Giáo lý viên, anh chị em là ai?
Cách đây khá lâu, trong lần gặp gỡ khoảng 4000 bạn lễ sinh và ca viên tại các giáo xứ của nước Ý, Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại những lời khích lệ người trẻ trên đường sống đạo và đã gọi họ là “những người phục vụ Chúa Kitô”, đồng thời cũng là “những cộng sự viên của linh mục”. Dịp này, ngỏ lời với giáo lý viên trong giáo phận nhà, liên tưởng tới việc Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ, rất tự nhiên tôi cũng muốn mượn lại những hình ảnh đẹp trên kia để chia sẻ với anh chị em.
1. Trong Giáo Hội xét như mầu nhiệm, giáo lý viên là người phục vụ Chúa Kitô
Để diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội, hiến chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II đã sử dụng những hình ảnh sống động gặp được trong ThánhKinh: “Dân Thiên Chúa Cha; Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần”. Ba cách diễn tả, nhưng chỉ một Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu hình ảnh Dân Thiên Chúa Cha thấm đẫm yếu tố lịch sử, còn hình ảnh Đền Thờ Chúa Thánh Thần giầu yếu tố thiêng liêng, thì hình ảnh Thân Mình Chúa Kitô lại gần gũi với tất cả mọi thành viên của Giáo Hội. Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là thân mình trong đó mỗi người là phần chi thể. Thánh Phaolô đã khéo dùng hình ảnh thân mình để minh họa cho sự liên kết sống động giữa mọi người trong Giáo Hội, kẻ việc này, người việc khác, kết liên hài hòa chung xây cho sự sống thăng tiến. Mầu nhiệm Giáo Hội là thế.
Cũng với hình ảnh này, nhưng ở quy mô nhỏ của Giáo Hội địa phương cấp giáo xứ, vốn được cấu trúc và phân công nhằm thăng tiến đời sống chung, mọi người tìm được vị thế xứng hợp cho mình. Chính ở đây và trong quy mô này, giáo lý viên được nhìn như người phục vụ Chúa Kitô: trong tinh thần là phục vụ Chúa Kitô Thủ lĩnh của Giáo Hội và trong công việc là phục vụ Chúa Kitô nơi đối tượng mình giảng dạy để sự sống Thiên Chúa được lớn lên trong họ.
Dạy giáo lý cho ai là phục vụ Chúa Kitô trong kẻ ấy. Dạy giáo lý tân tòng là đem Chúa Kitô đến cho người khác; dạy giáo lý khai tâm là giúp cho Chúa Kitô lớn lên trong anh chị em mình; và dạy giáo lý hôn nhân cũng là để Chúa Kitô được triển nở sang thế hệ tiếp theo… Đây là điều then chốt trong linh đạo dành cho giáo lý viên. Không ai có thể cho đi điều mình không có. Vậy anh chị em hãy có Chúa Kitô sống động trong cuộc đời mình để có thể phục vụ Chúa Kitô cách hoàn hảo hơn nơi những người được trao cho mình trong công tác huấn giáo.
2. Trong Giáo Hội xét như hiệp thông, giáo lý viên là cộng tác viên của mục tử trong nhiệm vụ huấn giáo
Đã là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về và hướng về Chúa Kitô, thì theo bản chất đến từ bí tích Rửa Tội, ai cũng được mời gọi tham gia thi hành các nhiệm vụ trong Giáo Hội tùy theo bậc sống mình, sao cho nhịp sống chung được trải ra trong trật tự hài hòa. Có những nhiệm vụ chuyên biệt dành riêng cho một bậc sống, nhưng cũng có những nhiệm vụ tổng quát mở ra cho hết mọi người. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyên biệt luôn cần đến sự cộng tác của nhiệm vụ tổng quát và ngược lại, nhiệm vụ tổng quát cũng cần được nhiệm vụ chuyên biệt sáng soi. Trong mỗi giáo xứ, nhiệm vụ giáo huấn thuộc về trách nhiệm mục tử, nhưng công trình lớn lao và bao quát ấy, một mình mục tử, dù tài năng đến mấy cũng không thể chu toàn được. Lực bất tòng tâm. Dù có ba đầu sáu tay, một mình không thể dựng xây công trình. Chính vì thế, cần đến sự cộng tác của nhiều người, không chỉ vì “đông tay thì vỗ nên kêu” mà còn vì đây là công trình chung của Giáo Hội.
Nếu nhiệm vụ giáo huấn nặng nề mà mỗi mục tử phải kê vai gánh vác kiểu “một mình mình biết, một mình mình hay”, thì cũng ở đó, đã mỡ ra cửa ngõ liên thông sang nhiệm vụ huấn giáo mà mục tử có thể chờ đợi sự cộng tác tích cực của các giáo lý viên. Như thế, khi tham gia giảng dạy các lớp giáo lý theo chuyên đề hay theo lứa tuổi tại các giáo xứ, giáo lý viên xứng đáng được nhìn nhận như là thừa tác viên huấn giáo và là cộng tác viên vào nhiệm vụ giáo huấn của mục tử tại địa phương. Đây chính là nét đẹp thể hiện sự hiệp thông Giáo Hội cách sống động. Xin cùng với các mục tử tại các giáo xứ gửi đến toàn thể anh chị em giáo lý viên trong Giáo Phận lời cám ơn và lời khích lệ chân tình, vì sự cộng tác và sự hy sinh đóng góp của anh chị em trong trong suốt thời gian qua, cho công cuộc huấn giáo được triển nở và sự hiệp thông trong Giáo Hội được biểu lộ cụ thể đó đây.
3. Trong Giáo Hội xét như sứ vụ, giáo lý viên là nhà truyền giáo
Theo lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, ngày xưa các thừa sai đến đâu thì việc đầu tiên các ngài làm là giảng dạy giáo lý và kêu gọi sám hối rồi cử hành nghi thức rửa tội, khiến từ đó việc truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy giáo lý, để hôm nay ta có quyền nói: giảng dạy giáo lý một cách nào đó cũng là hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo và hoạt động huấn giáo có thể được hình dung như hai bước chân trước sau của cùng một nhịp đi. Có người phân biệt cách chí lý rằng: truyền giáo là nhằm rửa tội những người biết sám hối; còn huấn giáo là nhằm sám hối những người đã rửa tội rồi. Có người khác lại chia sẻ cách đơn giản hơn: truyền giáo ban đầu là dùng giáo lý đem Chúa đến cho người ta; còn tái truyền giáo là dùng giáo lý đem người ta trở về với Chúa. Cả hai cách phát biểu đều hay và đẹp, nhưng điều muốn ghi nhận ở đây là mối tương quan không thể tách rời giữa truyền giáo và huấn giáo.
Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội. Không phải vì có Giáo Hội nên mới có sứ vụ truyền giáo, mà ngược lại, vì đã có sứ vụ truyền giáo nên mới có Giáo Hội để tổ chức thi hành. Vì Giáo Hội là truyền giáo, mà truyền giáo và huấn giáo bước song hành, nên tham gia công tác huấn giáo, giảng dạy giáo lý cũng là cộng tác vào công cuộc truyền giáo tại giáo xứ, cho có thêm người biết Chúa, biết tin nhận Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa hơn.
Vâng, trong Giáo Hội sứ vụ, anh chị em giáo lý viên là những nhà truyền giáo đấy. Vậy anh chị em hãy luôn ghi nhớ khía cạnh sứ vụ này của Giáo Hội, để công tác huấn giáo của anh chị em được chu đáo và nâng cao, không chỉ bằng giáo án khúc chiết mà còn bằng chứng tá đức tin hằng ngày nữa. Giáo lý không chỉ được giảng dạy bằng lời nhưng còn bằng chính đời sống gương mẫu của giáo lý viên.
Anh chị em thân mến,
Trên trang mạng về linh đạo dành cho giáo lý viên, người ta đọc thấy lời cật vấn: tại sao vị trí của giáo lý viên trong giáo xứ lại quá nhạt nhòa? Câu hỏi đó lập tức nhận được hồi đáp là một tâm tình nhẹ nhàng mà thấm thía, đưa giáo lý viên từ băn khoăn về vị thế sang băn khoăn lớn hơn về ơn gọi, đồng thời họa lại thái độ ứng trực của các tiên tri thuở xưa, để động viên nhau trên đường phục vụ: “Con đây, vì Chúa đã gọi con”. Mong rằng đó cũng là tâm tình của mỗi giáo lý viên chúng ta trước ơn gọi đặc biệt này, một tâm tình sẵn sàng, cho dẫu bản thân mặt này mặt khác còn nhiều giới hạn hoặc điều kiện đời sống lúc này lúc khác vẫn thiếu đủ điều.
Xin Chúa chúc lành và ban thêm chí bền cho anh chị em trong công tác cao quý này.
(Lời Chủ Chăn, Liên Lạc GP Phan Thiết, số 7/2011)
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông