Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 42: Đức Maria Nữ Vương
WHĐ (09.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 22.08.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 42: Đức Maria Nữ Vương. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 22 tháng 08 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, trong Phụng vụ, nhằm ngày lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, được cầu khẩn với danh hiệu là “Nữ Vương”. Đây là một ngày lễ mới được thiết lập gần đây, mặc dù nguồn gốc và lòng sùng kính danh hiệu này đã có từ rất xa xưa: trên thực tế, ngày lễ này được thiết lập bởi đấng Đáng kính, Đức Piô XII vào năm 1954, vào cuối Năm Thánh Mẫu, ấn định ngày là 31 tháng 5 (x. Ad Caeli Reginam, ngày 11.10.1954: trong AAS 46 [1954], 625-640). Trong thời điểm đó, Đức Giáo hoàng đã nói rằng, Mẹ Maria là Nữ Vương cao cả, vượt hơn bất cứ thụ tạo khác, vì sự cao trọng của linh hồn Mẹ, và vì sự tuyệt hảo của các ân huệ siêu việt mà Mẹ đã lãnh nhận được. Mẹ đã không ngừng đem ban phát thật rộng rãi tất cả kho tàng tình yêu và sự ưu ái của Mẹ dành cho nhân loại (x. Bài Diễn văn tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương, ngày 1.11.1954). Ngày nay, trong cuộc canh tân lịch Phụng vụ sau Công đồng chung Vaticanô II, lễ này được cử hành vào tám ngày sau ngày lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, để nhấn mạnh mối liên kết thật mật thiết giữa vương quyền của Đức Maria và việc tôn vinh Mẹ cả hồn lẫn xác bên cạnh Con Chí Ái của Mẹ. Trong Hiến chế về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II, chúng ta đọc như sau: “Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để hoàn toàn nên giống Con của Mẹ, là Chúa các chúa (x. Kh 19,16), cũng là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Hiến chế Lumen Gentium, số 59).
Đó là nguồn gốc của ngày lễ kỷ niệm hôm nay: Đức Maria là Nữ Vương vì Mẹ được liên kết độc đáo với Con Chí Ái của Mẹ, cả trên hành trình trần thế lẫn trong vinh quang Nước Trời. Vị thánh vĩ đại của Syria, thánh Éphrem phó tế, khi nói về vương quyền của Đức Maria, đã quả quyết rằng đó là điều phát xuất từ việc Mẹ sinh hạ Đức Kitô: Mẹ là Mẹ của Đấng Kitô, Vua các vua (x. Is 9,1-6), và Mẹ đã tỏ cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là sự sống, là ơn cứu rỗi và là niềm hy vọng của chúng ta. Vị tôi tớ Chúa, thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhắc lại trong Tông huấn Marialis Cultus rằng: “Nơi Đức Trinh Nữ Maria, tất cả đều liên quan tới Đức Kitô, và tất cả đều tùy thuộc nơi Đức Kitô: hướng về Đức Kitô, Thiên Chúa Cha, từ thuở đời đời, đã chọn Mẹ là Mẹ chí thánh và đã tô điểm nơi Mẹ bằng các ân huệ của Thánh Thần, những ơn huệ mà Người đã không ban cho một ai khác” (Tông huấn Marialis Cultus, số 25).
Nhưng giờ đây chúng ta tự hỏi: Đức Maria là Nữ Vương, điều này có ý nghĩa gì? Đó chỉ là một tước hiệu gắn liền với các tước hiệu khác, một triều thiên, một vật trang hoàng với các vật khác? Điều này có ý nghĩa gì? Vương quyền này có nghĩa gì? Như đã chỉ cho thấy, đó là hiệu quả của việc Mẹ kết hiệp với Con của Mẹ, của việc Mẹ ở trên Trời, nghĩa là trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha; Mẹ tham gia vào trách nhiệm của Thiên Chúa đối với thế giới và vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Có một quan niệm thông thường, theo kiểu thế tục về một vị vua hoặc một hoàng hậu: đó sẽ là một người đầy quyền lực, với sự giàu sang phú quý. Nhưng đây không phải là loại vương quyền của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúng ta nghĩ tới Đấng Kitô: vương quyền và việc làm Vua nơi Đức Kitô là tóm kết của sự khiêm nhường, phục vụ, tình yêu thương: trên hết là phục vụ, trợ giúp và yêu thương. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Đức Giêsu được tuyên bố là Vua trên thập giá với tấm bảng do quan Philatô đã viết: “Vua người Do Thái” (Mc 15,26). Trong khi đó, trên thập giá điều này chứng tỏ rằng Người là Vua; và Người làm Vua cách nào đây? Thưa, Người đang chịu đau khổ với chúng ta, vì chúng ta, khi Người yêu cho đến cùng, và như thế, Người cai trị và tạo nên chân lý, tình yêu, sự công chính. Hoặc chúng ta cũng hãy nghĩ đến một khoảnh khắc khác nữa: trong Bữa Tiệc Ly, Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Người. Vì thế, vương quyền của Đức Giêsu không giống như vương quyền của các thế lực trên trần gian này. Đức Giêsu là một vị Vua để phục vụ các tôi tớ của Người: và Người đã tỏ ra như thế trong suốt cuộc đời trần thế của mình. Và điều tương tự cũng xảy ra với Đức Maria: Mẹ là Nữ Vương trong sự phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, Mẹ là Nữ Vương của tình yêu, Mẹ tự hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha để bước vào kế hoạch cứu độ trần gian. Mẹ đã thưa với sứ thần rằng: Này tôi là nữ tỳ của Chúa (x. Lc 1,38), và trong kinh Magnificat, Mẹ đã hát lên rằng: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48). Mẹ hằng cứu giúp chúng ta. Mẹ là Nữ Vương chính vì yêu thương chúng ta, trợ giúp chúng ta trong mọi nhu cầu cần thiết; Mẹ là người chị của chúng ta, Mẹ chính là nữ tỳ hèn mọn.
Bằng cách này, chúng ta đã đạt đến điểm cơ bản: Đức Maria thực thi vương quyền phục vụ và yêu thương này như thế nào? Khi chúng ta xét lại nơi chúng ta, những đứa con của Mẹ: các con cái hướng về Mẹ trong lời kinh, để ca tụng Mẹ hoặc để cầu xin sự che chở hiền mẫu của Mẹ, và từ trên thiên đàng, Mẹ hằng cứu giúp chúng ta, sau khi chúng ta bị lạc đường lạc lối, khi bị áp bức bởi khổ đau, hoặc khi lo lắng về những biến chuyển buồn thảm và khốn khó trong cuộc sống. Trong khi an vui hay trong lúc đen tối của cuộc đời chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, và với lòng tín thác qua lời bầu cử liên lỉ của Mẹ, để từ Con Mẹ chúng ta có được mọi ơn thánh và lòng xót thương cần thiết cho cuộc hành hương trên các nẻo đường của thế gian này. Qua Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta tin cậy hướng về Đấng cai quản thế giới và nắm trong tay các vận mệnh của vũ trụ. Từ bao thế kỷ, Mẹ được kêu cầu là Nữ Vương Trên Trời; 8 lần sau khi đọc Kinh Mân Côi, Mẹ được kêu cầu trong Kinh Cầu Đức Bà, Mẹ là Nữ Vương các thánh Thiên thần, Nữ Vương các thánh Tổ tông, Nữ Vương các thánh Tiên Tri, Nữ Vương các thánh Tông đồ, Nữ Vương các thánh Tử vì đạo, Nữ Vương các thánh Hiển tu, Nữ Vương các thánh Đồng trinh, Nữ Vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ, và sau cùng, Mẹ là Nữ Vương các Gia Đình. Nhịp điệu của các lời khẩn cầu cổ xưa và các lời cầu thường ngày như là kinh Lạy Nữ Vương, giúp chúng ta hiểu rằng Đức Nữ Vương Chí Thánh, là Mẹ chúng ta bên cạnh Chúa Giêsu Con Mẹ, trong vinh quang trên Trời, Mẹ luôn luôn ở cùng chúng ta trong cuộc sống thường ngày.
Vì thế, tước hiệu Nữ Vương là một tước hiệu của sự tín thác, của niềm hân hoan, của tình yêu thương. Và chúng ta biết rằng Đấng nắm giữ trong tay một phần vận mạng của thế giới, là Đấng nhân lành, yêu thương chúng ta và trợ giúp chúng ta trong các cơn khốn khó của chúng ta.
Các bạn thân mến, lòng sùng kính Đức Mẹ là một yếu tố quan trọng của đời sống thiêng liêng. Trong lời cầu chúng ta đừng quên tin tưởng hướng về Mẹ. Mẹ Maria sẽ không quên bầu cử cho chúng ta bên Con Mẹ. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, hãy bắt chước đức tin của Mẹ, sự sẵn sàng trọn vẹn của Mẹ trước kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, việc Mẹ quảng đại đón nhận Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học sống như Mẹ Maria. Mẹ là Nữ Vương trên trời bên Tòa Thiên Chúa, nhưng cũng là Mẹ gần gũi với từng người trong chúng ta, Mẹ yêu thương và lắng nghe lời chúng ta cầu nguyện. Xin cám ơn sự chú ý của anh chị em.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông