Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (+video)
LỄ CHÚA GIÁNG SINH
|(lễ đêm)
Cách đây hai ngàn bảy trăm năm, có một người được Thiên Chúa ban cho ơn đặc biệt, đó là tiên tri Isaia, ông hướng về tương lai của nhân loại mà thần của Thiên Chúa đã hé mở cho ông, ông nói những lời mà chúng ta vừa được nghe lại.
Kể từ ngày đó, nhân loại đợi trông Con trẻ đã được tiên báo ra đời. Rồi người ta thấy một Người có những điểm rất kì diệu xuất hiện.
Ngài là Con Trời nhưng lại chịu làm con một người thợ mộc tầm thường. Dầu sống bình thường, nhưng tuổi thơ ấu của Ngài làm cho vị Vua Hêrôđê đầy kiêu ngạo và gian ác phải khiếp sợ. Ngài là Đấng Tạo Hóa quyền năng, nhưng gặp nhiều hiểm nguy có liên hệ đến tính mạng nên cha mẹ Ngài đã phải ẵm Ngài đi tị nạn.
Ngài là Đấng giàu có tột đỉnh trong nước trời, nhưng lại chịu trở nên nghèo nàn vô cùng trên trái đất. Ngài nghèo đến nỗi, khi sinh ra, không có chỗ đặt lưng. Phải nằm nhờ trên một máng cỏ trong hang chứa súc vật của một người không quen biết. Ngài không có tiền đến nỗi phải bảo một môn đi câu để tìm một đồng bạc nơi miệng cá để đóng thuế. Muốn đãi toàn dân một bữa ăn, Ngài phải nhờ bánh và cá của một em bé. Khi muốn qua bên kia bờ biển, Ngài phải đi nhờ thuyền của người chài lưới. Muốn vào thành Giêrusalem Ngài phải dùng con lừa mượn của người khác. Khi chết, Ngài chỉ còn một cái áo, nhưng bọn lính cũng lấy cái áo đó của Ngài. Sau khi chết, Ngài không có tiền để lại để mua một cái huyệt, mà người ta phải chôn Ngài trong một cái huyệt của người khác. Thế mà ngày nay đâu đâu cũng có nhà của Ngài.
Ngài không có cấp bằng đại học, nhưng cho dù sự khôn ngoan cao nhất ở đại học từ cổ chí kim, cũng không sao so sánh được với sự khôn ngoan của Ngài. Khi mới mười hai tuổi, Ngài đã làm cho bao người thông thái phải ngạc nhiên vì những lời đối đáp cao siêu của Ngài. Nghe lời Ngài giảng dạy, mọi người phải ngạc nhiên vì Ngài giảng dạy có uy quyền…..khác hẳn những người khác, vì Ngài có đầy đủ thẩm quyền phán quyết cho mọi vấn đề. Ngài có quyền trên định luật thiên nhiên. Một đám tiệc cưới bất ngờ thiếu rượu, Ngài đã biến nước thành rượu để giúp chàng rể khỏi bẽ mặt trong ngày vui của chàng. Chỉ dùng một phần ăn của anh em nhỏ, năm cái bánh và hai con cá, Ngài đã đãi hơn năm ngàn người một bữa ăn no nê lại còn dư ra mười hai giỏ đầy những miếng bánh vụn. Một đêm khuya kia trong một cơn giông dữ dội, Ngài đã coi thường định luật hấp lực của trái đất, Ngài đã đi trên mặt biển rộng đang lộng gió để đến với các môn đệ. Họ đang kinh hãi vì các ngọn sóng biển cao gầm thét, nhưng Ngài không sợ mà trái lại, Ngài đã quở gió và biển, chúng phải vâng lệnh ….. im lặng như tờ. Việc lạ lùng đến nỗi các môn đệ kinh ngạc hỏi nhau “Ngài là ai ?”
Các bác sĩ phải dùng thuốc để chữa bệnh, nhưng Ngài chỉ dùng lời phán để chữa lành mọi bệnh tật. Thật lạ lùng! Ngài đã giải tán đám tang bằng cách rờ vào quan tài của cậu trai đã chết và cho cậu sống lại để trở về nhà cùng bà mẹ của cậu. Ngài biến cảnh đau thương biệt ly của Mátta thành cảnh vui mừng sum họp bằng cách gọi Ladarô sống lại, ra khỏi mồ, dù chàng đã chết và đã chôn được bốn ngày.
Ngài chẳng hề viết một cuốn sách nào nhưng hiện nay trên thế giới, không có một thư viện nào có đủ chỗ để chứa những sách người ta viết về Ngài. Ngài không hề vẽ một bức tranh nhưng ngày nay không biết bao nhiêu bức tranh người ta vẽ về Ngài. Ngài không sáng tác một bài nhạc hay một bài ca nào để nói về Ngài, nhưng những bản nhạc đại hòa tấu chúc tụng Ngài nhiều vô kể và đang vang tiếng khắp bốn bể năm châu!
Ngài không hề có vũ khí trên tay. Ngài cũng không hề tuyển mộ binh sĩ để thành lập quân đội, nhưng không có một tướng lãnh nào hay bất kì vị lãnh tụ nào có nhiều người bằng lòng tuân lệnh Ngài. Đã có hàng tỉ người tự nguyện tuân lệnh Ngài từ hai ngàn năm nay và mãi mãi về sau. Trong lịch sử loài người đã có rất nhiều người quyết tâm chống trả Ngài với tất cả khả năng quyền lực của họ, nhưng rồi trong số đó đã có người phải chịu quy hàng, đầu phục Ngài. Không phải vì Ngài đã chinh phục họ bằng vũ lực, nhưng Ngài đã chinh phục họ bằng tình yêu nhân lành Ngài dành cho họ.
Các đế quốc hưng thịnh rồi suy tàn. Các vua chúa lần lượt ra đi, nhưng Ngài còn lại đời đời. Vua Hêrôđê không giết được Ngài, đế quốc La Mã không tiêu diệt được Ngài. Sự chết không có quyền trên Ngài. Mồ mả không giữ được Ngài, vì vị trí của Ngài là ở bên hữu Đấng Toàn Năng.
Tất cả ai nấy đều chết vì mình, nhưng Ngài lại chết vì tội nhân. Tất cả mọi người đều bị khuất phục trước sự chết, nhưng ngài đã chiến thắng sự chết và bước ra khỏi mồ một cách khải hoàn. Người đời thường rời cuộc đời trần thế bằng nấm mồ chôn ba tấc đất, nhưng ngài rời cuộc đời trần thế bằng cách thăng thiêng về trời. Lúc đó một đám đông ngơ ngác, ngước mắt lên nhìn theo Ngài vì việc quá lạ lùng xảy ra trước mắt họ!
Ngài đã từng bị khinh bỉ nhục nhã, nhưng nay Ngài đang ngồi trên ngai vinh hiển của Thiên Chúa. Trước khi trở lại ngôi trời, Ngài đã hứa một điều lạ lùng cùng những kẻ thuộc về ngài rằng: Ta đi và sắp sẵn cho các con một chỗ. Khi Ta đã sắp sẵn cho các con một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, hầu ta ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó với ta. Lời hứa lạ lùng này sẽ thành tựu trong tương lai gần đây. Lúc đó những người của Ngài sẽ vui mừng trọn vẹn vì được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Đấng kì diệu của họ.
Đấng kì diệu ấy là ai ? Thưa Ngài chính là Chúa Giêsu. Ngài là con trẻ đã sinh ra tại chuồng chiên nằm trong máng cỏ cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã từ trời giáng thế để đem những ai tin nhận Ngài từ trần gian về cõi trời.
Xin kính chúc tất cả một mùa Giáng Sinh vui vẻ và đầy hồng ân của Chúa Giêsu.
LỄ GIÁNG SINH RẠNG ĐÔNG
Lc 2,15-20
“Hôm nay Đấng Cứu độ chúng ta đã ra đời”.
Kính thưa anh chị em.
Chúng ta đang ở trong bầu khí mừng Chúa Giêsu giáng sinh làm người.
Nhìn vào biến cố diễn ra tại hang đá Belem, chúng ta thấy một cảnh tương phản khó hiểu xuất hiện trước mắt chúng ta.
1. Trước hết là cảnh tương phản giữa trời và đất.
Bầu trời hôm ấy rực sáng...”trong vùng ấy” đêm hôm ấy bừng sáng. Cả bầu trời vang dội tiếng ca mừng biến cố, với quy mô lớn lao và hoành tráng chưa từng có “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “ Vinh danh Thiên Chúa trên trời; bình an dưới thế cho loài người Chúa thương “. Vâng! Đất trời tưng bừng mở hội
Còn gì cao đẹp hơn! Còn gì tuyệt diệu hơn. “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời - Và Bình an dưới thế cho người Chúa thương.
Nhưng dưới bầu trời rực sáng đó là một hang đá nghèo hèn, tăm tối người ta dùng để làm chỗ trú đêm cho loài vật lúc đêm về. Trong hang đá đó có một cặp vợ chồng trẻ vì hoàn cảnh nghèo, nghèo quá cho nên không tìm được chỗ trọ ở trong phố chợ, đã phải ra đó để nương nhờ, mượn chỗ đó làm nơi hạ sinh cho đứa con đầu lòng thân yêu của họ. Vâng! Giữa cảnh rực sáng của bầu trời, không dè lại tồn tại một cảnh nghèo hèn như thế ngay ở trên cõi dương gian này!
2. Tiếp đến là cảnh tương phản giữa người với người trong biến cố này.
Nào mấy ai hiểu được rằng hài nhi được sinh ra trong hang đá nghèo hèn đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nào mấy ai hiểu được rằng Hài Nhi đó là Đấng mà muôn dân đợi trông...đợi trông từ bao ngàn năm qua! Nào có mấy ai hiểu được rằng Hài nhi nghèo khó tại hang đá Belem hôm đó là Đấng Cứu Thế, Đấng đem lại ơn Cứu độ cho cả loài người. Và có mấy ai ngờ được rằng những người đầu tiên được đón nhận mạc khải của biến cố, lại không phải là những người giàu có, quyền uy ... mà lại là những con người mạt rệp của xã hội thời ấy: “những người chăn chiên “, những người thường bị coi là những tên bất lương, phường trộm cắp. Những người ở nấc thang cuối cùng của xã hội thời đó. Nào mấy ai ngờ được rằng những người vốn bị khinh bỉ ấy lại là những người đầu tiên được chia sẻ ơn Giáng sinh của Đấng có một người mẹ là “kẻ khiêm hạ”, và Đấng sẽ mang Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ (4.18).
Vâng sứ điệp mà “Thiên thần Chúa” gởi đến cho họ là “Một Tin Mừng” một niềm vui trọng đại. Đó là tin vui “cho toàn dân “, tin vui về một hài nhi Giáng sinh, mà chỉ hài nhi đó mới có đầy đủ những danh hiệu là “Đấng Cứu độ, Đấng Mêsia”, “Đức Chúa “, bởi vì hài nhi đó là mạc khải sống động của lòng nhân hậu Chúa.
Và “Dấu chỉ” được ban cho các người chăn chiên trong vùng Bêlem hôm ấy không phải là giường vàng nệm ấm, cũng chẳng phải là hoàng tử của ông hoàng bà chúa mà là “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ “, Thật là lạ lùng, ai mà ngờ được dấu chỉ đó lại là dấu chỉ cho các mục đồng nhận ra Đấng Cứu Thế!
Khi suy niệm về sự việc này, R. Meynet viết: “Kẻ đứng đầu trở nên người rốt hết. Người là Đấng Cứu độ, là Vua, là Đấng Mêsia sẽ được ban cho ngôi báu Đavít, lại đã nằm trong máng cỏ bò lừa; Người được bọc tã nằm trong cái nôi của số phận nghiệt ngã, và chính cái đó, cái dấu chỉ ngược đời này đã được ban cho các người chăn chiên cũng như cho những kẻ có lòng tin của mọi thời. Bằng chứng oai phong của Chúa là sự thấp hèn, bé nhỏ của Người, dấu chỉ quyền năng của Người là vẻ yếu đuối” ,
Khi vùng quê Bêlem đã trở về với đêm tối và tĩnh mịch, các người chăn chiên đã hối hả ra đi “đến xem sự việc đã xảy ra “. “Họ thấy bà Maria, ông Giuse cùng với hài nhi đặt nằm trong máng cỏ “.
3. Kính thưa anh chị em, ngày xưa là như vậy. Và hôm nay cũng vậy thôi, Người đến xô đẩy những gì người ta vẫn coi là ưu tiên, những quan điểm hẹp hòi và những chương trình to lớn vĩ đại của ta. Ở đâu người ta ít chờ đợi Người, thì Người lại xuất hiện. Và với một Đức Kitô như thế, thì rất có nguy cơ lại trở về tình trạng chẳng khác gì đêm Noel xa xưa ngày ấy: sẽ chẳng ai mà đoái hoài đến, chẳng ai biết cho, luôn bị đe doạ, bị thành phần ưu tú của tín hữu và những kẻ thế lực đời này ruồng rẫy thôi. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.
Mà tại sao lại thế ? Là vì Người không chỉ bằng lòng với việc kêu gọi cầu nguyện và tổ chức những lễ lạy rình rang, nhưng Người giảng dạy sự tha thứ và lòng xót thương; Người tuyên bố phẩm giá và những quyền của con người phải được tôn trọng. Là vì Người vạch rõ những con đường để thực thi công lý, hòa bình, hiệp nhất và 'huynh' đệ' bằng việc hoán cải cái tâm, thay đổi cái tính và uốn nắn cái tình.
Vâng! Thiên Chúa đến làm cho chúng ta trở nên “một dân hăng hái làm điều thiện”. Thế nên ta hãy làm cho lòng ta thành một cái nôi lãnh nhận Lời ban sự sống. Và khi bàn tay ta, giống như máng cỏ, giơ ra để nhận Lời hóa bánh, thì hãy nhớ rằng Người đến trong ta để lấy đó làm nơi cư ngụ, để soi sáng, giải thoát, biến đổi ta và để làm cho ta trở thành những chứng nhân và làm bằng chứng cụ thể cho tình yêu của Người đối với mọi người vậy. . .
(J. Debruyne, trong “Jésus, sa chair, ses racines”, Desclée, trg 201-202).
“Đêm đó các người chăn chiên đã lên đường đi tìm Chúa.
Phải chăng hài nhi sơ sinh kia
Là người thân của họ
Nên đã sinh ra trong chuồng bò lừa như thế
Có lẽ rồi đây Người cũng sẽ là kẻ chăn chiên chăng ?
Thế tại sao hài nhi bé bỏng kia
Rồi đây lại không muốn làm
“một chú bé mục đồng “
Họ là những người canh giữ đoàn vật
Luôn trông chờ bình minh mau tới,
Qua ánh sao, họ nhận ra dấu chỉ
Giữa trời đêm, họ đọc Thánh Kinh.
Họ là những người nay đây mai đó,
Mòn vết chân trên những đồng cỏ thưa,
Họ khéo léo tập hợp bầy chó dại.
Và rất dễ dàng quy tụ đoàn chiên.
Hơn là bế bồng nâng niu em nhỏ,
Có lẽ họ là lời loan báo
Rằng đêm nay
Một cuộc xuất hành mới bắt đầu chăng ?
Có lẽ vì họ là
Những con người của lều trại
Không cố định ở một chốn nào lâu.
Vì họ là những anh em bà con của Chúa,
Nên khi ở với họ,
Chúa cảm thấy như ở nhà mình chăng ?
Phải có được những con mắt như họ,
Mới có thể giữa trời đêm
Nhắm ánh sao mà tiến tới,
Để nhận ra Thiên Chúa ẩn mình
Dưới hình hài một trẻ sơ sinh...
Đêm hôm đó,
Đêm vui của những người nghèo
Vẫn chưa trở thành ngày lễ
Cho những kẻ giàu sang.
Nét thanh bần
Vẫn chưa phải là lễ hội của quà chia,
Đêm lặng lẽ đó,
Vẫn chưa phải là lễ hội đem tưng bừng thật sự
Đêm hôm đó.,
Chẳng cần cổ võ thêm những cuộc vui,
Mà nên triệt bỏ đi mới phải.
Nếu đêm nay Chúa đang ở đó,
Thì ta phải cúi xuống tìm gặp Người,
Và quỳ xuống
Để lượm lấy Người nằm dưới đất.
Hài nhi sơ sinh đó
Còn chưa nói ra được một tiếng
Thế mà lại đã là Lời
Mà ý nghĩa thật là đảo lộn.
Là thế giới đảo ngược,
Là đảo ngược các thang giá trị,
Là tương lai đã đang đi trên đầu rồi.
GIÁNG SINH
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14)
Lời khẳng định trên dây là một lời quả quyết huyền bí và có nhiều ý nghĩa nhất trong bất cứ một thứ ngôn ngữ nào
A. Dĩ nhiên, đâu phải ai cũng biết “Lời” là gì. Trong truyền thống Do thái, “Lời” có nghĩa là cách thế mà Thiên Chúa hành động. Ví dụ trong câu truyện tạo dựng được thuật lại trong sách Khải Nguyên (Kn 1,1-31), Thiên Chúa đã không làm gì khác nhưng Người chỉ “phán” tức là sử dụng lời: “Thiên Chúa đã phán: “Hãy có ánh sáng, thì liền có ánh sáng...”
“Lời” có nghĩa là điều mà con người chúng ta nói về tất cả những gì chúng ta có thể biết được về Thiên Chúa, thông qua những hành động của Người.
“Lời trở thành người phàm”. Gioan đã không viết là Ngôi Lời đã trở nên người nhưng ông cao rao rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm, một từ chỉ toàn diện con người cả xác lẫn hồn.
Từ “người phàm” được dịch từ từ “sarx” của Hy lạp. Từ đó chỉ toàn diện con người, cả xác lẫn hồn với tất cả sự yếu đuối, mỏng giòn hay hư nát của nó. Đó là cái bao bọc nhân vị con người. Từ sarx (người phàm) cũng là căn nguyên của tất cả niềm vui, của tất cả sức mạnh và là cội rễ của tất cả những yếu đuối cũng như những nỗi bất hạnh của chúng ta.
Một điều khó khăn và thật là kỳ khôi sẽ xảy ra khi chúng ta nối liền hai từ “Lời” và “Người phàm” bằng từ “Trở thành”.
“Lời trở thành người phàm” và cư ngụ giữa chúng ta” (dịch sát chữ là: “đã dựng lều giữa chúng ta”): Đối với các độc giả của Gioan lúc ấy, kiểu nói “dựng lều “ gợi nhớ ngay đến “nơi cư ngụ của Chúa” giữa dân Người. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người xưa được biểu tượng bằng Nhà Lều ở sa mạc thời Xuất Hành, rồi bằng Đền thờ Giêrusalem, thì giờ đây được thể hiện một cách trọn vẹn và triệt để nơi Đức Giêsu. Thiên Chúa làm người (cf. Ga. 2.19-22: “Đền thờ Người muốn nói ở đây là chính thân thể Người”
Nơi con người Đức Giêsu, cộng đoàn của thánh Gioan quả quyết rằng họ đã được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là nhìn thấy một phẩm chất, một ánh rạng ngời tỏ lộ Thiên Chúa. “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người “
Thiên Chúa là Đấng vô hình, vô tượng, vô sú, vô thanh nhưng chính Đức Giêsu Kitô đã tỏ cho chúng ta. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết “
Vâng quả thật là lạ lùng khi nói rằng “Thiên Chúa đang ở đây, Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta!”.
B. Chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Ngôi Lời lại trở thành người phàm ?
Đây quả là một mầu nhiệm cao cả và câu trả lời có thể là: Ngôi lời đã trở thành người phàm là để Thiên Chúa và thế giới mà Người đã tạo thành được gắn chặt lại với nhau một cách vĩnh viễn, đời đời.
C. Hằng năm, cứ vào đêm Giáng sinh Hài Nhi Giêsu thường đi một vòng rảo qua khắp các làng mạc và đô thị để tặng quà cũng như nhận quà và phân phát cho những ai cần đến.
Năm nay tại một đô thị nọ, Ngài đang cần một món quà không dễ tìm ra. Đó là một quả tim lành mạnh để thay thế cho quả tim của một người đang hấp hối.
Bệnh nhân có quả tim gần như ngừng đập này là một nhân vật nổi tiếng trong cả nước. Đó là bộ trưởng tài chánh!
Tất cả các các bác sĩ trong nước đều bó tay. Cuối cùng họ mới chạy đến với Chúa Hài Nhi Giêsu vì tin tưởng rằng ít ra trong Đêm Giáng Sinh Ngài sẽ làm một phép lạ. Nhưng Hài Nhi Giêsu trả lời với các bác sĩ: “Không phải ta là Người làm phép lạ nhưng chính là lòng quảng đại của một người sẵn sàng dâng hiến quả tim của mình”.
Tin tưởng ở lòng người, Hài Nhi Giêsu đã đến gõ cửa nhà của thân nhân, bạn hữu của vị bộ trưởng. Họ đang mừng lễ Giáng Sinh: cây Giáng sinh của họ đầy rẫy những hoa đèn và quà tặng, bàn ăn của họ đầy rẫy những thịt rượu và của ngon vật lạ. Họ đang ăn uống say sưa. Vừa thấy Hài Nhi đứng trước cửa nhà, họ tưởng Ngài là một cậu bé vô lại phá đám, cho nên đã tống khứ Ngài đi càng sớm càng tốt.
Hài Nhi Giêsu buồn bã bỏ đi...Nhưng Ngài vẫn chưa thất vọng về tình người. Lần này Ngài đến gõ cửa những người thân cận của vị bộ trưởng. Họ là những người đã từng bán đứng lương tâm, chối bỏ phẩm giá của mình để tìm kiếm lạy lục một chút cặn bã của vinh hoa, lợi lộc phù phiếm. Hài Nhi Giêsu nghĩ thầm ít ra đây cũng là dịp để họ tỏ lòng biết ơn đối với ông bộ trưởng. Nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Trái tim của họ đang hướng đến người sẽ lên thay thế ông bộ trưởng trong những ngày gần đây.
Hài Nhi Giêsu lại tiếp tục đi gõ cửa từng nhà nhưng nhà nào nhà nấy đang bận bịu với cuộc vui đêm Giáng Sinh.
Ngài đi, đi mãi trong đêm, để rồi mệt lả không còn lê bước được nữa. Ngài ngồi xuống vệ đường ven đô thị. Ngài đang miên man nghĩ đến tình người thì bỗng dưới ánh đèn đường mờ ảo, một bóng đen thất thểu tiến lại gần Ngài. Con người này xem chừng như không biết đến lễ Giáng sinh là gì. Quần áo bẩn thỉu, dáng đi ngập ngừng. Trên vai của anh đeo lủng lẳng một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ. Đó là tất cả vốn liếng của một kẻ lãng tử. Vừa thấy em bé ngồi tiu nghỉu bên vệ đường, anh mới dừng lại, lấy chiếc đàn ra và dạo lên những khúc nhạc du dương, trầm buồn. Bản nhạc bỗng mang lại hy vọng cho Hài Nhi. Trên môi Ngài một nụ cười bé thơ cũng vừa hé nở. Con người lang thang phiêu bạt này, con người không có lấy một mái nhà để nương náu, không có được một ngày lễ trong cuộc sống, không biết được đêm nay là đêm Giáng Sinh: Vậy mà con người ấy có được một trái tim quảng đại sẵn sàng dâng hiến!
Hài Nhi Giêsu đến nắm tay anh, đưa anh vào bệnh viện. Tại đây, với nụ cười tươi nở trên môi, anh để cho các bác sĩ khoét vào lồng ngực của anh để lấy quả tim quảng đại của anh và đặt vào chỗ của tim đang thoi thóp của ông bộ trưởng tài chính.
Cuộc ghép tim vừa chấm dứt thì mọi người đã có thể thấy được phép lạ. Ông bộ trưởng với quả tim quảng đại và yêu đời của người lãng tử đứng dậy khỏi giường và bắt đầu ca hát.
Ông đã ném quả tim chỉ biết rung động vì tiền của, để thay thế bằng quả tim quảng đại biết ca hát và sẵn sàng tự hiến cho mọi người.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan, Tông đồ (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Ngày 24 tháng 12 (+video) -
Ngày 23 tháng 12 (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (+video) -
Ngày 21 tháng 12 (+video) -
Ngày 20 tháng 12 (+video) -
Ngày 19 tháng 12 (+video) -
Ngày 18 tháng 12 (+video) -
Ngày 17 tháng 12 (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video)