Nghệ thuật tha thứ
Cuộc sống thường nhật có bao điều bạn bực mình: Tiếng ồn, thất bại, lo sợ, bệnh tật, cơm áo gạo tiền, thời tiết, nỗi buồn, công việc, tình yêu gia đình, giao tiếp, xóm giềng, học hành, giao thông, thị trường, dịch bệnh… Bạn phải chịu đựng nhiều thứ. Để không cằn nhằn người khác và có thể chịu đựng sự khó tính của người khác, quả thật không dễ chút nào. Vậy làm sao có thể tự giải thoát mình?
Các bậc cha mẹ thường hay chỉ trích con cái. Các chủ nhân luôn trách mắng và nhìn công nhân của mình bằng con mắt xoi mói. Vợ chồng cũng thiếu tôn trọng nhau, ưa áp đặt và nghi ngờ nhau. Các mối quan hệ khác cũng gặp nhiều phức tạp. Họ làm mất lòng nhau bằng nhiều cách. Thậm chí có những vết thương lòng vẫn nhức nhối sau nhiều năm. Giữa chúng ta có nhiều dạng ác cảm, làm những điều ác cho nhau, nói xấu nhau đủ điều, thậm chí là trả thù nhau. Có người còn biết nghĩ lại, hối hận, nhưng có người không hề tỏ ra hối tiếc vì lương tâm đã chai lì.
Cách tốt nhất để thanh thản tâm hồn là luôn chống lại ý nghĩ trả thù, luôn tâm niệm ba chữ “Tôi tha thứ” (nguyên tắc 3T). Đó là biện pháp tuyệt vời có thể giúp bạn chịu đựng những gì làm bạn phiền lòng. Tha thứ có giá trị tuyệt đối trong cuộc sống.
Tha thứ không có nghĩa là đầu hàng, chịu thua, chịu lép vế, mà là “bỏ qua”. Robin Casarjian giải thích: “Khi tha thứ, bạn không còn lệ thuộc vào người đã làm bạn đau lòng”. Tha thứ kéo bạn ra khỏi sự giận dữ của người khác và cho phép bạn sống thanh thản.
Nêu sự tha thứ là điều tốt như vậy mà tại sao vẫn có nhiều người tích lũy cơn giận trong lòng? Đó là muốn trả thù để chứng tỏ mình không yếu thế. Chẳng qua là thua kém người khác nên mới hùng hổ lên cơn tức giận. Thế nhưng, chính sự tha thứ mới tạo nên sức mạnh thực sự, kiểu “mưa dầm thấm sâu”. Khi tha thứ, người ta cân nhắc kỹ lưỡng. Dù cho người kia có xứng đáng được tha thứ hay không thì vẫn không thành vấn đề, mà chỉ vì mình xứng đáng tự do. Đây còn là động thái cao thượng của một công tử. Chịu đựng để có thể tha thứ.
Một lý do khác mà chúng ta có thể từ chối tha thứ là cảm thấy bạc nhược hoặc quy phục. Có người cho rằng tha thứ là nhận mình sai và người kia đúng. Nhưng tha thứ không là miễn trừ cơn giận đổ lên người khác mà là “rút dao ra khỏi vết thương”. Tha thứ là “bỏ qua” các lỗi lầm mà người khác đã làm cho mình, nhưng phải “bỏ qua” với cả lòng tự trọng và tôn trọng – kèm theo lòng yêu thương chân thành.
Nhưng cũng có khi người khác không hề biết nỗi đau lòng của bạn mặc cho bạn phải âm thầm chịu đựng. Nếu biết tha thứ, bạn sẽ không phải khổ sở nữa. Tha thứ vẫn hữu ích cho các trường hợp như thất tình, bị hiểu lầm, bị ghen ghét,…
Tha thứ tốt cho cả thể lý lẫn tinh thần. Trong cuốn Anger Kills, tiến sĩ Reddford Williams viết: “Cứ nhớ mãi về nỗi đau quá khứ thì sức khỏe sẽ suy yếu. Đơn giản như nhớ mãi một chuyện bực mình thì bạn sẽ căng thẳng và tim bị ảnh hưởng”. Về tình yêu tan vỡ, đại văn hào R. Tagore nói: “Khôn ngoan gì mà đau khổ mãi vì một người đã mang trái tim họ đi xa!” Các ý nghĩa tiêu cực cũng có liên quan tới cao huyết áp, động mạch vành và dễ bị chứng bệnh khác. Sống cởi mở và thanh thản có thể làm tăng hệ miễn nhiễm. Chỉ cần một giây để xúc phạm người khác, có khi gây tổn thương trầm trọng, nhưng sự tha thứ lại cần nhiều thời gian. Mới đầu, bạn cảm thấy các tình cảm tiêu cực như tức giận, buồn bã và xấu hổ. Sau đó, bạn biến chúng thành tích cực hoặc làm giảm dần “mức căng”. Đặc biệt là học cách nhìn người khác bằng ánh mắt khác trong sáng hơn. Người hại mình sẽ trở thành yếu thế, bị động, như ngồi trên đống lửa. Người Việt Nam có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Cổ nhân cũng đã minh định: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (Ngậm máu phun người, trước tiên bẩn miệng mình). Chí lý lắm thay!
Có người lại không thể đạt tới chặng cuối của sự tha thứ. Đó là những người bị tổn thương từ thuở ấu thơ, bị sỉ nhục bởi chính những người mà họ yêu thương và tin tưởng – như bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành thể lý hoặc tâm lý, bị cưỡng dâm, bị khinh miệt,… Dù không có sự tha thứ trọn vẹn, họ vẫn có lợi nhờ biết tha thứ một phần. Nếu cảm thấy khó tha thứ hoặc muốn tha thứ mà không biết bắt đầu từ đâu, xin bạn hãy thử áp dụng 7 cách này:
1. Vi mô. Luyện tập tha thứ những lỗi nhỏ của người xa lạ - chẳng hạn bị tính gian mất vài ngàn đồng, bị “chơi gác” một chút… Dần dần, bạn sẽ có thể tha thứ những lỗi lớn hơn một cách dễ dàng hơn.
2. Giải thoát. Tự vượt qua nỗi thất vọng và kiềm chế cơn giận đối với người thân và bạn bè, hoặc những người mà mình tín cẩn. Nhờ vậy, bạn thấy “mạnh mẽ” hơn và rồi bạn cũng sẽ được nhận biết. Bạn vẫn có thể để tình cảm của mình tự do mà không hề giận dữ, không dùng ngôn ngữ hoặc ngữ điệu “khó nghe”, và bạn sẽ không phải hối tiếc về sau.
Phương pháp “hả giận” cũng có hiệu quả - như đấm vào gối bông, bỏ đi chỗ khác, nhưng tuyệt đối không đập phá đồ đạc hoặc “đá mèo, khoèo rế”. Nếu không tức giận tột độ, bạn hãy đọc sách báo. Đừng “giận cá chém thớt” như phóng xe bạt mạng, chửi “đổng” (chửi cho hàng xóm nghe, cho trời đất nghe)… Đó là cách biểu lộ tiêu cực và “hạ cấp”, nên tránh!
3. Chứng minh. Nếu thực sự cần thiết, bạn hãy viết thư hoặc gởi email (nếu ở xa), hoặc gặp trực tiếp để tìm hiểu sự thật bằng cách nói ôn hòa và tích cực xây dựng, chứ không nguyền rủa hoặc chỉ trích “đối phương”. Chẳng hạn, “Tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi không hiểu…”. Hãy diễn tả sự ảnh hưởng đối với bạn vì cách xử sự của người kia, đồng thời bày tỏ thiện chí “đàm phán” để có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa, gọi là “dĩ hòa vi quý”.
4. Mặc nhiên. Đối với tội loạn luân, cưỡng dâm và các tội phạm khác, nạn nhân có thể tránh né tha thứ trực tiếp, vì việc gặp nhau để “đối chất” sẽ… không an toàn! Thật vậy, không cần “đối diện”. Đó là sự tha thứ mặc nhiên. Người được tha thứ có thể không nhận ra lỗi và không bao giờ biết mình được tha thứ. Ví như người say rượu không biết mình nói gì hoặc nghe gì. Điều quan trọng là bạn đừng để cho cơn giận dữ lộng hành, vì không ai ngu dại đến nỗi căng buồm ra khơi khi trời đang giông tố!
5. Lắng nghe. Nếu đối diện với người làm tổn thương mình, bạn hãy lắng nghe và chỉ nói về những gì bạn đã nghe. Làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu có cách nhìn khác và dễ dàng tha thứ hơn. Im lặng và lắng nghe, đó là cửa mở rộng đưa bạn thanh thản bước vào vùng bình yên của sự tha thứ tuyệt vời.
6. Suy tư. “Nhân vô thập toàn”. Con người luôn bất túc và bất trác. Hãy đợi đến lúc lòng mình lắng xuống, chọn khung cảnh yên tĩnh và suy tư. Chắc chắn bạn sẽ đủ sáng suốt để có thể quyết định đúng đắn, không gì tốt hơn là yêu thương và tha thứ. Suy tư là cách hữu hiệu để nhận biết chính mình và thông cảm với những người xung quanh. Đừng bao giờ quên: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”.
7. Hướng thiện. Nhờ hướng tới Chân-Thiện-Mỹ và tương lai, bạn có thể sớm đạt tới “đích” tha thứ. Hai chị em tị nạnh nhau về việc chăm sóc người mẹ bệnh tật. Cô ở gần than phiền về gánh nặng vất vả và hằng ngày phải lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ, đích thân làm đủ thứ. Cô ở xa chỉ gửi tiền về, lâu lâu mới đến thăm được. Cô ở gần thì bực tức và luôn gắt gỏng. Cô ở xa thì chỉ biết im lặng và bỏ qua tất cả để giữ tình chị em. Một câu nhịn, chín câu lành. Thời gian là bằng chứng hùng hồn nhất.
Sự hướng thiện sẽ dẫn tới sự tha thứ, và sự tha thứ dẫn tới sự bình an tâm hồn. Sidney Simon nói: “Sự tha thứ làm cho bạn cười nhiều, có thể cảm nhận sâu xa, và trở nên liên kết với người khác nhiều hơn”. Chính sự tha thứ là thần dược mau chữa lành vết thương lòng. Vả lại, chính lúc mình tha thứ là lúc mình được thứ tha.
Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định rằng “tha thứ không có nghĩa là quên”. Có lẽ hơi… “khó nghe” chăng? Không đâu. Chúng ta không thể quên nỗi đau hoặc điều thiệt hại, và cũng không nên quên, vì bị lừa lần một thì không do lỗi mình, nhưng bị lừa lần hai thì do lỗi mình. Chính những “kinh nghiệm đau lòng” đó dạy chúng ta đừng bị lừa thêm lần nữa – còn được gọi là “kinh nghiệm xương máu”. Ở một góc độ nào đó, giống như “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin” là vậy. Con chim bị bắn hụt một lần rồi thì nó sẽ khôn hơn.
Không để bị lừa lần nữa và không lừa ai, đó là những người khôn ngoan. Tha thứ là việc khó nhưng vẫn khả thi, càng khó thực hiện thì việc đó càng có giá trị cao. Bị khiêu khích mà không giận thì hoặc là kẻ tiểu nhân, hoặc là người quân tử và cao thượng. Sự tha thứ luôn luôn cần thiết, vì có tha thứ thì mới có thể tái lập hòa bình và bình thường hóa quan hệ – ở mọi cấp độ khác nhau. Đôi khi rất cần một lời xin lỗi!
Xin mượn lời Kinh Thánh để kết: “Không chỉ tha bảy lần mà tha bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi. Không tha thứ, đó là người ích kỷ! Xin chúc mừng nếu bạn là người vị tha. Nếu chưa, cố gắng thêm thì rồi bạn sẽ thành công – và chắc hẳn được mọi người nể trọng.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi