Lm. Kim Long: Kỷ niệm 50 năm Kinh Hoà Bình

Lm. Kim Long: Kỷ niệm 50 năm Kinh Hoà Bình

Lm. Kim Long: Kỷ niệm 50 năm Kinh Hoà Bình

WGPSG -- Nhân kỷ niệm 50 năm ca khúc Kinh Hòa Bình do linh mục nhạc sĩ Kim Long sáng tác, vào lúc 17giờ 30 ngày 15/04/2010 tại giáo xứ Phú Trung, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn.

Trước thánh lễ, linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, chánh xứ Phú Trung hân hoan chào mừng quý Đức cha, quý cha trong và ngoài Giáo phận, triều cũng như dòng, các tu sĩ nam nữ và toàn thể quý khách.

Ngài cũng trân trọng giới thiệu:
  Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, hiện là Chủ tịch Uỷ ban Thánh Nhạc Việt Nam, chủ tế thánh lễ.
  Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự HĐGMVN.
  Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Chủ tịch Uỷ ban Văn Hoá HĐGMVN, giảng lễ.
  Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Đại Chủng Viện Xuân Lộc.
  Cha Ernest NguyễnVăn Hưởng, Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse.

Giới thiệu ý nghĩa của ngày lễ, linh mục Giuse Trịnh Tín Ý, Tổng thư ký Uỷ ban Văn Hoá phát biểu: Hôm nay là ngày đặc biệt vì là ngày kỷ niệm 50 năm ca khúc Kinh Hoà Bình của linh mục nhạc sĩ Phêrô Kim Long ra đời, trong bối cảnh của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Nếu như sự thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam chứng tỏ sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam thì sự ra đời của ca khúc Kinh Hoà Bình luôn sống động trong lòng phụng vụ của Giáo Hội Việt Nam, đã trở thành lời kinh quen thuộc nâng đỡ đức tin và thúc đẩy sự dấn thân phục vụ xã hội và Giáo Hội, cũng như sứ mạng loan báo Tin Mừng ngày càng khởi sắc trong lòng Giáo Hội Việt Nam.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Phaolô mời gọi mọi người, trong dịp sinh nhật lần thứ 70 của cha Phêrô Kim Long và kỷ niệm 50 năm Kinh Hoà Bình, chúng ta hãy dâng Thánh lễ Tạ ơn Chúa vì Ngài đã tuôn đổ ân phúc dồi dào xuống trên cha. Tạ ơn Chúa vì điều kỳ diệu Chúa đã ban cho cha. Bởi lẽ, người ta sống đến 70 tuổi không phải là hiếm, nhưng có thể viết nhiều bài thánh ca cho cộng đồng thì chỉ có một người là cha Phêrô.

Nội dung Kinh Hoà Bình là một bài suy niệm sâu xa, không chỉ cho người có niềm tin vào Thiên Chúa mà còn cho những ai đang có trách nhiệm lớn trong xã hội.

Trong bài giảng, Đức cha Giuse nêu lên ba lý do vì sao giữa muôn ngàn ca khúc của cha Kim Long, mà ca khúc Kinh Hoà Bình lại có tính phổ cập và trở thành lời kinh của từng cá nhân, của mỗi gia đình, của các nhóm cầu nguyện và được cất lên giữa lúc vui cũng như khi buồn, chỉ cần một người xướng lên, cả cộng đoàn có thể hát vang.

Lý do thứ nhất: Nội dung khởi nguồn từ Thánh Kinh. Mặc dầu lời kinh không minh nhiên nói lên những lời Kinh Thánh nhưng bàng bạc những hình ảnh mặc nhiên diễn tả Lời Thiên Chúa nói với loài người. Đó cũng là toát yếu của Tám mối phúc thật: Phúc cho ai xây dựng hoà bình.

Lời kinh thấm đẫm niềm hạnh phúc dâng lên Thiên Chúa xin cho mình trở nên khí cụ hoà bình, để đem Chúa đến cho mọi người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, cho dẫu lúc tối tăm, sầu khổ hay hoàn toàn thất vọng.

Lời kinh thấm đẫm niềm cậy trông xin được biết hiến thân mình đi. Những cặp từ song đối trong bài làm nổi bật lên vai trò sứ giả hoà bình, sứ giả hiện diện nơi đâu thì bình an Thiên Chúa tràn lan nơi ấy. Có bình an tức là có hạnh phúc, có hạnh phúc có nghĩa là Nước Trời đang hiện diện.

Lý do thứ hai xuất phát từ cội nguồn lời kinh. Lời kinh xuất hiện đầu tiên năm 1912 trên báo Pháp. Đến năm 1916, nó được gửi sang Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV. Năm 1920, một linh mục Phanxicô vì yêu mến kinh này đã phổ biến và in phía sau lời kinh bức ảnh thánh Phanxicô Khó Khăn. Tuy nhiên, xét về thời gian thì thánh Phanxicô sống vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, trong khi bài hát xuất hiện lần đầu vào năm 1912 thì không thể nói tác giả lời kinh là thánh Phanxicô. Nhưng truyền thống đã làm nên điều kỳ diệu ấy, đã có một bài ca bất hủ, có nguồn gốc lạ lùng, hấp dẫn mọi người. Dù biết hay không biết điều này, mọi người đều chấp nhận như nó có nguồn gốc từ thánh Phanxicô Khó Khăn.

Lý do thứ ba là hướng đi chính buổi họp mặt hôm nay: người dệt nhạc từ bản dịch của Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, linh mục nhạc sĩ Phêrô. Do yêu mến lời kinh, linh mục Phêrô lúc bấy giờ là một thanh niên 20 tuổi, trong lúc suy niệm về lời kinh, đã từng bước dệt từng nốt nhạc một và đã hình thành bài hát.

Đó là ba lý do nói lên tính phổ cập của bài hát.

Thánh lễ tiếp nối trong tâm tình tạ ơn Chúa.

Đêm Thánh Ca: “Ca Vang Suốt Đời”

Mở đầu đêm thánh ca, linh mục Giuse Trịnh Tín Ý đã nêu lên những điểm chung giữa thánh Phanxicô và cha Kim Long: Trong cuộc đời thánh Phanxicô, người nghệ sĩ với cây đàn, chuyên đi hát dạo, rao truyền Tin Mừng suốt cả cuộc đời. Và linh mục Kim Long, không là người hát dạo nhưng là một nhạc sĩ chân chính, suốt cuộc đời “chuyện trò” Tình Yêu Thiên Chúa qua “chuyến xe” Thánh Ca.

Ngài mời gọi mọi người hãy xin Chúa ban hoà bình cho cuộc đời bất an, ban hoà bình cho xã hội bất hoà, ban thanh thoả cho thế giới đầy biến động bạo lực. Và hãy hát lên lời kinh hoà bình từ những mái ấm, ấm tiện nghi nhưng hờ hững tình người, giữa những người hàng xóm gần nhà xa ngõ, giữa thế giới đầy nghi nan và sục sôi bạo động.

Ca đoàn Sao Mai đã làm thánh đường ấm lên tâm tình ca ngợi với ca khúc Ca Lên Đi 1. Tiếp sau đó, cả cộng đoàn không khỏi thán phục khi thấy linh mục nhạc sĩ chỉ huy dàn hợp xướng trong bài Khúc Hát Mùa Xuân. Mọi người cảm nghiệm được cái hồn và sức mạnh cũng như sự điêu luyện của ngài vẫn mãi mãi còn đó.

Tiếp tục chương trình là phần biểu diễn của ca đoàn Vượt Qua, ca đoàn giáo xứ Phú Trung và các ca sĩ Hoàng Hiệp, Diệu Hiền, Thanh Sử.

Đêm Thánh Ca kéo dài đến 21g nhưng mọi người muốn cho thời gian ngừng trôi để những lời ca thánh được kéo dài thêm.

Bài hát ngoài chương trình do yêu cầu của ca đoàn: Ở LẠI VỚI CON do chính cha Kim Long đơn ca, đã vô tình nói lên tâm tình luyến tiếc những phút giây nồng ấm của buổi họp mặt.

Giới trẻ chỉ mới biết tài sáng tác của ngài, hôm nay lại cảm được cái hồn của ngài khi điều khiển ca đoàn, giờ đây, lại sửng sốt vì giọng ca khoẻ mạnh, mượt mà và điêu luyện của ngài. Ai bảo đó là một ông cụ 70 tuổi đang hát, thế cho nên cha Giuse Trịnh Tín Ý đã cầu chúc cho ngài mãi là chàng thanh niên trẻ dậy thì, như những ngày đầu bước vào sự nghiệp viết thánh ca.

Hôm nay, đúng là một ngày lễ vàng của một ca khúc vàng do cha Kim Long, một con “rồng vàng” sáng tác.

Khi được phỏng vấn vì sao chủ đề của Đêm Thánh Ca xem ra không liên quan gì đến ý nghĩa ngày lễ, cha Phêrô cho biết, vì cảm nghiệm được hồng ân cao cả Chúa ban, cha đã có lời nguyền suốt đời không viết bài hát nào ngoài thánh ca, ngài chỉ muốn ca vang tình Chúa suốt đời. Hiện nay, cha đã sáng tác hơn 3000 bài thánh ca.

Để kỷ niệm ngày lễ đặc biệt này, cha đã tặng cho mỗi người tham dự quyển “Bài ca Suy Niệm 11” mà ngài mới phát hành, gồm hơn 100 ca khúc và một đĩa CD tựa đề “Ca Vang Suốt đời ”, gồm những ca khúc được trình diễn trong Đêm Thánh Ca.

Kết thúc Đêm Thánh Ca, thay mặt cho ban tổ chức, linh mục chánh xứ Giuse Maria cám ơn quý Đức cha, Đức ông, quý cha, quý tu sĩ, nhất là cha giáo Kim Long và các bạn bè thân hữu đã đến tham dự.

Kinh Hoà Bình không chỉ dừng lại ở trong thánh đường, mà đã đi vào lòng cuộc sống, đã theo bước chân Giáo Hội để đi vào đời, chung tay xây dựng Nước Trời: Công Lý và Hoà Bình.

Nguyện xin bình an đích thực của Chúa Kitô Phục Sinh đến với những ai yêu chuộng Công Lý và ngự trị nơi những tâm hồn khao khát Hoà Bình, muốn trở nên khí cụ bình an của Chúa trong khi ca hát, suy niệm và sống tâm tình của lời Kinh Hoà Bình.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top