Không thể kiến tạo hòa bình nếu sách giáo khoa còn dạy học trò lòng căm thù, sự vu khống và xúc phạm tha nhân

Không thể kiến tạo hòa bình nếu sách giáo khoa còn dạy học trò lòng căm thù, sự vu khống và xúc phạm tha nhân

Hội đồng giáo dục tôn giáo tại Giêrusalem: Không thể kiến tạo hòa bình nếu sách giáo khoa còn dạy học trò lòng căm thù, sự vu khống và xúc phạm tha nhân

WHĐ (23.08.2009) – Tòa Thượng phụ Công giáo latinh Giêrusalem, trích dẫn nguồn tin từ Tòa Thượng phụ Chính thống Hy Lạp tại Thánh địa, cho biết vào đầu tháng Tám vừa qua, tại Đông Giêrusalem, đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Hội đồng giáo dục tôn giáo tại Thánh địa.

Tham dự cuộc họp có các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem.

Về phía các Giáo hội Kitô, gồm có: Thượng phụ Công giáo latinh Giêrusalem Fouad Twal, Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Théophile III, nguyên Thượng phụ Công giáo latinh Michel M. Sabbah, Giám mục Anh giáo M. Sahel Daouani, Giám mục Tin lành (phái Luther) M. Mounib Yiounan. Đại biểu Do Thái giáo gồm: Đại giáo trưởng Shaer Yiasour Cohen, các Giáo trưởng David Rosen và David Broadman.
 

Rất tiếc các đại biểu Hồi giáo Palestine không thể tham dự vì những căng thẳng chính trị gần đây.


Tuy nhiên hội nghị đã có sự tham dự mang nhiều ý nghĩa của các quan chức Israel và Palestine: đại diện Bộ Giáo dục Israel và thứ trưởng Bộ Kế hoạch của Chính quyền Palestine. Ngoài ra còn có sự góp mặt của một số nhà ngoại giao tại Israel.


Được biết Hội đồng giáo dục tôn giáo tại Thánh địa ra đời từ năm 2002, sau Hội nghị thượng đỉnh Liên tôn tại Alexandria (Ai Cập). Hội nghị Alexandria 2002 đạt được sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Trung Đông về việc cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp cho những xung đột giữa Israel và Palestine.


Mọi hoạt động của Hội đồng giáo dục tôn giáo tại Thánh địa hướng vào ba mục tiêu: (1) Cổ võ việc xây dựng môi trường tôn trọng lẫn nhau, giữa các tín hữu của ba tôn giáo tại thánh địa. (2) Không chấp nhận sự vu khống, xúc phạm, có biểu hiện tiêu cực đối với tha nhân; cổ võ sự kính trọng đối với phẩm cách cá nhân và sự tự do của con người. (3) Tôn trọng tính chất tôn giáo của Giêrusalem; bảo đảm cho các tín hữu của ba tôn giáo và mọi khách hành hương được tự do ra vào thành phố Giêrusalem.


Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị đưa ra nhận định: cả ba tôn giáo đều có thể góp phần vào công cuộc tìm kiếm hòa bình, hòa giải và giải quyết bàu khí chính trị căng thẳng hiện nay.


Hội đồng giáo dục tôn giáo tại Thánh địa, qua phiên họp lần này, đã tuyên bố: “Nếu không tìm được giải pháp cho vấn đề tôn giáo tại Giêrusalem, sẽ chẳng bao giờ có nổi một giải pháp cho vấn đề chính trị”.


Trong bối cảnh hội nghị, các nhà lãnh đạo tôn giáo nhận ra việc có thể làm ngay là đưa thiện chí và khát vọng hòa bình vào sách giáo khoa dạy học trò ở Israel và Palestine. Do đó việc biên soạn sách giáo khoa trở thành đề tài chính của Hội nghị.


Hội nghị đã thảo luận về đề án “Sách giáo khoa Israel – Palestine”


Mục sư Tin lành Trond Bakkevitz, Thư ký của Hội đồng, đã nói trong bài chào mừng các đại biểu: “Sách giáo khoa dùng trong các trường học ở Israel và Palestine có vai trò quan trọng trong việc đưa hai dân tộc xích lại gần nhau, cổ võ một bàu khí tin cậy, hòa giải và chung sống hòa bình”.


Như vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo tại thánh địa đã nêu một sáng kiến cụ thể, góp phần tích cực và có ý nghĩa lâu dài cho việc xây dựng Trung Đông thành vùng đất hòa bình, không còn xung đột.


Muốn vậy, cần phải gieo mầm tư tưởng và lối sống yêu chuộng hòa bình cho thế hệ trẻ.
Gieo bằng sách giáo khoa.


Không thể kiến tạo hòa bình nếu còn dạy học trò lòng căm thù, sự vu khống, xúc phạm tha nhân và những phương cách trả thù.


Các giới chức trong chính phủ Israel và chính quyền Palestine đã hiểu rõ thông điệp sáng sủa và cụ thể được các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem gửi đến, qua hội nghị nêu trên.


PV
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top