Hội thảo chuyên đề “Nói về Chúa Giêsu với anh chị em tín đồ Hồi giáo như thế nào?”
WHĐ (26.07.2016) – “Diễn đàn Czestochowa của người trẻ” do cộng đoàn Emmanuel tổ chức trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, Ba Lan, đã dành ra buổi chiều cho các “cuộc giao lưu”, cho các hội thảo chuyên đề theo nhiều chủ đề như: Công đồng chung Vatican II, ơn gọi, vị trí của phụ nữ trong xã hội hay … Hồi giáo.
Một trong nhiều hội thảo chuyên đề này đề cập đến cách thức nói về Chúa Giêsu với người Hồi giáo. Cuộc trao đổi về chủ đề này do một linh mục người Ghinê vốn là con của một imam điều hành.
Thành công lớn
Tới giờ, hàng chục người trẻ đã quy tụ trong một căn lều lớn dùng làm nơi ăn uống để trao đổi về chủ đề “Nói thế nào về Chúa Giêsu cho người Hồi giáo?”, do linh mục Frederic-Marc Balde, người Ghinê và là con của một imam hướng dẫn. “Đây là một trong những chuyên đề quy tụ nhiều người nhất, theo nhận định của một linh mục trong nhóm Paris, và là dấu hiệu cho thấy chủ đề có tính thời sự nóng bỏng này có sức hấp dẫn lớn”.
Mở đầu, cha Balde nhắc lại sáu điểm căn bản của đức tin Hồi giáo, đặt nền tảng trên niềm tin về một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng và vào mạc khải của Người; đồng thời cha nhấn mạnh: “Để rao giảng Tin Mừng cho một người Hồi giáo, trước tiên phải hiểu biết đức tin của người ấy”.
“Chúng ta có thực sự phải Phúc âm hóa người Hồi giáo?”
“Nhưng chúng ta có thực sự phải Phúc âm hóa người Hồi giáo không?”, cô Madeleine, 22 tuổi, nêu câu hỏi. Câu hỏi quả không đơn giản, nhưng “nói về Chúa Giêsu là một bổn phận của người Kitô hữu”, cô nhìn nhận, “và bổn phận này có thể mặc nhiều hình thức khác nhau”.
Trong phần trình bày của mình, cha Balde phân biệt Phúc âm hóa trực tiếp và Phúc âm hóa gián tiếp. Trong trường hợp thứ nhất, cha giải thích, “chúng ta không nhất thiết phải nhìn lại con người. Tốt hơn hết là đi thẳng vào cốt lõi của sứ điệp Yêu Thương, và biết cách trả lời cho các vấn nạn”.
“Chẳng hạn, cha nói tiếp, người Hồi giáo xem Kinh Thánh là một cuốn sách đã bị giả mạo: chúng ta có thể mời họ nói lên ý nghĩ riêng của họ và mời họ đọc Kinh Thánh!”
Sống như một người có lòng tin
Liên quan đến việc Phúc âm hóa người xung quanh, cha Balde đã nêu lên nhiều khía cạnh. “Điều thứ nhất phải có trong đầu, đó là để nói về Chúa Giêsu, chúng ta cần phải sống như một tín hữu, như một người có lòng tin, bằng không, lời nói của chúng ta sẽ không đáng tin”. “Ai trong các bạn, khi đọc kinh Truyền tin, đã ngừng mọi công việc để cầu nguyện? Người Hồi giáo bày tỏ lòng tin tôn giáo của họ ra bên ngoài thường xuyên hơn nhiều và họ không hiểu tại sao chúng ta lại xếp niềm tin của chúng ta vào lĩnh vực riêng tư như vậy”, cha nói rõ thêm.
Một điểm căn bản khác: “Thực thi một đức bác ái sống động là chứng từ đích thực duy nhất, bởi vì chúng ta không thể Phúc âm hóa mà không yêu mến”. Cha Balde quả quyết: Cũng như trong mọi tiến trình Phúc âm hóa, trong số các chìa khóa hết sức cụ thể để nói về niềm tin của mình cho người Hồi giáo, chính thái độ mới đánh động, “chứ không nhất thiết phải là lời nói”.
Trong cử tọa, có nhiều câu hỏi được nêu lên. “Với tính cách là Kitô hữu, người ta có phải đọc kinh Coran để hiểu rõ người Hồi giáo hơn không?” “Thiên Chúa của Hồi giáo mệnh danh là Đấng thương xót, từ này có cùng ý nghĩa như chúng ta hiểu hay không?”
Những yếu tố để suy tư
Một người trẻ khác, người Syria, là Hanna 27 tuổi, luật sư, đang tị nạn tại Vienna (Áo), đặt vấn đề với cha Balde và các bạn trẻ có mặt: “Trong kinh Coran có nhiều câu chống lại các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Ở châu Âu, các bạn có thể có những người bạn là tín đồ Hồi giáo, nhưng tôi, tôi đã lớn lên cùng với họ và tôi muốn nhấn mạnh để mỗi người ý thức rõ về điều họ nghĩ về người Kitô hữu”. Một bạn trẻ người Iraq nêu câu hỏi về lực lượng Daesh: “Hiện tượng này có phải là Hồi giáo không?”
Cô Madeleine, người Pháp, nhận xét rằng loại hình hội thảo chuyên đề này giúp chúng ta có được “những yếu tố để suy tư về một chủ đề ít được biết đến nhưng lại được tranh luận rất nhiều”. Và nhất là ý thức rằng các vấn đề được nêu lên quả khác nhau biết chừng nào giữa châu Âu và Trung Đông”.
(Nguồn: WHĐ - Theo La Croix)
bài liên quan mới nhất
- Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu
-
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô