đồi Vaticanô và trên đường Ostia. Trong một bức thư gởi Proclus, lãnh tụ của nhóm Phrygian, ông (linh mục Gaio) nói như sau về nơi có hài cốt của các vị tông đồ (Phêrô và Phaolô): “nhưng tôi có thể chỉ ra tropaia (mái che trên mộ) của các tông đồ; vì nếu ông đi đến đồi Vaticanô hay đường Ostia, ông sẽ thấy tropaia [2] của những vị đã thiết lập Giáo Hội này”.
Ngay từ sau khi thánh Phaolô tử đạo, người Kitô hữu đã có thói quen hành hương đến phần mộ của ngài, nhất là các linh mục khi nhận thừa tác vụ. Họ đến trước mộ Phêrô và Phaolô để tuyên xưng (confessio) “tôi tin như Phêrô và Phaolô đã tin”. Sang thế kỷ thứ II, một người hảo tâm nào đó đã làm mái che đơn sơ trên mộ vị tông đồ. Vị trí này dần dần được giáo đoàn Roma gọi là Confessio; ngày nay mái che bên trên và bàn thờ chính của đại thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành vẫn được gọi là Confessio. Theo Giáo Luật, các vị giám mục năm năm một lần phải trở về Roma tuyên xưng đức tin (confessio) trên bàn thờ này (GL đ. 400).
Ngày 29.06 năm 258 [3], dưới thời hoàng đế Valeriano (253-260), quan tài của hai thánh Phêrô và Phaolô được chuyển đến hang toại đạo Sebastiano “để tránh những người xúc phạm”. Việc di dời này diễn ra vào ban đêm và chỉ có một số ít hàng giáo phẩm cao cấp được biết; đa số tín hữu Roma vẫn tưởng là phần mộ hai vị còn nguyên chỗ cũ.
Khoảng một thế kỷ sau, Đức Giáo hoàng Sylvestro (314-335) cho dời quan tài thánh Phaolô trở lại chỗ cũ. Có lẽ cùng dịp này, phần đầu của thánh Phaolô và thánh Phêrô được đem cất chung bên trên bàn thờ chính của đại thánh đường Laterana cho đến ngày nay. Nhân dịp này, hoàng đế Constantino (306-337) xây một nhà thờ nhỏ trên mộ thánh Phaolô. Ngôi nhà thờ đầu tiên này chỉ còn lại một vòm cung (abside) gần bàn thờ chính hiện nay. Sau đợt khai quật 2006, người hành hương có thể nhìn thấy một phần vòm cung này.
Ngôi nhà thờ này quá nhỏ so với hai đại thánh đường Laterana và Vaticana. Đến năm 386, các vị giáo hoàng và hoàng đế Theodosius (379-395) bắt đầu xây dựng một đại thánh đường và khánh thành năm 390. Phần mộ thánh Phaolô vẫn được xác định là dưới bàn thờ chính [4].
Nhân dịp Năm Thánh 2000, người hành hương than phiền là không được thấy phần mộ của thánh Phaolô [5]. Giáo Hội đã cho tiến hành khai quật phần mộ của thánh nhân, dưới quyền lãnh đạo của Tổng Giám mục Francesco Gioia với tư cách là thượng linh mục (archpriest) giám quản đại thánh đường. Đợt khai quật thứ hai năm 2002, các chuyên gia tiến hành ngay dưới bàn thờ chính của đại thánh đường. Họ đào lên hai tấm cẩm thạch; một tấm có khắc chữ Paulo Apostolo Mart và tìm thấy một quan tài đá. Như vậy, các chi tiết đều đúng như tài liệu lịch sử khi chuyển quan tài của thánh Phaolô thời hoàng đế Theodosius. Chỉ khác là đại thánh đường hiện nay khác hướng với nhà thờ đầu tiên thời Constantino; nên quan tài nằm lệch so với bàn thờ chính.
Trong lòng nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Phần có mái che là bàn thờ chính bên trên phần mộ thánh Phaolô.
Quan tài đá dài 2,25m, rộng 1,25m, cao 0,97m. Quan tài đá này chắc chắn đã có ở đây từ thời hoàng đế Theodosius năm 390; chúng ta không biết có đúng là quan tài chôn thánh Phalô từ năm 67 hay không. Bên trên quan tài là bàn thờ chính Confessio (altare della Confessione) hay còn gọi là bàn thờ Giáo hoàng (altare papale). Từ sau dịp khai quật này, dưới bàn thờ chính được chừa lại một lối đi, để qua một cửa song sắt, các tín hữu có thể nhìn thấy phần mộ của thánh Phaolô.
Lối vào mộ thánh Phaolô dưới gầm bàn thờ chính của đại thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành – Roma. Trực diện là một phần của quan tài đá.
(hình ảnh lấy từ www.annopaolino.org; mục Basilica di San Paolo/storia/la tomba)
Hồng y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, thượng linh mục giám quản nhà thờ thánh Phaolô Ngoại Thành
Tấm đá cẩm thạch loại xấu trên mộ ngài có khắc chữ lớn và cẩu thả hàng chữ Paulo Apostolo Mart (Phaolô Tông Đồ Tử Đạo, lẽ ra còn phải khắc đủ Martyri, nhưng hết chỗ). Theo truyền thống đây là tấm bia mộ của thánh Phaolô ngay từ đầu. Giả thuyết này hợp lý, vì giáo đoàn Roma từ cuối thế kỷ I đã đông đảo và có những người rất giàu có (Giáo hoàng thứ ba Đức Clemente vốn thuộc hàng đại gia giàu nhất Roma; biệt thự riêng của ngài ở “khu đất vàng” số một của trung tâm Roma), không lẽ họ vẫn làm cho thánh Phaolô một tấm bia mộ sơ sài như thế. Hơn nữa, giáo đoàn Roma chủ trương bảo tồn nguyên vẹn di tích ban đầu; khi xây dựng nhà thờ đầu tiên trên mộ thánh Phêrô ở đồi Vaticanô vào thế kỷ IV, họ đòi phải giữ nguyên các phần đã có trước đó.
Tấm đá này bị đục bể 03 lỗ trống, có lẽ vì thói quen người tín hữu muốn thò tay đặt tấm khăn của mình chạm vào di tích của thánh nhân. Có giả thuyết cho rằng lỗ đục tròn và không làm mất chữ Paulo, là do một tập tục cổ Roma quen bỏ hương vào quan tài qua một ống dẫn [6]. Dù để tín hữu chạm vào di tích hay để bỏ hương, tấm đá có ba lỗ này đã có từ lâu trước khi tái thiết nhà thờ năm 386. Hiện nay, phòng trưng bày của nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành có đặt một bản sao của tấm đá này.
Khoảng 1,37 m dưới bàn thờ chính là một tấm đá cẩm thạch (2,12 m x 1,27 m) gồm nhiều miếng ghép lại, có mang hàng chữ: PAULO APOSTOLO MART…
Tấm bia mộ này của thánh Phaolô có ba lỗ: một hình tròn và hai hình vuông.
Ngày 12.12.2006, Đức Hồng y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, thượng linh mục giám quản nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, đã chủ trì một cuộc họp báo công bố kết quả việc khai quật lần này. Ngài cũng công bố sẽ bố trí một lối đi để các tín hữu có thể đến gần phần mộ của thánh tông đồ. Nhân dịp này, ông Giorgio Filippi, trưởng nhóm chuyên viên khảo cổ Vaticanô, công bố “ngôi mộ chúng tôi tìm thấy là ngôi mộ được các vị Giáo hoàng và hoàng đế Theodosius (375-395) bảo tồn và giới thiệu với cả thế giới là ngôi mộ của thánh tông đồ… Tôi không hề nghi ngờ gì, đây chính là phần mộ của thánh Phaolô”. Ông còn nhận định: thật lạ là “chưa có ai nghĩ tới chuyện nhìn bên dưới tấm bia đá” nơi có đặt quan tài đá. Theo ông, không nên mở quan tài chỉ vì tò mò muốn xem di hài của thánh Phaolô. Đồng thời, việc có khai quật thêm để lộ rõ quan tài hay xem xét bên trong quan tài sẽ tuỳ thuộc thẩm quyền của Hội thánh quyết định.
Ngày 28.06.2007, khi đến dự giờ Kinh Chiều I tại nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Bênêdictô XVI đã công bố Năm Thánh Phaolô. Trong bài giảng, ngài cũng nhắc tới: quan tài đá gần bên chúng ta đây “theo ý kiến chung của các chuyên viên và truyền thống, có chứa di hài của tông đồ Phaolô” [7]. Năm 2007, có tin đồn rằng Đức Giáo hoàng đã đồng ý để các chuyên viên luồn dụng cụ vào quan sát bên trong quan tài; nhưng không có xác minh từ phía Vaticanô.
Tuy nhiên cũng có người quan niệm: tôi chỉ tin đó là quan tài của thánh Phaolô nếu ngài ngồi dậy...
----------------------------------
[1] Đầu thế kỷ XXI, chính phủ Italia có nhiều dự án khảo cổ khai quật một số điểm của nghĩa trang cổ bên ngoài khuôn viên của đại thánh đường.
[2] Thuật ngữ Latinh là cella memoriae hay tropaeum; có lẽ chủ yếu để che mưa nắng cho người hành hương hơn là có ý làm theo kiểu một phần mộ sang trọng và vinh dự. Tropaeum nguyên nghĩa là chiến lợi phẩm, kiến trúc kỷ niệm chiến thắng.
[3] Lễ kính hai vị tông đồ hiện nay là vào ngày 29.06; ngày này trùng với ngày dời mộ hai vị, nhưng chúng ta không biết có thực sự là ngày tử đạo của hai vị hay không.
[4] Đại thánh đường này còn nguyên vẹn, dù sau này có xây dựng thêm, cho đến khi bị cháy và được đại tu các bức tường năm 1823.
[5] Như thấy phần mộ thánh Phêrô ở đại thánh đường Vaticanô.
[6] Có người nghĩ xấu là do các tu sĩ coi sóc nhà thờ đục ra, để “làm cò” giúp các bà đạo đức đem khăn tay chạm vào quan tài thánh tông đồ. Thực ra từ năm 390, tấm bia mộ này đã nằm sâu dưới bàn thờ chính và chỉ mới được khai quật lên.
[7] Hội Thánh thường rất thận trọng trong việc chính thức công nhận các thánh tích. Trong trường hợp mộ thánh Phêrô tại đồi Vaticanô, công việc khai quật từ năm 1939; ngày 23.12.1950, Đức Piô XII công nhận đã tìm thấy phần mộ của thánh Phêrô bên dưới bàn thờ chính; và mãi đến ngày 26.06.1968, Đức Phaolô VI mới công nhận đã tìm thấy di hài của thánh nhân.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria
-
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi