Ngày 04/01 (+video)

Ngày 04/01 (+video)

Ngày 04/01 (+video)

Ga 1, 35-42

“Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”
Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.
Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói:
“Anh là Simôn, con ông Gioan,
anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1, 41-42)

A. Vâng! vấn đề hôm nay thật phong phú. Nhưng chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh quan trọng.

1. Lại một lần nữa chúng ta gặp ông Gioan. Phải nói ông là người luôn ý thức được sứ mạng của mình - là người luôn “đi trước mở đường cho Chúa”, chính vì thế mà hôm nay ông đã khuyên các môn đệ của mình hãy lìa bỏ ông để đi theo vị thầy mới là Chúa Giêsu. Gioan là người rất quảng đại, không ganh tị. Rõ ràng ông là người đến để đưa người khác đến với Chúa Giêsu chứ không phải với chính ông. Khi Chúa Giêsu đã xuất hiện trên sân khấu thì Gioan hiểu rằng vai trò của ông cần phải dần dần chấm dứt để cho Chúa được nổi bật lên: “Tôi cần phải nhỏ đi để Người được lớn lên” (Ga 3, 30).

2. Hai môn đệ của Gioan bỏ thầy mình để đi theo Chúa Giêsu. Họ không dám đến thẳng với Chúa mà chỉ kính cẩn đi theo sau với một khoảng cách xa xa. Lúc ấy, Chúa Giêsu đã làm một việc rất đặc biệt, Ngài quay lại bắt chuyện với họ, nghĩa là Ngài cũng mở đường trước khiến mọi sự trở nên dễ dàng. Ngài mở rộng cửa để họ có thể bước vào.

Chúa mở đầu bằng cách đặt một câu hỏi. Khi đặt câu hỏi này Chúa muốn họ trở về với một vấn đề cơ bản nhất trong đời sống của cuộc sống làm người: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1, 38)

3. Thật là tốt, nếu mỗi người chúng ta cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Tôi đang tìm gì đây? Tôi đang thật sự ra sức tìm kiếm thứ gì trên cõi đời này? Mục tiêu và chủ đích của đời tôi là gì?

* Trong trần gian, có người đang tìm sự an toàn: họ thích được một chỗ đứng nào đó có thể bảo đảm cho họ có đủ tiền bạc cho những nhu cầu của đời sống, dư thừa chút ít để hòng lúc về già. Đây không phải là mục tiêu sai lầm, nhưng phải nói là một mục tiêu còn rất thấp, không đáng để chúng ta đầu tư cả đời sống vào đó và xét cho cùng thì không có gì là an toàn chắc chắn trong cuộc đời luôn biến động và đầy rủi ro này!

* Có người đi tìm cho mình một sự nghiệp, một danh vọng, một địa vị phù hợp với tài ba và khả năng mà họ tưởng là mình có, với một cơ hội để thực hiện công việc mà họ tưởng mình có thể làm. Nếu mục tiêu này do những động cơ đầy tham vọng cá nhân hướng dẫn thì nó sẽ là mục tiêu xấu; nhưng nếu được hướng dẫn bởi những động cơ phục vụ đồng bào, đồng loại, thì nó có thể là mục tiêu cao đẹp, nhưng như thế cũng vẫn chưa đủ vì tầm cỡ của nó còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

* Có người đang đi tìm sự bình an, một cái gì đó sẽ giúp họ sống an hòa với chính mình, an hòa với Thiên Chúa và an hòa với người khác. Đó là sự tìm kiếm Thiên Chúa. Mục tiêu này chỉ một mình Chúa Giêsu mới cung cấp và thỏa mãn được thôi.

B. Câu trả lời của hai người trẻ là họ muốn biết chỗ Chúa Giêsu. Họ hỏi lại Chúa: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38)

Họ gọi Ngài bằng danh hiệu tôn kính mà học trò gọi tôn sư. Họ thưa rằng, không phải họ chỉ muốn trò chuyện với Ngài như khách qua đường, mà họ còn muốn ở lại với Ngài để nói với Ngài những thắc mắc bận tâm của họ. Và câu trả lời của Chúa là: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 39). Khi trả lời như thế, Chúa không chỉ mời họ đến để trò chuyện mà đến để thấy những gì mà chỉ một mình Ngài mới có thể giải tỏa cho họ. Gioan ghi lại một chi tiết đáng lưu ý: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (bốn giờ chiều) (Ga 1, 39). Sở dĩ ông viết thế vì ông là một người trong cuộc. Lúc bốn giờ chiều của một ngày đầu xuân tại Galilê, cuộc đời của Gioan đã được đổi mới hoàn toàn. Vâng! Khi một người đã thật sự gặp được Chúa thì chẳng bao giờ họ có thể quên được giờ ấy, ngày ấy, cũng như khi đã làm người thì chẳng ai quên được ngày sinh của mình. Thật là tốt đẹp biết bao cho những người được ở với Chúa! Hạnh phúc thay ai được trò chuyện với Ngài!

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Graham Kings:

“Lạy Chúa, khi đến với Chúa,
con phải tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con;
con phải cởi bỏ đồng hồ: thời khoá biểu của con;
con phải đóng lại bút viết: các quan điểm của con;
con phải bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để được ở với Chúa, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa;
con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa;
con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa;
con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa;
con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.

Top