Ngày 19/09: Thánh Januariô, Giám mục, tử đạo
Ngày 19 tháng 9
THÁNH JANUARIÔ, GIÁM MỤC, TỬ ÐẠO
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Gianuariô sinh năm 270 tại nước Ý. Với tính tình cương nghị, lòng nhiệt thành đạo đức, thánh nhân không tha thiết gì cuộc sống trần gian. Lúc nào trong thâm tâm sâu thẳm của Ngài cũng vang lên tiếng Chúa: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho ngươi trở nên kẻ đánh lưới người”. Nghe tiếng Chúa gọi mời, thánh nhân mau mắn đáp trả tiếng Chúa gọi, bằng tất cả lòng yêu thương, vô vị lợi của mình. Vì thế, năm 320,thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và chỉ ít lâu sau, Ngài được bầu làm giám mục Bénévent. Vào thời kỳ Ngài làm giám mục cũng là lúc các Hoàng đế Ðiôclitianô và Maximiô ra tay bách hại Giáo Hội Chúa Kitô một cách gắt gao, không hề tiếc xót. Dù rằng cuộc bách hại đạo mỗi lúc mỗi gia tăng, thánh nhân vẫn nhiệt tình phục vụ Giáo phận, phục vụ mọi người không hề mảy may nao núng, danh tiếng của Ngài vang dội khắp nơi. Ngài cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng Sardique, nên Thánh nhân là đích tấn công của các kẻ thù ghen ghét Giáo Hội nhắm tới.Thánh Gianuariô thường đi thăm viếng các tù nhân để củng cố đức tin cho họ và động viên họ giữ đạo, tìm được sự an bình tâm hồn, thể xác.
Cuộc bách hại đạo công giáo càng lúc càng trở nên khốc liệt, gay gắt và nguy hiểm. Thánh nhân tới miền Pouzzoles và bị sa vào tay kẻ thù.Thánh nhân bị tra tấn cách hết sức dã man, sau cùng bị án tử hình và Ngài bị người ta ném cho thú dữ xâu xé thân xác, nhưng Chúa làm phép lạ tỏ tường để chứng tỏ quyền năng Chúa gìn giữ thân xác thánh nhân vẹn toàn.Thánh nhân, lãnh phúc tử đạo tại Pouzzoles vào năm 350.
II. BÀI HỌC: TẤM GƯƠNG HY SINH VÌ ĐOÀN CHIÊN
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II,vào buổi trưa đọc kinh truyền tin tại Castel Gandolfo 26/7/2002 trước khi đi Canada, dự ngày quốc tế giới trẻ đã tuyên bố với những người có mặt trong khi đọc kinh nhật một Angélus rằng: “Tin Mừng cứu độ của Chúa phải được tung vãi cho muôn dân khi xưa cũng như hôm nay.”
Vì Tin Mừng, đã có biết bao nhiêu người hy sinh mạng sống. Thánh giám mục Januariô cũng không ở ngoài định luật đó: Ngài đã liều mình vì Tin Mừng và đã trả giá bằng chính mạng sống của mình”.
Vì những hành vi can đảm trong việc rao giảng mà Chúa đã ân thưởng cho thánh nhân. Chúa đã làm phép lạ tỏ tường. Phép lạ đó được kéo dài mãi đến cả ngày hôm nay. Chúa đã làm cho máu của ngài được lưu giữ trong một bình thủy tinh mà không bị hủy hoại theo dòng thời gian. Khoa học xác nhận máu này có đầy đủ đặc tính như máu của một người sống. Lúc bình thường máu ấy đọng khô và đen sẫm.
Thỉnh thoảng máu ấy chảy loãng ra và mang màu đỏ tươi. Hiện tượng này xảy ra mỗi năm 3 lần vào tháng Năm, tháng Chín và tháng Mười Hai và trong quá khứ đã báo trước những thiên tai khủng khiếp ở nước Ý. Phép lạ này hiện nay vẫn còn tái diễn tại nhà thờ Naples và dân chúng thành này đã nhận ngài làm thánh bổn mạng.
Chúng ta hãy cầu xin cho máu tử đạo của thánh Januariô xưa đã nuôi dưỡng niềm tin của các tín hữu Ý Đại Lợi xưa thì ngài cũng nuôi dưỡng niềm tin của chúng ta hôm nay hôm nay để Giáo Hội tại Việt Nam luôn giữ vững được niềm tin vào Chúa như các anh hùng Tử đạo VN của chúng ta.
Dạo tháng 2/1996, cùng với phái đoàn của Hội đồng Giám mục Pháp, một linh mục ký giả là cha Daniel, đã đến thăm một số giáo phận lại Việt Nam. Trong một bài ký sự được đăng trên một tờ báo Công giáo Pháp. cha Daniel đã gọi Việt Nam là đất thơm mùi máu các thánh tử đạo.
Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của các xứ đạo ở vùng quê, tác giả đã ghi lại từng chi tiết mà người dân Tây phương ngày nay chỉ có thể ngỡ ngàng mà thôi: bốn giờ sáng chuông nhà thờ đổ hồi, bốn giờ mười lăm phút, mọi người từ trẻ đến già lũ lượt đến nhà thờ, bốn giờ ba phút mươi đọc kinh, năm giờ thánh lễ hoặc tham dự phụng vụ Lời Chúa.
Tại một nhà thờ chính tòa nọ, tác giả đã sửng sốt khi chứng kiến năm ngàn người đứng chật ních nhà thờ trong thánh lễ bốn giờ ba mươi phút một ngày trong tuần, mười hai giờ trưa báo hiệu kinh Truyền Tin, những ai rảnh rỗi lại đến nhà thờ viếng Thánh Thể, sáu giờ chiều chuông đổ giục giã mọi người tề tựu lại để đọc kinh và lần chuỗi. Tác giả nhận định về thời khóa biểu tôn giáo này như sau:
“Một ngày sống hầu như của một Tu viện được cả làng tuân giữ ở đó xa cái nhìn của loài người, người ta chỉ còn biết có cái nhìn của người Cha mà tấm lòng được vơi đi vì những bội phản, chối bỏ của chúng ta, ở đó người ta sống cho Thiên Chúa, cho niềm vui con người, ở đó Thiên Chúa là niềm vui của người nghèo”.
Những dòng cảm tưởng trên đây của một du khách nước ngoài có thể mang lại cho chúng ta niềm hãnh diện được làm một người Công giáo Việt Nam. Giáo hội Công giáo Việt Nam có tỷ lệ Công giáo đông thứ hai tại A châu. Giáo hội Việt Nam có nhiều thánh tử đạo nhất tại A châu. Ngoài một trăm mười bảy vị được tôn phong Hiển thánh, chúng ta còn có trăm ngàn vị tử đạo khác. Sau nhiều năm bị bách hại, Giáo hội vẫn còn đó với một sức sinh động hơn bao giờ hết.
Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, đã có lý do để nói về chuyến công tác và làm việc của ngài tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 10/1996 như sau:
“Con người có thể đặt ra những giới hạn cho sinh hoạt của Giáo hội, nhưng không thể ngăn chặn tác động của Chúa Thánh Thần, đó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Các ngài cũng là những con người yếu đuối như chúng ta; đứng trước cái chết, các ngài có lẽ cũng run rẩy, sợ hãi, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã thắng vượt mọi sự, ngay cả cái chết. Đó cũng phải là sức mạnh mà chúng ta không , ngừng kêu xin Chúa trao ban cho chúng ta”.
Ngày nay, chúng ta không phải trải qua những bách hại đẫm máu như thời các thánh tử đạo, nhưng điều đó không có nghĩa là không có bách hại. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo La Croix số ra tháng 4/1997, chính Đức Cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã xác nhận:
“Nếu hiểu bách hại như những cuộc bách hại đẫm máu thời Giáo hội tiên khởi, thì quả thật không có bách hại ở Việt Nam. Còn nếu hiểu bách hại là những vấn đề, những khó khăn, những giới hạn, thì một cuộc bách hại như thế' là có thực”.
Có bách hại là có tử đạo. Tử đạo không hẳn là phải có máu đổ thịt rơi. Tử đạo thiết yếu là làm chứng cho đức tin, là sẵn sàng hy sinh vì đức tin. Ước gì gương các thánh tử đạo Việt Nam được chúng ta tiếp tục nêu cao qua cuộc sống đạo và tử đạo hàng ngày của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 09/10: Thánh Điônysiô, Giám mục và các bạn tử đạo; Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục
-
Ngày 07/10: Đức Mẹ Mân Côi -
Ngày 06/10: Thánh Brunô, linh mục -
Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina -
Ngày 03/10: Thánh Phanxiô Borgia, linh mục Dòng Tên -
Ngày 02/10: Các Thiên Thần Bản Mệnh -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục - Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 28/09: Thánh Venceslao, Tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Giữ chay và ăn chay