Lễ thánh Phêrô và Phaolô (29.06.2023) – Chúa Giêsu là ai đối vơi tôi?

Lễ thánh Phêrô và Phaolô (29.06.2023) – Chúa Giêsu là ai đối vơi tôi?

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ thánh Phêrô và Phaolô
Ngày 29.06.2023

CHÚA GIÊSU LÀ AI ĐỐI VƠI TÔI?

Vatican News (29.06.2023) – Ngày 29.06.2023, Đức Phanxicô đã chủ sự lễ trọng kính hai thánh Phêrô và Phaolô  tông đồ và trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục được bổ nhiệm trong năm qua. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu noi gương hai thánh Tông đồ trong việc đi theo Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng khắp mọi nơi. Đó là cách trả lời tốt nhất cho câu hỏi « Chúa Giêsu là ai đối vơi tôi ? ».

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Thánh Phêrô và Phaolô, hai vị Tông đồ đầy lòng yêu mến Chúa, hai trụ cột đức tin của Giáo hội. Khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của các ngài, hôm nay Tin Mừng chất vấn chúng ta với câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của mình : « Phần các con, các con nói gì ? Đối với các con, Thầy là ai ? » (Mt 16, 15). Đó là câu hỏi căn bản, quan trọng nhất : Chúa Giêsu là ai đối với tôi ? Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời tôi ? Chúng ta hãy xem hai Tông đồ đã trả lời thế nào.

Câu trả lời của thánh Phêrô có thể được tóm tắt trong một từ : theo. Phêrô đã sống theo Chúa. Hôm đó, tại Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ. Phêrô đã trả lời bằng một lời tuyên xưng đức tin thật đẹp : « Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống » (Mt 16, 16) ; một câu trả lời không chê vào đâu được, rõ ràng, chính xác, có thể nói là một câu trả lời « giáo lý » hoàn hảo. Nhưng câu trả lời này là kết quả của một cuộc hành trình : chỉ sau khi đã sống cuộc mạo hiểm thú vị bước theo Chúa, sau khi đã bước đi với Người và theo sau Người trong một thời gian dài, mà Phêrô mới đạt tới sự trưởng thành thiêng liêng này, vốn dẫn ngài, nhờ ân sủng, nhờ ân sủng thuần túy, đến một lời tuyên xưng đức tin rõ ràng như thế.

Quả thế, thánh sử Mátthêu cho chúng ta biết rằng mọi sự bắt đầu trên bờ biển Galilê, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và đã gọi ngài, cùng với Anrê, anh của ngài ; và « lập tức bỏ lưới, các ông đi theo Người » (Mt 4, 20). Phêrô đã bỏ tất cả để theo Chúa. Và Tin Mừng nhấn mạnh « lập tức ». Phêrô không nói với Chúa Giêsu rằng mình phải suy nghĩ về điều đó, ngài không tính toán xem điều đó có phù hợp với mình không, ngài không tìm cớ để trì hoãn quyết định ; ngài đã bỏ lưới mà đi theo Người, không đòi hỏi bất kỳ an toàn nào trước. Ngài phải khám phá mọi sự từng ngày sau đó, bằng cách đi theo Chúa Giêsu và bước theo sau Người. Và không phải ngẫu nhiên mà những lời cuối cùng, được thuật lại trong các Tin Mừng, mà Chúa Giêsu nói với ngài là « Con hãy theo Thầy » (Ga 21, 22), nghĩa là đi theo Người.

Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi « Chúa Giêsu là ai đối với tôi ? », trả lời bằng một công thức giáo thuyết không thể chê vào đâu được thì chưa đủ, thậm chí không phải bằng một ý tưởng mà chúng ta đưa ra cho mình một lần cho tất cả. Không. Chính bằng cách đi theo Chúa mà chúng ta học biết Người mỗi ngày. Chính bằng cách trở thành môn đệ của Người và đón nhận Lời Người mà chúng ta trở nên bạn hữu của Người và cảm nghiệm được tình yêu của Người biến đổi chúng ta. Đối với chúng ta cũng vậy, điều « lập tức » này vang vọng lại. Nếu chúng ta có thể trì hoãn nhiều điều trong cuộc sống, thì việc đi theo Chúa Giêsu không thể được trì hoãn ; đối với điều này, chúng ta không thể do dự, chúng ta không thể tìm lý do thoái thác. Chúng ta hãy lưu ý vì một số lý do thoái thác được khoác lên mình tấm áo thiêng liêng, như khi chúng ta nói « Tôi không xứng đáng », « Tôi không có khả năng », « tôi, tôi có thể làm gì được ? » Đó là mánh khóe của ma quỷ vốn cướp đi niềm tin của chúng ta vào ân sủng của Thiên Chúa, bằng cách làm cho chúng ta tin rằng mọi sự sẽ tùy thuộc vào khả năng của chúng ta.

Tách mình ra khỏi những thứ an toàn của chúng ta – những thứ an toàn trần thế -, ngay lập tức, và đi theo Chúa Giêsu mỗi ngày : đó là chỉ dẫn mà Phêrô đưa ra cho chúng ta hôm nay bằng cách mời gọi chúng ta trở thành một Giáo-hội-đi-theo. Một Giáo-hội-đi-theo. Một Giáo hội muốn trở thành môn đệ của Chúa và thành người tôi tớ khiêm nhường của Tin Mừng. Chỉ bằng cách này, Giáo hội mới có thể đối thoại với mọi người, và trở thành một nơi đồng hành, gần gũi và hy vọng cho những người nữ người nam của thời đại chúng ta. Chỉ bằng cách này, ngay cả người ở xa nhất, thường đang nhìn chúng ta cách nghi ngờ hay dửng dưng, cuối cùng sẽ có thể nhận ra cùng với Đức Giáo hoàng  Bênêđíctô : « Giáo hội là nơi gặp gỡ với Con Thiên Chúa hằng sống và, như thế, Giáo hội là nơi gặp gỡ giữa chúng ta » (Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng, ngày 10/12/2006).

Và bây giờ, chúng ta hãy đến với vị Tông đồ của các dân tộc. Nếu câu trả lời của Phêrô hệ tại ở việc đi theo, thì câu trả lời của Phaolô hệ tại ở việc loan báo, loan báo Tin Mừng. Đối với ngài cũng thế, mọi sự bắt đầu bằng ân sủng, theo sáng kiến của Chúa. Trên đường đi Damas, khi ngài đang kiêu hãnh bách hại các Kitô hữu, bị rào cản bởi xác tín tôn giáo của mình, thì Chúa Giêsu phục sinh đến gặp ngài và làm ngài mù lòa bằng ánh sáng của Người. Đúng hơn, nhờ ánh sáng này, Saolô nhận ra mình bị mù như thế nào. Bị nhốt kín trong sự kiêu ngạo về việc giữ luật cứng nhắc của mình, ngài khám phá ra nơi Chúa Giêsu sự hoàn thành mầu nhiệm cứu độ.

Giờ đây, ngài coi tất cả những an toàn của về mặt con người và tôn giáo của mình là « rác rưởi » so với sự cao cả là biết được Chúa Kitô (x. Pl 3, 7-8). Như thế, Phaolô đã cống hiến đời mình để khi khắp đất liền và biển khơi, các thành phố và làng mạc, không quản ngại khó khăn và bách hại, để loan báo Chúa Giêsu-Kitô. Nhìn vào câu chuyện của ngài, dường như càng loan báo Tin Mừng, ngài càng hiểu biết Chúa Giêsu. Việc loan báo Lời Chúa cho người khác cho phép ngài thấm nhập vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã viết « Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng ! » (1Cr 9, 16) ; Đấng mà ngài tuyên xưng : « Đối với tôi, sống là Chúa Kitô ».

Do đó, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi « Chúa Giêsu là ai đối với tôi ? », chúng ta không trả lời bằng lòng sùng đạo sâu kín riêng tư để mặc chúng ta yên thân, mà không rung động bởi mối quan tâm mang Tin Mừng đến cho người khác. Thánh Tông đồ dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng lớn lên trong đức tin và trong sự hiểu biết mầu nhiệm Chúa Kitô hơn nữa khi chúng ta loan báo và làm chứng cho Người. Và điều đó luôn xảy ra : khi chúng ta loan báo Tin Mừng, chúng ta được loan báo Tin Mừng. Đó là một kinh nghiệm hằng ngày : khi chúng ta loan báo Tin Mừng, chúng ta được loan báo Tin Mừng. Lời Chúa mà chúng ta mang đến cho người khác sẽ trở lại với chúng ta bởi vì, chúng ta cho đi bao nhiêu, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn bấy nhiêu (x. Lc 6, 38). Và điều đó cũng cần thiết cho Giáo hội ngày nay : đặt việc loan báo ở trung tâm. Trở thành một Giáo hội không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại với chính mình : « Đối với tôi, sống là Chúa Kitô » và « Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng ». Một Giáo hội cần loan báo Tin Mừng như cần dưỡng khí để thở ; một Giáo hội không thể sống mà không thông truyền vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và niềm vui của Tin Mừng.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy mừng thánh Phêrô và Phaolô. Các ngài đã trả lời câu hỏi căn bản của cuộc sống – Chúa Giêsu là ai đối với tôi ? – bằng cách đi theo Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng. Thật đẹp khi lớn lên như một Giáo hội đi theo, như một Giáo hội khiêm tốn không bao giờ coi là đã thủ đắc được việc tìm kiếm Chúa. Thật đẹp khi trở thành một Giáo hội hướng ra bên ngoài, không tìm thấy niềm vui của mình nơi những thứ của thế gian nhưng trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới, để gieo vào lòng mọi người câu hỏi về Thiên Chúa. Mang Chúa Giêsu đến khắp mọi nơi, với lòng khiêm tốn và niềm vui : trong thành Rôma của chúng ta, trong các gia đình của chúng ta, trong các mối tương quan và các khu phố, trong xã hội dân, trong Giáo hội, trong chính trị, trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi có nghèo đói, suy thoái, sự gạt ra bên lề xã hội.

Và, hôm nay, khi một số anh em Tổng Giám mục của chúng ta lãnh nhận dây Pallium, một dấu hiệu của sự hiệp thông với Giáo hội Rôma, tôi muốn nói với họ : anh em hãy trở thành những tông đồ như thánh Phêrô và Phaolô. Anh em hãy trở thành những người môn đệ đi theo và những tông đồ loan báo, hãy mang lại vẻ đẹp của Tin Mừng đến mọi nơi, cho toàn thể Dân Thiên Chúa. Và cuối cùng, tôi muốn gởi lời chào thân ái đến Phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết, được gởi đến bởi người Anh rất yêu quý là Đức Bartôlômêô. Xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị, xin cảm ơn : chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong việc đi theo và loan báo Lời Chúa, bằng cách lớn lên trong tình huynh đệ. Xin thánh Phêrô và Phaolô đồng hành và cầu bầu cho tất cả chúng ta.

Chuyển ngữ: Tý Linh
Từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net (30.06.2023)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top