Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu
Ngày 3 tháng 1
KÍNH DANH THÁNH CHÚA GIÊSU
1. ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ
Có thể nói lòng tôn kính Danh thánh Chúa Giêsu đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh. Các chứng tích trong các tác phẩm của các giáo phụ đã nói lên điều đó. Và sự việc đã trở nên rầm rộ từ thời Trung Cổ. Sự phát triển việc tôn kính Danh Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh của phong trào sùng kính nhân tính của Người, chú ý đến việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Cứu thế, từ lúc Nhập thể, đến lúc Giáng Sinh, thời thơ ấu, lúc giảng đạo cũng như cuộc Thương Khó, với những cảnh tượng đau thương trên Thập giá. Các nhà thần học và giảng thuyết đã để lại nhiều văn phẩm giải thích ý nghĩa danh Giêsu là Chúa Cứu Chuộc, và từ đó, nhiều lời kinh được sáng tác để cầu xin Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, và các sự dữ.
Cách riêng, Thánh Bênađô dựa theo sách Diễm Ca, đã nói đến “Danh Người như dầu tỏa lan” để giải thích các công hiệu của việc suy gẫm và kêu cầu Danh thánh, đó là nó có sức chiếu sáng nhờ đức tin, có sức nuôi dưỡng tinh thần mỗi khi chúng ta nhớ đến, và có sức chữa trị mỗi khi chúng ta kêu cầu. Không lạ gì mà một bài thánh thi “Jesu, dulcis memoria” được gán cho Thánh Bênađô.
Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đaminh và Phan sinh, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau công đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính đối với danh Chúa Giêsu, một cách cụ thể hơn trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này. Đức Thánh Cha Grêgôriô X đã ủy thác cho Chân Phước Gioan Vercelli, tổng quyền dòng Đaminh việc chấp hành lệnh của công đồng nhờ các tu sĩ giảng thuyết và cổ động tập tục đó. Dù sao, các nhà giảng thuyết – Đaminh cũng như Phan sinh – không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên thánh Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS – ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy-lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La-tinh là viết tắt của “Jesus hominum salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). Trong số những nhà giảng thuyết thời danh phải nhắc đến Thánh Bernardinô Siena (1380-1444). Bên cạnh việc tôn kính qua cử chỉ cúi đầu hoặc khắc tên thánh, nhiều kinh đọc cũng được sáng tác, đứng đầu phải kể Kinh cầu kính Tên Chúa Giêsu.
II. Ý NGHĨA VIỆC TÔN SÙNG THÁNH DANH CHÚA.
Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử huyền thoại, độc nhất vô nhị. Sử gia H.G. Wells, người Anh, công nhận: “Tôi là một sử gia, tôi không có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi phải thú thật với tư cách một sử gia rằng nhà thuyết pháp nghèo kiết xác này (penniless preacher) đến từ Nadarét lại chính là trung tâm của lịch sử. Ông Giêsu Kitô là nhân vật nổi bật nhất trong toàn lịch sử nhân loại”. Quả thật, dù không tin ra mặt nhưng người ta vẫn ngầm tin Chúa Giêsu là “siêu nhân” đích thực.
Kinh thánh nói về Đức Kitô: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).
Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo dành tháng Giêng để tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Qua lòng tôn sùng này, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Thánh Danh Đức Kitô, đồng thời khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhân Danh Ngài. Trong các lời nguyện của phụng vụ, chúng ta thấy Giáo hội luôn kết lời nguyện bằng câu: Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng con. Giữ Thánh Danh Ngài trên đôi môi của chúng ta là cách tốt để bảo đảm rằng chúng ta luôn tiến đến gần Ngài, đặc biệt trong tháng này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng lạm dụng Thánh Danh Chúa Giêsu, vì Mười Điều Răn dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”.
Từ rất sớm, các Kitô hữu đã hiểu rằng chính Thánh Danh Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, và gọi tên Ngài cũng là một cách cầu nguyện. Lời cầu nguyện ngắn gọn này là sự kết hợp của việc hành đạo và lời cầu nguyện của người thu thuế trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14). Có thể đó là cách cầu nguyện phổ biến nhất trong Kitô giáo Đông phương, cả Chính thống giáo và Công giáo, họ dùng “dây cầu nguyện” (sợi dây có thắt nhiều nút) tương tự như tràng hạt của Tây phương.
Ngày nay, chúng ta thường xuyên nghe tiếng kêu Thánh Danh Chúa Giêsu và thấy Tên Ngài có ở nhiều nơi, nhất là khi gặp nguy hiểm và bị hàm oan. Hàng ngày, chúng ta rất nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, đặc biệt lúc 3 giờ chiều, tại nhiều nhà thờ trên thế giới, điệp khúc Thánh Danh Chúa Giêsu được vang lên râm ran: “Vì cuộc Khổ nạn Đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới” và “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Khi lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta cũng nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con…”. Đặc biệt là khi chúng ta đau bệnh, hoặc chăm sóc bệnh nhân, Thánh Danh Chúa Giêsu không ngừng được kêu cầu: “Giêsu…”.
Xin hãy nghe chính Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật: anh chị em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh chị em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh chị em sẽ được, để niềm vui của anh chị em nên trọn vẹn” (Ga 16:23). Chúa Giêsu nói như vậy vừa khuyến khích vừa khuyến cáo mỗi chúng ta.
III. ƠN LẠ DO VIỆC KÊU DANH THÁNH CHÚA GIÊSU.
Vào năm 1274, có những tai ương đe dọa thế giới. Giáo hội bị kẻ thù tấn công dữ dội cả bên trong lẫn bên ngoài, trầm trọng đến nỗi Đức Thánh Cha Gregory X đã phải họp hội đồng Giám mục ở Lyons để tìm phương thế cứu nguy xã hội đang bị hiểm họa diệt vong. Các Giám mục đã chọn việc kêu tên Cực Trọng Giêsu, Đức Thánh Cha chuẩn y, dòng Dominicô được giao công tác giảng dạy, với sự hợp tác của dòng Phanxicô và nhiều vị thánh khác. Chẳng bao lâu, kẻ thù của Giáo hội tự tan rã, và hoà bình đã trở lại.
Năm 1432 bệnh dịch xảy ra lan tràn khắp thành phố Lisbon. Mọi người cố trốn chạy khỏi thành phố, và đã mang theo bệnh dịch đi khắp toàn nước Bồ đào nha. Hàng ngàn người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con thuộc mọi từng lớp trong xã hội đã bị càn quét bởi cơn bệnh hiểm nghèo này. Người ta chết ở bàn ăn, trên đường phố, trong nhà, ngoài chợ, cả nơi thánh đường, ở khắp mọi nơi. Theo danh từ của sử gia thì bệnh truyền nhanh như ánh chớp: Từ người qua người, từ mũ, áo, hay bất cứ cái gì đã bị người bệnh đụng đến đều là vật truyền bệnh cả. Linh mục, bác sĩ, y tá cố lôi đi chôn những xác chết không ai chôn cất nằm đầy đường phố, chó liếm máu và ăn thịt cả người chết, rồi mang bệnh đến cho những người khác.
Một trong những người đã từng giúp đỡ những người chết mà không hề mệt mỏi là Đức Giám mục André Dias, Ngài sống trong tu viện thánh Dominicô. Vị Giám mục thánh thiện này thấy cơn dịch càng ngày càng lan tràn mạnh mẽ ngoài tầm tay kiểm soát của con người, Ngài đã thúc đẩy những người bất hạnh hãy kêu cầu đến Thánh danh Giêsu. Những nơi nào bệnh dịch hoành hành dữ, Ngài thúc đẩy những người bị bệnh, cũng như những người chưa bị lây bệnh, hãy lặp đi lặp lại Thánh Danh “Giêsu, Giêsu”. Ngài còn kêu gọi họ viết trên những tấm cards mang trong mình, gối đầu giường lúc ban đêm, treo trước cửa nhà, và tốt nhất là luôn miệng kêu tên cực trọng Giêsu trên miệng, và trong lòng.
Người kêu gọi họ tới dự thánh lễ ở nhà thờ lớn Dominicô, giảng cho họ nghe về Danh Thánh cực trọng Giêsu, rảy nước thánh nhân danh Giêsu, bảo mọi người dùng nước thánh đã làm phép với thánh danh Giêsu rảy trên người bệnh, cũng như trên người chết. Cơn dịch đã ngừng, những người bệnh khỏe lại. Tin lành đã đồn vang ra khắp nước. Người ta càng tin tưởng và khẩn khoản kêu Thánh danh Giêsu, trong một thời gian ngắn bệnh dịch đã biến mất trên đất nước Bồ Đào Nha.
Từ đó, người ta đã tiếp tục kêu cầu đến Thánh danh Giêsu trong những lúc lo-lắng, bị nguy hiểm, bị cám dỗ, bị thử thách… Nhiều hội đoàn được thành lập theo Thánh danh Giêsu. Việc sùng kính Thánh danh Giêsu sau đó truyền sang đến Tây ban nha, đến Pháp và lan ra cả thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 21/01: Thánh Agnès (Inê) - Trinh nữ, tử đạo -
Ngày 20/01: Thánh Fabianô, Giáo Hoàng và Thánh Sêbastianô, tử đạo -
Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ (251-356) -
Ngày 13/01: Thánh Hilaire, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort - Linh mục -
Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Giữ chay và ăn chay