Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 12: Lạy Chúa, xin trỗi dậy, cứu lấy con, Thánh Vịnh 3

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 12: Lạy Chúa, xin trỗi dậy, cứu lấy con, Thánh Vịnh 3

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 12: Lạy Chúa, xin trỗi dậy, cứu lấy con, Thánh Vịnh 3

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 07 tháng 9 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bắt đầu suy niệm về một số Thánh vịnh, những Thánh vịnh tạo thành một “sách cầu nguyện” tuyệt vời. Thánh vịnh đầu tiên mà tôi muốn chúng ta suy niệm là một Thánh vịnh than vãn và khẩn cầu đầy tín thác sâu xa, trong đó niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa tạo thành nền tảng của một kinh nguyện phát xuất từ một hoàn cảnh hết sức khó khăn mà con người cầu nguyện phải gánh chịu.

Đó là Thánh vịnh 3, được truyền thống Do Thái gán cho vua Đavít khi vua chạy trốn con vua là Absalom (x. Tv 3,1): đây là một trong những cảnh bi thảm nhất và đau thương nhất trong cuộc đời của nhà vua, khi người con của vua lật đổ ngai vàng và buộc vua phải rời xa Giêrusalem để bảo toàn mạng (x. 2Sm 15tt).

Tình trạng nguy hiểm và đau thương mà vua Đavít đã trải qua, tạo thành nền tảng của kinh nguyện này và giúp chúng ta hiểu nó, được trình bày như hoàn cảnh điển hình mà trong đó người ta có thể đọc một Thánh vịnh như thế. Mọi người có thể nhận ra trong lời kêu van của Vịnh gia với những cảm giác đau đớn, đắng cay, cùng với lòng tín thác vào Thiên Chúa, mà  theo trình thuật Kinh Thánh, đã đồng hành với vua Đavít trong cuộc trốn chạy khỏi thành của mình. Thánh vịnh mở đầu bằng một lời kêu cầu cùng Chúa rằng:

“Lạy Chúa, thù địch con đông vô kể, người nổi dậy chống con thật quá nhiều! Quá nhiều kẻ đang nói về con: Chúa Trời đâu cứu hắn!” (Tv 3, 2-3).

Điều này diễn tả con người cầu nguyện trong một tình trạng đang bị bế tắc, được đánh dấu bằng những âm điệu rất xúc động. Ba lần ông lặp lại ý niệm về đám đông – “nhiều”– ba từ mà trong nguyên bản được diễn tả bằng cùng một từ gốc Do Thái, để nhấn mạnh hơn nữa mức độ khốc liệt của tình trạng hiểm nghèo, được lặp đi lặp lại nhiều lần, gần như không ngừng. Việc nhấn mạnh vào số lượng và sự đông đảo này của đối phương được dùng để diễn tả nhận thức của Vịnh gia về sự chênh lệch tuyệt đối giữa ông và những kẻ vây bọc quanh ông, một sự thiếu cân đối, đó là lý do để biện minh và là nền tảng cho tính khẩn cấp của lời cầu xin giúp đỡ của ông: quân áp bức quá nhiều; chúng đã làm chủ tình hình, trong khi người cầu nguyện chỉ có một mình và bất lực trước sự lộng hành của những kẻ tấn công ông.

Tuy vậy, từ đầu tiên mà Vịnh gia đã kêu lên, đó là từ “Chúa”, tiếng kêu của ông bắt đầu với lời khẩn cầu Thiên Chúa. Một đám đông tụ lại và nổi lên chống ông, tạo ra một nỗi sợ hãi làm gia tăng sự đe dọa, làm cho nó có vẻ lớn hơn và đáng sợ hơn, nhưng con người cầu nguyện đã không để cho mình bị đầu hàng việc nhìn thấy cái chết trước mắt này. Ông vẫn giữ chặt mối liên hệ với Thiên Chúa hằng sống và việc đầu tiên ông làm là tìm sự trợ giúp từ chính Chúa.

Tuy nhiên, kẻ thù của ông cũng cố gắng bẻ gãy mối liên hệ này với Thiên Chúa và hủy diệt đức tin của nạn nhân. Chúng nói rằng Thiên Chúa không thể can thiệp, rằng ngay cả Thiên Chúa cũng không thể cứu ông. Vì thế, sự tấn công không những chỉ về thể lý, mà còn ảnh hưởng đến chiều kích tâm linh: Chúng nói rằng “Chúa Trời đâu cứu hắn!” chúng tấn công tận cốt lõi nơi tâm hồn Vịnh gia.

Đây là cơn cám dỗ rất lớn mà các tín hữu phải hứng chịu, đó là cơn cám dỗ mất đức tin, đánh mất sự tín thác vào một Thiên Chúa đang ở kề bên. Người công chính vượt qua được thử thách cuối cùng; ông vẫn đứng vững trong đức tin, xác tín về chân lý và lòng tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chính vì thế mà ông tìm thấy sự thật và sự sống. Theo tôi thì ở đây Thánh vịnh đã đụng chạm đến chúng ta một cách rất cá nhân: giữa nhiều vấn đề, chúng ta đang bị cám dỗ để nghĩ rằng có lẽ ngay cả Thiên Chúa cũng không cứu được tôi, không biết tôi, có lẽ Người không thể làm được. Cơn cám dỗ chống lại đức tin là cuộc tấn công cuối cùng của kẻ thù, và chính vì thế mà chúng ta phải chống lại để nhờ đó tìm thấy Thiên Chúa và sự sống.

Cho nên con người cầu nguyện bằng Thánh vịnh được mời gọi để đáp trả bằng đức tin chống lại những cuộc tấn công của kẻ gian ác, như tôi đã nói, là kẻ thù từ chối nhìn nhận rằng Thiên Chúa có thể giúp ông, nhưng thay vào đó, ông kêu cầu Người, ông cầu khẩn danh Người, “Lạy Chúa”, rồi ông thưa với Chúa bằng một lời nhấn mạnh: “Chính Ngài”, bày tỏ một mối tương quan vững chắc, mạnh mẽ và trong lòng ông tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời: “Nhưng lạy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con, là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất. Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng Chúa, Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người. (Tv 3, 4-5).

Việc nhìn thấy quân thù giờ đây biến mất. Chúng đã không thắng được ông vì ai tin vào Thiên Chúa thì chắc chắn rằng Thiên Chúa là bạn hữu của mình: Chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là “Chúa”; số “nhiều” giờ đây chống lại chỉ một Đấng, nhưng Đấng ấy vĩ đại và mạnh mẽ hơn địch quân nhiều. Chúa là sự trợ giúp, sự bảo vệ, ơn cứu độ. Như thuẫn mộc Ngài bảo vệ những ai tin tưởng vào Ngài, và cho người ấy ngẩng đầu lên trong một cử chỉ chiến thắng và khải hoàn. Con người không còn cô thế nữa, quân thù không còn vô địch như người ta tưởng trước đây, bởi vì Chúa nghe lời kêu van của kẻ bị áp bức và trả lời từ nơi Người hiện diện, từ núi thánh của Người. Con người kêu la trong thống khổ, trong hiểm nghèo, trong đớn đau; con người xin được giúp đỡ, và Thiên Chúa đã đáp lời.

Sự đan kết này giữa lời kêu cứu của con người và sự đáp lại của Thiên Chúa là phép biện chứng của cầu nguyện và là chìa khóa để đọc toàn thể lịch sử cứu độ. Lời kêu cứu bày tỏ nhu cầu cần được giúp đỡ và kêu gọi lòng trung tín của người khác. Kêu cứu có nghĩa là bày tỏ niềm tin vào sự gần gũi và sẵn sàng lắng nghe của Thiên Chúa. Cầu nguyện diễn tả niềm xác tín về một sự hiện diện của Thiên Chúa đã được cảm nghiệm và tin tưởng, một sự hiện diện được bộc lộ một cách trọn vẹn trong sự đáp trả cứu độ của Ngài. Điều này đáng chú ý: vì trong việc cầu nguyện của chúng ta, xác tín này về sự hiện diện của Thiên Chúa thật là quan trọng.

Do đó, Vịnh gia dù cảm thấy bị cái chết đang vây bủa, ông vẫn tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa hằng sống, như khiên mộc chở che chung quanh ông một cách bất khả xâm phạm, và bất cứ ai nghĩ là mình đã thua giờ đây có thể ngẩng cao đầu, vì Chúa cứu độ họ; con người bị đe dọa và bị chế nhạo trong lời cầu nguyện này, đang được ở trong vinh quang, vì Thiên Chúa là vinh quang của ông.

Câu trả lời của Thiên Chúa khi chấp nhận lời cầu nguyện cho Vịnh gia một sự đảm bảo hoàn toàn, đồng thời cũng chấm dứt sự sợ hãi, và làm cho lời kêu cứu được lặng đi trong bình an, một bình tâm thẳm sâu: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi chẳng còn phải sợ / lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi. (Tv 3, 6-7).

Ngay cả khi ở giữa hiểm nguy và chiến đấu, con người cầu nguyện cũng có thể ngủ thoải mái với một thái độ hoàn toàn tin tưởng phó thác. Quân thù đồn binh cắm trại quanh ông, chúng bao vây ông, chúng rất nhiều, chúng nổi lên chống lại ông, chúng chế nhạo ông và cố gắng lật đổ ông; nhưng ngược lại, ông nằm xuống và ngủ yên trong an bình, tin tưởng vững chắc vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Và khi thức dậy, ông thấy Thiên Chúa vẫn còn ở bên cạnh ông, như một người bảo an không bao giờ thiếp ngủ (x. Tv 121, 3-4), Đấng nâng đỡ ông, cầm tay ông, và không bao giờ bỏ rơi ông.

Nỗi sợ chết đã bị chinh phục bởi sự hiện diện của Đấng không bao giờ chết. Và đêm đen, đầy sợ hãi do tổ tiên truyền lại, đêm đớn đau của cô đơn cùng chờ đợi trong thống khổ, giờ đây được biến đổi: Điều gợi lên sự hiện diện của cái chết của trở thành sự hiện diện của Đấng Hằng Hữu.

Cuộc tấn công hiển nhiên, vĩ đại, và thúc bách của quân thù trái ngược với sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa, với sức mạnh vô song của Người. Và chính Chúa là Đấng mà Vịnh gia sau khi đã hai lần bày tỏ lòng tín thác, lại một lần nữa thân thưa trong lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin trỗi dậy, cứu lấy con, lạy Thiên Chúa con thờ!” (Tv 3, 8a). Địch quân: “nổi dậy” (Tv 3, 2) chống lại nạn nhân của chúng, nhưng Đấng sẽ “trỗi dậy” chính là Chúa, để đánh đổ chúng. Thiên Chúa sẽ cứu ông bằng cách đáp lại lời kêu cứu của ông. Vì lý do này mà Vịnh gia có thể kết thúc bằng một thị kiến được giải thoát khỏi hiểm nghèo có thể giết chết ông và khỏi cuộc thử thách có thể làm cho ông bị diệt vong.

Sau khi hướng về Chúa và xin Người đứng lên để cứu ông, con người cầu nguyện đã mô tả chiến thắng của Thiên Chúa: Quân thù, là những kẻ bất công và áp bức bạo tàn, là biểu tượng của tất cả những gì chống lại Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người, đã bị đánh bại. Bị đập vào miệng, chúng không còn có thể tấn công với bạo lực phá hoại của chúng, và chúng cũng không thể nói xa gần để gian tà gieo rắc sự hồ nghi về sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa: Lời nói vô nghĩa và phạm thượng của chúng dứt khoát bị bác bỏ, và bị làm cho câm lặng vì sự can thiệp cứu độ của Chúa (x. Tv 3,8bc). Như vậy, Vịnh gia đã kết thúc lời cầu nguyện của ông bằng một cụm từ có ý nghĩa phụng vụ, được cử hành trong lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa hằng sống: “Chúa chính là nguồn ơn cứu độ, xin ban phúc lộc cho dân Ngài!” (Tv 3, 9).

Anh chị em thân mến, Thánh vịnh 3 trình bày cho chúng ta một kinh nguyện đầy sự tín thác và ủi an. Nhờ cầu nguyện bằng Thánh vịnh này, chúng ta có thể biến những cảm nghĩ của Vịnh gia thành của chính mình, Vịnh gia tượng trưng cho những người bị đàn áp, và cho những người tìm thấy sự no thỏa trong Đức Giêsu. Trong đau khổ, trong nguy hiểm, trong đắng cay vì bị hiểu lầm và bị xúc phạm, những lời của Thánh vịnh mở rộng tâm hồn ta để đón nhận sự an ủi chắc chắn của đức tin. Thiên Chúa luôn gần gũi, ngay cả trong những lúc khó khăn, trong những vấn đề, trong đêm đen của cuộc đời, Chúa vẫn lắng nghe, Chúa đáp lời và cứu chúng ta theo những cách riêng của Người.

Nhưng chúng ta phải biết cách nhận ra sự hiện diện của Chúa và chấp nhận những nẻo đường của Người, như vua Đavít trong khi chạy trốn cuộc đuổi bắt của con mình là Ápsalôm; như người công chính bị đàn áp trong sách Khôn Ngoan; sau cùng và trọn vẹn nhất, như chính Đức Giêsu trên đồi Calvê. Và khi theo cái nhìn của những kẻ gian ác, thì khi Thiên Chúa dường như không can thiệp, và khi Chúa Con chịu chết, đó chính là lúc vinh quang đích thật và việc thể hiện ơn cứu độ một cách dứt khoát được biểu lộ cho tất cả những ai có lòng tin.

Nguyện xin Chúa ban đức tin cho chúng ta, nguyện xin Người đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta; và xin Người làm cho chúng ta tin tưởng và cầu nguyện trong mọi cơn hoạn nạn, trong những đêm đen sầu muộn của sự nghi ngờ và trong những ngày dài đau khổ, bằng việc phó thác cách tin tưởng nơi Người, Đấng “là khiên che thuẫn đỡ” và “là vinh dự” của chúng ta.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top