Hơn 500 ngàn tín hữu tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Dublin
Chiều chúa nhật 26/8/2018, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ trong cuộc viếng thăm 36 tiếng đồng hồ tại Dublin, kết thúc cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9.
Công viên Phoenix
Lúc gần 2 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đến Công viên Phoenix, cách tòa Sứ Thần 1,7 cây số để cử hành thánh lễ cho hơn nửa triệu tín hữu và cũng là thánh lễ duy nhất ngài cử hành trong cuộc viếng thăm tại Ailen. Trời đã tạnh mưa trước lễ, nhưng bầu trời vẫn dầy đặc mây và gió thổi khá mạnh.
Phoenix là một trong những công viên thành phố lớn nhất ở Âu châu, rộng hơn 700 hécta, cách trung tâm Dublin 3 cây số về hướng tây bắc. Ngày 29/9/1979, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ tại đây trước sự hiện diện của hơn 1 triệu người.
Đến Công viên, ĐTC được Đức Tổng Giám mục sở tại Diarmuid Martin tiếp đón và cùng đi xe tiến qua các lối để chào thăm các tín hữu.
Đồng tế với ĐTC có hơn 100 hồng y và giám mục các nước cùng hơn 300 linh mục Ailen và nước ngoài. Các bài đọc trong Thánh lễ theo Chúa nhật 21 thường niên năm B.
Đầu lễ, thay vì nghi thức thống hối thông thường bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đã nhắc đến cuộc gặp gỡ của ngài chiều hôm trước đó với 8 nạn nhân đã từng bị lạm dụng tính dục và ngài dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn nguyện ơn tha thứ vì những tội lỗi đó.
Bài giảng của ĐTC
ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 6, trong đó có nhiều môn đệ và thính giả khác hoang mang, than phiền và thậm chí tức giận, không chấp nhận những lời ”cứng cỏi” của Chúa Giêsu trái ngược với sự khôn ngoan của người đời, và ngài đặc biệt nhắc đến bài đọc thứ hai, trích từ đoạn 6 thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêso, trong đó thánh nhân nói rằng ”hôn nhân là một sự tham dự vào mầu nhiệm lòng trung tín ngàn đời của Chúa Kitô đối với hiền thê của Người là Giáo hội (Xc Ep 5,32).
Nhưng giáo huấn này, mặc dù là tuyệt vời, có thể bị một số người coi là ”một lời cứng cỏi”. Vì sống trong tình yêu, như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (Xc Ep 5,2), bao hàm sự bắt chước chính sự hy sinh của Chúa, chết cho chính mình để tái sinh cho một tình yêu cao cả hơn và trường tồn hơn. Chỉ có tình yêu ấy mới có thể cứu thế giới khỏi nạn nô lệ tội lỗi, ích kỷ, tham lam và thái độ dửng dưng đối với những nhu cầu của những người kém may mắn. Đó là tình yêu mà chúng ta đã được biết trong Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu ấy nhập thể vào thế giới này nhờ một gia đình, và nhờ chứng tá của các gia đình Kitô trong mỗi thế hệ, tình yêu này có năng lực phá vỡ mọi hàng ràng và hòa giải thế gian với Thiên chúa, và làm cho chúng ta trở thành điều mà chúng ta đã được tiền định từ đời đời: thành một gia đình nhân loại duy nhất sống chung với nhau trong công lý, trong sự thánh thiện và hòa bình.
Không nản chí trước những thách đố tông đồ
ĐTC nhìn nhận rằng “Công tác làm chứng cho Tin Mừng không phải là điều dễ dàng. Nhưng những thách đố mà các Kitô hữu ngày nay đang phải đương đầu, cũng không kém phần khó khăn hơn những thách đố mà các thừa sai đầu tiên người Ailen đã gặp phải. Tôi nghĩ đến thánh Colombano, với một nhóm nhỏ các bạn đồng hành, đã mang ánh sáng Tin Mừng đến các phần đất Âu châu trong một thời kỳ đen tối và sa đọa văn hóa. Sự thành công ngoại thường của các vị trong việc truyền giáo không dựa trên những phương pháp chiến thuật hoặc các kế hoạch chiến lược, nhưng dựa trên thái độ ngoan ngoãn, khiêm tốn có sự giải thoát, đối với những chỉ dẫn của Chúa Thánh Linh. Chính chứng tá hằng ngày của các vị về lòng trung thành với Chúa Kitô và với nhau đã chinh phục những tâm hồn nồng nhiệt ao ước một lời ân sủng và đã góp phần làm nảy sinh nền văn hóa Âu châu. Chứng tá ấy vẫn là một nguồn mạch ngàn đời cho việc canh tân tinh thần và truyền giáo đối với dân thánh trung thành của Thiên Chúa.
ĐTC cảnh giác rằng “Dĩ nhiên luôn có những người chống lại Tin Mừng, những người “lẩm bẩm” chống lại lời “cứng cỏi” của Tin Mừng. Nhưng cũng như đối với thánh Colombano và các bạn đồng hành đã đương đầu với nước băng giá và bão tố trên biển để theo Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ để cho mình bị ảnh hưởng hoặc nản chí vì cái nhìn băng giá của sự dửng dưng hoặc những bão tố thù nghịch.
Bênh vực những người yếu thế
Cụ thể hơn, ĐTC nói: “Nếu lương thiện với chính mình, chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng cả chúng ta cũng có thể thấy giáo huấn của Chúa Giêsu là cứng cỏi. Thật luôn luôn khó tha thứ cho những người làm thương tổn chúng ta! Đón tiếp người di dân và người xa lạ vẫn luôn là một thách đố! Chịu đựng thất vọng, sự từ khước hoặc phản bội là một điều đau khổ dường nào! Bảo vệ những quyền của người mong manh, những người chưa sinh ra hoặc người già cả hơn, thật là điều gây khó chịu, dường như họ làm xáo trộn cảm thức tự do của chúng ta!
Nhưng chính trong những hoàn cảnh như thế, Chúa hỏi chúng ta: “Cả con con nữa, các con có muốn bỏ đi hay không?” (Ga 6,67). Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng khích lệ chúng ta và với Chúa luôn ở bên cạnh, chúng ta có thể thưa: “Phải chăng chúng con đã chẳng tin nhận Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa sao” (v.69)..
Đáp lại ơn gọi môn đệ thừa sai
Sau cùng, ĐTC nhắc nhở các tín hữu về ơn gọi làm môn đệ thừa sai của Chúa, ơn gọi chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, và thêm sức: “Giáo hội trong toàn bộ được kêu gọi hãy ‘đi ra ngoài’ để mang những lời sinh sự sống vĩnh cửu cho những miền ngoại ô của thế giới. Ước gì buổi lễ hôm nay củng cố mỗi người trong anh chị em, cha mẹ và các ông bà, trẻ em, người trẻ, nam giới nữ giới, các tu huynh và nữ tu, những người chiêm niệm và thừa sai, phó tế và linh mục, trong việc chia sẻ niềm vui Tin Mừng! Ước gì anh chị em có thể chia sẻ Tin Mừng gia đình như một niềm vui cho thế giới!”.
Lời cám ơn
Cuối thánh lễ, ĐHY Kevin Farrel, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống đã cám ơn ĐTC và thông báo cho mọi người biết Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ thứ 10 sẽ diễn ra tại Roma vào năm 2021, kỷ niệm 5 năm Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương), do ĐTC Phanxicô ban hành.
Về phần ĐTC, ngài cũng ngỏ lời cám ơn Đức TGM Martin và tổng giáo phận Dublin đã chuẩn bị và tổ chức cuộc gặp gỡ các gia đình Công giáo thế giới. Ngài cũng cám ơn chính quyền Ailen, những người thiện nguyện từ Ailen và nhiều nước khác trên thế giới, và bao nhiêu người đã cộng tác quảng đại, vào việc tổ chức.
Thánh lễ kết thúc lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương. Tại nhà thánh, ĐTC đã chào thăm và cám ơn 10 người thuộc ban tổ chức. Sau đó, ngài tới tu viện nữ Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi và Thánh nữ Catarina Siena, ở Cabra, cách Công viên Phoenix gần 2 cây số, để gặp gỡ riêng HĐGM Ailen, gồm các vị chủ chăn của 26 giáo phận họp thành 4 giáo tỉnh toàn quốc.
Sau cuộc gặp gỡ, vào lúc 6 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã ra phi trường quốc tế của thành phố Dublin. Tại đây có đại diện chính quyền, các vị TGM và một gia đình tiễn biệt ĐTC, trước khi ngài lên máy bay trở về Roma.
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô