Khi các Đức giáo hoàng công bố “nét chủ đạo” của triều đại giáo hoàng

Khi các Đức giáo hoàng công bố “nét chủ đạo” của triều đại giáo hoàng

WHĐ (21.03.2013) – Còn hơn bản cương lĩnh của một chính phủ, Thánh lễ trọng thể đánh dấu sự khởi đầu của triều đại giáo hoàng thường là dịp để các Đức giáo hoàng giới thiệu nét chủ đạo sứ vụ mục tử của mình.

Trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ mục tử vừa diễn ra ngày 19-03-2013, Đức tân Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: “Chúng ta hãy gìn giữ Đức Kitô trong đời mình để có thể bảo vệ mọi người khác, bảo vệ mọi công trình tạo dựng!” Có thể nói đó cũng là đường hướng triều đại giáo hoàng của ngài.

Nhân dịp này, chúng ta đọc lại sứ điệp của các Đức giáo hoàng gần đây, được công bố trong Thánh lễ khởi đầu triều đại giáo hoàng của các ngài. Bản tổng kết do trang mạng La-Croix thực hiện.

– “Điều chúng tôi ghi khắc trong tim, hơn bất cứ điều gì khác, là trở thành mục tử của cả đoàn chiên” (ĐGH Gioan XXIII, ngày 04 tháng Mười Một 1958)

ĐGH Gioan XXIII hứa hẹn một triều đại giáo hoàng “hiền lành và khiêm nhường” và thực sự ngài đã để lại hình ảnh của một “giáo hoàng Gioan tốt lành”. Nhưng tính tình vui vẻ của ngài cũng không làm lu mờ sự gắn bó với Giáo hội và sự hiểu biết sâu sắc của ngài về Giáo hội. Đặt mình dưới sự bảo trợ của thánh Carôlô Borrômêô, người có “sứ mệnh cao cả là phục hồi (...) trong một thời đại cần phải khắc phục sự suy đồi của hàng giáo sĩ”, vị giáo hoàng tuổi đã cao này –vốn được bầu lên chỉ để làm “giáo hoàng chuyển tiếp” sau triều đại kéo dài của Đức Piô XII–, đã công bố cuộc cải cách lớn lao của Vatican II mà ngài sẽ triệu tập trong vài tháng sau; mà có lẽ cuộc cải cách ấy còn chưa được định hình rõ ràng ...

– “Những tiếng nói sâu thẳm ấy của thế giới, chúng tôi sẽ lắng nghe” (ĐGH Phaolô VI, ngày 30 tháng Sáu 1963)

Phong cách của Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng đầu tiên tông du bên ngoài Italia trong thế kỷ XX (tại Thánh Địa vào năm 1964), đã thể hiện trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ mục tử, khi ấy bài giảng của ngài được công bố bằng chín thứ tiếng. Ngài trình bày một Giáo hội biết lắng nghe các “dấu chỉ của thời đại”. Là vị giáo hoàng cuối cùng đội mũ ba tầng, ngài quyết định đi theo tinh thần cởi mở của Công đồng do vị tiền nhiệm triệu tập, đặc biệt là “đối thoại” với các hệ phái Kitô khác, và đi với thế giới hiện đại, “vốn cũng được Thánh Thần và ân sủng tác động”.

– “Mang lấy ‘ách’ mà Chúa Kitô đã đặt lên đôi vai gầy yếu của chúng tôi...” (ĐGH Gioan Phaolô I, ngày 03 tháng Chín 1978)

Được bầu lên trong một tình huống khó khăn, với hy vọng có một triều đại giáo hoàng êm đềm hơn, sau vụ thủ tướng Italia Aldo Moro bị sát hại vào tháng 5 năm 1978 và cái chết của Đức Phaolô VI, Đức Albino Luciani –Thượng phụ thành Venezia–, chỉ làm giáo hoàng vỏn vẹn 33 ngày. Vốn đã đau bệnh từ lâu, con người khiêm tốn này đã ra đi khi 66 tuổi. Cái chết đột ngột và bí ẩn mà có người cho rằng do sứ vụ mà “vị Giáo hoàng tươi cười” cảm thấy quá nặng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ của ngài.

“Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô! Hãy mở rộng biên giới các quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh, và sự phát triển cho quyền năng cứu độ của Người” (ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 22 tháng Mười 1978)

Ngay trong chiến tranh lạnh, vị Giáo hoàng đến từ phía bên kia Bức màn sắt đã ngỏ lời với những nhà cầm quyền trên thế giới –họ vốn lo ngại Giáo hội đe dọa quyền lực của mình–, để bảo vệ tự do tôn giáo và nhân quyền. Ngài cũng ngỏ lời với mọi người của một châu Âu đã đánh mất gốc rễ Kitô giáo của mình.

– “Phải, Giáo hội vẫn sống động (...). Và Giáo hội trẻ trung. Giáo hội mang trong mình tương lai của thế giới” (ĐGH Bênêđictô XVI, ngày 24 tháng Tư 2005)

Vốn từng huy động được, một cách không ngờ, đông đảo người Công giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho Đức Gioan Phaolô II lúc lâm chung, ĐGH Bênêđictô XVI đặt mình đi theo bước chân của người tiền nhiệm nổi tiếng, đưa ra lời kêu gọi người trẻ: “Đừng sợ Chúa Kitô! Người chẳng lấy mất điều gì nhưng lại ban cho ta mọi sự”.

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top