Ngày 05/06: thánh Bôniphát, Giám mục, Tử đạo (673-754)

Ngày 05/06: thánh Bôniphát, Giám mục, Tử đạo (673-754)

Ngày 05/06: thánh Bôniphát, Giám mục, Tử đạo (673-754)

Ngày 5 tháng 6
THÁNH BONIFACIO, Giám mục, tử đạo
673 - 754

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Lịch sử cuộc đời của thánh Bônifaciô thật đơn giản. Cuộc sống của Ngài cũng không có gì là quá khó hiểu.

Thánh Bônifaciô có tên sơ khởi là Winfrid. Ngài là người Saxon miền nam, sinh ở Crediton gần Exêter, năm 673, thời đó, phong trào truyền giáo rất mạnh mẽ ở nước Anh. Gia đình Ngài thường là nơi dừng chân của rất nhiều nhà truyền giáo. Winfrid rất thích gần gũi ở những con người thánh thiện này và không bỏ mất một lời nào các Ngài kể lại và năng hỏi thăm về những chân lý các Ngài rao giảng. Một ngày kia Winfrid hỏi các Ngài phải làm gì để được cứu rỗi ? Các vị thừa sai trả lời:

– Phải nỗ lực để nên tốt lành với mọi người và đừng nghĩ đến mình.

Nghe những lời này, Winfrid muốn lên đường ngay để rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Ngài đã xin cha đi tu nhưng cha Ngài đã từ chối. Ngài ngã bệnh khiến cha Ngài hốt hoảng và đã chấp nhận.

Winfrid nhập dòng ở Exeter và vì thiện chí học hỏi của Ngài, người ta gởi Ngài tới Nursling để học kinh thánh, thơ văn và văn phạm, năm 717, Winfrid đã trở thành một giáo sĩ nổi bật của miền nam Saxon và được đề nghị làm tu viện trưởng tu viện Nursling. Nhưng Ngài đã quyết định gia nhập nhóm truyền giáo. Angle-saxon lên đường tới Frisia. Vẫn quan tâm đến các công việc của nước Anh cho đến hết đời, Ngài giữ liên lạc thư từ rất thường xuyên nhưng không hề viếng nước Anh lần nào nữa.

Miền đất Winfrid mà ngài muốn đến rao giảng Tin Mừng là một vùng thuộc nước Đức và nằm giữa hai dòng sông Rhine và Danube. Cả người Rôma lẫn người Pháp đã không thuần hóa được dân chúng hung dữ ở miền này. Nhưng một cuộc chiến bùng nổ giữa bá ước Ratborol và Charles Martel, khiến Ngài không cập bến được. Ngài hướng về Roma với một nhóm hành hương và xin sự chuẩn nhận của Đức giáo hoàng. Đức Thánh cha Grêgôriô II đã chúc lành cho nhóm tu sĩ này và ban cho mọi người quyền hạn để mang Nước Chúa đến cho dân Đức còn đang thờ ngẫu tượng.

Rời Rôma, Người rảo qua các miền Lombardie, Baviere và Thuringia học hiểu ngôn ngữ và giữ các phong tục địa phương của đám dân. Ngài muốn truyền bá Tin Mừng. Ngài đã đến Frisia, đến giữa nước Đức, và lập được nên một nhà nguyện, một tu viện ở Hambourg. Thành quả này làm phấn khởi cũng như thúc đẩy tình yêu nơi vị tông đồ. Những cuộc trở lại đạo này ngày một nhiều.

Năm 722 Đức giáo hoàng gọi Winfrid về Roma và tấn phong Ngài làm giám mục. Đức Giáo hoàng nói:

- Từ nay con sẽ mang tên là Bônifaciô, nghĩa là “người thi ân”.

Bônifaciô lại lên đường truyền giáo với tư cách giám mục. Ngài sẽ không ở Frisia dưới quyền Willibrord, nhưng muốn mở ra một lãnh địa mới ở Tây Đức.

Charles Martel lúc ấy sẵn sàng đem binh lực phục vụ Kitô giáo. Tuy nhiên Đức Giám mục Bônifaciô đã không muốn cậy dựa vào sức mạnh mà chỉ dùng tình thương để cải hóa các tâm hồn. Ngài đã thiết lập nhiều tu viện và kêu gọi sự trợ giúp từ nước Anh gởi tới. Đã có nhiều linh mục, nghệ sĩ, văn sĩ, tới góp công và nhiều người khác đóng góp của cải cho việc truyền giáo. Cứ như thế mà thánh Bônifaciô đã có thể trao phó cộng đoàn nhỏ bé và mới mẻ cho các tu sĩ coi sóc rồi lại lên đường tiếp tục mở mang nước Chúa.

Đức giáo hoàng Gregoriô III phong đức Bônifacio lên chức Tổng giám mục và trao cho trách nhiệm thiết lập các toà giám mục ở nước Đức.

Đức Tổng giám mục Bônifaciô chọn Mayence làm toà tổng giám mục. Carlôan con của Charles Martel chọn đời sống tu trì và nhường quyền kế vị cho Pépin. Ông này muốn được một đức giám mục lớn phong vương. Trong một lễ nghi long trọng ở Soissons, vị tông đồ đã đặt vương miện lên đầu Pépin le Brej. Sau đó không kể gì đến tuổi già, Ngài lại lên đường truyền giáo.

Ngài xuống thuyền với 50 người tùy tùng gồm có các linh mục, tu sĩ và các sinh viên. Đoàn thuyền tới giữa các cánh đồng lầy lội. Cư dân của vùng này còn sống rất hoang dã. Các nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng cho họ. Đức cha Bônifaciô hẹn các tân tòng ở Dokum, gần bờ bể, ngày 5 tháng 6 năm 756, hôm ấy là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lúc vừa cử hành thánh lễ thì một đoàn người mang khí giới xông tới, Bônifaciô quay về với các bạn và nói:

- Can đảm lên, khí giới này không làm gì được linh hồn.

Các lương dân xông vào sát hại các nhà truyền giáo. Một nhát búa bổ xuống đầu Đức Tổng giám mục và cuốn Phúc âm Ngài đang cầm trong tay.

Xác thánh nhân được đưa về chôn cất ở nhà thờ chánh tòa Fulda. Thư viện còn lưu giữ được cuốn sách bị chặt đứt của thánh nhân

Chúa đã tỏ uy quyền của Ngài và đã ban cho thánh nhân được thông chia vinh quang với Chúa qua nhiều phép lạ xảy ra nơi phần mộ của Ngài. Chúa đã đội mũ triều thiên cho Ngài và Giáo Hội đã tôn vinh Ngài vì máu của Ngài đã đổ ra để minh chứng cho tình yêu là Chúa Giêsu.(Nguồn tổng hợp)

II. BÀI HỌC

Bài học chúng nhận được từ cuộc đời của thánh Bonifacio là bài học từ lời chúc phúc của Đức Thánh Cha Grêgôriô khi ban chức Giám Mục cho Ngài.

Từ nay con sẽ mang tên là Bônifaciô, nghĩa là “người thi ân”.

Quả đúng như thế. Nhìn vào cuộc đời của thánh Bonifacio, chúng ta thấy Ngài đã đem lại  bao nhiêu điều tốt lành cho mọi người. Ngay tên gọi của Ngài cũng nói lên điều đó. Boni (tiếng Latinh có nghĩa là tốt lành) facio ( có nghĩa là làm). Làm những điều tốt lành cho mọi người đó là lý tưởng trong cuộc đời của thánh Bonifacio.

Ước chi lý tưởng đó cũng trở thành bài học cho chúng ta.

Robert De Vincenzo là một vận động viên đánh gôn xuất sắc người Ác-hen-ti-na. Lần nọ, anh đăng quang trong một giải đấu. Khi nhận chi phiếu tiền thưởng xong và chụp hình lưu niệm với báo chí, anh trở lại tòa nhà câu lạc bộ để chuẩn bị ra về. Lát sau, khi anh đang một mình đi ra bãi đậu xe thì một phụ nữ trẻ tiến đến gần anh. Cô ta chúc mừng chiến thắng của anh, rồi kể cho anh nghe về đứa con đang bệnh nặng và khó qua khỏi của mình. Hiện thời, cô không biết phải làm sao để thanh toán tiền khám chữa bệnh và viện phí cho đứa bé.

De Vincenzo xúc động trước câu chuyện của người phụ nữ, liền lấy bút ký vào tấm chi phiếu tiền thưởng của mình và đưa cho người phụ nữ. “Xin cô nhận để lo cho cháu bé”, anh vừa nói vừa dúi tấm chi phiếu vào tay cô.

Tuần sau, trong bữa ăn trưa ở câu lạc bộ, một viên chức của Hiệp hội đánh gôn chuyên nghiệp đến bàn của anh và nói:

- Mấy đứa trẻ ở bãi đậu xe vào tuần trước nói với tôi rằng anh có gặp một phụ nữ ở đấy sau giải phải không?.

De Vincenzo gật đầu. Ông ta nói tiếp:

- Tôi có tin này cho anh hay. Cô ta là một tay lừa đảo. Cô ta chẳng có đứa con nào bị bệnh cả. Ả còn chưa lập gia đình nữa là. Cậu đã bị gạt rồi anh bạn ạ.!

Vincenzo hỏi lại:

- Ý của ông là chẳng hề có đứa bé nào sắp chết cả phải không?

- Đúng vậy. Ông ta đáp.

- Đó là tin vui nhất trong tuần này mà tôi nghe được đấy. De Vincenzo nói.

Top