Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072)

Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072)

Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072)

Ngày 21 tháng 2
Thánh PHÊRÔ ĐAMIANÔ Giám mục Tiến sĩ (1007-1072)

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh nhân sinh ra tại Ravenna nước Ý vào năm 988. Ngài mồ côi mẹ ngay khi mở mắt chào đời. Thánh nhân được người anh ruột yêu thương chăm sóc và nhờ sự nỗ lực, trí thông minh sắc bén, Ngài đã thu lượm được nhiều kết quả hết sức khả quan trên đường học vấn. Ngài trở thành giáo sư danh tiếng của nhiều đại học. Tuy nhiên, Ngài muốn tiến thân trong đường nhân đức và muốn tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nên Ngài đã xin vào tu viện Aven thuộc dòng Thánh Giá do chân phước Ludolphô sáng lập. Với tinh thần khiêm tốn, lòng đạo đức tuyệt vời, thánh nhân đã trở thành tu viện trưởng. Thánh nhân đã làm cho dòng phát triển rất mạnh nhờ vào tài ba, đức độ và lòng quảng đại của Ngài. Ngài đã giúp anh em trong dòng sùng kính Đức Mẹ vì nhờ Mẹ mà cuộc sống trọn lành của mọi người được bảo đảm.

Thánh Phêrô Đamianô cũng sống trong thời kỳ mà Giáo Hội gặp nhiều phong ba bão tố: cuộc sống sa đọa, tội lỗi len lỏi cả vào Giáo Triều. Trước thảm họa đó, thánh nhân chỉ biết cầu nguyện, sống thân mật với Chúa. Đời sống thánh thiện của Ngài luôn tỏa sáng và được nhiều người khâm phục, tin tưởng. Đức Thánh Cha Stêphanô IX đã phong ngài làm Hồng Y Giáo Hội và Giám mục thành Otti năm 1058.

Thánh nhân dù sống trong Giáo Triều Roma, nhưng lúc nào cũng hướng về nhà dòng ở Aven. Do đó, đến đời Đức Giáo Hoàng Alêxan II, Ngài được phép trở về Aven để sống đời tu sĩ nghiêm ngặt với kỷ luật hết sức khắt khe: đánh tội và hãm mình. Năm 1071 Đức Giám Mục Ravenna được Chúa gọi về, Ngài liền lên thay thế . Tuy tuổi già sức yếu, nhưng thánh nhân vẫn cố gắng nhiệt tình lèo lái Giáo Phận Ravenna cho tới ngày 22/2/1072, Ngài được Chúa rước về trong khi Ngài đang trên đường tới Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng.(Nguyễn Hưng Lợi)

II. BÀI HỌC

Bài học quí giá nhất khi đọc lại cuộc đời thánh thiện của các vị thánh đối với chúng ta là bàn tay của Thiên Chúa qua việc gìn giữ Giáo Hội của Người.

Thánh Phêrô Đamianô sống vào lúc Giáo Hội gặp nhiều phong ba bão tố. Hai vết thương đã đục khoét và làm bạc nhược sức sống của Giáo hội hơn cả là: “Tội buôn bán đồ thánh và đời sống phóng túng của hàng giáo sĩ. Tội xấu xa đó còn len lỏi vào cả ngai tòa thánh Phêrô do con người phóng túng của Biển đức X “.

Chúng ta có thể tưởng tượng Giáo hội thời kỳ ấy lâm vào một tình trạng rối ren, suy đồi đến mức nào không ?

Trong khoảng từ năm 1045- 1049, nghĩa là chưa đầy năm năm mà ngôi tòa thánh Phêrô đã có tới sáu lần thay ngôi đổi chủ.

Ấy là chưa kể đến những chuyện giáo chủ giả danh, những tội “buôn thần bán thánh”, những thói ăn chơi đàng điếm của hàng giáo sĩ và giáo dân… Hoàn cảnh đồi bại đó đã là nguyên cớ thúc đẩy bao người ly khai với Giáo hội để lập thành những bè đảng và giáo phái. Nhắc lại trang sử đen tối đó chính là thức tỉnh mối đau lòng của những tâm hồn đạo đức và có tâm huyết như Đamianô, nhưng đồng thời cũng khơi thêm ngọn lửa mến yêu và tin tưởng của chúng ta đối với Giáo hội, vì biết rằng “nếu Giáo hội chỉ là một tổ chức hoàn toàn nhân loại khác, thì chính những đớn hèn và đồi bại của hàng giáo sĩ đã giết chết Giáo hội từ lâu không để Giáo hội tồn tại đến ngày nay “. Nhưng sở dĩ trải qua bao cuộc thăng trầm cũng như qua bao cơn bách hại mà Giáo hội còn sống và trẻ trung là vì Giáo hội còn có Chúa ở với để nâng đỡ phù trì; vì Giáo hội còn là một tổ chức của Chúa, như lời Chúa Giêsu đã phán trước khi về trời: “Ta sẽ ở với các con cho đến tận cùng nhân thế”.

Chính vì thế mà chúng ta hãy hết lòng yêu mến Giáo Hội và tin vào Tình thương của Chúa và luôn góp phần nhỏ bé của chúng ta vào việc làm cho Giáo Hội của Chúa mỗi ngày mỗi thánh thiện và tốt đẹp hơn.

Lễ cung hiến Đền thờ vừa mới xây xong, Đức Giám mục chủ sự nêu đích danh từng người đã cộng tác cách này hay cách khác vào công việc chung. Khi ngài vừa dứt lời và sắp ban phép lành thì một em bé đứng gần bên nói lớn:

  • Thưa Đức cha, con cũng góp phần xây cất đền thờ này.

Bình tĩnh, Đức Giám mục hướng về em hỏi:

  • Con đã đóng góp bằng cách nào ?

Được khuyến khích bởi sự chú ý của Đức Giám mục, em bé mạnh dạn trả lời:

- Thưa Đức cha, mỗi buổi trưa con đều đem cơm cho ba con xây đền thờ này.

Đức Giám mục và toàn thể cộng đoàn vỗ tay hoan hô sự đơn sơ và ý nghĩ ngộ nghĩnh của em. Rồi cộng đoàn đồng ý là em cũng góp phần vào việc chung dù không phải là công việc quan trọng và cực nhọc, nhưng với hạn tuổi cho phép, em đã góp phần của mình và đáng được ghi danh cám ơn như những người khác.

Mỗi người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh đều có thể góp phần của mình vào công việc chung của Thiên Chúa, để xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Giáo hội là đền thờ của Thiên Chúa mà mỗi người Kitô là một viên gạch đủ loại lớn nhỏ. Đền thờ này đã bị rạn nứt bởi những chia rẽ, những thiếu sót, những tội lỗi của các thành phần Dân Chúa, của mỗi người chúng ta. Vậy mỗi người đều có bổn phận góp phần mình để tái thiết sự hiệp nhất của Giáo hội.

Không một đóng góp chân thành nào dù nhỏ mọn đến đâu mà không được Thiên Chúa ghi công, và ân sủng của Thiên Chúa sẽ làm cho những đóng góp đó trổ sinh những hoa trái tốt đẹp.

Mỗi người môn đệ Chúa Kitô chúng ta là thành phần của xã hội và do đó được mời gọi đóng góp tích cực xây dựng xã hội ngày thêm tốt đẹp hơn. Chúng ta không thể tiêu cực chỉ trích những tệ đoan xã hội, nhưng hãy tích cực đóng góp vào những công việc tốt để xây dựng. Những đóng góp đó có được nhìn nhận và ghi công hay không, điều này không quan trọng, nhưng sẽ là điều đáng buồn nếu người môn đệ của Chúa không trở thành “Ánh sáng”, thành “Muối đất”, thành “Men” trong bột. Để xây dựng một xã hội mà trong đó con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn.

Không trổ sinh hoa trái tốt lành người Kitô có thể không còn là người Kitô đích thực nữa, chỉ “hữu danh vô thực” mà thôi. Lời Chúa quở trách những người Pharisêu sống đạo giả hình đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27).

Lạy Chúa, xin giúp con canh tân đời sống, và dấn thân hết khả năng để làm ích cho Giáo hội, và phục vụ xã hội con đang sống vì tình yêu Chúa.

Xin đừng để ai sút tài kém đức vì chịu ảnh hưởng của con; đừng để aiđồng hành với con mà không còn trong trắng, chân chất, dịu dàng và cao quý như trước.

Xin cho con luôn nhớ rằng: điều vĩ đại nhất con có thể làm cho Chúa là con đối xử tốt với anh chị em con. Amen.

Top