Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh
“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 1, 17-25
“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa.
Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông sáng của những người thông sáng”. Người khôn ngoan ở đâu ? Người trí thức ở đâu ? Người lý sự đời này ở đâu ? Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của thế gian này trở nên ngu dại sao ? Vì khi thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin.
Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được kêu gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 1-2. 4-5. 10ab và 11
Đáp: Địa cầu đầy ân sủng của Chúa (c. 5b).
Xướng:
1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Đáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. - Đáp.
3) Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. - Đáp.
Tin mừng: Mt 23, 8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả'. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn'. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Nhưng người đáp lại: 'Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi'. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
Ngày 28 tháng 8
THÁNH AUGUSTINÔ
345-430
1. GƯƠNG THÁNH NHÂN
Augustinô chào đời năm 354 trên đất Phi Châu đầy sức sống. Xuất thân từ một gia đình trung lưu với những khuynh hướng tôn giáo hỗn hợp: Cha chàng là Patricius, một người ngoại đạo sống khá phóng túng, nuôi nhiều tham vọng cho cậu con trai đầy hứa hẹn này. Mẹ chàng là Monica, một Kitô hữu sốt sắng đã dành cho chàng một tình thương đặt biệt sáng suốt, đã phải khuyên răn và khóc lóc nhiều về hạnh kiểm của con mình nhưng cuối cùng đã được chứng kiến cuộc trở lại của Augustinô và đồng thời được Augustinô dẫn lên những đỉnh cao của chiêm niệm và lòng say mê Thiên Chúa.
Nói về thiếu thời của mình, Augustinô tự nhân: “Tôi chỉ ham chơi”. Cậu bé thần đồng ấy rất sợ đi học, nhưng khi đã bị đẩy đến trường thì cậu trở thành một học sinh ưu tú vượt hẳn các bạn đồng liêu.
Đặt nhiều hy vọng vào con đường học vấn của cậu, thân sinh đã gửi cậu đến Carthagô là một trong những trung tâm văn hóa trứ danh nhất thời đó. “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy những quay cuồng đam mê ngang trái”.
Augustinô học hành xuất sắc bao nhiêu thì ăn chơi cũng sành sỏi bấy nhiêu. Chàng đã yêu và yêu tha thiết với sức đam mê mãnh liệt của loài người với một trái tim nóng hổi, với tất cả giác quan nhạy bén. “Lao mình vào tình ái, tôi muốn bị kẹt trong đó luôn”.
Với tài hùng biện sẵn có, Augustinô tự rèn luyện khoa ăn nói và làm quen với các văn hào la tinh, với các triết gia Hy Lạp. Một hôm tình cờ chàng giở quyển Hortensius của Cicéron, và nhận được ánh sáng bừng chiếu qua những hàng chữ của tác giả.
“Quyển sách này đã đổi hẳn các tình cảm của lòng con, hướng con về với Chúa, các ước nguyện và ý muốn của con được xoay chiều. Tất cả những ước mộng viển vông trở thành phi lý. Với một sức mạnh phi thường, con thèm muốn đức khôn ngoan bất diệt. Con bắt đầu đứng dậy trở về với Ngài”.
Từ Carthagô, cuộc sống dần đưa chàng đi tìm kế sinh nhai tại Rôma, Milan. Augustinô nay đã 30 tuổi, với thời gian, nhiều mộng đẹp đã tan vỡ. Những khó nhọc của cuộc sống giúp chàng trưởng thành hơn.
Cho tới một ngày kia, ơn Chúa đã toàn thắng, như một cơn gió lốc cuốn đi tất cả những do dự, khắc khoải trong lòng Augustinô. Một hôm, ngồi ngoài vườn với một người bạn chí thân, Augustinô nghe tiếng trẻ nhỏ nhẩm câu:
“Hãy cầm lấy mà đọc”. Nghe vậy, Người mở thánh thư và câu đâu tiên Người đọc là: “Hãy mặc lấy Đức Kitô và đừng thỏa mãn với những đam mê xác thịt”.
Câu này quả dành riêng cho Augustinô đó. Đây chính là lời đáp của ơn trên. Augustinô chạy báo tin vui này cho mẹ. Bà điềm nhiên trả lời: “Mẹ đã biết mà, Mẹ ở đâu thì con cũng sẽ đến đó”. Sứ mệnh của bà đã chấm dứt, bà mừng rỡ thấy Augustinô bắt đầu cuộc sống mới. Từ nay, Augustinô sẽ rảo bước trên con đường của Luật Chúa.
“Dưới sự hướng dẫn của Ngài, Lạy Chúa, con đã bước vào chính thâm tâm con. Con đã làm được điều đó nhờ sức Chúa nâng đỡ.”
Sau khi khám phá Thiên Chúa là Đấng đáng để cho ta bán hết tất cả để đi theo, Augustinô quyết tâm rút vào sa mạc sống ẩn dật để được thưởng thức Chúa, nhưng Augustinô sẽ không bao giờ được sống ẩn dật lâu. Danh tiếng của ngài đã được truyền lan, dân chúng theo đuổi Augustinô xin ngài hướng dẫn họ, xin ngài cố vấn cho họ trong công ăn việc làm, chỉ dẫn cho họ đường ngay nẻo chính.
Một hôm, trong khi dự lễ tại Hippone, dân chúng nảy ra ý kiến: Augustinô sẽ làm Linh mục của họ, và hơn thế nữa sẽ là Giám Mục chăn dắt học. Ý dân là ý trời, ngay lúc đó Augustinô được tôn làm làm Linh mục và sau một thời gian Augustinô trở thành Giám Mục của dân.
Vì mến Chúa đi đôi với yêu người, Augustinô mang tất cả kinh nghiệm, kiến thức rộng lớn của mình để phục vụ anh em. Nhưng trên hết mọi sự, Augustinô là con người của tình yêu: Ngài dành trọn vẹn tất cả khả năng yêu đương cho Chúa và cho anh em, điểm nổi bật của Ngài là một trái tim nóng hổi.
Năm 430, sau một cơn hấp hối, Augustinô về với Chúa, Đấng mà Ngài đã tha thiết mến yêu.
2. CUỘC ĐỜI AUGUSTINÔ ĐỂ LẠI CHO CHÚNG TA HAI BÀI HỌC:
Bài thứ nhất: Khi Ngài còn sống trong tội lỗi và yêu chuộng cuộc đời trụy lạc, thì Thiên Chúa là tình yêu đã dùng hình ảnh của người mẹ để từ từ lôi kéo ngài về với Chúa. Như vậy chúng ta thấy nhờ ơn Chúa, con người có thể thắng mọi trở ngại. Dù là những đòi hỏi của một trí tuệ sắc sảo, kiêu căng, hay những lệ thuộc của một thể xác đầy dục vọng, ơn Chúa cũng vẫn chiến thắng để làm cho con người thuộc về Chúa nếu con người có ý chí quyết tâm, kiên trì và sẵn sàng hy sinh cho con mình như trường hợp bà Monica.
Bài thứ hai: Augustinô là người thích chiêm niệm hơn, nhưng Chúa lại thúc dục ngài hoạt động. Cuộc trở lại của ngài cho chúng ta một gương về sinh hoạt tông đồ. Nếu chúng ta được mời gọi hoạt động, hãy chấp nhận như một bổn phận đức ái, nhưng đừng lãng quên chiêm niệm vì công việc tông đồ của chúng ta cần có hậu thuẫn của một sự tiếp xúc mật thiết với Chúa và nguồn mạch sự sống và chân lý. Quan trọng là chúng ta biết đặt ý Chúa lên trên hết mọi sự.
Cha Gonza thuật truyện:
Khi ấy tôi là công nhân, có dịp đi tiếp tế cho một trại tù Phát xít. Trại này có độ 500 người: gồm Giám mục, tổng đại diện, quản hạt, chánh xứ, phó xứ,… họ bị kết án không cho hoạt động gì cả. Tôi nghĩ rằng, khi tới trại giam tôi sẽ gặp những người chán nản, tuyệt vọng. Tôi chắc rằng đau khổ lớn lao nhất đối với những người này, là nghĩ tới hàng ngàn giáo dân không có người săn sóc. Nhưng ngược lại, các ngài vui vẻ trả lời với tôi rằng:
“Chúng tôi đang sống với Chúa, và đang theo Chúa ở đây. Theo tính tự nhiên, sống mà không hoạt động, nhất là phải xa đoàn chiên là một đau khổ lớn. Nhưng chúng tôi làm điều Chúa muốn, chứ không phải do chúng tôi muốn; chúng tôi tin chắc là Chúa sẽ lo cho giáo dân thay chúng tôi, ở đây chỉ cần sống mỗi giây phút đầy yêu thương nhau, và thương yêu mọi người xung quanh chúng tôi, thì cả những người lính gác cũng vui vẻ với chúng tôi.”
Cha Gonza kể tiếp: “Có lần tôi lại đi tiếp tế cho một linh mục bị giam biệt phòng, tôi hỏi ngài có buồn chán lắm không?
Ngài đáp: “Tự nhiên cũng buồn, vì mình phải câm lặng suốt năm, suốt tháng, suốt ngày, nhưng rồi tôi đã chấp nhận tất cả. Khi có được bánh rượu thì tôi dâng lễ. Khi không có bánh rượu thì tôi cũng vẫn kết hợp với Chúa suốt ngày, và luôn luôn tôi tự nhủ, nếu Chúa không muốn tôi dâng lễ, làm việc tông đồ, thì sống với Chúa trên thánh giá vậy. Tôi hát suốt ngày và suy niệm lời Chúa, nghe Chúa nói với tôi, tôi nói với Chúa. Tuy đau khổ, nhưng tôi cứ sống từng phút, hết phút này đến phút khác, và tôi thấy đây là những giây phút sung sướng nhất của đời tôi, chưa bao giờ tôi dâng thánh lễ, chưa bao giờ tôi chầu Chúa sốt sắng như bây giờ.
Thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội nhiều áng văn lỗi lạc về Thiên Chúa tuyệt đỉnh của tình yêu. Những châm ngôn của Ngài đã trở nên bất hủ và qua các thế hệ đã làm của ăn tinh thần cho nhiều tâm hồn: “Tình yêu là sức mạnh của tôi. Chúa đã sinh con ra cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến lúc được nghỉ ngơi trong Chúa.”
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ hội thánh (Mt 25, 14-30)
- Đọc dụ ngôn nén bạc chúng ta thấy: Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người sử dụng những nén bạc đó. Bởi thế người đã lãnh 5 nén và người đã lãnh 2 nén mà sử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”. Cách sử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lợi. Làm cho chúng sinh lợi không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình, nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
- Qua đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe Thiên Chúa như ông chủ đi công tác xa trao cho mỗi người chúng ta một số bạc, tượng trưng cho tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta, và bổn phận chúng ta là dùng số bạc đó để sinh lợi. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng dựng nên ta và ban cho chúng ta những khả năng riêng, những nén bạc nhiều ít tùy ý Ngài, Chúa cũng chỉ đòi hỏi chúng ta sinh lợi theo khả năng của mình. Thiên Chúa không bắt chúng ta phải làm những gì vượt quá khả năng Ngài đã ban cho chúng ta, chỉ cần một chút trung thành là chúng ta có thể làm trọn công việc của Ngài trao cho chúng ta.
Sau một thời gian lâu dài, ông chỉ đến và thanh toán sổ sách, kẻ sinh lợi được năm nén cũng được khen như người sinh lợi được hai nén, vì cả hai cùng làm tròn nhiệm vụ của chủ giao bằng hết khả năng của mình. Nhưng khả năng Chúa ban cho không phải chỉ để được chôn vùi dưới đất, không phải để được cất giữ nhưng phải để được sinh lợi (R.Veritas).
- Ông cố của linh mục vừa qua đời. Có rất nhiều người đến viếng thăm với hoa, nến và nhiều kinh nguyện khác. Một em bé đến nói với vị linh mục: “Thưa cha, con không có hoa, nến, cũng không thuộc nhiều kinh. Con chỉ đọc cho ông cố một kinh Lạy Cha mà thôi”. Vị linh mục trìu mến trả lời: “Con đừng lo. Lời kinh đơn sơ của con cũng có giá trị cao quý như các kinh nguyện của những người khác”.
Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa đã trao cho mỗi người những nén bạc, tức là những tài năng, kẻ nhiều người ít. Điều Đức Giêsu muốn nhắn gửi, đó là mỗi người phải sử dụng những “nén bạc” là những tài năng Chúa ban, để “sinh lời” cho Chúa. Phần “lời” này không hệ tại ở số lượng nén bạc được gia tăng, mà phụ thuộc tấm lòng của chính chúng ta. Chúng ta có siêng năng làm việc để phát huy tài năng hay không, hay chúng ta lười biếng như đầy tớ vô dụng đã đem chôn bạc xuống đất?
- Tất cả chúng ta cũng là đầy tớ được Chúa uỷ thác cho những nén bạc khác nhau. Từ sự hiện hữu đến những ơn lành đều là những nén bạc Chúa ban cho chúng ta, để phát triển và mang lại kết quả. Chắc chắn Chúa sẽ không đòi những gì quá sức chúng ta. Nếu Chúa chỉ ban cho chúng ta hai nén, Ngài không đòi chúng ta phải làm ra năm nén. Điều quan trọng là chúng ta phải tận dụng ơn lành Ngài ban một cách cụ thể trong việc phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân. Chúng ta sẽ chiếm trọn gia sản Nước trời, nếu biết khôn khéo sử dụng nén bạc đã được giao cho. Và đó là điều chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
- Chúng ta phải cám ơn Chúa từng giây phút trong mỗi ngày, vì dù mình có tài hèn sức mọn, Chúa vẫn tin tưởng trao gửi cho chúng ta những nén bạc của Ngài, để chúng ta sinh lợi cho Chúa. Chúng ta hãy bắt chước người đầy tớ thứ nhất và thứ hai: siêng năng, chăm chỉ làm việc và làm lợi cho chủ, chứ đừng theo người đầy tớ thứ ba: lười biếng, không chịu làm việc. Chúng ta hãy nhớ: không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và cũng không có việc gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không. Tóm lại chúng ta hãy tận dụng tài năng, sức lực, ân lộc Chúa ban, để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp tin yêu trên Nước trời.
- Truyện: Biết làm sinh lợi cho Chúa
Sau khi đến thăm gia đình của người bạn học vừa mất, cô bé trở về nhà. Vẻ mặt giận dữ, cha cô bé hỏi:
- Tại sao con đến nhà người ta vào lúc này?
Cô bé trả lời:
- Con đến để yên ủi mẹ bạn ấy.
- Nhưng con thì làm được gì?
- Ba ơi, con chẳng làm được gì, vì thế con ngồi vào lòng mẹ bạn ấy.
Lúc đó cô bé chỉ biết khóc, nhưng đã an ủi lòng “người mẹ”.
Và tôi, trong cuộc sống, tôi cũng biết cười
để trao tặng “nụ cười hồng” cho mọi người.
Một miếng trầu tôi tiêm cho ngoại
Tách cà phê tôi pha cho bố mỗi sáng
Một chiếc áo dài tôi thêu cho mẹ
Và chiếc nơ hồng bắt bím cho chị
Những bài học hay tôi mang đến với trẻ thơ
Tôi đã làm tất cả hết khả năng và nhiệt huyết của mình.
Tôi vui vì đã góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm hương vị.
Lạy Chúa! Xin giúp con biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao,
biết trung thành với bổn phận hằng ngày (Hosanna).
Suy niệm (Lm. Nguyễn Hữu An)
1. Hối nhân trở thành thánh nhân
Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, nay là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu công giáo, đạo hạnh, gương mẫu và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô.
Khi còn bé, Augustinô là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius. Sau 16 năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.
Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao xa dễ đưa con người vào con đường xa hoa trụy lạc. Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ, và Augustinô cũng không ngoại lệ. Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp.
Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật. Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này. Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.
Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373, ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con trai của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, Augustinô đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống.
Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato.
Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.
Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia. Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.
Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị. Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh. Trong suốt quãng thời gian làm Giám mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.
Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và được nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1303.
Thánh Augustinô trở lại vào năm 33 tuổi và 3 năm sau Ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục. Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ! Con đã yêu mến Ngài quá muộn!
“Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”. (Tự thuật X, 27, 38 ). Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe Lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1).
2. Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời
Thánh Augustinô để lại cho Giáo hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.
Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo. Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú. Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.
Đọc những tác phẩm của thánh Augustinô, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng. Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc. Ngài đã là giáo sư ở Thagaste, Carthage, Roma và Milan. Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.
Trí thức của thánh Augustinô được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan. Đối tượng là Thiên Chúa và con người. Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô. Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan. Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi. Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài. Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường. Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augutinh đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức. Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Thagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone. Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.
Một chọn lựa đã được thánh Augustinô hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài. Trong mục vụ, thánh Augustinô lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn. Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô. Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô. Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong. Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.
Thánh Augustinô là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.
Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều điều phải cố gắng thêm.
Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề. Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi. Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức. Nhất là trí thức Phúc Âm. Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.
Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp. Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.
Ước mong Công giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu. Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời. Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta. Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung. (x. Vietcatholic 27-8-2010, nhân lễ kính thánh Augustinô, suy nghĩ về trí thức; ĐGM Bùi Tuần).
3. “Giám mục vì anh chị em, Kitô hữu với anh chị em”
Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.
Thánh Augustinô đã sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đào sâu Kinh Thánh. Kinh nguyện trong cộng đoàn giúp ngài thêm mạnh mẽ. Sự ân cần của ngài đối với mọi người luôn là một huyền thoại: những người dự tòng chuẩn bị bí tích Rửa Tội, những người bị mất phương hướng luân lý viết thư xin ngài chỉ giáo, những giáo lý viên chán nản, những linh mục mất định hướng thần học…
Đối với Augustinô, người Kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Vả lại, cuộc sống Kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt ?
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Augustinô sinh năm 354 tại một làng nhỏ bên Phi châu là con của thánh nữ Mônica. Ngài đã trải qua giai đoạn thanh xuân đầy náo động cả về đạo lý lẫn cách sống cho tới khi được thánh Ambrôsiô thanh tẩy cho năm 387.
Ngài trở về quê hương và sống một cuộc đời khắc khổ và được đề cử làm giám mục thành Hyppone. Trong suốt ba mươi tư năm làm giám mục, ngài đã tận tuỵ chăm sóc đoàn chiên. Lòng nhiệt thành, sự khôn ngoan, sáng suốt và sự thánh thiện của ngài đã làm cho Giáo hội Phi châu tiến triển rất nhiều. Ngài đã viết rất nhiều và để lại các pho sách về thần học, minh giáo, chú giải Thánh Kinh rất có giá trị và nổi tiếng. Suốt cuộc đời giám mục, ngài đã sống khiêm tốn, hiền lành và thực thi đức ái huynh đệ rất chân tình đối với các linh mục dưới quyền của mình. Nhưng đáng kể nhất là tư tưởng và chứng tá đời sống của ngài đã loan tỏa. Ngài đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội. Đối với ngài, Giáo hội là cộng đoàn tín hữu Hyppone và đồng thời cũng là thân thể Chúa Kitô trải rộng khắp thế giới. Ngài qua đời năm 430, thọ 76 tuổi.
Xin cho chúng ta biết noi gương thánh giám mục Augustinô, chỉ khát khao một mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương.
Câu chuyện
Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, nhờ đó mà ông bắt đầu nổi tiếng...
Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào.
Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không nghe rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi...
Suy niệm
Nhà thông luật Do Thái giáo có nhiệm vụ chú giải Luật Môisê để dân chúng áp dụng vào đời sống hàng ngày. Người pharisiêu là một tầng lớp tri thức đạo đức bao gồm những người chủ trương sống đạo nhặt nhiệm, nhất là trong việc thi hành luật đạo. Là những vị vọng có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đạo đức, thế nhưng họ đã chỉ chú trọng đến hư danh, đến chiếc ghế danh dự trong cộng đoàn như Tin Mừng Đức Giêsu đã chỉ cho thấy. Ðức Giêsu chỉ trích và vạch trần cách họ dạy đạo và sống đạo hình thức, chỉ mong hư danh. Đối chiếu với sự ham danh dự nơi các người trách nhiệm Do Thái, Ngài dạy các môn đệ tinh thần phục vụ yêu thương: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.
Trong xã hội hôm nay, người ta làm mọi cách để được ngồi trên ghế công quyền, thay vì được tín nhiệm với trách nhiệm mang tinh thần phục vụ lo cho dân, cho nước, cho anh em, thì ngược lại, chiếc ghế ấy làm hãnh diện cho họ, là nơi thu vét cho gia đình cho bản thân. Cho nên, người ta chỉ lo giữ và ôm trọn “chiếc ghế”. Khi nắm ghế, họ tỏ hiện quyền bính, đè bẹp mọi tiếng nói đối thoại… Hơn nữa, các thủ đoạn bịt miệng, vu cáo, chụp mũ anh em vì những mưu đồ của quyền bính xảy ra... Một cách nào đó, danh dự, quyền bính phục vụ cho lợi ích cá nhân trong xã hội, Giáo hội hôm nay cũng giống như các biệt phái và kinh sư chỉ luôn tìm kiếm hư danh, bổng lộc. Còn hơn các biệt phái, kinh sư ngày xưa, con người hôm nay thủ đoạn hơn họ khi dùng tiếng nói của quyền bính để thực hiện mưu đồ cá nhân trên cuộc sống của anh em đồng loại.
Chúng ta cảm thấy bị “sốc” khi nghe Chúa Giêsu xưng hô “cha” chỉ dành cho Thiên Chúa và danh “thầy” nên chỉ được dành cho Đức Kitô. Ngay Giáo hội sơ khai, đã có các đấng bậc làm cha, thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, đã gọi các người mình dẫn dắt là con (x. 1Cr 4,14-17; Gl 4,19). Gọi các bậc lãnh đạo trong Giáo hội là cha, chúng ta ý thức rằng các ngài được chia sẻ quyền làm cha của Thiên Chúa. Trong Giáo hội, mọi người dù có chức vụ hay các chức vị khác nhau, tất cả anh em đều là anh em với nhau, là con một cha.
Trong Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28), và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8). Chỉ có một vị thầy là Ðức Giêsu, gọi thầy nơi các bậc dạy dỗ trong dân Thiên Chúa là thầy vì các ngài tham dự vào nhiệm vụ thầy dạy của Đức Kitô. Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ, như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50), và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28), Ngài là mẫu gương phục vụ tuyệt vời và mời gọi những ai mang tinh thần công vụ “người làm lớn” phải phục vụ.
Thật thế, dù công quyền hay giáo quyền, mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.
Chúng ta cũng đối chiếu bản thân mình với tinh thần Đức Kitô: Mời gọi tất cả những ai mang trong mình trọng trách công vụ, trách nhiệm thầy dạy. Chúng ta tự cảnh tỉnh: Mang trong mình nhiệm vụ vì danh dự đến từ chiếc ghế, hay từ tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu nhấn mạnh…
Xin tinh thần phục vụ đến từ Chúa Kitô thanh tẩy tâm trí tôi và bạn, tâm trí của các nhà lãnh đạo, các bậc thầy dạy dỗ trong dân, để xã hội và đất nước được xây dựng trên tinh thần phục vụ trong trách nhiệm, liêm chính.
Ý lực sống
“Các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô” (Mt 23,10).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi