Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.
BÀI ĐỌC I: Ed 3, 16-21
“Ta đã đặt ngươi làm trinh sát nhà Israel”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người trinh sát nhà Israel; ngươi hãy nghe lời Ta phán từ miệng Ta và ngươi sẽ khuyến cáo họ thay cho Ta. Nếu khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: Mi sẽ phải chết, mà ngươi lại không khuyến cáo nó và nói cho nó biết để lôi kéo nó ra khỏi con đàng gian ác của nó và để nó được sống, thì kẻ gian ác đó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, lúc đó Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Còn nếu ngươi khuyến cáo kẻ gian ác mà nó không từ bỏ tội lỗi và con đàng gian ác của nó, thì nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó; còn ngươi, ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi.
“Nhưng nếu người công chính từ bỏ sự công chính của nó và làm điều gian ác, Ta sẽ đặt chướng ngại vật trước mặt nó, nó sẽ phải chết, vì ngươi đã không khuyến cáo nó; nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó và người ta không còn nhớ đến những việc công chính nó đã thực hiện trước kia; nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Còn nếu ngươi khuyến cáo người công chính đừng phạm tội và nó đã không phạm tội, nên nó được sống, vì ngươi đã khuyến cáo nó và ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.
Tin mừng: Mt 9, 35-10,1
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Suy niệm: (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney. Đây là một vị đại thánh của Giáo Hội.
Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu. Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.
Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.
Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.
Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?”
Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.
Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:
- Thầy có lòng đạo đức không ?
- Thưa có.
- Thầy có kính mến phép Thánh Thể ?
- Thưa có.
- Thầy có siêng năng lần hạt không ?
- Thưa có.
Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.
Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn”. Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi ngài làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất”.
Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.
Hằng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.
Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:
- Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không ?
Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:
- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.
- Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không ?
Bà ấy ngẩn ngơ:
- Tháng nào thưa cha ?
- Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.
Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.
Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi ngài xung quanh coi và nói:
- Thiên hạ dại dột thật. Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!
Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ. Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.
Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.
Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.” Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con”. Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.
Tin thánh Gioan Maria Vianney qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.
Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “phép lạ lớn nhất ở Arc”.
Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.
Suy niệm: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh Gioan Maria Viannê, linh mục (Ga 10, 27-30)
Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu:“Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10, 27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết và theo.
- Chiên nghe tiếng người chủ chăn
Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bédouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ.
Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về quy tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27) (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).
Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 17) hay “Đức tin nhờ nghe: Fides ex auditu” (Ga 3, 2).
- Chiên và chủ chiên biết nhau
Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.
“Biết” trong Kinh thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4, 1).
Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.
Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài Đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 8/1997 trong Đại hội Giới trẻ tại Paris.
- Chiên thì theo chủ chăn
Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốn được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.
“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do: đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo Ta” (Ga 1, 42).
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Mátthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalêna bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.
Suy niệm: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Ngài sinh năm 1786 tại nước Pháp. Ngài rất vất vả trên đường học vấn để tiến tới chức linh mục vì ngài lớn tuổi và trí tuệ không được như nhiều người khác. Ngài được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815. Năm 1818, ngài được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes. Ngài là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Ngài qua đời năm 1859.
Thánh linh mục Gioan Maria Vianney là một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử, thực thi lòng bác ái tuyệt đỉnh, con người đầy tình thương xót và chạnh lòng tha thứ...
Ngày 04/08
Thánh Gioan Maria Vianney
linh mục, bổn mạng các cha sở
(1786 - 1859)
Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm năm 1786, tại Dardilly. Cha mẹ Ngài là những nông dân trung kiên với đức tin. Suốt thời cách mạng Pháp, họ thường bí mật tiếp rước các linh mục đến trú ngụ. Vì vậy Gioan là một trẻ em có mặt trong các buổi lễ cử hành lén lút tại lẫm lúa và được chứng kiến rất nhiều mẫu gương anh hùng với đức tin.
Năm lên 11, Gioan được cha Greboz cho xưng tội lần đầu. Tháng 5 năm 1798, Gioan được mẹ dẫn sang nhà bà dì ở Ecully để dọn mình rước lễ vỡ lòng. Mùa xuân năm 1799, Gioan cùng với 15 em khác được rước lễ vỡ lòng trong một thánh lễ được cử hành giữa đống rơm. Ngài rước lễ rất sốt sắng và đã giữ cho đến chết tràng chuỗi Môi Côi kỷ niệm ngày hạnh phúc này.
Năm 1800, thanh bình trở lại với các tín hữu, khi Napoléon nhận biết rằng không có tôn giáo thì không có một tổ chức nào có thể tồn tại vững bền được. Từ nhỏ, Gioan đã muốn làm linh mục. Khi bày tỏ ý định tốt đẹp này, Ngài đã 17 tuổi và mới chỉ qua bậc tiểu học. Mẹ Ngài tán thành chí nguyện, nhưng cha Ngài với óc thực tế đã băn khoăn rất nhiều và không chấp nhận. Mãi tới năm 1805, Gioan đến sống với cha Belley, ở họ đạo Ecully. Theo học với các bạn tuổi còn nhỏ, mà trí khôn Ngài lại quá trì trệ. Đã vậy vào năm 1890, Ngài lại còn phải nhập ngũ. Năm sau, Ngài may mắn được trở về nhà.
Năm 1810, Gioan gia nhập tiểu chủng viện Verrières. Hai năm trôi qua, Ngài là một chủng sinh học hành rất kém. Dầu vậy, Ngài cũng nhận vào đại chủng viện. Tại đây chuyển ngữ là tiếng Latinh, mà Gioan lại quá dở về môn này, khiến ban giám đốc khuyên thầy hồi tục. Không thất vọng, một lần nữa cha Balley đảm nhận việc dạy dỗ người chủng sinh gương mẫu nhưng chậm trí này. Sau khi hoàn tất chương trình học, ngày 13 tháng 8 năm 1815, Gioan Maria Vianney thụ phong linh mục tại nguyện đường đại chủng viện Grênoble. Ngài được gọi lên chức linh mục chính vì đời sống đạo đức.
Sau khi thụ phong, cha Gioan Maria Vianney được cử làm phó xứ Ecully. Tháng 12 năm 1817, cha Balley qua đời, cha Vianney được cử về làm chánh sở họ Ars. Khi bổ nhiệm, cha tổng đại diện nhắn nhủ : - “Đây là một họ đạo nhỏ bé, nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu đến cho họ.”
Ngày 9 tháng 2 năm 1818, cha đến xứ lần đầu với hành lý khiêm tốn chất trên một chiếc xe tay, gồm một chiếc giường cũ, một rương sách và ít đồ vặt vãnh khác. Tới gần làng, Ngài dừng chân hỏi đường. Bọn trẻ chăn chiên không hiểu tiếng nói khác với thổ ngữ chúng vẫn dùng nhưng cũng đoán biết và chỉ lối cho cha. Khi biết được điạ sở, cha Gioan quì gối cầu nguyện cho những người sẽ là đoàn chiên của mình. Tới nơi Ngài vào thẳng nhà thờ và chìm trong kinh nguyện.
Nhà xứ Ars thật nghèo nàn với vài đồ vật thật sơ sài. Chính cha sở trẻ đã coi đời sống cầu nguyện hãm mình là phương thế để thành công. Trong khi mọi người còn triền miên giấc điệp, Ngài đã xách đèn từ nhà xứ sang nhà thờ để cầu nguyện. Trước nhà tạm, nhiều lần Ngài rơi nước mắt ướt cả sàn nhà, Ngài tha thiết cầu nguyện: - “Lạy Chúa, con xin lãnh chịu tất cả, nhưng xin Chúa cải hóa họ đạo của con... Con bằng lòng chịu mọi đau khổ như Chúa muốn, miễn sao họ biết hồi tâm hối cải.”
Chìm đắm trong kinh nguyện, cha Gioan không quan tâm tới nhu cầu thể xác mà Ngài coi như cái thây ma. Ngủ đã ít, Ngài lại thường nằm trên sàn nhà. Đồ đạc người ta dâng cúng, Ngài đem cho người nghèo... Vui cười, Ngài nói: - “Tôi không hề mất áo choàng bao giờ.” Chuyện ăn uống Ngài cũng chẳng quan tâm đến, tự mình nấu ăn, Ngài chỉ nấu một nồi khoai rồi treo lên tường.
Khi đói Ngài ăn một hai củ và củ thứ ba là “để cho vui miệng”. Nồi khoai thường để lâu cho đến nỗi những củ cuối cùng thường bị mốc meo. Ngài hãm mình như vậy cho tới năm 1827, khi các chị dòng Chúa quan phòng nấu ăn cho Ngài.
Hơn nữa, thánh nhân còn tự ý hãm mình. Mỗi đêm Ngài đều đánh tội trước khi ngủ. Trên tường phòng Ngài còn loang lổ nhiều vết máu.
Với một đời sống cầu nguyện hy sinh như vậy, thánh nhân nỗ lực canh tân họ đạo. Về xứ được ít lâu, Ngài sớm nhận ra được ba tệ đoan trong họ đạo là sự lãnh đạm với việc đạo đức, thói quen làm việc xác ngày Chúa Nhật và tật ham khiêu vũ.
Để chấn hưng lại tình trạng suy dồi kia, dĩ nhiên thánh nhân gia tăng lời cầu nguyện và việc hãm mình. Trong hoạt động, Ngài đi thăm viếng các gia đình. Sửa lại tình trạng thiếu hiểu biết về đạo, Ngài lo dạy giáo lý cho trẻ em. Suốt 27 năm, cha thánh Gioan ngày nào cũng trung thành với viêc dạy giáo lý. Đối với người lớn, cha dọn bài giảng rất kỹ lưỡng. Ngồi trong phòng thánh cạnh nhà tạm, cha viết bài giảng. Đêm thứ bảy, cha học và tập giảng cho hôm sau. Lời giảng của cha rất đơn sơ, nhưng xoáy vào lòng người nghe.
Chẳng hạn Ngài nói: - “Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.”
- “Càng cầu nguyện người ta càng ham thích, như một con cá trồi lên mặt nước rồi chìm mình trở lại và luôn bơi đi mãi. Linh hồn đắm chìm trong lời cầu nguyện sẽ mất hút trong sự êm dịu của cuộc đàm thoại với Chúa.”
Các câu chuyện nhỏ cha kể nhiều khi có giá trị như một bài giảng. Chẳng hạn cha nói về một em nhỏ bị đau bệnh: - “Con đau đớn lắm không ?”
Cậu bé trả lời: - “Hôm qua, con không đau đớn gì và ngày mai con cũng hết khổ”.
Cha hỏi lại: - “Vậy con muốn được lành bệnh không ?”
Cậu bé trả lời: - “Trước khi bệnh con hung dữ, khỏi bệnh con dám như vậy lắm. Để như thế nầy là tốt hơn cả.”
Chống lại tật làm việc xác, cha nói: - “Ngày Chúa Nhật là của Chúa. Mà anh em ăn trộm cũng chẳng lợi ích gì cho anh em. Tôi biết có hai phương thế chắc chắn để nên nghèo khó là làm việc ngày Chúa Nhật và lấy của kẻ khác.”
Để chống lại tật ham khiêu vũ, đã có lần cha đến giữa đám để giải tán. Lần khác cha bỏ tiền trả cho nhạc công để anh rút lui. Tích cực hơn, cha lập hội Mân Côi để tập họp các thiếu nữ vào việc thực hành đạo đức này.
Hơn nữa, trong họ đạo có bảy quán rượu, cha hết sức khuyên nhủ và cả chúc dữ nữa để họ đổi nghề. Cuối cùng cả 7 quán đều đóng cửa.
Thấy trọng trách của một chủ chiên quá nặng nề. Đã bốn lần cha Gioan tìm cách trốn khỏi họ đạo. Nhưng rồi cha đã bị phát giác, tiếng chuông reo vang và người ta đổ xô ra đường để giữ cha lại. Nỗ lực của cha không dễ dàng được tiếp nhận. Người ta tìm nhiều cách để vu khống cho cha nhiều tội tày trời. Thành công của cha khiến cho nhiều người nghi ngờ và ghen tị, đến nỗi Tòa Giám mục phải mở cuộc điều tra. Sau nữa chính quỉ dữ cũng phải công khai phá cha dưới nhiều hình thức như xê dịch đồ đạc, la lối om sòm, hiện hình kỳ quái... đến độ đốt cháy cả giường nằm.
Nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, cha nói: - “Khi đến Ars, nếu biết được tất cả những gì tôi phải chịu chắc tôi chết liền.”
Nhưng ơn thánh Chúa đã nâng đỡ Ngài. Mỗi ngày trong thánh lễ, Ngài được thấy chính Chúa Giêsu. Dần dần họ Ars đã được biến đổi, hương thơm thánh thiện còn bay lan rộng ra khỏi ngôi làng bé nhỏ và hẻo lánh này. Khách thập phương từ khắp nơi đổ xô đến, để được chiêm ngưỡng một cha sở thánh thiện, để được nghe lời Ngài, để xưng tội. Cha Gioan đã làm vui lòng mọi người.
Suốt hai mươi năm trời, cha như chôn mình trong tòa giải tội, từ sau lễ tới 11 giờ trưa, rồi từ 1 giờ chiều tới 8 giờ tối. Sau này, khi qua đời, cha được chôn cất tại nhà nguyện Thánh Gioan tẩy giả, cạnh tòa giải tội mà người ta gọi là phép lạ lớn nhất ở Ars.
Tận tụy với các linh hồn, cha Gioan cũng được ơn thấu tỏ lòng người. Ngày kia có một du khách tới Ars để đi săn. Nhìn ông với con chó bên cạnh, Ngài nói: - “Con chó của ông thật đẹp, nhưng linh hồn chẳng đẹp tí nào.” Cúi mặt, người du khách liền vào toà xưng tội.
Một người đàn bà khác nghe cha nói: - “Ông ấy đã được rỗi. Giữa thành cầu và giòng nước, ông đã kịp ăn năn tội...” Thế là cha đã biết nỗi lo âu của bà, vì cái chết mới đây của chồng bà. Ngài đã mang lại cho bà niềm an ủi khi cho biết rằng: - “Nhờ những bó hoa và vài lần cầu nguyện với vợ mỗi tháng Đức Mẹ, mà người chồng xấu số kia đã được cứu rỗi.”
Đời sống của cha Gioan là một mẫu gương tận tụy vì Chúa và vì các linh hồn, Ngài thường nói: - “Hạnh phúc cho một vị linh mục được hao mòn vì Chúa và các linh hồn.”
Quả thực, cha Gioan đã hao mòn vì phụng sự. Ngày 2 tháng 8 năm 1859, cha chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4 tháng 8 năm 1859 cha trút hơi thở cuối cùng với sự mãn nguyện. – “Phải chết lành khi người ta sống trên thánh giá.”
Ngày tháng 5 năm 1925, cha Gioan được tuyên hiển thánh. Và năm 1925, Ngài được đặt làm bổn mạng các cha sở trên toàn thế giới.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 16/10: Thánh Hedviges, nữ tu
-
Ngày 14/10: Thánh Callistô I, Giáo Hoàng -
Ngày 11/10: Thánh Gioan 23, Giáo hoàng -
Ngày 09/10: Thánh Điônysiô, Giám mục và các bạn tử đạo; Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục -
Ngày 07/10: Đức Mẹ Mân Côi -
Ngày 06/10: Thánh Brunô, linh mục -
Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina -
Ngày 03/10: Thánh Phanxiô Borgia, linh mục Dòng Tên -
Ngày 02/10: Các Thiên Thần Bản Mệnh -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Giữ chay và ăn chay