Mùa Vọng kiếp người…
TGPSG -- Tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn không con cháu, những đau thương trong cuộc đời... Thế nhưng họ vẫn sống an vui những ngày cuối đời trong viện…
Biết bao mùa vọng đi qua đời tôi, là bấy nhiêu lần tôi cố gắng dọn đường cho Chúa đến. Dọn đường đã mệt, dọn lại con đường mình đã nhiều lần sửa chữa càng chẳng vui thú gì. Cái se se lạnh của những ngày cuối đông của mùa Vọng này khiến tôi nhớ đến các cụ già neo đơn trong viện dưỡng lão tình thương Suối Tiên vào những ngày đón chờ Chúa đến. Họ là những người đã dạy tôi phải sống niềm hy vọng trong suốt cuộc đời.
Tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn không con cháu, những đau thương trong cuộc đời... Thế nhưng họ vẫn sống an vui những ngày cuối đời trong viện, vẫn hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Vì vậy, dù nằm liệt trên giường hay với những bước chân khập khiễng, mỗi ngày họ vẫn không ngừng ca tụng Chúa ngay từ sớm thức dậy cho đến khi chiều tà: vẫn cầu nguyện, vẫn tập thể dục, vẫn làm những công việc quét nhà, quét sân, nhặt rau, rửa chén, chăm sóc các bạn già yếu hơn mình khi có thể, thậm chí tham gia văn nghệ hát hò và vui chơi. Điều các cụ hy vọng không phải là những thú vui trần thế, nhưng trên hết, các cụ hy vọng vào Lời Chúa nói: “ Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (x.1Tx 4,3)
Mỗi vị thánh có một sứ mạng riêng ở một thời điểm lịch sử. Thánh Gioan tiền hô - một thanh niên trai tráng có sứ mạng dọn đường cho Chúa; Đức Giáo Hoàng Phanxicô- một cụ già tóc bạc với sứ mạng hướng dẫn Giáo hội trong cuộc sống lữ hành. Thánh Gioan thi hành sứ mạng nơi sa mạc, Đức Giáo Hoàng thi hành sứ vụ trên toàn cầu. Như thế, trong Đức Kitô, mỗi chúng ta cũng được mời gọi nên thánh. Dù là ai, độ tuổi nào, chức vụ gì, mức độ thánh thiện của chúng ta không lệ thuộc vào yếu tố con người, nhưng được đo bằng tầm mức mà Đức Kitô lớn lên trong chúng ta.
Hãy cố gắng hoàn thành sứ mạng bằng việc lắng nghe Ý Chúa trong cầu nguyện và nhận biết những dấu chỉ của Ngài ban cho chúng ta. Đồng thời, hãy luôn xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết Chúa mong đợi gì nơi chúng ta, trong mọi lúc của cuộc sống, trong mọi quyết định mình phải thực hiện.
Có lần, một cụ bà hỏi tôi: “Khi còn trẻ, con đã từng là gái bán thân… một đời vốn phiêu bạt chợ đời, rày đây mai đó, giờ thì lực tàn sức kiệt được nương ẩn nơi nhà Chúa thì đã quá mệt mỏi, bệnh tật làm cho con cảm thấy không còn đủ sức để chiến đấu, con phải cầu nguyện thế nào hả sơ”?
Bạn đừng bận tâm: Vì chúng ta không thể lớn lên trong sự thiện mà không dấn thân cả hồn lẫn xác (Tông huấn ‘Hãy vui mừng hoan hỷ’, s 25). Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy chiêm niệm ngay trong mọi hoạt động của mình và nên thánh bằng cách thi hành sứ mạng riêng của mình cách nhiệm mầu và quảng đại hơn: Hãy nói với Chúa về những món ăn mà bạn đang phục vụ, hãy bàn với Chúa về những kế hoạch và dự phóng tương lai, hãy hỏi Chúa về những khó khăn đang gặp phải, hãy kể cho Chúa nghe về những cơn khó thở, những nỗi đau thể xác của bạn và của những người bạn gặp gỡ….
Thực tế có những lúc chúng ta cũng bị cám dỗ vừa muốn nên thánh, nhưng cũng muốn hạ thấp sự dấn thân trong công việc bổn phận để tìm sự an bình cá nhân. Nhưng chúng ta luôn được mời gọi thể hiện sự dấn thân theo cách thế của mình, sao cho những cố gắng của chúng ta mang ý nghĩa Tin Mừng và giúp chúng ta gắn bó ngày càng mật thiết với Đức Kitô hơn, chứ không phải sự kiêu căng hay muốn gây ấn tượng với người khác (Tông huấn ‘Hãy vui mừng hoan hỷ’, s 28)
Có lẽ vì hiểu được điều này, nên tôi vẫn gặp được những nụ cười nơi các cụ già nằm liệt trên giường bệnh, tôi vẫn thấy những hy sinh thầm lặng nơi các cụ quét sân, rửa chén hay phục vụ nhà khách, tôi còn thấy sự hài hước của các cụ trên sân khấu với những bài hát không rõ lời hay trong những bộ thời trang vừa sáng tạo lại vừa ngộ nghĩnh, có cụ còn hài hước nói với tôi: “Tuổi già con khó ngủ lắm sơ ơi, nhưng mà cứ mỗi lần lên nhà Nguyện con lại nhờ Chúa ru là con lại ngủ được liền à, con tạ ơn Chúa lắm…”
Trở về với tâm tình dọn đường của mùa Vọng, có thể trong công việc dọn đường, tôi và bạn hay bận tâm đến những chi tiết của lỗi lầm sa ngã để rồi cứ luôn sống trong dằn vặt của một tội nhân. Còn ĐGH Phanxicô và các cụ bà lại chỉ cho chúng ta cách khắc phục công trình dọn đường là hãy khởi đi từ những ân huệ của Thiên Chúa để chúng ta có một tinh thần dọn đường xứng hợp hơn.
***
Lạy Chúa, giữa cuộc sống với nhiều biến động của thế giới, con nhận ra kế hoạch cứu độ của Ngài, đó là: Ngài sẽ thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại, (trong đó có con) bất chấp tội lỗi chúng con. Chính vì ân huệ cao quý này nên chúng con sẽ dọn đường sửa lối cho thẳng để đón chờ Ngài đến. Xin cho chúng con luôn có được một tâm hồn thánh thiện để biết hướng tầm nhìn cao hơn chứ không bằng lòng với cuộc sống nhạt nhẽo tầm thường của gian trần. Amen
Nt. Maria Thúy Kiều -Dòng Đaminh Tam Hiệp (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Các vạ Giáo luật, sự bất hợp luật và ngăn trở - Những điều cần lưu ý dành cho linh mục giải tội
-
Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh -
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024