Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 08: Kinh thánh như một thư viện
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 03 tháng 8 năm 2011
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn tiếp tục về chủ đề mà chúng ta đã bắt đầu, đó là “trường học cầu nguyện”. Và giờ đây, không mấy xa chủ đề, là đề cập đến một vài khía cạnh mang tính chất thiêng liêng và thiết thực, mà tôi nghĩ rằng hữu ích, không những cho phần lớn những người đang sống trong kỳ nghỉ hè như chúng ta đây, mà còn cho cả những người đang phải chuyên chăm trong công việc hàng ngày mà không có kỳ nghỉ.
Khi chúng ta có một giây phút được tạm ngừng nghỉ trong những hoạt động của mình, đặc biệt trong những ngày nghỉ hè, chúng ta hay cầm trên tay một cuốn sách mà mình muốn đọc. Đây chính là khía cạnh đầu tiên mà tôi muốn ngừng lại để suy nghĩ.
Mỗi người trong chúng ta đều cần có thời gian và không gian để tập trung tư tưởng, để suy niệm và bình tâm.... Tạ ơn Thiên Chúa là được như thế! Quả thật, nhu cầu này cho chúng ta biết rằng mình không được dựng nên chỉ để làm việc, mà còn để suy nghĩ, hồi tâm, hay một cách đơn sơ để theo đuổi bằng tâm trí và con tim một câu chuyện được kể lại, một câu chuyện mà trong đó chúng ta được đồng hóa, theo một nghĩa nào đó, như là “bị lạc mất” để sau đó tìm thấy mình sung mãn hơn.
Dĩ nhiên, có nhiều sách để đọc mà chúng ta cầm trên tay trong những ngày nghỉ, thường là những sách giải trí, và đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có một số người, đặc biệt là những người nếu có thời gian rảnh rỗi hay nghỉ ngơi dài hơn, họ chuyên cần đọc một điều gì đó hay hơn.
Vì thế tôi muốn đưa ra một đề nghị là tại sao không tìm hiểu một vài sách trong Kinh Thánh, mà chúng ta thường chưa biết? Hoặc là những sách mà chúng ta chỉ được nghe một số đoạn trong phụng vụ, nhưng chưa bao giờ đọc hết quyển sách? Quả thật, nhiều Kitô hữu không bao giờ đọc Kinh Thánh, nên có một kiến thức rất giới hạn và hời hợt về Kinh Thánh. Như chính tên của nó, Kinh Thánh là một tuyển tập của nhiều sách, là một “thư viện” nhỏ, được phát sinh trong vòng một ngàn năm.
Một vài quyển trong “các quyển sách nhỏ” này cấu thành thư viện ấy, dường như không được đa số dân chúng biết đến, ngay cả đối với những người được coi là Kitô hữu thiện chí cũng thế.
Một số cuốn sách thật ngắn, như sách Tôbia chẳng hạn, một câu truyện chứa đựng một ý nghĩa rất cao đẹp về hôn nhân gia đình; hay sách Étte, trong đó Hoàng hậu người Do Thái, bằng đức tin và lời cầu nguyện, đã cứu thoát dân mình khỏi bị diệt chủng; hoặc còn ngắn hơn nữa, sách Bà Rút, một thiếu phụ ngoại quốc nhận biết Thiên Chúa và cảm nghiệm được sự quan phòng của Người. Những sách nhỏ này có thể được đọc từ đầu đến cuối trong vòng một tiếng đồng hồ. Cần nhiều cố gắng hơn, và cũng là những tuyệt tác, đó là sách Gióp, sách này đương đầu với một vấn đề quan trọng là sự đau khổ của người vô tội; sách Giảng Viên, nổi bật vì tính hiện đại của nó khi bàn về ý nghĩa của cuộc đời và của thế giới; sách Diễm Ca là một áng thơ tuyệt tác, biểu tượng cho tình yêu của con người. Như vậy, như anh chị em đã biết, đó là những sách thuộc Cựu Ước. Còn Tân Ước thì sao? Đương nhiên rồi, Tân Ước được biết đến nhiều hơn, và các thể văn cũng không mấy đa dạng. Tuy nhiên cái đẹp là đọc một hết một sách Tin Mừng để tìm hiểu, tôi cũng đề nghị nên đọc Sách Công vụ Tông đồ hay một trong các Thư.
Các bạn thân mến, để kết thúc, tôi muốn đề nghị là trong lúc nghỉ hè hay những giây phút thư giãn, các bạn nên có trong tay một cuốn Kinh Thánh, để thưởng thức một cách mới mẻ, bằng cách đọc hết một số sách trong đó, những sách ít người biết đến cũng như những sách nhiều người biết đến, như các sách Tin Mừng chẳng hạn, nhưng đọc một cách liên tục.
Như thế, những giây phút thư giãn bao nhiêu có thể, ngoài việc giúp cho chúng ta được thêm phong phú về văn hóa, còn trở thành lương thực dưỡng nuôi tâm hồn, có khả năng nuôi dưỡng sự hiểu biết về Thiên Chúa và đi vào đàm đạo với Thiên Chúa, đó chính là cầu nguyện. Và điều này là một cách tốt đẹp để sử dụng những ngày nghỉ: hãy cầm một cuốn Kinh Thánh lên, như thế chúng ta được thưởng thức một chút thanh thản, đồng thời được bước vào không gian tuyệt vời của Lời Chúa, và giúp cho sự tiếp xúc của chúng ta với Đấng Hằng Sống được thêm sâu sắc, đó chính là mục đích của thời gian rảnh rỗi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông