Hiệp thông với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Ngày 22 tháng 2 hằng năm là lễ kính nhớ việc lập Tông Toà Thánh Phêrô. Năm nay, lễ này mang đến cho tôi một ý nghĩa mới. Đó là trong hiện tình Đấng kế vị thánh Phêrô đang có nhiều trăn trở, lễ này nên trở thành cơ hội tốt, để đốt nóng lên bổn phận hiệp thông với người cha chung.
Trong ý hướng đó, Chúa đã cho hiện lên trong lòng tôi một hình ảnh về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Tất nhiên đây là một hình ảnh có những nét thiêng liêng. Hình ảnh đó ví như một sức mạnh kỳ diệu, mở hồn tôi ra, để tôi nhận thấy bầu trời hiệp thông với Đức Thánh Cha là rất phong phú.
Tôi xin được chia sẻ vắn gọn một số nét của hình ảnh đó.
1. Con người trao tặng
Đức Bênêđictô XVI là con người đơn sơ, giản dị. Ấn tượng rõ nhất khi gặp ngài, không phải là con người quyền lực, nhưng là con người trao tặng. Quà, mà ngài trao tặng là chân lý và tình yêu.
Chân lý và tình yêu do ngài trao tặng không phải là những lý thuyết về chân lý và tình yêu, nhưng là chân lý và tình yêu đã trở thành sự sống nơi ngài. Những giá trị tinh thần cao quý ấy đã chảy vào hồn ngài từ nhiều nguồn như Triết học, Thần học, Kinh Thánh, nhất là từ đức tin, đức cậy, đức mến.
Chân lý đó, tình yêu đó có bề sâu, bề cao, bề rộng phi thường.
Chân lý đó, tình yêu đó có sức giải cứu con người.
Chúng là lương thực nuôi dưỡng tinh thần.
Chúng mở rộng phạm vi tinh thần, để đón nhận Chúa và để Chúa ở lại.
Chúng đổi mới con người từ những lớp thẳm sâu nhất.
Chính vì vậy, mà nhiều người, khi được gặp Đức Bênêđictô XVI, đã nhận được một ấn tượng lạ lùng. Như thể họ đã gặp được bầu khí thiêng có Thiên Chúa hiện diện. Bầu khí thiêng đó không chỉ do chân lý và do tình yêu, mà do chính Thiên Chúa là nguồn chân lý và tình yêu cứu độ.
Một nét đặc biệt nữa của hình ảnh Đức Bênêđictô XVI là sự gắn kết. Ngài là con người gắn kết.
2. Con người gắn kết
Qua những hoạt động của Đức Bênêđictô XVI, tôi thấy ngài rất ý thức về những dây liên hệ của ngài. Ý thức sâu sắc về sự mình sống trong một hệ thống những dây liên hệ, đó là một trí thức cao. Sống có trách nhiệm với từng dây liên hệ của mình, đó là một đạo đức sâu.
Trước hết, Đức Thánh Cha sống gắn kết với Chúa một cách hết sức khiêm nhường. Ngài sống hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa. Luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa. Luôn tựa nương vào ơn Chúa. Luôn gắn bó với Chúa trong tâm tình tạ ơn phó thác.
Đức Thánh Cha sống gắn kết với những người đau khổ, nghèo túng, bệnh tật, bị áp bức. Ngài gắn kết với họ bằng tâm tình liên đới, chia sẻ, đồng hành.
Đức Thánh Cha sống gắn kết với những người lầm lạc. Ngài gắn kết bằng sự xót thương, kiên trì chờ đợi.
Đức Thánh Cha sống gắn kết với các nền văn hoá, các dân tộc, các tôn giáo. Ngài gắn kết bằng sự tôn trọng những gì là tốt đẹp nơi họ, đồng thời cũng giới thiệu Tin Mừng của mình một cách tế nhị.
Đức Thánh Cha sống gắn kết với tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Ngài gắn kết qua mọi phục vụ của người chăn chiên tốt lành.
Tất cả mọi gắn kết với mọi người đều được thực hiện trong chân lý và tình yêu. Nhưng con người vẫn phức tạp. Lịch sử mà con người sinh sống cũng phức tạp. Vì thế, mọi liên hệ với con người trong lịch sử đều phải thực hiện trong sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần không miễn cho Đức Thánh Cha khỏi phải chiến đấu.
3. Con người chiến đấu
Là người đứng đầu Hội Thánh, Đức Thánh Cha đứng trước vô số vấn đề. Thấy được vấn đề đã là khó. Giải quyết được vấn đề càng khó hơn. Không có giải pháp sẵn. Không có giải pháp dễ dàng.
Phải suy tư. Phải nghiên cứu. Phải tìm tòi. Phải có kế hoạch. Riêng những vấn đề trong lãnh vực đạo đức, mục vụ, truyền giáo lại rất cần đến ơn Chúa để có thể giải quyết.
Trên con đường tìm tòi, nhất là trên con đường thực hiện giải quyết, sẽ không thiếu đủ thứ cản trở, từ ma quỷ, thế gian, xác thịt, đến chính nội bộ. Đó là một thực tế đau lòng. Chiến đấu với những cản trở là việc không dễ. Chiến đấu với những lực lượng phá hoại do Satan càng không dễ chút nào.
Tới đây, tôi nhớ lại một lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Hôm đó, trong buổi tiếp kiến riêng, tôi trình với ngài những suy nghĩ của tôi về những việc Toà Thánh nên làm cho các Hội thánh xa xôi, nghèo túng, bé nhỏ. Đức Gioan Phaolô II nghe một cách chăm chú. Ngài xúc động, thông cảm và trả lời một cách chân thành khiêm tốn: "Từ khi nhận chức Giáo Hoàng, tôi cũng có những ý nghĩ như Đức cha. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa thực hiện được". Tôi hiểu là Đức Thánh Cha muốn nói đến những trở ngại. Mặc dù ngài đã phấn đấu, nhưng những trở ngại vẫn còn và biết đâu lại tăng thêm.
Kinh nghiệm riêng tôi giúp tôi hiểu rõ ý ngài. Với những gì là kinh nghiệm của tôi cũng như lời của Đức Gioan Phaolô II, tôi tin là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI của chúng ta hiện nay cũng đã và đang phải chiến đấu rất nhiều. Những chiến đấu ấy không có tính cách đổ máu, nhưng là những chiến đấu nội tâm, tập trung trong đó nhiều đớn đau âm thầm. Từ ý muốn thánh thiện đến việc thực hiện ý muốn đó là cả một hành trình phức tạp. Cần hiểu sự thực đó, để tấm lòng hiệp thông của chúng ta đối với Đức Thánh Cha không những không bị suy giảm về những trở ngại, mà càng tăng thêm tâm tình đỡ nâng gắn bó.
4. Con người hành hương
Từ nhiều năm nay, mỗi chiều Chúa nhật, tôi thường mở truyền hình, tìm đài Ý, để tham dự giờ đọc kinh trưa của Đức Bênêđictô XVI với khách hành hương.
Đúng 12 giờ trưa của Ý, Đức Thánh Cha xuất hiện trước đám đông. Họ là những khách hành hương đến từ nhiều nước. Ngài chào thăm họ, đọc kinh chung với họ, và ban phép lành cho họ. Tôi có cảm tưởng ngài cũng là một người hành hương. Tất cả cha con đều gọi Mẹ Maria, và cùng với Mẹ hướng về Thiên Chúa. Cha con thương yêu nhau, nâng đỡ nhau, đi theo Mẹ Maria, cầu nguyện với Cha trên trời.
Tôi cảm thấy hạnh phúc, vì có ngài là người cha dẫn đầu cuộc hành hương. Tôi cảm thấy sung sướng, vì có Đức Mẹ Maria ở giữa đoàn con hành hương.
Có Đức Mẹ Maria và có Đức Thánh Cha trên đường hành hương trần thế này, đó là một ân huệ tuyệt vời, tôi sẽ muôn đời cảm tạ Chúa.
***
Trên đây là hình ảnh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong lòng tôi. Chắc chắn hình ảnh ngài còn nhiều nét đẹp khác. Tuy nhiên, mấy nét tinh thần tôi mạo muội diễn tả vẫn được tôi coi là do ơn Chúa. Từ những nét đó, tôi tiến sâu trong việc tin mến Đức Thánh Cha. Sự tin mến này mở đường cho nhiều sáng kiến cộng tác với ngài. Thiết tưởng đó là một sự hiệp thông mà Chúa muốn.
+Gm Gioan B. Bùi Tuần
bài liên quan mới nhất
- Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội
-
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi