Mạn đàm về Tết Trung Thu
1. Trên mạng Wikipedia Bách khoa toàn thư mở, một trang mạng tương đối có uy tín, viết về Tết Trung Thu như thế này:
“Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Sau này người Trung Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.” [1]
Trong khi đó, cũng trang mạng này bằng tiếng Anh thì lại ghi là:
Việc mừng Lễ Trung Thu có liên quan chặt chẽ với truyền thuyết Hậu Nghệ và Hằng Nga, vị Nữ thần Mặt trăng Bất tử. Hai nhân vật này phát xuất từ thần thoại của Trung Quốc vào khoảng năm 2170 TCN, dưới thời cai trị của vua Nghiêu (堯), sau đó là vua Vũ(禹). Không như các vị thần mặt trăng trong các nền văn hóa khác, mặt trăng được nhân hóa, ở đây Hằng Nga chỉ sống trên mặt trăng chứ không phải là chính mặt trăng.
2. Theo âm lịch, tháng tám là tháng thứ hai của mùa thu, thời xưa gọi là Trọng Thu (仲秋), dân gian gọi là Trung Thu (中秋), còn gọi là Thu Tịch (秋夕), Bát nguyệt tiết (八月節Tết Tháng Tám), Bát Nguyệt Bán (八月半), Nguyệt Tịch (月夕), Nguyệt Tiết (月節), vì rằm tháng tám là đêm thu đẹp nhất trong năm vì hôm đó trăng thật to tròn, sáng và đẹp, tượng trưng cho sự đoàn tụ, nên còn gọi là Đoàn Viên Tiết (團圓節). Người Trung Hoa xưa nhân đó có bày ra Tết Trông Trăng, để đoán định vận nước và theo thời tiết mà tiên liệu mùa màng sắp tới. Theo kinh nghiệm, trăng có màu vàng thì trúng mùa tơ tằm, trăng xanh lục thì đất nước sẽ bị thiên tai, mất mùa, còn trăng sáng trong với màu da cam, biểu hiện cảnh dân nước ấm no hạnh phúc.
Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc, là ngày 15 tháng tám âm lịch, về sau trở thành lễ truyền thống của nhiều dân tộc Á Đông cả Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên..., tức là những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Các vua chúa thời xưa có tục lệ mùa xuân tế nhật, mùa thu tế nguyệt, nên thuật từ “trung thu” sớm nhất tìm gặp trong sách Chu Lễ (周 禮) [2], do Chu Công Đán (周公旦) trước tác, 476 TCN) nhưng không nói rõ ngày nào trong tháng tám.
Có người cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ Lễ Tạ Trời Đất của vua Hán Quang Vũ (光武), sau khi diệt được phản thần là Vương Mãng (王莽), bình định được đất nước, khôi phục nhà Hán (năm 25 sau Công nguyên). Trong tiệc nhà vua cho dùng hai món bưởi và khoai môn là hai món ăn đã giúp cho quân của Lưu Tú (劉秀) khỏi bị chết đói, khi bị quân Vương Mãng vây hãm trong thành nhiều ngày. Từ đó người Trung Hoa dùng hai vật trên làm món lễ cúng trăng.
Sau triều Đường (618-907), Tết Trung Thu mới trở thành ngày lễ cố định. Truyện kể Đường Minh Hoàng (唐明皇) nằm chiêm bao, lấy được bản nhạc Nghê Thường Vũ Y [3] (718-720), dân gian mới có tục lệ mừng Tết Trung Thu. Nhưng thông thường người ta cho rằng Tết Trung Thu thịnh hành vào thời triều Tống (960-1276). Đến triều Minh và triều Thanh, lễ này trở thành ngày lễ truyền thống lớn.
Nguyên do là nhà Nguyên (1206-1368) cai trị Trung Quốc rất hà khắc. Sử kể, năm 1276 quân Mông Cổ chiếm thủ đô nhà Tống. Chí Nguyên năm thứ 16 (1279), Mông Cổ tiêu diệt toàn bộ tàn quân của Tống, chính thức cai trị toàn thể Trung Quốc.
Để duy trì quyền thống trị chuyên chế của quí tộc Mông Cổ tại Trung Quốc, nhà Nguyên phân chia nhân dân thành bốn giai cấp, người Hán đứng hạng ba. Vua Mông Cổ có thể lấy ruộng đất của người Hán và cả người Hán trao ban cho hoàng gia hay công thần bất cứ lúc nào. Người Hán đột nhiên mất hết của cải và trở thành nông nô, vì người Mông có quyền lấn chiếm ruộng đất của người Hán, mà chỉ cho ruộng đất hoang vu để chăn nuôi thôi. Mông Cổ thống trị Trung Quốc bằng cách khống chế từ hạ tầng rất chặt chẽ. Hai mươi nhà tổ chức thành một “giáp”, đứng đầu là người Mông do nhà nước bổ nhiệm làm trưởng giáp, gọi là tổng quản. Hai mươi nhà trở thành nô lệ của một tổng quản. Người này có quyền chiếm hữu tài sản, đàn bà, con gái mặc ý.
Nhà Nguyên quy định người Hán không được tổ chức hội đoàn, không được tập hợp, không được thờ cúng tập thể, không được có vũ khí, mười nhà mới được phép có một con dao bếp. Người Hán không được săn bắt, không được tập võ, không được buôn bán, không được ra ngoài ban đêm. Nên nếu muốn liên lạc khởi nghĩa rất khó khăn. Người Hán đánh chết người Mông, thì phải đền mạng; người Mông vì tranh chấp hay say sưa đánh chết người Hán thì chỉ bị phạt đi lính. Người Hán đi lính không được gác đêm...
Năm cuối triều Nguyên (1368), Chu Nguyên Chương (朱元璋) quyết định khởi nghĩa, ông bày cách tặng bánh Trung Thu, trong bánh có mảnh giấy đề “Ngày 15 tháng 8 giết Thát Đát” (người Mông Cổ). Đêm đó người Hán đồng loạt khởi nghĩa, đánh đuổi người Mông. Năm thứ nhất Hồng Võ (洪武1368), vua Chu Nguyên Chương lấy bánh Trung Thu làm quà tặng cho các quan trong triều. Từ đó Tết Trung Thu trở thành ngày lễ lớn truyền thống. Cả nhà cùng ngắm trăng gọi là “khánh đoàn viên” (慶團圓, mừng đoàn tụ), ngồi chung uống rượu gọi là “viên nguyệt” (圓月, trăng tròn), ra ngoài ngắm cảnh dạo chơi gọi là “tẩu nguyệt” (走月, trăng chạy). Thi sĩ Đỗ Phủ (712-770) thuở nhỏ đã viết bài thơ:
Thu cảnh kim tiêu bán, (秋 景 今 宵 半,)
Thiên cao nguyệt bội minh (天 高 月 倍 明.)
Nam Lâu thuỳ yến thưởng ? (南 樓 誰 宴 賞?)
Ty trúc tấu thanh âm (絲 竹 奏 清 音)
Nghĩa là:
Cảnh thu khuya khoắt đêm nao,
Trăng thanh rực sáng tỏa lan khắp vùng.
Kìa ai yến tiệc Nam Lâu?
Tiếng đàn tiếng sáo thâm sâu bổng trầm.
Thật ra, bánh Trung Thu thời xưa là tế phẩm dâng vào Tết Trung Thu, dần dần trở thành thức ăn và quà tặng, là quà tặng quan trọng để liên hệ tình cảm giữa bạn bè dịp Tết Trung Thu. Bánh hình tròn, tựa như trăng đầy, ý chỉ đoàn tụ, sau này có hình vuông và các hình dáng khác.
Thời Bắc Tống (960-1127), bánh này gọi là “cung bính” (宮餅, bánh của cung đình), chỉ dùng trong cung điện, sau này lan đến dân gian, gọi là bánh nhỏ hay “nguyệt đoàn” (月團), ngụ ý đoàn tụ tốt đẹp.
3.Qua thời gian, Tết Trung Thu được điểm xuyết bởi rất nhiều thần thoại, mà câu truyện đẹp được nhiều người biết đến là Hằng Nga lên cung trăng:
Hằng Nga (姮娥), còn gọi là Thường Nga (嫦娥hay常娥), biệt danh là Dao Trì tiên tử (瑤池仙子), là con thứ bảy của Tây Vương Mẫu (西王母), con gái cưng nhất của bà, cũng là vị nhỏ tuổi nhất trong bảy tiên nữ, là vợ của Hậu Nghệ. Hằng Nga trong quá trình tu trì đã yêu Hậu Nghệ, dạy phép bí truyền nên tiên cho Hậu Nghệ, bị thiên đình phạt làm người phàm. Hậu Nghệ cảm thấy thiên đình hiểu lầm Dao Trì tiên tử , lấy cung bắn hạ chín lá cờ của thiên đình, ngăn cản lính của thiên đình đuổi theo, và cho Dao Trì tiên tử ở lại cung Quảng Hàn của mình. Dao Trì vì không thể trở về thiên đình gặp lại mẹ và các chị, vì thế mỗi lúc trăng tròn thường nhớ đến thân nhân và bạn bè tại thiên đình. Nàng thường tỏ cho Hậu Nghệ biết mình đang nhớ nhà. Hậu Nghệ biết nỗi đau khổ của nàng, hứa sẽ lấy thuốc trường sinh bất tử cho nàng, và một ngày nào đó sẽ giúp nàng đoàn tụ với người thân. Tây Vương Mẫu vì không thể gặp lại con gái cưng của mình, rất bất mãn thiên đình, thế là bà phát động chiến tranh chống thiên đình. Như thế, chiến tranh thượng cổ mở màn. Sáu người chị của Dao Trì tiên tử đều rời thiên đình đến trần gian trong cuộc chiến này.
Hậu Nghệ có được bất tử linh dược từ Tây Vương Mẫu, ai dùng thuốc này sẽ không chết và được lên trời làm thần tiên. Hằng Nga biết được bèn trộm dùng hết liều thuốc đó, trở thành tiên nữ, bay đến cung trăng. Dân chúng biết Hằng Nga lên cung trăng thành tiên, bèn làm bàn thờ cúng lạy, cầu xin bình an cát tường, cúng nguyệt dần dần trở thành phong tục tại Trung Quốc.
Đạo Giáo nhận Hằng Nga làm Nguyệt Thần, vì họ xem nguyệt là tinh hoa của âm, nên tôn nàng làm Thái Âm Nguyên Quân, hay Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Quân Hiếu Đạo Minh Vương, là nữ thần mặt trăng.
4. Đó là câu truyện thần thoại, thật ra còn có rất nhiều điển tích và truyền thuyết khác về Tết Trung Thu. Nhưng chung quy đa số bắt nguồn từ các điển tích Trung Quốc và ảnh hưởng đến các lễ hội ở Việt Nam chúng ta. Cộng đồng người Hoa tại Việt Nam coi Tết Trung Thu là ngày đoàn tụ gia đình và tặng quà cho nhau. Còn người Việt xem như là ngày để thiếu nhi vui chơi, là ngày Tết Nhi Đồng. Bánh Trung Thu ngày càng cầu kỳ hơn, đắt tiền hơn và được bày bán rất sớm, có khi mới đến tháng 6 âm lịch thì đã thấy có bán rồi.
___________________________________________________________
Ghi chú:
[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Trung_thu.
[2] Trong Chu Lễ, chương Chu Ký - Nguyệt Lệnh có viết: “Trọng thu chi nguyệt dưỡng suy lão, hành my chúc ẩm thực” (仲秋之月養衰老, 行糜粥飲食nghĩa là: tháng trung thu nuôi người già yếu, cho ăn cháo nhừ).
[3] Nghê (霓) là cầu vồng. Tiếng miền Nam gọi là cái mống, do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây nên phân thành bảy màu. Sách Trung Hoa ngày xưa chỉ nhận có năm màu; Thường (裳) là xiêm, để che phần hạ thân của người; Nghê thường: có nghĩa là xiêm cắt bằng lụa năm màu; Vũ y (羽衣) là áo dệt bằng lông chim, hay có nghĩa là kiểu áo theo hình cánh chim; Nghê thường vũ y: có thể hiểu theo nghĩa hẹp là những vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa phất phới ngũ sắc.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng
-
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội