Lễ các thánh và lễ các đẳng dạy tôi điều gì?

Lễ các thánh và lễ các đẳng dạy tôi điều gì?

Lễ các thánh và lễ các đẳng dạy tôi điều gì?

TGPSG - Lễ các Thánh và lễ các Đẳng dạy tôi điều gì? Đó là câu hỏi tôi đặt ra cho tôi và cũng đã tìm được câu trả lời cho chính mình.

Mầu nhiệm hiệp thông được Giáo Hội đề cao một cách sống động khác thường vào đầu tháng 11. Ngày đầu, Giáo hội cho tôi hướng nhìn về các thánh - tức là nhìn vào Giáo Hội chiến thắng. Ngày hai, Giáo Hội hướng tôi về các đẳng linh hồn - hay là Giáo Hội đang đau khổ. Tôi đang sống trong Giáo hội tại thế tức là đang sống trong Giáo Hội chiến đấu. Tôi phải biết tìm ra cho mình một hướng đi, đi thế nào để cho mai sau tôi cũng đạt được vinh quang như các thánh được mừng kính hôm nay. Trước hết, tôi hiệp dâng thánh lễ với cộng đoàn giáo xứ vào chiều ngày 1/11 trong nhà thờ và sáng ngày 2/11 tại nhà hài cốt giáo xứ Chợ Quán.

Bài giảng của cha phó chiều 1/11 có nhắc câu định nghĩa các thánh của 1 em thiếu nhi như sau: “Các thánh là những người đã để cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào người mình xuyên qua khung kính màu.” Tôi nhìn lên các khung kính màu sau bàn thờ chính của nhà thờ có 8 ảnh của các thánh tử đạo.

Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Các thánh đã sống trọn niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu và đã trải qua nhiều cam go thử thách để trung thành với tình yêu ấy, kể cả phải chết để minh chứng cho tình yêu. Nếu chỉ kể tên và con số các thánh đã được Giáo hội nhìn nhận qua nghi thức phong thánh và có lịch mừng lễ thì quả thật còn thiếu tên rất nhiều vị. Ngày lễ các thánh là ngày mừng bổn mạng của tất cả các tín hữu đã nhận lãnh bí tích rửa tội. Mỗi người đều có một vị thánh bảo trợ. Có chắc rằng ai cũng biết rõ hạnh của thánh bảo trợ mình không? Tại sao phải biết? Biết để noi gương bắt chước, để sống trung thành với ơn gọi căn bản của mọi kitô hữu là NÊN THÁNH.

Đối với các tín hữu đã qua đời, Giáo hội khuyên mọi người hiệp thông cầu nguyện cho họ. Cầu cho họ cũng là để nhắc nhở mình rằng cuộc sống ở đời này có cùng có tận, nhưng đằng sau cuộc sống này sự sống vẫn tồn tại. Như vậy, chết là một sự thật mà mọi người phải nghĩ tới. Các đẳng là những người khi còn sống đã tin vào Chúa mà nay trong chốn luyện hình vẫn hiệp thông trong cùng một niềm hy vọng. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh, họ sẽ được hưởng ơn giải thoát và sẽ được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa. “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 40)

Tôi đi viếng ông bà cha mẹ dòng họ nhà mình. Kế đến, viếng mộ các thánh và mộ của các vị có liên quan đến họ đạo Chợ Quán.

Tại cánh trái núi Đức Mẹ, tôi viếng mộ Thánh Antôn Hồ Chí Thiện người con Chợ Quán chết rũ tù và được phong bậc đáng kính ngày 13-2-1879. Bên cánh phải của núi là mộ cha Phaolô Hồ văn Lành, cha sở Chợ Quán 24 năm 4 tháng (1968-1992). Trong nhà thờ, trước bàn thờ Đức Mẹ là mộ cha sở Nicholas Hamm mất năm 1886 đang lúc xây dựng nền nhà thờ hiện nay.

Tôi cũng kính viếng nhà mồ học giả Petrus Trương Vĩnh Ký tại số 520 Trần Hưng Đạo P2 Q5. Bên ngoài nhà mồ là nghĩa trang gia tộc có khoảng 60 mộ phần. Ngoài những đóng góp về mặt văn hóa-chính trị cho xã hội, gia tộc Trương Vĩnh đã góp phần đáng kể cho họ đạo về mặt mục vụ như dạy học, thành lập ca đoàn, dâng 1 chuông (chuông báo tử). Đích thân ông Petrus Ký đánh đàn cho ca đoàn. Khi ông mất năm 1898 thì con trai lớn tiếp tục công việc của ông tại họ đạo.

Đi bộ vài trăm mét từ nhà mồ nhà học giả lỗi lạc Petrus Ký là đến nhà mồ của dòng họ Trịnh Khánh ở hẻm số 474 Trần Hưng Đạo. Đây là dòng tộc danh giá đã đóng góp công sức rất lớn xây dựng họ đạo Chợ Quán. Dòng họ này có 4 người làm trùm, dâng cho họ đạo 2 chuông vào năm 1899 (1 chuông báo lễ hằng ngày và 1 chuông hòa âm). Đặc biệt dòng họ này là con cháu của 2 anh em ông biện Trịnh Khánh Phượng & Trịnh Khánh Du tử đạo năm 1859 và thánh Matthêu Lê văn Gẫm tử đạo năm 1847.

Tôi biết mình phải phấn đấu rất nhiều để noi gương Chúa Giêsu, biết sống yêu thương . Muốn vậy, tôi hàng ngày phải thanh luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô nhám, nghĩa là bỏ đi sự khó tính, sự biếng nhác việc thiêng liêng và tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi. Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể là phương thuốc nuôi dưỡng linh hồn, giúp tôi có cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ. Làm sao để khi tiếp xúc với mọi người ai cũng sẽ cảm mến và tin theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được THIÊN CHÚA TÌNH YÊU hiện diện nơi người tín hữu. Phải chăng đó là phương cách NÊN THÁNH hữu hiệu trong công tác tông đồ của thời đại hôm nay?

Maria Trần Thị Nhan K1 (TGPSG)

Top