Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 10: Việc suy niệm

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 10: Việc suy niệm

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 10: Việc suy niệm

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 17 tháng 8 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một ngày Lễ của hy vọng. Đức Maria đã về Trời và đó cũng là đích điểm của đời sống chúng ta: tất cả chúng ta đều có thể lên Thiên Đàng. Vấn đề được đặt ra rằng, Đức Maria đã được lên Trời như thế nào? Mẹ là người mà Tin Mừng đã đề cập, Mẹ “đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45).

Vì thế, Đức Mẹ đã tin; đã phó thác cho Thiên Chúa, Mẹ đã kết hợp ý mình với ý Chúa, và vì thế, Mẹ đã lên Trời bằng con đường trực tiếp nhất. Tin tưởng, phó thác cho Chúa, làm trọn thánh ý Chúa: đó chính là con đường thiết yếu.

Hôm nay tôi không muốn nói về toàn thể cuộc hành trình đức tin này; nhưng chỉ nói về một phương diện nho nhỏ của đời sống cầu nguyện, đó là đời sống tiếp xúc với Thiên Chúa, đời sống đó được mang tên: suy niệm. Vậy suy niệm là gì?  Suy niệm có nghĩa là “nhớ lại” những gì Thiên Chúa đã làm và “chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (x. Tv 103,2b).

Chúng ta thường chỉ thấy những điều tiêu cực, nhưng chúng ta cũng cần nhớ lại cả những điều tốt đẹp, những ân huệ mà Thiên Chúa đã làm cho ta, chú ý đến những dấu chỉ tích cực đến từ Thiên Chúa và ghi nhớ những dấu chỉ này. Cho nên, chúng ta đang nói về một loại cầu nguyện mà trong truyền thống Kitô giáo gọi là “tâm nguyện” (mental prayer). Bởi vì chúng ta thường quen thuộc hơn đối với hình thức “khẩu nguyện” (vocal prayer).

Dĩ nhiên là trong khẩu nguyện cũng phải có sự tham dự của trí khôn và tâm hồn, nhưng bây giờ chúng ta nói về một loại suy niệm mà không cần dùng đến lời nói, song là một sự tiếp xúc với trái tim của Thiên Chúa bằng tâm trí chúng ta. Và trong trường hợp này, Mẹ Maria chính là một mẫu gương tuyệt vời. Thánh sử Luca nhắc lại nhiều lần rằng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; x. Lc 2,51b). Mẹ giữ những điều ấy, Mẹ không quên. Mẹ chú tâm đến tất cả những gì Chúa đã nói và đã thực hiện nơi Mẹ, và Mẹ suy niệm; nghĩa là Mẹ đã tiếp xúc với những điều khác nhau, và Mẹ suy đi nghĩ lại về chúng tận đáy lòng của mình.

Cho nên Mẹ, là người “đã tin” vào lời Sứ thần, đã trở thành một công cụ để Ngôi Lời vĩnh cửu của Đấng Tối Cao có thể nhập thể. Mẹ cũng đã đón nhận phép lạ tuyệt vời về việc Thiên Chúa làm người được hạ sinh nơi cung lòng Mẹ. Mẹ đã suy niệm điều ấy, đã tận tình suy nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, để chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ và đáp trả. Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa và thiên chức làm Mẹ của Đức Maria là một mầu nhiệm lớn lao đòi hỏi phải có một tiến trình nội tâm hóa. Không phải Thiên Chúa chỉ thực hiện một điều gì thể lý nơi Mẹ, mà là điều cần được nội tâm hóa nơi Mẹ, đấng tìm cách hiểu mầu nhiệm này cách sâu thẳm hơn, để giải thích ý nghĩa của nó, để hiểu những liên hệ mật thiết với nó. Cho nên từ ngày này qua ngày khác, trong sự thinh lặng của đời sống thường nhật, Đức Mẹ tiếp tục giữ kín trong lòng những biến cố lạ lùng lần lượt xảy ra mà Mẹ được chứng kiến cho đến cuộc thử thách cuối cùng của Thập giá và vinh quang của Phục Sinh. Mẹ Maria đã sống trọn cuộc đời, làm tròn bổn phận hàng ngày và sứ vụ của Mẹ như một người mẹ, nhưng Mẹ vẫn có thể dành một chỗ trong tâm hồn để suy niệm về Lời Chúa và thánh ý Thiên Chúa, về những gì xảy ra nơi Mẹ, và về mầu nhiệm của cuộc đời Con Mẹ.

Trong thời đại chúng ta, chúng ta bị chi phối bởi nhiều hoạt động và trách nhiệm, nhiều bận tâm và nhiều vấn đề, thường chúng ta có khuynh hướng lúc nào cũng bận rộn mà không cho mình có một giây phút nào ngừng lại để suy nghĩ và bồi dưỡng đời sống tâm linh, tức là cuộc tiếp xúc của mình với Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria dạy chúng ta việc tìm thấy trong ngày, dù có bận rộn với mọi hoạt động, những giây phút để hồi tâm trong thinh lặng và để suy niệm về tất cả những gì Chúa dạy chúng ta, về việc Người hiện diện và hoạt động trong thế gian và trong cuộc đời chúng ta thế nào, nghĩa là chúng ta có thể ngừng lại trong giây lát để suy niệm. Thánh Augustinô so sánh việc suy niệm những mầu nhiệm của Thiên Chúa như việc tiêu hóa thực phẩm và dùng một động từ được lặp lại nhiều lần trong truyền thống Kitô giáo là “nhai lại”, có nghĩa là nghiền ngẫm những mầu nhiệm của Thiên Chúa, điều phải được vang vọng liên tục trong mình để những mầu nhiệm ấy có thể trở thành quen thuộc với ta, hướng dẫn đời sống của ta, và dưỡng nuôi ta, như những gì xảy ra với thực phẩm, đó là điều cần thiết để nuôi dưỡng thân xác ta. Và thánh Bônaventura, khi nhắc đến những Lời Chúa, thánh nhân đã nhấn mạnh rằng, những Lời ấy “phải luôn được nghiền ngẫm để được giữ lại trong tâm trí qua việc áp dụng hăng hái của linh hồn” (Coll. Hex In, ed. Quaracchi, 1934, p. 218).

Cho nên suy niệm có nghĩa là tạo nên trong mình một tình trạng hồi tâm, một sự thinh lặng nội tâm, để suy tư về và thấm nhuần những mầu nhiệm của đức tin và những gì Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta, chứ không phải những gì chóng qua. Chúng ta có thể thực hiện việc “suy gẫm” này bằng nhiều cách, như lấy một đoạn Lời Chúa, đặc biệt là từ các Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ, các Thư, hay các trang sách từ một tác giả về linh đạo có thể đem chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, và làm cho thực tại của Thiên Chúa trong ngày sống của chúng ta hiện diện cách rõ ràng hơn. Chúng ta cũng có thể đón nhận lời khuyên nhủ của một cha giải tội hay một vị linh hướng, đọc và suy niệm về những gì mình đã đọc, chú tâm vào đoạn ấy, cố gắng hiểu và hiểu đoạn ấy muốn nói gì với tôi, nói gì ngày hôm nay, để mở tâm hồn mình ra đón nhận tất cả những điều mà Chúa muốn nói với và dạy chúng ta. Chuỗi Mân Côi cũng là một kinh nguyện để suy niệm: trong khi đọc đi đọc lại Kinh Kính Mừng, chúng ta được mời gọi suy đi nghĩ lại về mầu nhiệm mà chúng ta đã được nghe công bố. Nhưng chúng ta cũng suy nghĩ về những kinh nghiệm thiêng liêng, với những xúc động mạnh mẽ, với những lời mà chúng ta còn giữ lại trong khi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Giờ đây anh chị em thấy rằng có nhiều cách để suy niệm, và nhờ đó chúng ta được tiếp xúc và gần gũi với Thiên Chúa hơn, và bằng cách đó, chúng ta tiến bước trên hành trình hướng về Quê Trời.    

Các bạn thân mến, hãy dành thời giờ cho Thiên Chúa một cách kiên định, đó là một yếu tố căn bản trong việc thăng tiến đời sống thiêng liêng; chính Chúa sẽ cho chúng ta cảm nếm mầu nhiệm của Chúa, nếm cảm Lời Chúa, sự hiện diện và hoạt động của Người, để chúng ta cảm được sự tốt đẹp biết bao khi được Thiên Chúa nói với chúng ta, và chúng ta sẽ thấu hiểu hơn những điều Thiên Chúa muốn nơi mình. Sau hết, đây chính là mục đích của việc suy niệm: đó là càng ngày càng tín thác hơn nơi bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, với lòng tin yêu vững mạnh rằng, chỉ khi thực thi thánh ý Chúa, chúng ta mới thực sự hạnh phúc mà thôi.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top