Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 7
Đề tài 7. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ: Canh tân đời sống và con người linh mục
“Ai muốn làm người đứng đầu
thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người” (Mc 9,35)
Dẫn vào
Là cộng đoàn hiệp thông trong Lòng Thương Xót của Chúa, giáo xứ và các cộng đoàn nhỏ hội thánh kết hợp thường xuyên với Chúa Kitô như cành nho gắn liền với cây nho, cách cụ thể và hữu hình, nhờ hiệp thông với vị mục tử đứng đầu cộng đoàn hội thánh địa phương. Là kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, người linh mục cần đón nhận lòng thương xót thần linh trước hết cho bản thân mình, và qua thừa tác vụ, cho dân Chúa, và cho mọi người. Thật vậy, công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa trước tiên phải được tiến hành khởi đi từ hàng linh mục (x. Đại hội Dân Chúa 2010). Nếu như ngày nay nhiều Kitô hữu đi lạc hướng và sai lầm, thì đó là vì nhiều thừa tác viên của Chúa đã chối bỏ nhiệm vụ hướng dẫn luân lý cho đàn chiên của Đức Kitô, và vì họ im lặng hoặc tệ hơn họ rao giảng không xác tín và sai lầm nên các tín hữu bị lạc hướng, và trở nên càng mỏng dòn trước những tấn công của nền “văn hóa” thế tục hóa, lương tâm bị ô nhiễm và bất an hơn.
Để có thể trở thành môn đệ đích thực và mục tử như lòng Chúa mong ước, người linh mục phải là con người của cầu nguyện, lấy Thánh Thể làm nền tảng và trung tâm điểm của đời sống, có trái tim được nắn đúc nên giống Thánh Tâm Chúa Giêsu, sống độc thân khiết tịnh, vâng phục, là khí cụ và là Tiền hô của Lòng Thương Xót; là thừa tác viên của Bí tích Hòa giải; là người hướng dẫn luân lý cho cộng đoàn; phục vụ công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa...
1. Là con người của cầu nguyện
“Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Thời gian người thừa tác viên lánh riêng xa dân chúng (những kẻ vẫn mong đợi nghe lời Chúa và những dấu chỉ cụ thể của tình yêu Chúa) không phải là rời bỏ sứ vụ. Nhưng chính là để cho sứ vụ. Thời gian của thinh lặng và nghỉ ngơi, thời gian ở một mình với Chúa trong cầu nguyện, kết hợp người môn đệ với nguồn mạch của sứ vụ, với Đấng đã gọi mình làm tông đồ và sai mình đi. Lánh riêng ra một nơi, tạm xa các hoạt động của sứ vụ để nghỉ ngơi và cầu nguyện, thật ra nói lên điều này: sứ vụ không phải là của tôi, nhưng thực ra là của Chúa. Thời gian ở riêng với Chúa như thế, thời gian của cầu nguyện hằng ngày, hồi tâm hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm, không làm giảm bớt hiệu quả công việc của sứ vụ, trái lại rất cần yếu để hoàn thành sứ vụ cách đầy đủ, vâng phục theo Đấng đã gọi và sai đi.
2. Thánh Thể là nền tảng và tâm điểm của đời sống linh mục
Người linh mục, con người cầu nguyện, luôn trở nên ý thức hơn toàn thể cuộc sống linh mục của mình là để phục vụ cho Mầu nhiệm đức tin (Mysterium fidei), Mầu nhiệm Nhập thể Cứu chuộc, vốn được kinh nghiệm trực tiếp trong Bí tích Thánh Thể. Hiến tế Thánh Thể là biểu hiện trọn vẹn nhất đức ái mục tử của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ ân sủng bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong đức ái mục tử; tâm hồn của linh mục được ghi dấu mãi mãi bởi thực thi đức ái mục tử của Đức Kitô, nhằm lợi ích cho mọi người. “Đời sống thiêng liêng của linh mục được ghi khắc, khuôn đúc, đặc trưng bởi thái độ hành vi của chính Đức Kitô, là Đầu và Mục tử của Hội Thánh, vốn bao gồm trong đức ái mục tử”.[1] Chính bởi hy lễ Thánh Thể vì ơn cứu độ của thế giới mà Linh mục thực hiện cách trọn vẹn và hoàn hảo nhất tác vụ thượng tế của Đức Kitô, vốn là điều ngài được gọi và bởi đó mà ngài được thánh hiến. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tham chiếu đặc biệt đến sự biểu lộ cao cả nhất của chức tư tế, đã nhắc nhớ đến lời của vị Giám mục đang phong chức khi ngài đặt lễ vật dâng tiến cho Thánh lễ trong bàn tay của vị tân Linh mục, ngài nói: “Con hãy đón nhận những lễ vật của dân thánh làm hiến lễ Thánh Thể. Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành, làm cho đời con nên giống mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô”.[2]
Bởi thế, nguyên lý nội tâm, nhân đức làm sinh động và hướng dẫn đời sống thiêng liêng người linh mục, như kẻ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là đầu và mục tử, là đức ái mục tử. Thế nên, linh mục cần:
3. Có một trái tim giống Thánh Tâm Chúa Giêsu
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong truyền thống xuất phát từ sự tôn sùng Thánh Thể, và làm gia tăng lòng mến đối với Thánh Thể. Chúa Kitô đã yêu và yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), chết trên thập giá vì chúng ta, để cho trái tim Người bị đâm thâu, ban tặng chúng ta một dấu vô song của tình yêu Người cho Hội Thánh. Thánh Thể là tặng phẩm vĩ đại nhất Thánh Tâm Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta kinh nghiệm trực tiếp tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện nơi các linh mục nhất là khi các ngài dâng Thánh lễ.
4. Độc thân khiết tịnh: hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô
Tham dự vào thừa tác vụ linh mục của Đức Kitô Thượng Tế trong tình yêu mục tử được diễn tả cách rất thích đáng và thuyết phục qua hiến lễ của người linh mục dâng lên Thiên Chúa, vì tình yêu đối với Người và Dân của Người, dâng trọn vẹn con người và đời sống, tất cả tình cảm và những khuynh hướng tính dục của mình. Khi các linh mục thực sự vui sống đời hiến dâng như thế, các tín hữu không thể không nhận thấy trong tình yêu độc thân ấy một phản chiếu tình yêu trung thành và bền vững của Đức Kitô dành cho họ. Tình cảm tự nhiên lẽ ra vốn dành cho người bạn đời và con cái trong cuộc hôn nhân, người linh mục cùng với Chúa Kitô dâng cho Thiên Chúa Cha, hầu có thể được biến chuyển thành tình yêu mến dành cho tất cả dân Người. Không thể sống đời độc thân vì Nước Trời mà không có sự trợ giúp bởi ơn Chúa.
5. Vâng phục: thực thi ý muốn Đấng sai tôi đi
“Người nào vâng phục thì tùng phục Thiên Chúa, vâng theo thánh ý của Ngài được diễn tả qua ý của các bề trên mình. Người ấy đón nhận người đại diện Chúa nơi một con người thụ tạo”.[3] Hành vi tự do mà người tiến chức hứa vâng phục Giám mục và những đấng kế vị ngài phải được làm mới lại mỗi ngày trong cầu nguyện: “Nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”. Chúng ta dĩ nhiên vâng phục chính Chúa Kitô trên hết, rồi cũng vâng lời Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục giáo phận. Qua vâng phục, linh mục biểu lộ sự kính trọng và yêu mến Đức Kitô, từ đó cứu lấy và thăng tiến sự hiệp nhất trong Giáo hội giữa các thừa tác viên tông đồ.
Vâng phục như thế không phải là chối bỏ tự do của con người, đúng hơn, đó là thực thi sự tự do cách trọn vẹn nhất, vì nó giúp cho người linh mục suy nghĩ, nói năng, và hành động chỉ vì Thiên Chúa mà thôi; tự do phục vụ Chúa và tha nhân, và sau cùng, tự do đối với lòng tư dục của mình.
Đức Trinh nữ Maria là Mẹ của các linh mục. Là anh em của Đức Kitô theo một danh nghĩa trổi vượt nhất, các linh mục cũng được hưởng tình mẫu tử mà chính Đức Kitô đã vui hưởng, tình thương tuôn chảy từ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria Mẹ Người, được thụ thai không mang một vết tì tích nào của tội lỗi để hoàn toàn thuộc về Người suốt quãng đời trần thế.
Câu hỏi thảo luận
1. Tôi nên làm gì để giúp các linh mục sống đúng căn tính linh mục của mình?
2. Tôi có nghĩ rằng Phúc-Âm-hóa các linh mục phải đồng thời với Phúc-Âm-hóa các thành phần khác của Dân Chúa không? Tại sao?
3. Theo anh chị, Phúc-Âm-hóa bắt đầu từ hàng linh mục, nhưng cụ thể bắt đầu từ đâu?
––––––––––––––––––––––––––
[1] Thánh GH Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, s.21.
[2] De Orinatione Episcopi, Presbyterorum e Diaconorum, “De Ordinatione Presbyterorum”.
[3] Thánh GH Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, 7.12.1994.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Buổi tọa đàm về Cộng Đoàn Chemin Neuf
-
Nhạc sĩ Phanxicô: Bài "Cầu cho Cha Mẹ 2" chỉ có hai phiên khúc -
Khóa học: “Giáo Huấn Giáo Hội về Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình” -
Khóa học "Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức Tin -
Khóa học "Sơ cứu Tâm lý" -
Khóa học: “Thân Thể - Nhân Tố để kiến tạo Tình Yêu Trọn Vẹn” -
Chuyên đề: “Can Thiệp Khủng Hoảng” -
Khóa học: Những thăng trầm của Thánh Gia: bài học cho gia đình hôm nay -
Chuyên đề 393: Học Cách Sống Chung -
Chuyên đề: 392: Định hướng vào đời
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: thông báo đào tạo Giáo lý viên khóa mới (K13) 2020 - 2021
-
Nhạc sĩ Phanxicô: Bài "Cầu cho Cha Mẹ 2" chỉ có hai phiên khúc -
Thông báo: Đại Hội Giới Trẻ - TGPSG -
Hiệu đính sách "Lời nguyện tín hữu" -
Khóa học “Lối Về Bình Yên” -
Khóa học: Tâm Lý Hệ Thống Gia Đình -
Học viện Công Giáo Việt Nam: Nghi thức Khai giảng và Trao bằng Thạc sĩ, Cử nhân ngày 13.09.2023 -
Đào tạo Giáo Lý Viên khóa mới (K11) -
Khóa học: Chăm Sóc Các Gia đình Dễ Bị Tổn thương -
Giới thiệu sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam