Ngày 27/6: Thánh Cyrillô Alexandria, Tiến sĩ Hội Thánh
Ngày 27 tháng 6
CYRILLÔ THÀNH ALEXANDRIA
I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ
Hôm nay Giáo Hội cho chúng mừng lễ kính Thánh Cyrillô giám mục Alexandria (376-444). Thánh Cyrillô Alexandria là một trong số 35 tiến sĩ của Hội Thánh, là một trong những người có công tổ chức Công Đồng Êphêsô vào năm 431, và chống lại bè rối của Nestorio.
Cyrillô của Alexandria là Thượng phụ Alexandria từ 412 đến 444. Ngài tựu nhiệm khi thành phố đang ở đỉnh cao ảnh hưởng và quyền lực trong Đế quốc La Mã. Cyrillô viết rất nhiều và là một nhân vật chính hàng đầu trong các cuộc tranh luận Kitô học giai đoạn cuối thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Ngài là một nhân vật trung tâm trong Công đồng Êphêsô vào năm 431, dẫn đến việc hạ bệ Nestorius khỏi chức vị Thượng phụ Constantinopolis. Cyrillô được biết đến nhiều nhất qua cuộc tranh cãi của ngài với Nestorius và Thượng phụ John I của Antioch - người bị Cyrillô trục xuất khỏi Hội đồng Ephesus vì đến trễ.
Vào đầu thế kỷ V, ở Ðông Phương nổi lên một lạc giáo khá mạnh do Nestorius cầm đầu. Theo Nestorius, Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là Mẹ Chúa Giêsu xét về nhân tính mà thôi. Như vậy, Nestorius phủ nhận hai bản tính nơi Chúa Giêsu, đồng thời phủ nhận cả mầu nhiệm Nhập Thể.
Ðức Cyrillô đã cấp thời đệ trình lên Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh đã chỉ thị cho ngài chống lại bè rối. Trong những lần tranh luận với Nestorius, ngài luôn tỏ ra một chủ chăn bình tĩnh và nhã nhặn, nhưng rất cứng rắn về giáo thuyết. Năm 430, ngài kết án Nestôrus là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Êphêsô. Nestôrius không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Giáo Hội đã xác định rõ ràng chính Thiên Chúa đã trở thành người thật. Chính bản tính Thiên Chúa đã hợp với bản tính nhân loại trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Vậy, Ðức Maria phải là Mẹ Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng chuẩn nhận quyết định này của công đồng, nhưng hoàng đế thì không nhận vì ông có thiện cảm với giám mục Nestorius, Thế là ông ra lệnh bắt giam thánh nhân. Nhưng sau đó, ngài được thả và thuyết phục được hoàng đế chấp thuận quyết định của công đồng.
Dưới đây là một đoạn thư thánh nhân xác quyết thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria: “Tôi thật lấy làm lạ có nhiều người nghi ngờ có nên gọi Đức Thánh Trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa không. Thật vậy, nếu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta là Thiên Chúa, thì vì sao không gọi trinh nữ sinh ra Ngài là Mẹ Thiên Chúa? Niềm tin này các tông đồ đã truyền lại cho ta, tuy các ngài không dùng chính danh xưng ấy. Nhất là vì tổ phụ lừng danh của chúng ta là Athanasiô, trong sách viết về Ba-ngôi cực thánh đồng bản thể, ở chương ba đã nhiều lần xưng đức Thánh Trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa.
Nhưng tôi phải dùng chính lời của tác giả. Ngài viết như sau: “Như chúng tôi thường nói: mục đích và đặc tính của Kinh Thánh là tuyên bố về hai điều này về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta: Một đàng, Người chính là Thiên Chúa, và chẳng bao giờ ngơi là Thiên Chúa; Người là Ngôi Lời, là vinh quang và là khôn ngoan của Chúa Cha, nhưng đồng thời vào thời gian tận cùng này, chính người đã mặc lấy xác thể từ Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, để làm người vì chúng ta.”
Thánh nhân qua đời năm 444, và được Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII tôn phong tiến sĩ Hội thánh vào năm 1882.
II. BÀI HỌC
Bài học chúng ta nhận được từ thánh Cyrillô là tấm lòng son sắt gìn giữ và bảo vệ đức tin, hết lòng tôn kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Ngày nay, đứng trước một thế giới đang đòi hỏi thay đổi mỗi ngày, người ta đã nói nhiều tới việc phải bảo vệ. Ngày 7/6/2021 tôi vào Google gõ vào cụm từ “bảo vệ” trong vòng 0, 79 giây, tôi nhận được 825.000.000 kết quả.
Việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị cốt lõi trong cuộc sống dường như đang là một nhu cầu khẩn thiết trong cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay.
Giáo hội cũng không phải là một ngoại lệ. Ngày xưa cũng như ngày nay, lúc nào Giáo hội cũng phải đối diện với những con người, những phong trào đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi, phải đổi mới, phải thế nọ thế kia...vv.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong Giáo Hội có những chân lý, những sự thật vĩnh cửu như những sự thật về đức tin mà Chúa đã mạc khải cho con người. Những sự thật ấy là những sự thật vĩnh cửu, muôn đời không đổi thay. Đó là những sự thật đòi hỏi con người phải đón nhận với niềm tin của mình.
Chỉ có một sự thật muôn đời không biến đổi:
Đó là Chúa Kitô Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16, 16)
Chính công đồng Vaticanô II đã lớn tiếng quả quyết điều đó cho chúng ta, cho toàn thể nhân loại:
“Giáo hội tin rằng: đức Kitô là bí quyết, là trung tâm, là cứu cánh của lịch sử nhân loại: Ngài là Chúa là thầy của nhân loại”.
Giáo hội còn quả quyết rằng trong mọi cuộc thay đổi, vẫn có những điều không thay đổi, bởi vì nền móng cuối cùng của những điều không thay đổi này là “Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Hebr 13, 8)
Là Kitô hữu, chúng ta mang chính sự thật hằng sống đó trong con người của chúng ta.
Nhưng chúng ta dám có sống chính sự thật đó không?
Tức là chúng ta có mạnh mẽ tin vào Chúa Kitô, nồng nhiệt yêu mến Người và cương quyết thể hiện tinh thần Phúc âm của Người trong đời sống hàng ngày của chúng ta chăng?
Chúng ta hãy bắt chước thánh Cyrillô đón nhận và ghi nhớ tận con tim của mình những chân lý Chúa đã mạc khải cho chúng ta và can đảm sống để làm chứng cho niềm tin đó.
Khi quân đội Nga tiến vào thủ đô Budapest nước Hungary để trấn áp một cuộc bạo động, có một viên sĩ quan trẻ hung hăng trong tư thế một kẻ chiến thắng, đã tìm đến nhà một vị mục sư.
Bước vào phòng, đóng sập cửa lại, anh ta chỉ lên cây Thánh Giá treo trên tường và bảo ông mục sư:
- Này, ông có biết không, cái đó là một sự dối trá, mê hoặc dân nghèo để bọn người giàu có thể kìm hãm họ trong sự ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông và tôi, ông hãy thú nhận là không hề tin cái ông Giêsu nào đó là Con của Thiên Chúa...
Vị mục sư điềm tĩnh nhỏ nhẹ trả lời:
- Không thể được, tôi thật sự tin vào Người!
Viên sĩ quan rút súng ra và bảo:
- Ông đừng có đùa với tôi! Nếu ông không khẳng định đó là sự dối trá, tôi sẽ nổ súng giết ông ngay!
Vị mục sư đứng thẳng người, nhìn sâu vào đôi mắt anh ta và dõng dạc trả lời:
- Tôi không thể nói khác được. Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa!
Thật không ngờ, nghe đến đây, viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống nền nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị mục sư. Anh vừa khóc vừa nói:
- Xin lỗi ông, tôi chỉ muốn thử xem ông có trung thực hay không! Đúng thế, tôi cũng đã âm thầm lặng lẽ tin trong suốt nhiều năm qua như ông đã tin! Nhưng giờ đây, tôi đã khám phá ra rằng: có ít nhất một người dám chết cho Đức Tin của mình, chính ông, ông đã củng cố Đức Tin cho tôi!
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục
-
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)