Ngày 26/01: Thánh Timôthê và Titô, giám mục
Ngày 26 tháng 1
THÁNH TIMÔTHÊÔ THÁNH TITÔ GIÁM MỤC
Lễ nhớ
1. Đôi dòng tiểu sử
+ Thánh Timôthêô.
Thánh Timôthêô và Titô là hai môn đệ thân tín và nổi tiếng của thánh Phaolô, nên Hội thánh cho mừng lễ các ngài chung một ngày, ngay sau ngày kính thánh Phaolô trở lại.
Timôthêô sinh ở Lycaonia thuộc vùng Tiểu Á. Thân mẫu ngài là người Do Thái và thân phụ ngài là người dân ngoại. Khi Phaolô đến Lycaonia rao giảng, thì một số người trong gia đình của Timôthêô là bà ngoại, thân mẫu cũng như chính Timôthêô đã được trở nên những Kitô hữu. Nhiều năm sau, Phaolô trở lại đây một lần nữa. Lúc này Timôthêô đã khôn lớn. Phaolô tự nhiên như có linh cảm Timôthêô là người được Chúa gửi đến cho mình. Phaolô đã ngỏ ý muốn gọi Timôthêô làm tông đồ truyền giáo cho Chúa. Timôthêô đã hân hoan đáp lại lời mời gọi của Phaolô. Thế là Timôthêô rời bỏ cha mẹ và nhà cửa và lên đường. Ngài cùng chia sẻ đau khổ với Phaolô, vui mừng mang Lời Chúa đến cho mọi người. Timôthêô là tông đồ yêu quý đặc biệt của Phaolô; và Phaolô xem ngài như đứa con nhỏ của mình. Ngài đã cùng Phaolô đi khắp nơi cho tới khi ngài được cử làm Giám mục tiên khởi giáo đoàn Êphêsô, một giáo đoàn rất nổi tiếng thời đó.
Timôthêô đã hết lòng lo cho đoàn chiên, luôn được thánh Phaolô nâng đỡ khuyên bảo. Trong suốt thời gian làm Giám mục tại đây, ngài đã nhận được hai bức thư của thánh Phaolô. Trong lá thư thứ I, Phaolô đã đưa ra những chỉ dẫn giúp cho Timôthêo tổ chức và điều khiển các cộng đoàn, đồng thời cũng khuyên phải luôn trung thành với giáo lý lành mạnh cũng như can đảm bảo toàn giáo lý đã được giao phó
Với lá thư thứ hai, thánh Phaolô đã bộc lộ hết cõi lòng của Ngài như một người cha để lại những di chúc tinh thần cho người con yêu quí. Những lời cuối cùng của người cha để lại cho người con là những lời dặn dò tâm huyết “Cha tha thiết khuyên con: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh ” (2Tm.4,15)
Sau khi Phaolô qua đời, Timôthêô được phước sống với thánh Gioan tông đồ, là môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu.
Thánh nhân đã được phúc tử đạo năm 97.
+ Thánh Titô.
Thánh Titô là con một gia đình ngoại giáo, được thánh Phaolô dạy đạo, rửa tội, gọi là “người con chân thành”, đồng thời cũng trao cho nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh tông đồ đã đặt ngài làm Giám mục giáo đoàn Kêta. Phaolô đã luôn khuyên ngài phải sống xứng đáng với danh nghĩa là người đứng đầu cộng đoàn, đồng thời phải đối xử thế nào cho thích hợp với mỗi hạng người. Đây là tâm tình của Phaolô: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa và tông đồ của Đức Giêsu Kitô . Tôi gửi lời thăm anh Titô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, ban cho anh ân sủng và bình an. Tôi đã để anh ở lại Kêta, chính là để anh hoàn thành công cuộc tổ chức và đặt kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh. Hãy dạy những gì hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng đáng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Anh hãy nhắc nhở cho mọi người rằng ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. (Titô 1,15; 3,18).
Titô làm Giám mục vùng quần đảo Crêta, nơi ngài định cư cho tới khi qua đời khoảng năm 105.
2. Bài học từ cuộc sống.
Đọc lại cuộc đời của hai thánh Timôthêô và Titô, chúng ta thấy Thiên Chúa làm mọi việc thật kỳ diệu. Thiên Chúa đã chuẩn bị thật kỹ cho những ai cộng tác với Người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời của mình, thánh tông đồ dân ngoại Phaolô lại có được Timôthêô và Titô ở bên cạnh mình. Phải nói rằng nếu không có được những môn đệ đồng hành và cộng tác với mình như Timôthê và Titô thì không hiểu công cuộc truyền giáo của Phaolô sẽ ra sao.
Xét như thế, chúng ta mới thấy có được những người cộng tác với công việc tông đồ thật là quan trọng.
Có hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:
- Anh nghĩ xem, chúng ta có cần tiếp tay với cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người thứ nhất hỏi.
- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.
Một người thứ ba từ nãy đến giờ đứng bên cạnh đã nghe được câu chuyện giữa hai người, anh chen vào:
- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không ?
- Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.
- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói "VÂNG". (Góp nhặt)
Chúa Giêsu trước khi đi rao giảng Tin Mừng, công việc đầu tiên của Chúa là kêu gọi một số người cộng tác với Người. Giáo Hội tiếp nối công trình của Chúa, cũng không đi ra ngoài quy luật đó.
Thiếu việc cộng tác với nhau mọi việc sẽ không thể có kết quả tốt đẹp.
Một lần, có một người đàn bà giàu có người Hindou đến thăm Mẹ. Bà ta nói với Mẹ:
- Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với Mẹ và cộng tác với mẹ trong các hoạt động từ thiện.
- Tốt lắm! -Mẹ đáp lại một cách vui vẻ
Rồi bà ta thú thực với Mẹ là bà ta có một điểm yếu rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo Xa-ri, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc một bộ áo Xa-ri giá trị 65 dollars, trong khi chiếc áo Xa-ri của Mẹ Têrêsa đang mặc chỉ trị giá 65 xu, chưa đầy một dollar, Như được ơn trên soi sáng Mẹ Têrêsa bỗng nảy ra được tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với Mẹ về những bộ áo xa-ri đó. Mẹ khiêm tốn đền nghị:
- Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xa-ri giá 65 hoặc 100 dollars, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 dollars thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari khác dành cho người nghèo.
Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà cũng biết dùng những bộ áo xari rẻ tiền hơn. Sau này chính bà cũng đã thú nhận với Mẹ Têrêsa rằng:
- Thưa Mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng bên ngoài vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn thứ con cho đi và chia sẻ với anh chị em nghèo khổ!
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục
-
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)