Hoa Kỳ: Phép lạ của Đức Bà Cứu Chữa trước ngọn lửa
WHĐ (16/01/2025) - Ngày 8 tháng Mười 1871, một trận hỏa hoạn tàn khốc đã thiêu hủy ra tro thành phố Peshtigo (tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ) và vùng lân cận. Từ 1500 đến 2000 người tử nạn. Khi ngọn lửa tiến gần đến khu Champion, một nhóm cư dân đã đến lánh nạn trong một nhà nguyện, được xây dựng nhiều năm trước ngay địa điểm Đức Mẹ nhiều lần hiện ra. Tất cả những người này đều được sống sót, được cứu khỏi ngọn lửa như một phép lạ.
Từ ngày 7 tháng Một vừa qua, những trận hỏa hoạn tàn phá đã biến nhiều khu dân cư ở Los Angeles thành tro bụi. Tiểu bang California ven biển ở phía Tây Hoa Kỳ, thường xuyên gánh chịu những trận hỏa hoạn mãnh liệt phi thường, càng trầm trọng hơn với những cơn gió nóng và khô đôi khi đưa tàn lửa bay xa nhiều cây số. Nhưng ở một vùng khác của nước Mỹ, đã diễn ra một trận hỏa hoạn được xem như thảm khốc nhất trong lịch sử, trận hỏa hoạn thành Peshtigo, đầu những năm 1870. Trong lúc khoảng 2000 người chết thảm, thì những người lánh nạn trong một nhà nguyện ở Champion (Wisconsin, Hoa Kỳ) đã được cứu khỏi ngọn lửa như một phép lạ.
Hình: Thánh Địa Đức Bà Cứu Chữa tại Champion, tiểu bang Wisconsin. Źródło: championshrine.org
Ngày 8 tháng Mười 1871, tại tiểu bang Wisconsin, như thường lệ, cư dân thành Peshtigo nhóm những đống lửa nhỏ để vỡ đất làm chăn nuôi, làm nông, hay lắp đặt những đường rầy xe lửa mới. Nhưng thiên nhiên đã quyết định theo hướng khác. Năm 1871 rất khô hạn, có rất ít mưa vào mùa hè. Ao hồ trong vùng khô cạn cả, đất đai khát nước, và một cơn áp thấp châm ngòi cho những trận gió quá mạnh đến từ hướng Tây Nam. Trận hỏa hoạn khơi mào từ trong rừng lan ra vơi tốc độ của một cơn lốc, sớm bao trùm thành phố Peshtigo. Cư dân thành phố bị thiêu sống, chết cả. Trong lúc lửa lan ra với tốc độ rất nhanh, nó đe dọa thiêu rụi một nhà nguyện nhỏ cung hiến cho Đức Bà Cứu Chữa. Nhà nguyện xây dựng ngay trong rừng, tại khu Champion, ngay nơi mà Adèle Brise, vài năm trước đã chứng kiến những lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria, đây là những cuộc hiện ra duy nhất được Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ công nhận cho đến nay. Năm đó 24 tuổi, cô gái di cư gốc Bỉ đã vâng lời Đức Trinh Nữ yêu cầu cô dạy đức tin và giáo lý : “Con hãy tập họp các trẻ em ở xứ hoang dã này và dạy các em những điều các em cần biết để được cứu chuộc. (…) Con hãy dạy các em giáo lý, cách làm dấu thánh giá và cách nhận các bí tích; đó là những gì ta cần con làm. Hãy đi, đừng sợ hãi gì hết, ta sẽ giúp con.” Sau khi cất nhà nguyện, Adèle đã cho xây một ngôi trường nhỏ.
Thánh địa của đức Maria (Sanctuaire marial)
Hoảng loạn vì lửa cháy, người ta đổ xô đến nơi có nhà nguyện. Họ còn dẫn theo cả gia súc của mình. Adèle mời họ cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria; cầm tượng Đức Mẹ đưa lên cao, họ tổ chức một cuộc rước Mẹ chung quanh thánh địa, miệng lần chuỗi. “Sau nhiều giờ kinh hoàng và hồi hộp, trời cao mới gởi xuống một chút an ủi qua hình thức một cơn mưa rào”, linh mục Peter Pernin, cha sở Peshtigo, viết, chính ngài cũng là người sống sót qua hỏa hoạn sau khi ngâm mình hàng giờ dưới sông, Mình Thánh Chúa ôm chặt trong người. “Tất cả đều bị thiêu hủy quanh họ; nhiều cây số cảnh tan hoang khắp nơi. Nhưng tu viện, ngôi trường và nhà nguyện trong thánh địa dâng cho Đức Trinh Nữ Maria sáng lên như hòn đảo xanh tươi trong một biển tro tàn. Ngọn lửa đang hoành hành liếm tới hàng rào phía ngoài và để lại những vết thẹo cháy đen làm kỷ niệm. Những lưỡi lửa đã chạm tới hàng rào nhà nguyện và đe dọa thiêu hủy tất cả mọi thứ bên trong; nhưng lửa vẫn không lan đến được miếng đất của nhà nguyện”, vị linh mục còn làm chứng.
Hình: Thánh Địa Đức Bà Cứu Chữa, Royalbroil|Wikipedia|CC BY-SA 3.0
Từ dạo đó, rất nhiều tín hữu đã hành hương đến nhà nguyện, đặc biệt là vào ngày 8 tháng Mười hằng năm, ngày kỷ niệm cuộc hỏa hoạn và lần Mẹ hiện ra cuối cùng với Adèle. Về phần mình, Adèle tiếp tục việc dạy giáo lý cho trẻ em địa phương đến khi từ trần ngày 5 tháng Bảy 1896. Phải đến hai thế kỷ sau, Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ mới công nhận những lần hiện ra của Mẹ Thiên Chúa. Sau khi mở cuộc điều tra, Đức Cha David L. Ricken, giám mục Green Bay, với thẩm quyền của Giáo Hội đã công bố những lần hiện ra đó là “đáng tin” và năm 2016, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã nâng cấp địa điểm này thành Thánh Địa Quốc gia. 100.000 người đến hành hương ở đó mỗi năm.
Lê Hưng
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (09/01/2025)
bài liên quan mới nhất
- Cuba thả tù nhân, hoan nghênh sự trung gian hòa giải của Tòa thánh
-
Phỏng vấn Thanh tra Tông toà tại giáo xứ Mễ Du -
Đức Thánh Cha bị ngã và bị bầm ở cẳng tay phải -
Canh tân và Hòa giải: Thượng phụ Luciani và Năm Thánh 1975 -
Các Giám mục Á châu chuẩn bị thành lập văn phòng hiệp hành khắp khu vực -
Đức Thánh Cha bổ nhiệm ba chuyên gia Hoa Kỳ, trong đó có hai phụ nữ, làm thành viên Bộ của Giáo triều -
Tổng thống Biden trao tặng Đức Thánh Cha Huân chương Tự do -
Đức Thánh Cha bất ngờ thăm Tổ chức Roma -
Huấn dụ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C (12/01/2025) - Dung mạo và tiếng nói -
Sơ Margaret Mumbua chăm sóc mục vụ cho các ngư dân và gia đình của họ
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô