Minh Lý Đạo

Nhân ngày kỷ niệm Minh lý Đạo khai lần thứ 89 (27/11 Tân Mão), Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn xin giới thiệu về Đạo Minh Lý, để bạn đọc biết thêm về một tôn giáo đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1924.

Minh Lý Đạo hay Đạo Minh Lý, nói tắt là Minh Lý, là một Chi trong Ngũ Chi Minh Đạo.

Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân.

TNHT: Bên Minh Lý đây là Séminaire, là chỗ các thầy tu, ngày sau độ về phần hồn đó con. (Séminaire: chủng viện)

Thuở mới khai Đạo Cao Đài, các Đấng chưa ban cho Tân Kinh, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh đến Minh Lý Đạo để thỉnh các bài kinh sau đây về làm Kinh của ĐĐTKPĐ:

• Niệm Hương.
• Khai Kinh.
• Kinh Sám Hối (Kinh Nhơn Quả).
• Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.
• Kinh Cầu Siêu.
• Bài Xưng Tụng Công Đức Phật, Tiên, Thánh, Thần.

I. Ngày chánh thức Khai Đạo

Đạo Minh Lý khai ngày 27-11-Giáp Tý, nhằm ngày 23-12-1924. Theo âm lịch, Đạo Minh Lý khai, chẳng những trùng vào năm Tý, mà tháng, ngày, giờ cũng đều thuộc Tý cả.
1. Năm Giáp Tý (1924).
2. Tháng Bính Tý là tháng 11.
3. Ngày Bính Tý là ngày tiết Đông chí.
4. Giờ Mậu Tý là 11 giờ khuya, đầu ngày Bính Tý.
Trụ sở của Đạo Minh Lý đặt tại chùa Tam Tông Miếu, số 82 đường Cao Thắng, Sài Gòn.

II. Mục đích và Tôn chỉ

Đây là đôi liễn để trước mặt tiền chùa Tam Tông Miếu nêu lên tôn chỉ của Đạo Minh Lý:
■ Thống Tam giáo dĩ tôn sùng, tân tự trúc thành hưng Chánh pháp,
■ Hiệp vạn nhơn nhi giảng luận, cựu kinh đàm bãi dục linh căn.

Nghĩa là:
■ Gồm ba giáo để kỉnh thờ, chùa mới cất xong, toan chấn hưng chánh pháp (nhãn tàng),
■ Hiệp muôn người cùng giảng luận, kinh xưa giảng dứt, dốc hàm dưỡng linh căn (huyền quan).

Lại có bài thơ nêu mục đích của Đạo Minh Lý như sau:

Đạo là căn bổn khá tầm mò,
MINH mẫn lương tâm cần xét dò.
LÝ ấy tánh chơn vô nhi thị,
Giải phân họa phước chẳng so đo.
Bốn chữ đầu câu là: Đạo Minh Lý giải.

Đạo Minh Lý thờ Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Chủ, tức là: Tây Phương Phật Tổ hay Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Tuyên Khổng Thánh hay Đức Khổng Phu Tử, Thái Thượng Lão Quân hay Đức Lão Tử; và nghiên cứu cả ba giáo lý xưa của Thích, Đạo, Nho, để làm nền tảng cho Đạo Minh Lý.
Tại Tam Tông Miếu Sài Gòn, cách thờ phượng hết sức trang nghiêm, chỉ thờ bài vị viết chữ Nho, chớ không thờ hình và tượng chi hết.

III. Phương pháp dùng Khai Đạo

Đạo Minh Lý khai vào thời Pháp thuộc nên không có nói cách khai đạo bằng Huyền cơ, e có nhiều người tụ tập, làm náo động tới chánh phủ, phải mất sự thanh tịnh cần yếu. Kỳ thiệt, Minh Lý Đạo khai đều dùng cả hai phương pháp: Huyền cơ và Thần cơ.

Trước khi bề trên ban hiệu Đạo Minh Lý, nghĩa là khai đạo thật sự, thì trong năm 1922 và 1923, đã có một số ít người mến đạo, nhờ sự un đúc của Thần Tiên bằng cách Huyền cơ.
Từ xưa, trong nước ta cũng có nhiều đàn Thần Tiên mà sự tín ngưỡng của thiên hạ hỡi còn mơ màng. Họ chỉ đến hầu đàn cầu thuốc, hay cầu hỏi việc tương lai mà thôi, chớ ít ai để tâm về mặt đạo đức. Nhờ có Huyền cơ mà số người nói trên mới bắt đầu tin chắc trong cõi thế giới vô hình, quả thật có Trời, Phật, Tiên, Thánh, không còn ngờ vực gì nữa.

Huyền cơ là gì? Huyền cơ khác với Thần cơ ra sao?

Tuy cũng là Thần Tiên giáng dạy mà phương pháp dùng chỉ truyền có khác.

Theo Thần cơ (Psychographie), Thần Tiên mượn tay của đồng tử người phàm, dùng điển lực mà viết ra. Có khi dùng cơ, có khi chấp bút. Đó là việc các Đạo hữu ở đây đều biết, nên khỏi phải nói thêm nữa cho dong dài.

Còn theo Huyền cơ (Pneumatographie), Thần Tiên tự viết ra, không cần có tay người đồng tử xen vào, cũng không có cái cơ hay là cây bút chì làm món khí cụ để viết theo cách nói trên của Thần cơ. Không biết các vị thiêng liêng viết cách nào mà tự nhiên trên giấy trắng xếp lại, ta thấy có chữ hiện ra rõ ràng đủ ý nghĩa.
Tôi có thể nói: Đây là một sự huyền diệu phi thường, chúng tôi đặng trực tiếp với Thần linh bằng văn tự.

IV. Giải nghĩa hiệu ĐẠO MINH LÝ và hiệu chùa TAM TÔNG MIẾU
1. Nghĩa chữ Minh Lý Đạo:
a) Nghĩa phổ thông:
Chữ MINH (động từ) nghĩa là làm sáng tỏ. Mà làm sáng tỏ cái chi? Là chữ LÝ nói sau đây ở trong mình người cho mỗi ngày mỗi sáng. Làm sáng tỏ cho mình được rồi, lại giúp cho mọi người, cho tất cả thiên hạ làm sáng tỏ như mình thì cũng gọi là Minh. Thế là chữ Minh có nghĩa phân biệt lành dữ, phải trái, để bỏ dữ theo lành, bỏ trái theo phải.

Chữ LÝ nghĩa là lẽ phải, tức là hai chữ Minh Đức (danh từ kép) là đức sáng suốt theo sách Đại Học, cũng gọi là Lý tánh, lương tâm, lương tri lương năng, theo các sách khác của Nho giáo.

Đó là đạo lý mà mọi người phải noi theo, mọi người phải giữ gìn và cố gắng thực hiện đạo lý đó cho được rực rỡ trong lòng mình và hiển lộ ra bên ngoài bằng hành vi để làm khuôn thước cho đời sống của mình và làm của chung cho tất cả quốc gia xã hội. Đó là một chơn lý bất biến, không thể nào làm người mà không có được.

Cho nên, ai cũng phải làm sáng tỏ cái Lý đó, khêu ngọn đèn thiêng liêng ấy cho tới mức thiệt sáng. Nhưng Lý nầy còn ở trong vật chất, là Lý tương đối, tuy thuộc Tiên Thiên mà còn mắc kẹt trong Hậu Thiên, nên khó đặng toàn hảo.

Chữ ĐẠO là đường lộ, con đường phải mà ai cũng nên đi trên đó. Nếu ai đi trên con đường rộng lớn của thiên hạ thì bình yên. Bằng trái lại, bỏ con đường ấy thì sa lạc vào hố sâu vực thẳm mà đắm mình nơi nguy hiểm khổ đau. Đã sa lạc vào rừng sâu thì quanh quẩn không lối về, mà còn khủng khiếp giữa đám rắn độc, cọp dữ, e chẳng toàn thân.

Đạo đây còn có nghĩa là dùng giác quan mà phân biệt, nhưng giác quan chỉ thấy bề ngoài mà thôi. Đại ý phổ thông là như vậy.
Đây ta còn mổ xẻ thêm ra từ chi tiết để tìm lý do kết cấu cái danh từ trừu tượng đó. Nói về cơ thể, phương pháp khoa học gọi là giải phẩu, nói theo văn chương thì gọi là chiết tự.

b) Nghĩa chiết tự:

- Giải chữ MINH: 明 Minh là sáng, tại sao nó sáng?

Chiết tự: Chữ Minh gồm có chữ Nhựt 日 và chữ Nguyệt 月 nghĩa là một bên chữ Nhựt, một bên chữ Nguyệt hiệp lại mà thành sự sáng.

Dịch Hệ Từ Hạ truyện, chương 5 tiết 2 nói: Nhựt vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhựt lai. Nhựt nguyệt thôi nhi minh sanh diên. Nghĩa là: Mặt nhựt qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt nhựt lại. Mặt nhựt mặt nguyệt xô đẩy nhau mà sanh ra ánh sáng. Ý nói: Nhựt là mặt trời chủ về ban ngày, là khí Dương. Nguyệt là mặt trăng chủ về ban đêm, là khí Âm. Âm Dương giao hoán cùng nhau mà phát lên một sức sáng điều hòa. Tỉ như hai luồng điện gặp nhau, ở giữa có một dây tơ, làm cho sức nóng của dương hòa với sức lạnh của Âm mà nảy ra ánh sáng trên đường dây tơ vậy.

- Giải chữ LÝ: 理 Chữ Lý gồm có nhiều phần:

Phần thứ nhứt, bên tả có chữ Vương 王. Vương là chủ là quản trị, mà cũng có một cách đọc khác là Vượng. Vượng là thịnh đạt khắp nơi. Chữ Vương viết ba ngang một sổ. Ba ngang tượng trưng Tam tài. Tam tài là: Trời, Đất, Người, hay là Tinh thần, Sinh lực và Vật chất. Một vật, bất cứ là vật nào, cũng phải có ba phần đó. Nhưng mỗi vật tiến hóa lên đến con người thì ba phần đó đặng hoàn toàn hơn nên gọi người là "tối linh ư vạn vật".

Xưa nay người ta thường nói: Duy Tâm, Duy Vật, mà ít nói về Duy Sinh (sinh khí), nên Tâm Vật hai đường đối nhau vì thiếu phần trung gian để dung hòa.
Vậy bổn phận làm người phải học Đạo để đi đúng đạo lý, là một tinh thần vừa đúng với Trời, với Đất, với nhơn quần xã hội, gọi là Tam tài hợp nhất, tức là chữ Vương nói trên vậy.

Phần thứ nhì, bên hữu là chữ Lý 里. Chữ Lý nầy ở trên hết ta viết chữ Điền 田, Điền là ruộng nước, kế viết chữ Thổ 土 là đất, nằm trên khô mà thành chữ Lý. Lý là làng nước, là chỗ ở. Trong đó có chữ Điền là ruộng phước để cho người gieo (canh chưởng phước điền), có chữ Thổ là đất để người ta ở (an thổ đôn nhân) hầu tương lai gặt lấy hồng phước thế gian hay là hưởng thanh phước Niết Bàn.

Ý nói: Chữ Lý gồm cả Nhơn đạo và Thiên đạo, là chấp Thiên đạo mà hành Nhơn đạo, chớ không phải chỉ lo một mặt mà thôi.... ... ...

- Giải chữ Đạo: Chữ Đạo trước đây giải là con đường lộ, đến đây nó nhảy lên một từng cao hơn, có nghĩa là phương pháp. Như chữ Đạo trong sách Đại Học: Sanh tài hữu Đại Đạo, nghĩa là: làm ra tiền của có một phương pháp lớn.

Phương pháp đó là phương pháp nào? Là làm có tiền nhiều mà xài ra thì ít, lâu ngày tụ thiểu thành đa, tự mình trở nên giàu có.
Về phương pháp của Đạo cũng thế. Phải tự mình biết tụ tinh thần, qui hiệp Âm Dương, đừng để nó rời rã lãng phí.

Vậy tôi xin chiết tự chữ ĐẠO 道 mà giải sau đây:

Khi viết chữ Đạo, trước chấm bên trái gọi là nhứt Dương, rồi phết một phết bên phải gọi là nhứt Âm. Châu Dịch nói: Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo, nghĩa là một Âm một Dương gọi đó là Đạo. Kế đó liền viết chữ Nhứt. Chữ Nhứt nầy có nghĩa là hiệp nhứt, hiệp chung lại làm một, đừng cho nó rời rã. Nếu Âm Dương rời rã thì không sao sanh hóa được. Âm Dương là cơ động tịnh, để phản về chơn tánh, chế luyện Kim đơn, là phương tu tánh mạng, để qui nhứt làm một cùng Trời. Nên chữ Nhứt đây là chủ tể của cơ vận hóa, làm then chốt cho cơ động tịnh của Âm Dương. Đó là sự mầu nhiệm khó nói ra.

Kế đó, viết chữ Tự 自. Tự nghĩa là tự nhiên mà có tánh độc lập, tự hữu nhi hằng hữu, không thể đổi thay thêm bớt, mãi mãi còn hoài. Chữ Tự là tự mình đó. Lấy nghĩa nói như trên chớ không phải chữ Tự theo nghĩa ý thức hay là bản ngã, chỉ có tánh chia rẽ ích kỷ.

Ráp lại cả trên và dưới thành chữ Thủ 首. Thủ là đầu tiên, nghĩa như chữ Nguyên trong Kinh Châu Dịch, tức là cái phát sanh ra trước hết. Ta phải nương theo đó để trở về với chơn lý duy nhứt là Trời.

Kế viết chữ Sước 辶 thường gọi là Quai sước. Sước nghĩa là cơ lưu hành vận chuyển, châu tuần trong Càn khôn thế giới mà hóa dục, dịch sử quần linh. Đó là máy tuần hoàn trong thân thể mà cũng là cơ điều dương dưỡng khí, làm máy châu thiên huờn đơn.

Theo nghĩa chiết tự, ráp lại hết các thành phần thì thành hình chữ Đạo. Chữ Đạo nầy là cơ tự động đầu tiên, là phương pháp phải tu mới mong đắc thành quả vị Phật.

c) Nghĩa huyền bí:

Trên đó là chiết tự, để cho mỗi người có thể lấy lý trí, lấy ý thức mà tìm hiểu, vì lý trí, ý thức chỉ có tài phân tích và hiệp ráp mà thôi, chớ không thể xét biết được đến cái Thiên lý hồn nhiên, hoàn toàn có một, bao la muôn vật, trải khắp mười phương mà đây tôi muốn đem ra bày giải làm nghĩa thứ ba của chữ Minh Lý.

Chữ Minh đây không phải Minh động từ là làm cho sáng tỏ như nói trên, nó cũng chẳng phải là ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt nhựt nguyệt, mà là thứ ánh sáng siêu nhiên hơn bá bội vạn bội. Nhưng vì thế gian không có tiếng nào tả đúng nên bất đắc dĩ phải mượn chữ Nhựt và chữ Nguyệt mà bày giải đó thôi. Chữ Minh đây là chữ Minh Diệu hay Diệu Minh của nhà Phật.

Chữ Lý đây là chơn lý, là bản nguyên sơ thỉ của CKTG, không có hình tướng, màu sắc nên không thể nói vuông hay tròn, đen hay trắng, v.v.... mà nó không có đức tánh nên không thể nói lành dữ, tốt xấu. Đó là Lý tuyệt đối. Cái Lý nầy, Đạo giáo gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Pháp, Nho giáo gọi là Thiên. Đến khi nó vào trong Khí thể mới có đức tánh, vì Khí mới có dài có vuông, có thanh có trược, có nặng có nhẹ, mới có tánh phân biệt khác nhau.

Như Phật giáo có Lục Tức, nghĩa là 6 chữ Tức, là 6 lớp công phu như sau:

Lý tức Phật,
Danh tự tức Phật,
Quán hạnh tức Phật,
Tương tợ tức Phật,
Phân chứng tức Phật,
Cứu cánh tức Phật.

Bước đầu là Lý tức Phật, là Lý tại triền chưa giải thoát khỏi Khí thể. Đến phần sau rốt là Cứu cánh tức Phật mới thật là Lý hoàn toàn giải thoát, là Lý cực kỳ sáng suốt, không phải mắt phàm mà thấy được, nên gọi là MINH LÝ.

Chữ ĐẠO ở đây, Đức Lão Tử không biết nó tên gì nên Ngài cưỡng đặt là Đạo. Tuy vậy, Ngài cũng giải nghĩa cho biết: Khi Đạo vô danh thì Đạo là Thiên Địa chi thỉ, khi Đạo hữu danh thì Đạo là vạn vật chi mẫu. Nghĩa là: Ngài chỉ biết: Đạo sanh ra Trời Đất vạn vật mà thôi, ta hãy tìm mà hiểu lấy.

2. Nghĩa của chữ Tam Tông Miếu 三宗廟

Chữ Tam nghĩa là ba, chữ Tông nghĩa là Tông Tổ, là gốc chánh. Miếu là đền thờ. Chỗ hiệp ba tông đem về một mối gọi là qui nguyên. Nguyên là bổn thể có một mà hiện tượng là trạng thái phát sanh ra ngoài, tỉ như một gốc cây có nhiều chi nhiều nhánh, mà chi nhánh đó không thể rời khỏi gốc rễ của nó mà tự sống riêng biệt được.

Vậy Tam Tông là cái tên tổng quát gồm nhiều ý nghĩa, kể ra sau nầy:

• Tam giáo đồng nguyên.
• Tam tài nhứt thể.
• Tam Ngũ hiệp nhứt hay Tam gia tương kiến.

Bây giờ tôi xin giải sơ mỗi ý nghĩa đó.

a) Tam giáo đồng nguyên:
Tam giáo là ba tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, tức là: Đạo Phật, Đạo Tiên, Đạo Thánh.
Đạo Phật cũng gọi là Thích giáo, Đạo Tiên cũng gọi là Lão giáo, Đạo Thánh cũng gọi là Khổng giáo.

Tại Trung Hoa cũng như ở VN ta, ba giáo nầy vì gần gũi nhau, chung đụng nhau lâu ngày, nên hiện nay, về mặt giáo lý, có phần của giáo nầy xen lẫn giáo kia, phần của giáo kia ảnh hưởng đến giáo nọ, khó mà phân biệt mỗi giáo cho rẽ ròi. Cho nên có người nói: Tam giáo đồng nguyên, như nước ba sông lớn đổ về biển cả, không thể biết nước nào thuộc sông nào.

Tuy mỗi giáo luận điệu có khác nhau mà ngoài danh từ ra, nếu chỉ xét về mặt nguyên lý thì Tam giáo đồng một căn bổn duy nhứt và phổ biến. Thích giáo gọi ngôi duy nhứt là Pháp hay Phật, Lão giáo gọi là Đạo hay Đức, Nho giáo gọi là Thiên hay Thượng Đế....

b) Tam Tài nhứt thể:

Phía trước có giải chữ Minh Lý Đạo theo cách chiết tự, bên tả là chữ Vương ba ngang một sổ, đó là tượng trưng Tam Tài nhứt thể. Đây xin giải rộng một chút nữa.
Hào thượng ..... 6
5 Thiên ......... Thiên
4 .........
3 Nhơn ......... Nhơn
2 Địa ......... Địa
Hào sơ ..... 1

Theo Châu Dịch, mỗi quẻ đôi có 6 hào, tượng trưng:

■ Vì hào thượng và hào sơ không thái quá thì bất cập, nên chẳng dùng, mà chỉ dùng có bốn hào giữa: 2, 3, 4, 5.
■ Tính theo hộ quái, quẻ dưới gồm ba hào: 2, 3, 4 thì hào 2 thuộc Địa, hào 3, 4 thuộc Nhơn. Còn quẻ trên gồm ba hào: 3, 4, 5 thì hào 3, 4 thuộc Nhơn, hào 5 thuộc Thiên.

Gồm cả hai hộ quái thì có bốn hào: một hào Địa, hai hào Nhơn, một hào Thiên.

Đó là tượng hình con người, trên đội Trời, dưới đạp đất mà biến thái ra thành chữ Nhân 仁, tự dạng tuy có khác, mà nó vẫn giữ bốn nét như trước.
Đức Khổng Tử nói: Nhân giả nhân dã 仁者人也

Nghĩa là: đức Nhân là tánh hoàn toàn của con người là nhân bản vậy. Cho nên đạo Nho lấy Nhân làm trụ cốt, làm mục đích chánh thuộc về Tiên Thiên bao gồm cả Tam Tài. Xin chớ lầm tưởng theo nghĩa thông thường là nhân từ, thương xót mà thôi.

Hoặc cũng có thể cấu kết bốn nét thành chữ Vương 王 trên Trời dưới đất, ở giữa có chữ thập 十 là Thập tự nhai, tức là con người lý tưởng, vì trong hình chữ nầy, con người vừa có nét dọc làm nội thánh, vừa có nét ngang làm ngoại vương, đề cao giá trị con người lên ngang hàng với Trời Đất, nên cả ba đồng đẳng với nhau.

Theo Nho giáo, sách Lễ Ký cũng có nói: Nhơn giả kỳ Thiên Địa chi đức, Âm Dương chi giao, quỉ thần chi hội, Ngũ hành chi tú khí. Nghĩa là: Con người có cái đức của Trời Đất, chỗ giao điểm của Âm Dương, nơi tụ hội của Quỉ Thần, cái tinh túy của Ngũ hành.

Cho nên, đức tánh cao siêu của con người mà đặng thành tựu là nhờ ở chữ Đức, chữ Giao, chữ Hội, chữ Tú Khí nói trên. Thử hỏi, bỏ mấy chữ đó ra, con người có thể nào nhập Thánh siêu phàm, thành quả vị Tiên Phật đặng?....

c) Tam ngũ hiệp nhứt hay Tam gia tương kiến:

Cuốn Ngộ Chơn Thiên của Đạo giáo giải thuyết nầy trong một bài thi bát cú sau đây: (xin lược bớt bài thi Hán văn .....)

Tam ngũ nhứt luôn ba chữ nầy,
Xưa nay hiểu được ít người thay!
Đông tam, Nam nhị, hiệp thành ngũ,
Bắc nhứt, Tây tư cộng cũng vây.
Mồ Kỷ một ngôi sanh số ngũ,
Ba nhà gặp gỡ kết Tiên thai.
Tiên thai là một gồm chơn khí,
Mười tháng thai thành ngự Thánh đài.

Đây là lấy số trong Hà Đồ mà luận. Vì Kim năng sanh Thủy, hai hành nầy đồng chung một cung, cho nên 4 và 1 hiệp lại thành số ngũ. Đây là nói Tình thuộc Kim, Tinh thuộc Thủy, hiệp lại thành một số ngũ, tức là Tu thân hay là Luyện Tinh.

Vì Mộc năng sanh Hỏa, hai hành nầy đồng một cung, nên 3 và 2 hiệp lại sanh số ngũ, tức là Tu tâm hay Luyện Khí.
Còn Mồ Kỷ ở trung ương, riêng một mình cũng đủ một số ngũ nữa. Đây là nói về chơn ý, cũng gọi là Luyện Thần.

Cho nên Tánh Mạng khuê chỉ có câu:

Thân, Tâm, Ý, thị thùy phân tác Tam gia.
Tinh, Khí, Thần, do ngã hiệp thành nhứt cá.

Ba con số ngũ nói trên hiệp lại một, nên gọi là Tam ngũ hiệp nhứt, tức là Tam gia tương kiến. Nếu ba nhà gặp nhau hiệp thành Thái Cực thì sẽ siêu phàm mà vào ngay cõi Thánh.

Tóm lại, Tam ngũ hiệp nhứt là phép trở về với Đạo, từ số 5 là ngũ hành trở lại số 3 là Tam gia, từ số 3 trở lại số 1 là Thái Cực. Phép nầy gọi là Phản bổn huờn nguyên.

V. Kết luận

Về Thế Đạo, Minh Lý lấy con người làm đích chánh. Người là đại diện của Trời Đất, giữ mối tương quan, làm cho sáng tỏ và rộng bày Đại Đạo.

Nếu Trời Đất có mà không có con người thì Trời Đất cũng không cần có để làm gì.

Con người có tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên đạo cho nghi. Nhưng tại sao chúng ta gặp hôm nay một hoàn cảnh rất đen tối, thù ghét nhau, giết lẫn nhau. Tại sao?

Đó là con người bị ám ảnh bởi lòng tham dục mà say đắm với hoàn cảnh, nên gây ra biết bao sự đổ nát hư hại, làm cho đất bằng sóng dậy chẳng vừa. Nên đặt trúng vấn đề là một việc, còn việc quan trọng hơn là phải có con người lành mạnh tượng trưng, đủ trí tuệ, đủ từ tâm, mới có thể đặt tay vào đời mà không làm cho đời hư hại.

Muốn có con người ấy, không phải học giỏi tài cao mà ra gánh đời độ chúng được. Muốn đòi hỏi cho đời đặng trở nên thanh bình thánh đức, phải có con người chơn tu, chứng đạo, nội thánh ngoại vương, tự giải thoát được thân, để giải phóng loài người ra ngoài đau khổ.

Về Thiên đạo, Minh Lý nhìn nhận mỗi người đều có tánh Minh Lý tối thiêng liêng, bất sanh bất diệt, ngang cùng Trời Đất, hoặc gọi là Minh Đức, Minh tánh, Minh giác, v.v... làm căn bản cho sự tu thân. Cho nên bề trên có dạy:

Minh Lý tánh, minh tâm kiến tánh,
Đạo Tam Tông, thọ lãnh hóa hoằng.

Nhưng khó ở chỗ nhìn rõ cái tánh Minh Lý. Chết tại đó mà sống cũng tại đó, nên gọi chỗ đó là Sanh Tử quan đầu.
Thỉnh chư quí vị để ý, không nên minh bằng lý trí, nếu công phu sai một ly là cách xa ngàn dặm.

Hôm nay, Tệ tăng bày giải ít điều về sở kiến của Đạo Minh Lý, ước mong chư Đạo hữu bổ cứu thêm cho để trợ giúp bề trên hoằng hóa mối đạo Trời đương buổi Hạ Nguơn nầy, hầu đem lại phước lành cho đồng bào ta, cho cả thế giới nhơn loại.

(NGUYỄN MINH THIỆN)

Top