Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018
- Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018 là gì?
Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018 là “Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình: Sự thật sẽ giải thoát anh em!”
- Tại sao sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay lại đề cập đến “tin giả”?
Chứng kiến tình hình tin giả đang lan rộng trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông, ĐGH Phanxicô muốn đưa ra một sứ điệp để cộng tác với mọi người trong nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của tin giả, đồng thời tái khám phá phẩm giá của báo chí cũng như trách nhiệm của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.
- ĐGH Phanxicô cho thấy khả năng truyền thông của con người có những nét đặc biệt nào?
ĐGH Phanxicô cho thấy khả năng truyền thông của con người có những nét đặc biệt này là: Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, con người có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ; có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới, để tạo ra ký ức lịch sử và hiểu biết các sự kiện.
- Khả năng giao tiếp của con người sẽ bị bóp méo khi nào và cần được sửa chữa như thế nào?
Khi con người chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, họ sẽ bóp méo cách thế sử dụng khả năng giao tiếp. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ thời nguyên tổ của loài người. Nó cần được sửa lại bằng sự trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.
- Tin giả là gì?
Tin giả là những thông tin sai lạc dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Nó bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Nó trở nên đáng tin và lôi kéo được sự chú ý của mọi người bằng cách đánh trúng các thành kiến, khai thác các cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Nhờ các mạng xã hội, nó được truyền bá nhanh chóng đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.
- Do đâu mà việc loại bỏ tin giả trở nên khó khăn?
Việc vạch trần và loại bỏ tin giả trở nên khó khăn vì nhiều người thường chỉ tương tác với những kẻ hợp ý với mình trong các môi trường kỹ thuật số. Họ không có các nguồn thông tin phong phú lành mạnh và các cuộc đối thoại xây dựng, khiến họ vô tình đồng lõa trong việc loan truyền các tin giả mà họ nhận được từ những người tương tác với họ.
- Tin giả thường dẫn đến hậu quả nào?
Tin giả thường dẫn đến việc làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, thậm chí như ma quỷ, và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ của thái độ thiếu khoan dung, quá nhạy cảm, kiêu căng và thù hận.
- Chiến thuật tạo tin giả đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được ma quỷ thực hiện để cám dỗ con người như thế nào?
Đó là chiến thuật của con rắn, đưa ra những điều tuy giả dối nhưng lại rất quyến rũ. Con rắn giả vờ là bạn tốt của Evà, hết sức quan tâm đến lợi ích của bà, và bắt đầu câu chuyện bằng cách nói lên một điều chỉ mang một phần sự thật: “Thiên Chúa bảo rằng ông bà không được ăn bất kỳ trái cây nào trong vườn phải không?”. “Thực ra Thiên Chúa chỉ cấm không được ăn trái của cây cho biết điều lành điều dữ mà thôi; nếu ăn vào sẽ bị chết”. Người đàn bà đã sửa sai con rắn như thế, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự trấn an và khiêu khích của nó: “Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng ăn vào ông bà sẽ trở nên giống như thần thánh - biết lành biết dữ”. Câu trả lời này có một chút sự thật khi nhắc đến yếu tố “biết lành biết dữ”, nhưng nó đã khiến Evà nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.
Câu chuyện Kinh Thánh này cho thấy: Chẳng hề có một thông tin sai lạc nào mà không tác hại. Tin vào sự giả dối có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Một sự thật bị méo mó -dù méo mó một chút thôi- cũng có thể có những hậu quả nghiêm trọng.
Và điều nguy hiểm nhất, đó là lòng tham của chúng ta. Tin tức giả mạo thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại là vì nó khơi dậy lòng tham không đáy về quyền lực, sở hữu và lạc thú, làm tê liệt tự do nội tâm của con người.
- Trong kế hoạch khử trừ tin giả, cần có chương trình giáo dục về chân lý; chương trình này chủ yếu dạy về điều gì?
Trong kế hoạch khử trừ tin giả, chương trình giáo dục về chân lý cần dạy cho mọi người luôn tìm cách hiểu rõ những ham muốn của mình và điều khiển được những khuynh hướng sâu xa nhất của mình - không cho phép những khuynh hướng ấy hủy hoại khả năng nhận thức điều thiện khiến họ phải chịu thua các cơn cám dỗ.
- Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta như thế nào?
Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối sẽ làm cho chúng ta không còn phân biệt nổi đâu là sự thật, dẫn đến mất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác, để rồi đánh mất khả năng yêu thương thực sự, chỉ còn biết lao vào những đam mê lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính.
- Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hại gây ra do những tin giả đang tràn ngập trong thế giới hôm nay?
Cách giải độc hiệu nghiệm nhất để khử trừ sự giả dối khi đưa tin là luôn biết thanh lọc mình trong sự thật. Theo Kitô giáo, sự thật không chỉ là điều được đưa ra ánh sáng sau khi bị che giấu, mà là nơi chúng ta có thể dựa vào để cuộc đời của ta không bị sụp đổ. Và nơi đó chính là Đức Kitô, như lời Ngài xác định: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6); sự thật này sẽ cho ta được tự do: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32). Như vậy cách giải độc hiệu nghiệm nhất để khử trừ sự giả dối khi đưa tin cũng chính là kết hiệp với Đức Kitô và thực hiện Lời Ngài.
- Một cách cụ thể, ta phải làm gì để thể hiện sự thật?
Một cách cụ thể, sự thật đòi ta phải thoát khỏi sự giả trá và xây dựng sự hiệp thông, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: Lời chúng ta nói ra có gây chia rẽ và thất vọng? hay thúc đẩy những suy tư trưởng thành và đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại lành mạnh và những thành quả tích cực?
- Các nhà báo có trách nhiệm như thế nào trong việc khử trừ tin giả?
Các nhà báo có trách nhiệm và sứ mạng rất lớn trong việc bảo vệ tin tức. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: Thông tin cho người khác chính là đào tạo người khác, vì thế các nhà báo phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.
- ĐGH Phanxicô mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình như thế nào?
Theo ĐGH Phanxicô, cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình không có nghĩa là cổ võ cho loại hình báo chí chỉ có mật ngọt để rồi nhắm mắt trước những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, cần phải khuyến khích một nền báo chí trung thực, chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Đó là nền báo chí trung thực do con người tạo ra và vì lợi ích của con người, nhằm phục vụ mọi người - đặc biệt là những người không có tiếng nói. Đó cũng là nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân, nhưng tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Cuối cùng, đây là một nền báo chí biết dấn thân để tìm cách đưa ra được những lựa chọn tốt đẹp và hữu hiệu, khác hẳn với việc cổ vũ sự leo thang chiến tranh và bạo lực bằng lời nói.
- Hãy cùng với ĐGH Phanxicô hướng về Đấng Chân Lý với lời cầu nguyện tha thiết: cầu cho sự thật được xây dựng và lan tỏa trên thế gian.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác tiềm ẩn trong thứ truyền thông không kiến tạo được sự hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
Nơi đâu có kêu la, xin cho chúng con biết lắng nghe;
nơi đâu có bấn loạn, xin cho chúng con tạo được niềm hứng khởi hòa hợp;
nơi đâu có những mơ hồ, xin cho chúng con biết mang đến sự minh bạch;
nơi đâu có loại trừ, xin cho chúng con mang đến tình liên đới;
nơi đâu có kích động, xin giúp chúng mang lại sự điềm tĩnh;
nơi đâu hời hợt, xin cho chúng con nêu lên được những thắc mắc đích thực;
nơi đâu có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức được niềm tin;
nơi đâu có hận thù, xin cho chúng con biết mang đến niềm tôn trọng;
nơi đâu có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo