Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38)

Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38)

Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38)

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38)

BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo cùng vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao”. Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Đavít: Làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Lc 1, 26-38

26 Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Ê-li-da-bét, một bà già son sẻ cũng mang thai được. Đức Maria thụ thai, sinh con mà vẫn đồng trinh. Vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Đối với Ngài không có gì là không làm được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa tể trời đất, Chúa là Chúa trên tất cả các Chúa, Chúa là vua trên tất cả các vua. Chúa cao trọng hơn tất cả. Thế mà nhiều lúc con đã thiếu lòng tin cậy nơi Chúa, để chạy theo các thần tượng khác. Con đã cậy dựa vào của cải vật chất. Con đã đặt niềm tin vào những suy tính phàm trần của trí khôn nhân loại. Con đã ỷ vào sức riêng mình. Vỗ ngực xưng danh là Kitô hữu, nhưng trong cuộc sống thường ngày con còn rất nhiều mê tín dị đoan. Con đã nhiều lần kêu trách Chúa khi gặp khó khăn thử thách. Con đã tin vào bói toán bùa ngải hơn tin vào Chúa.

Xin Chúa cho con luôn biết nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương đời sống đức tin. Mẹ đã đón nhận ý Chúa một cách vô điều kiện, thưa hai tiếng xin vâng. Mẹ đã hoàn toàn tín thác trong vòng tay uy quyền và đầy yêu thương của Chúa. Nói theo lời của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI: trong đức tin, Mẹ đã bước liều trong hy vọng.

Lạy Chúa, chính đức tin là sức sống cho thời đại hôm nay. Đức tin dẫn con đi trên nẻo đường ánh sáng của Chúa. Đức tin giúp con vượt thoát được những chặng đường gian nan thử thách. Và khi sống trong niềm tin, là con đang tuyên xưng rằng: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa làm được mọi sự.

Lạy Chúa, con và gia đình con tin Chúa, nhưng xin thêm đức tin cho chúng con. Trong cuộc hành trình đức tin, xin cho chúng con luôn biết dõi theo bước chân Đức Maria, Mẹ dấu yêu. Amen.

Ghi nhớ: “Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu nhân vật quan trọng trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra: Đức Maria.

1. Thánh Luca trình bày Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” là âm hưởng của lời ngôn sứ Xôphônia nói với thiếu nữ Sion: xem Xp 8, 14). Ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa). Lời hứa này hôm nay được thực hiện nơi Đức Mẹ.

2. So sánh Đức Maria với ông Dacaria: khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự không tin (câu 20: Lời thiên sứ nói “Bởi vì ông không tin”). Còn câu hỏi của Đức Maria là để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào?”), và sau đó Người đã mau mắn thưa Fiat.

B. Suy niệm (... nẩy mầm)

1. Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được, vì...”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.

2. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Xin cứ làm cho tôi...”.

3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:

- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.

- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.

Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến.

4. Lịch sử cứu độ thời Cựu Ước bắt đầu bằng một hành vi đức tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đức tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vi đức tin của người đó.

5.”Sứ thần nói với cô Maria: Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Cô Maria thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 31.38).

Một biến cố như cuồng phong chợt đến trong tâm tư người thôn nữ Nadarét, làm đảo lộn mọi dự tính, mọi ước mơ. Và có nguy cơ bị hiểu lầm, ruồng rẫy… Nhưng Mẹ Maria đã dám “Xin Vâng”, tin tưởng phó thác vào tình thương và sự tín trung của Thiên Chúa. Mẹ đã dám “Xin Vâng” và nhận mình là bé nhỏ, là thuộc về. Mẹ đã dám “Xin Vâng”, và nhận được sự bình an.

Tuổi trẻ luôn có nhiều ước mơ, hoài bão, tự xây cho mình nhiều kế hoạch để khẳng định chính mình, nên rất sợ những biến cố, những tai họa, vì chúng tạo ra những thay đổi, gây nên những thất bại và làm đổ bể mọi kế hoạch. Tôi lo lắng, sợ hãi vì chưa biết chấp nhận sự nhỏ bé của mình, chưa tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa, và chưa dám Xin Vâng như Mẹ Maria.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết Xin Vâng như Mẹ. Xin Vâng mỗi ngày trong suốt cuộc sống của con, để dù cuộc sống có như thác đổ, lòng con vẫn cứ bình an vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với con. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa đó ít dặm, nghe nói thế thì tìm đến, và hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm, hạnh phúc. Bà hỏi: “Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?”. “Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao”. Câu hỏi của người phụ nữ giống như lời của bà Êlisabéth ca tụng Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

Suy niệm

Theo Kinh Thánh, trinh nữ Maria đã đính hôn cùng thánh Giuse và hai người đã quyết tâm sống tận hiến cho Thiên Chúa. Cùng hòa chung với toàn dân, Maria cũng luôn khao khát và hằng trông đợi Đấng Cứu Thế đến với Dân Người.

Bỗng nhiên, Maria đón một vị khách lạ đến, vị khách đó chính là Sứ thần Gabriel mang một sứ điệp từ trời cao làm thay đổi cả cuộc đời Maria: Nàng được Thiên Chúa chọn là Mẹ Đấng Cứu Thế. Giữa những bối rối của bản thân: Quyết tâm tận hiến cho Thiên Chúa như ước mơ cuộc đời hay trở nên một người mẹ theo thánh ý của Thiên Chúa ? Maria đã đặt đời mình trong niềm tin và vâng phục hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Dù chưa sáng tỏ sự việc nhưng Maria vẫn tín thác xin vâng: “…tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Sự vâng phục trọn vẹn trong đức tin của Maria là một thái độ sẵn sàng chờ đợi Đấng Cứu Thế. Sự vâng phục như tỏ lộ ý chí của Maria: “Điều gì Chúa nói, tôi tin và tôi luôn xin vâng”. Tin và tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, Maria học biết trước tinh thần của Đức Cứu Thế muốn nơi dương gian mà Ngài đã thực hiện “Xin ý Cha được thực hiện” (Mt 26,39).

Chính thái độ hoàn toàn vâng phục trong đức tin là tâm tình chờ đón Chúa đến mà Maria đã biểu lộ trong suốt cuộc đời của một người trinh nữ tận hiến gặp gỡ thiên ý và trở nên người Mẹ Đấng Cứu Thế luôn tin và vâng phục.

Tâm tình và thái độ khiêm nhu trước Thiên Chúa của Mẹ, đốt lên ngọn nến để chờ đợi sẵn sàng đón Chúa. Ngọn nến soi tỏ chúng ta sống tâm tình tin và vâng phục: Bản ngã và cuộc sống của mình tan hoàn toàn trong thánh ý Thiên Chúa. Sống tâm tình chờ đợi là sống trong ánh sáng của niềm tin. Tin làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Không có niềm tin cuộc đời như một đêm tối không ánh sao. Tin sẽ mang đến niềm vui. Tin là sức mạnh cho cuộc đời tinh thần hăng hái và niềm hy vọng như Maria vui tươi hy vọng vào Thiên Chúa biểu lộ qua bài ca Magnificat và tinh thần phục vụ (x. Lc 1,39-56).

Ý lực sống

“Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,7)

Top