Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Hùng Lân

Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Hùng Lân

WGPSG -- “Trong âm nhạc, dấu lặng đóng vai trò rất quan trọng. Dấu lặng là một dấu nghỉ nhưng nghỉ để phân khúc câu nhạc được rõ ràng và để phát triển mạnh mẽ, dồi dào hơn.”

Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao, chánh xứ Đồng Tiến, đã chia sẻ cùng cộng đoàn về cuộc đời thầm lặng của nhạc sĩ Hùng Lân trong bài giảng lễ tưởng niệm 26 năm ngày mất của ông (17.09.1986 – 17.09.2012).

Thánh lễ

Thánh lễ diễn ra vào lúc 9g30 Chúa nhật ngày 16.09.2012, tại nhà thờ Phanxicô, số 50 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận I, TPHCM. Đây cũng là dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Hùng Lân (1922 – 2012).

Cha Anrê Đỗ Xuân Quế, nguyên Trưởng ban Thánh nhạc TGP, đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có Cha Giuse Phạm Văn Bình - chánh xứ Phanxicô, Cha Rôcô Nguyễn Duy - Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc thuộc HĐGMVN, Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên - Tổng Thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc HĐGMVN, Cha Giuse Tiến Lộc, và các cha khách.

Tham dự Thánh lễ có khoảng 400 người ngồi chật kín nhà thờ. Trong số đó, đa phần là con, cháu của nhạc sĩ, cùng quí cha, quí tu sĩ nam nữ thân hữu. Đặc biệt có sự góp mặt của các ca đoàn: Thiện Chí, Quê Hương, và Ban hợp xướng Trùng Dương đã đến cùng dâng lời ca tiếng hát cầu nguyện cho nhạc sĩ trong ngày tưởng niệm.

Với tâm tình tri ân, trong bài giảng lễ, Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao đã chia sẻ với cộng đoàn về cuộc đời của nhạc sĩ Hùng Lân: Cuộc đời của ông rất thầm lặng như bè trầm trong ban hợp xướng, nhưng giữ vai trò quyết định. Bè trầm khi nổi lên, thì nó tràn đầy và rất dũng mãnh. Một nhạc sĩ đạo đức, tài ba, sống và phục vụ âm thầm, rất khiêm tốm và khép mình trong chuyên môn, ít khi bộc lộ hoành tráng ra bên ngoài, nhưng ông có vai bè trầm, góp phần rất tích cực cho nền âm nhạc nước nhà cũng như nền Thánh nhạc Việt Nam.

Nối tiếp tâm tình đó, Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao đã liên tưởng cuộc đời nhạc sĩ qua câu Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Ngài quảng diễn, từ bỏ không phải là chán sống hay ngoảnh mặt làm ngơ với chính cuộc đời của mình. Từ bỏ là bỏ đi tính ích kỷ, kiêu căng, ham danh lợi phù phiếm. Từ bỏ để tâm mình được trong sáng, và khi tâm mình được trong sáng thì mới hiểu và yêu mến Lời Chúa. Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta từ bỏ suông, mà phải vác thập giá mình. Thập giá là hy sinh, là cống hiến phục vụ trong yêu thương.

Trước phép lành cuối lễ, vị đại diện gia đình nhạc sĩ đã có lời cảm ơn quý cha đồng tế, quí tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể bạn bè, học trò thân hữu xa gần của nhạc sĩ, và cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 10g30, gia đình nhạc sĩ cùng chụp chung tấm hình lưu niệm với quí cha và quí tu sĩ.

Giao lưu

Cha Giuse Tiến Lộc đã mở đầu với phần giới thiệu thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Hùng Lân. Với một số tác phẩm, trên 50 đầu sách, nhạc sĩ Hùng Lân đã để lại một gia tài to lớn cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Ông là người tiên phong cùng với nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh và Linh mục Giuse Lê Đức Triệu (Linh mục Nhạc sĩ Hoài Đức) và một số cha nhạc sĩ khác đã khởi động cho phong trào sáng tác thánh nhạc, giúp nhiều người cầu nguyện sốt sắng, như Thánh Augustinô đã nói: “Hát hay bằng hai lần cầu nguyện”.

Nhạc sĩ Hùng Lân nổi tiếng đi vào lòng người với biết bao bài ca như “Khỏe vì nước”, “Việt Nam Minh Châu trời Đông”, “Tôi không còn cô đơn”, “Đồng cỏ tươi”, như lời Cha Anrê Đỗ Xuân Quế: “Nhạc sĩ Hùng Lân đã có công rất lớn đối với nền âm nhạc và Thánh nhạc Việt Nam, và là người rất có tài viết lời ca trong các ca khúc”.

Cùng chung tâm tình với Cha Anrê, Cha Rôcô Nguyễn Duy đã chia sẻ về những điểm nổi bật của thầy Hùng Lân: “Trước 1975, trong 17 bộ “Cung Thánh”, hầu như những bài hát do nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác, về lời ca truyền đạt ý tưởng lấy từ Kinh Thánh hoặc ý tưởng thần học; còn giai điệu thì rất gần với bình ca”. Chất bình ca trong các ca khúc của nhạc sĩ Hùng Lân, thể hiện qua giai điệu chuyển hành liền bậc, như: “Hôm nay là ngày Chúa đã dựng nên, chúng con vui mừng sung sướng triền miên”. Đó là nét bình ca, giai điệu đi lên từ từ, đi xuống cũng từ từ, và kết bao giờ cũng kết thấp. Ngài chia sẻ thêm: “Sau năm 1975, thầy Hùng Lân đã dùng nét nhạc truyền thống mang bản sắc Việt Nam để đưa vào Thánh nhạc, gần gũi với tâm tình của người Việt Nam. Đó cũng là một trong những đóng góp lớn của thầy cho nền thánh nhạc Việt Nam.”

Xen kẽ phần giao lưu, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn được thưởng thức những bài ca bất hủ, vượt thời gian của nhạc sĩ Hùng Lân qua phần biểu diễn của các ca đoàn: Thiện Chí, Quê Hương, và Ban hợp xướng Trùng Dương, với nhiều ca khúc: “Tôi không còn cô đơn”, “Việt Nam Minh Châu trời Đông”, “Đồng cỏ tươi”, “Cao vời khôn ví”, “Tiếng gọi lên đường”, “Hè về”, và “Mẹ là mùa Xuân”, “Xuân tạ ơn” với sự trình bày của những người con của nhạc sĩ.

Không khí buổi giao lưu càng về trưa, càng nóng lên qua phần trình diễn của Ban hợp xướng Trùng Dương với bài ca “Khỏe vì nước”.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 12g20 cũng là lúc các ca đoàn chụp tấm hình lưu niệm chung với quí cha, quí tu sĩ và gia đình của nhạc sĩ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top