Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 13: Lạy Chúa con thờ, ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Thánh Vịnh 22
ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 14 tháng 9 năm 2011
Anh chị em thân mến,
Trong chương này, tôi muốn nói về một Thánh vịnh có một liên hệ mật thiết với Kitô học. Thánh vịnh này luôn xuất hiện trong những trình thuật về Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, với cả hai bình diện chịu sỉ nhục và vinh quang, sự chết và sự sống. Đó là Thánh vịnh 22, một lời cầu nguyện chân thành và cảm động, có sự phong phú về thần học và chiều sâu về nhân bản, khiến nó trở thành một trong những Thánh vịnh được ưa thích và được học hỏi nhiều nhất trong số các Thánh vịnh. Đó là một bài thơ dài, và chúng ta sẽ đặc biệt suy tư về phần thứ nhất, phần đặt trọng tâm vào lời than van, để hiểu một số khía cạnh quan trọng của kinh nguyện khẩn cầu cùng Thiên Chúa.
Thánh vịnh này trình bày hình ảnh của một người vô tội bị lùng bắt và bao vây bởi những kẻ thù muốn ông phải chết, và ông cầu cùng Thiên Chúa bằng một lời than thở đớn đau, trong niềm xác tín của đức tin, mở ra một cách huyền nhiệm để chúc tụng. Trong lời cầu nguyện của ông, thực tại kinh hoàng của hiện tại và đầy an ủi trong quá khứ thay phiên nhau trong một ý thức đau đớn về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng không muốn làm cho mình đánh mất hy vọng. Lời kêu than lúc đầu của ông là một lời khẩn cầu với một Thiên Chúa dường như xa cách, không đáp lời ông và có vẻ đã bỏ rơi ông: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 22, 2-3).
Thiên Chúa vẫn thinh lặng, và sự thinh lặng này làm tan nát tâm hồn của người cầu nguyện, người không ngừng kêu van, nhưng không tìm được câu trả lời. Ngày và đêm đến và đi, trong một cuộc tìm kiếm một lời mà không biết mỏi mệt, một sự trợ giúp mà không tìm thấy, Thiên Chúa dường như đang ở quá xa, quá lãng quên và quá vắng mặt. Lời cầu xin Chúa lắng nghe và đáp lời, tìm một sự tiếp xúc, kiếm một mối liên hệ có thể đem lại an ủi và ơn cứu độ. Nhưng nếu Thiên Chúa không đáp lại, thì lời kêu cứu bị tan biến trong hư vô, và sự cô đơn trở thành không thể chịu đựng được nữa.
Tuy nhiên, con người cầu nguyện trong Thánh vịnh này, đã ba lần kêu cầu, gọi Người là Thiên Chúa “của con”, trong một hành vi chứng tỏ lòng tín thác và đức tin phi thường. Bất chấp mọi vẻ bề ngoài, Vịnh gia không thể tin rằng mối liên hệ với Chúa đã hoàn toàn bị cắt đứt, và khi thắc mắc về việc bị coi là ruồng bỏ mà ông không thể hiểu nổi, ông khẳng định rằng Thiên Chúa “của ông” không thể bỏ rơi ông.
Như nhiều người đã biết, lời kêu van ban đầu của Thánh vịnh: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?”, được trình thuật lại trong các sách Tin Mừng Mátthêu và Máccô là tiếng kêu mà Đức Giêsu đã thốt ra khi đang hấp hối trên Thập giá (x. Mt 27, 46; Mc 15, 34). Nó diễn tả tình trạng cô độc của Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, Đấng đang đối diện với thảm trạng của cái chết, một thực tại hoàn toàn trái ngược với Chúa hằng sống. Bị hầu hết những người thân yêu bỏ rơi, bị các môn đệ phản bội và chối từ, bị những kẻ nhục mạ đang bủa vây, Đức Giêsu đang bị đè bẹp do sức nặng của một sứ vụ phải trải qua sự sỉ nhục và bị hủy diệt (annihilation). Vì lý do đó mà Người than khóc kêu lên cùng Chúa Cha, và nỗi thống khổ của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của Thánh vịnh. Nhưng tiếng kêu của Người không phải là một tiếng kêu tuyệt vọng, cũng không như tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh, là người kêu cầu trong lúc đoạn trường, nhưng cuối cùng dẫn đến một viễn tượng của lời ngợi khen, bước vào trong sự tín thác nơi cuộc chiến thắng thần linh. Vì theo phong tục Do Thái, việc trích dẫn lời mở đầu của một Thánh vịnh là có ngụ ý đề cập đến toàn thể thi ca, như lời cầu nguyện hấp hối của Đức Giêsu, trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng đau khổ không thốt nên lời của Người, mở ra sự chắc chắn của vinh quang. “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Chính Đức Kitô Phục Sinh đã nói với hai môn đệ trên đường Emmaus như thế (Lc 24, 26). Trong cuộc khổ nạn của mình, nhờ vâng phục Chúa Cha, Đức Giêsu đã vượt qua tình trạng bị bỏ rơi và cái chết để đạt tới sự sống và ban sự sống đó cho tất cả mọi tín hữu.
Trong sự trái ngược đau thương, lời kêu cầu đầu tiên này trong Thánh vịnh 22 lại được nối tiếp bằng việc hồi tưởng lại quá khứ: “Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì, van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài” (Tv 22, 5-6).
Thiên Chúa giờ đây có vẻ rất xa cách đối với Vịnh gia, nhưng vẫn là một Đức Chúa đầy lòng xót thương, điều mà dân Israel đã từng kinh nghiệm được trong lịch sử của mình. Một dân mà con người cầu nguyện thuộc về, đã là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa và có thể làm chứng cho sự tín trung của Chúa. Khởi đi từ các tổ phụ, rồi sau đó tại Ai Cập và cuộc hành trình dài nơi sa mạc, cuộc định cư nơi đất hứa khi tiếp xúc với những dân hung hãn và thù nghịch, cho tới những đêm đen thời lưu đày, toàn bộ lịch sử trong Kinh Thánh là một lịch sử kêu xin giúp đỡ của dân chúng và sự đáp ứng cứu độ của Thiên Chúa.
Tác giả Thánh vịnh nói về đức tin bất di dịch của cha ông mình, những người “đã tín thác” – từ này được lặp đi lặp lại ba lần – và không bao giờ phải thất vọng. Tuy nhiên, giờ đây có vẻ chuỗi kinh nguyện này cùng những đáp trả của Thiên Chúa bị gián đoạn, và tình trạng của Vịnh gia dường như trái ngược với toàn bộ lịch sử cứu độ, làm cho thực tại hiện nay thậm chí còn đau đớn hơn nhiều.
Nhưng Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính mình, và chúng ta thấy sau đó lời cầu nguyện lại một lần nữa mô tả hoàn cảnh khó khăn của người cầu nguyện, để làm cho Chúa động lòng thương mà can thiệp như Người đã làm trong quá khứ. Tác giả Thánh vịnh coi mình như: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi” (Tv 22, 7), bị nhạo báng, chê cười mỉa mai (x. Tv 22, 8) và khi đang bị thương tích chính vì đức tin của mình, chúng nói rằng: “Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” (Tv 22, 9). Bị nhạo cười châm biếm và khinh bỉ, người bị đàn áp có vẻ mất hết căn tính con người, như người tôi tớ đau khổ được mô tả trong sách ngôn sứ Isaia (Is 52, 14; 53, 2b-3). Cũng giống như người công chính bị áp bức của sách Khôn Ngoan (x. Kn 2,12-20), như Đức Giêsu trên đồi Canvê (x. Mt 27, 39-43), tác giả Thánh vịnh có vẻ đặt lại vấn đề về mối liên hệ của mình với Chúa, về những nhạo báng tàn bạo và nhấn mạnh đến những gì làm cho ông đang phải chịu đựng: sự thinh lặng của Thiên Chúa rõ ràng dường như Người vắng mặt. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của người cầu nguyện bằng một sự gần gũi và ân cần không thể chối cãi được. Vịnh gia đã nhắc nhở Chúa: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22,10-11a).
Đức Chúa là Thiên Chúa hằng sống, Đấng sinh ra, chào đón em bé đi vào trần gian và chăm sóc em với tình cha âu yếm. Và nếu trước đó ông đã nhớ lại của lòng trung thành của Thiên Chúa trong lịch sử dân Người, thì giờ đây con người cầu nguyện nhắc lại lịch sử cá nhân của ông và mối tương quan với Chúa, trở lại thời điểm đặc biệt quan trọng lúc đầu trong cuộc đời mình. Và ở đó, bất chấp tình trạng lẻ loi hiện tại, Vịnh gia vẫn nhận ra một sự gần gũi và một tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa mà ông giờ đây có thể thốt lên, trong một lời tuyên xưng đức tin đầy đủ và tạo ra hy vọng: “Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 11).
Lời than van giờ đây đã trở thành một lời khẩn cầu: “Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho” (Tv 22, 12). Sự gần gũi duy nhất mà Vịnh gia cảm nhận được, và nó làm cho ông sợ hãi, chính là sự cận kề với kẻ thù. Vì thế cần phải có Thiên Chúa đến gần và giải cứu, vì quân thù đang bủa vây con người cầu nguyện, chúng bao quanh ông như những con bò đực hung hăng, như những con sư tử gầm thét và đang dương nanh vuốt ra để cắn xé (x. Tv 22, 13-14). Nỗi âu lo ảnh hưởng đến nhận thức về mối nguy hiểm và phóng đại nó. Các đối thủ dường như bách thắng, đã trở thành những con thú hung tợn và nguy hiểm, trong khi Vịnh gia ví mình như thân sâu bọ, bất lực, không có khả năng tự vệ.
Tuy nhiên, những hình ảnh này cũng được sử dụng trong Thánh vịnh để nói lên rằng, khi con người trở nên tàn nhẫn tấn công anh em mình, thì có một cái gì đó giống như con thú đang làm chủ người ấy, khiến cho người ấy hầu như mất hết những gì có vẻ giống con người; bạo lực luôn luôn có với nó một thú tính nào đó và chỉ có sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa mới có thể phục hồi được nhân tính của người ấy. Giờ đây, đối với tác giả Thánh vịnh, khi bị tấn công dữ dội như thế, ông có vẻ không còn lối thoát, và thần chết bắt đầu làm chủ ông: “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan. Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào; Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 22,15-16.19). Với hình ảnh bi thảm, mà chúng ta thấy trong trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, mô tả sự tan rã của thân thể của người bị kết án, cơn khát không thể chịu đựng nổi hành hạ người đang hấp hối và điều này được lặp lại trong tiếng kêu của Đức Giêsu: “Ta khát” (Ga 19, 28), cuối cùng đạt đến cao điểm bằng hành động của những tên lý hình, như những quân lính dưới chân Thập giá, phân chia áo xống của nạn nhân, một người được chúng coi là đã chết (x. Mt 27, 35; Mc 15, 24; Lc 23, 34; Ga 19, 23-24).
Như thế ở đây, chúng ta nghe thấy tiếng kêu cầu giúp đỡ: “Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa. Khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (Tv 22, 20.22a).
Đó là một tiếng kêu thấu trời, bởi vì tiếng kêu này công bố một đức tin, một xác tín vượt trên mọi nghi ngờ, mọi tăm tối và hoang tàn của tất cả. Lời than thở bỏ đi nhường chỗ cho lời ca ngợi trong việc đón nhận ơn cứu độ: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa / cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Tv 22, 22c-23). Như vậy, Thánh vịnh thốt lên những lời tạ ơn, thành bài thánh thi cuối cùng tuyệt vời, trong đó bao gồm tất cả mọi người, các tín hữu của Chúa, cộng đoàn phụng vụ, các thế hệ tương lai (x. Tv 22, 24-32). Chúa đến để cứu giúp ông. Người đã cứu kẻ nghèo và dung nhan Người cho chúng ta thấy lòng thương xót của Người. Cái chết và sự sống đã gặp nhau trong một mầu nhiệm không thể phân ly, và sự sống đã chiến thắng. Thiên Chúa của ơn cứu độ đã tự mặc khải chính mình, đó là vị Thiên Chúa mà không ai có thể chối cãi được. Người là Đấng mà mọi người cho đến tận cùng trái đất đều phải đón mừng, và trước mặt Người, tất cả các gia đình của các dân tộc sẽ phải phủ phục tôn thờ. Đó là chiến thắng của đức tin, là điều có thể biến sự chết thành hồng ân sự sống, và biến vực thẳm đau thương thành suối nguồn hy vọng.
Thưa anh chị em, Thánh vịnh này đã dẫn đưa chúng ta đến đồi Golgotha, tới tận chân Thập giá của Đức Giêsu, để sống cuộc vượt qua của Người và để chia sẻ hoa trái của niềm vui phục sinh. Vì thế, chúng ta hãy để cho ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua quang tỏa trọn vẹn nơi chúng ta, cho dù những lúc xem ra như thể Thiên Chúa vắng mặt, cả trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, và như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta hãy biết phân định thực tại đích thật chính là một thực tại vượt trên mọi vẻ bề ngoài, bằng cách nhận ra con đường tiến lên chính trong tủi nhục và việc biểu lộ trọn vẹn của sự sống trong cái chết, nơi Thập giá. Vì thế, đặt tất cả niềm tín thác và hy vọng của mình nơi Chúa Cha, và trong mọi hoàn cảnh khốn cùng, chúng ta vẫn có thể khẩn cầu Thiên Chúa trong đức tin, và lời kêu cầu ơn trợ giúp của chúng ta sẽ được biến đổi thành một bài thánh thi ngợi khen.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông