Linh mục Đặng Đức Tuấn người thật việc thật
WGPSG -- Gần đây, giới nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập khá nhiều đến linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), danh nhân văn hóa, tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, nhất là từ khi tên của Linh mục được chọn đặt cho một con đường ở Tp. Huế. Các nhà nghiên cứu tỏ ra không đồng quan điểm về nhiều vấn đề xoay quanh thân thế, tư tưởng và tác phẩm của Linh mục. Tuy nhiên, dù đứng ở quan điểm nào, hầu như mọi người đều sử dụng nguồn tài liệu xuất phát từ biên khảo của đồng tác giả giáo sư Lam Giang (LG) và linh mục Vũ Ngọc Nhã: “Đặng Đức Tuấn, tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam”, tác giả tự xuất bản, in tại Tân Văn ấn quán, Sài gòn, 1970. Công trình này gồm 570 trang chính và 8 trang phụ lục chữ Hán, tạm chia thành 11 mục. Trong đó, mục thứ nhất ghi chép gia thế và tiểu sử của Linh mục được 9 trang. 10 mục còn lại dành cho phần trích dẫn tác phẩm kèm chú giải, bình luận khá tường tận, giúp người đọc hiểu rõ nội dung các tác phẩm. Tác giả không mô tả nguồn gốc tài liệu sử dụng, không phụ lục nó vào cuối sách làm bằng chứng, không phân loại các tác phẩm chính thức của Linh mục và tác phẩm của các tác giả khác mà tác giả đã đưa vào cuối sách, cốt giúp đọc giả hiểu thêm bối cảnh văn học đương thời. Nhìn chung, đây là một biên khảo cần thiết (nhưng chưa đầy đủ, hoàn bị), có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về nhân vật lịch sử đặc biệt này.
Do đó, từ nguồn sách của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết và của Nhóm Hán Nôm Công giáo, chúng tôi xin công bố những tài liệu cụ thể, đúng đắn về linh mục Đặng Đức Tuấn, nhằm giải minh mọi lầm lẫn, ngộ nhận lâu nay và cung cấp những thông tin mới lạ, chính xác về Linh mục cho giới nghiên cứu qua hai tập sách sau đây:
I- Tập thứ nhất, thuộc về sưu tập phẩm của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, nay đã tặng cho Nhóm Hán Nôm Công giáo, có cỡ 28,5cm x 15cm, gồm 10 tờ giấy dó đóng thành 20 trang, viết chữ Hán. Mỗi trang đếm được 15 dòng, mỗi dòng khoảng 35 đến 40 chữ. Nét chữ sắc sảo tinh vi, đúng bút pháp của tay lão luyện, nên rất khó đọc. Dù không ghi tên người viết và thời điểm, nhưng xét độ cũ của giấy và bút pháp già dặn, tập này đã được hình thành từ hàng trăm năm trước, vào thời Hán học còn thịnh hành, có nhiều bậc thâm nho văn hay chữ tốt. Từ đầu trang 3b đến giữa trang 9b chép 6 bản điều trần của Linh mục và bài thơ ngự chế của vua Tự Đức ban cho Linh mục khi Ngài trở về nguyên quán. Xin chép y nguyên văn từng bản:
1/ Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn xã, Quy Thuận thôn, trưởng đạo Đặng Đức Tuấn tấu vị đương cuộc tặc tình chế thắng duyên do, cung triệp(1) điều trần sự: Tập điều trần kính tâu lý do chiến thắng, xét theo thế giặc hiện nay của đạo trưởng Đặng Đức Tuấn ở thôn Quy Thuận, xã An Sơn, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định (không ghi ngày tháng).
2/ Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn tổng, Quy Thuận thôn, trưởng đạo Đặng Đức Tuấn hoành mao(2) hiến bình Tây sách: Sách lược bình định giặc Tây dương dâng lên từ nhà lá của đạo trưởng Đặng Đức Tuấn ở thôn Quy Thuận, tổng An Sơn, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định (không ghi ngày tháng).
3/ Trưởng đạo Đặng Đức Tuấn vị cung thừa Binh bộ cứu vấn tặc tình, cứ thật trần khai tính hiến kế như tả: Đạo trưởng Đặng Đức Tuấn kính vâng chất vấn của bộ Binh về tình hình giặc, theo đúng sự thật khai rõ và hiến kế như sau. Lạc khoản ghi: Tự Đức thập tứ niên, thập nhị nguyệt, sơ ngũ nhật: Ngày mùng 5 tháng chạp âm lịch năm Tự Đức thứ 14 (tức là ngày 4 tháng 1 dương lịch năm 1862).
4/ Điều trần này không ghi tiêu đề gồm 2 khoản, lạc khoản ghi: Tự Đức thập tứ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhất nhật: Ngày 21 tháng 11 âm lịch năm Tự Đức 14 (tức là ngày 22 tháng 12 dương lịch năm 1861).
5/ Điều trần này cũng không ghi tiêu đề, gồm 3 điểm, gửi bộ Binh. Lạc khoản ghi: Tự Đức thập tứ niên, thập nhị nguyệt, sơ bát nhật: Ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch năm Tự Đức thứ 14 (tức là ngày 7 tháng 1 năm 1862). Có ghi thêm: Cung thừa cứu vấn các khoản điều trần tất: Kính vâng điều trần các khoản xét hỏi đã xong.
6/ Tứ đạo trưởng Đặng Đức Tuấn hồi nguyên quán ngự đề: Thơ ngự đề ban cho đạo trưởng Đặng Đức Tuấn khi trở về nguyên quán(3).
· Theo thứ tự thời gian, hai bản 1 và 2 là hai điều trần Linh mục đã viết sẵn từ trước, được phát hiện tại huyện Mộ Đức, sau đó được tỉnh Quảng Ngãi đệ trình về triều đình Huế.
· Điều trần 4 gồm 2 khoản, mỗi khoản là 1 tập được niêm phong cẩn mật trước khi dâng lên nhà vua. Điều này phù hợp với các câu 318, 319 trong Thuật tích việc nước Nam, bài 2:
Viết rồi sáng lại đem lên,
Mật(4) phong hai tập dâng lên ngự tiền.
Điều trần 4 này gồm 2 tập, trình bày hai vấn đề khác nhau, nên được xem như 2 bản điều trần 3 và 4 viết cùng thời điểm nói trên.
· Điều trần 5 và điều trần 6 viết vào các ngày 4 và 7 tháng 1 dương lịch năm 1862, hoàn toàn phù hợp với các câu 344 và 345 trong Thuật tích việc nước Nam, bài 2:
Làm hai tập nữa dâng vào,
Thánh hoàng ngự lãm định giao cuộc hòa.
Như thế, 6 bản điều trần của linh mục Đặng Đức Tuấn đã được phát hiện đầy đủ. Nhờ lạc khoản ghi chú ngày tháng cụ thể ở các điều trần 3 và 4, có thể đoán được thời điểm Linh mục bị bắt tại Nga Mân xảy ra khoảng đầu tháng 12 dương lịch cuối năm 1861, chứ không phải vào đầu năm 1862 như lâu nay mọi tài liệu vẫn ghi chép. Điều trần 6 gồm 3 khoản, mở đầu khoản 2, nguyên văn viết: “Nhất khoản thừa Binh bộ đường cứu vấn, hướng lai thường văn nhân ngôn Da Tô đạo nhân học Tây dương chi đạo, tất dữ dương nhân đồng tâm: Một khoản này vâng lời chất vấn của bộ Binh, thường nghe người ta nói rằng người theo đạo Da Tô học đạo Tây dương, hẳn nhiên đồng lòng với người Tây dương”. Không hiểu căn cứ vào đâu, Lam Giang đã thêm vào đầu 2 chữ Nguyên đạo, bỏ chữ “thừa”và thêm chữ “chi”. Câu văn trở nên: “Nguyên đạo: nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”. Văn lý hóa ra tối tăm và chuyển dịch sai nghĩa thành bài Nguyên đạo. Thiết tưởng cần đính chính rõ điều này (xem sách LG, các trang 263, 264). Thật sự, bài Nguyên đạo này chỉ là khoản thứ 2 trong điều trần 6 mà Linh mục đã trả lời chất vấn của bộ Binh.
Chúng tôi sẽ phiên dịch 6 bản điều trần để giải minh tư tưởng của Linh mục, đồng thời đính chính những sai lầm mà các nhà nghiên cứu lâu nay đã mắc phải vì thiếu tài liệu xác tín
II- Tập thứ 2 là bản photocopy từ quyển sách chữ Nôm viết tay cỡ 31cm x 22cm, dày 56 trang, mang ký hiệu AB 196, MF 1848 của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, được giới thiệu trong Di Sản Hán Nôm Việt Nam, thư mục đề yếu tập 3, nxb KHXH Hà Nội 1993, số thứ tự 3625, với nhan đề Thuật tích việc nước Nam vãn do linh mục Đặng Đức Tuấn soạn. Toàn quyển được viết theo lối chân thư khá rõ nhưng hơi cẩu thả, dư thiếu chữ khá nhiều, có chỗ mất hẳn 3 câu. Người viết lại không đọc dò, sửa chữa, khiến người đọc rất vất vả. Nội dung chép 2 bài thơ trường thiên theo lối lục bát biến thể, pha thêm một số thơ Đường luật bát cú hay kiểu vè 4 chữ:
A/ Bài thứ nhất: Nếu kể thêm 3 câu chép sót và số câu các bài thơ Đường luật xen vào, toàn bài dài 697 câu, thuật lại lịch sử truyền giáo ở Việt Nam từ thời Hậu Lê đến chỉ dụ phân sáp năm 1861 đời vua Tự Đức. So sánh bài này với Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca (VNGSDC) của LG, bản của LG gồm 718 câu, dài hơn 21 câu. Trừ điều này, văn từ 2 bản rất giống nhau. Bản của LG phiên âm nhiều chữ sai, nhưng bản này cũng có nhiều chữ Nôm viết không chuẩn. Cần phải đối chiếu 2 bản để hiệu đính thành bản xác đáng, mới có thể dùng vào việc nghiên cứu.
B/ Bài thứ 2: Bản photocopy chúng tôi đang sử dụng mất 2 tờ cuối 55 và 56, nên chỉ còn 486 câu. So với bản Lâm Nạn Phụng Quốc Hành (LNPQH) của LG dài 566 câu thì ít hơn 80 câu. Trừ điểm này, nội dung và văn từ giữa 2 bản cũng rất giống nhau. Nhiều chỗ bản của LG phiên âm không chính xác, nhiều chỗ bản Nôm này cũng thiếu chuẩn mực, cần hiệu đính lại như bài thứ nhất.
Sau khi phân tích sơ lược, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca và Lâm Nạn Phụng Quốc Hành chỉ là hóa thân của 2 bài thơ trong Thuật Tích Việc Nước Nam. Phải chăng LG đã đặt tên 2 bài này thành VNGSDC và LNPQH? Ngoài ra, các bài “Tự tích việc đạo trong nước An Nam từ khi Tàu Tây sang” do Hồng Lam sao lục, đăng trong Nam kỳ địa phận năm 1929 và “Thơ Ông Đặng Đức Tuấn, Thầy Cả Bị Bắt Đạo Đời Vua Minh Mạng Sau Làm Quan Lớn” của Đặng Lễ Nghi in năm 1915 cũng chỉ là những dị bản của bài thứ 2 trong Thuật Tích Việc Nước Nam. Điều này chứng tỏ thơ của linh mục Đặng Đức Tuấn được phổ biến rất rộng rãi.
Qua phần trình bày sơ lược trên đây, chúng tôi đã công bố 6 bản điều trần và 2 bài thơ trường thiên của linh mục Đặng Đức Tuấn đúng theo những tài liệu hiện có của Nhóm Hán Nôm Công giáo, với những chi tiết tuy chính yếu nhưng chưa đầy đủ, vì còn cần thời gian để phiên dịch, hiệu đính kỹ lưỡng. Chúng tôi chờ mong các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đóng góp ý kiến và chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi dữ liệu nếu có yêu cầu, để chứng minh rằng linh mục Đặng Đức Tuấn là người thật và tác phẩm của Ngài là việc thật.
__________________________________________
4/ Lam Giang phiên âm thành một phong, sợ không đúng với nguyên tác.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi