Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 07: Thánh Vịnh, một cuốn sách cầu nguyện

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 07: Thánh Vịnh, một cuốn sách cầu nguyện

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 07: Thánh Vịnh, một cuốn sách cầu nguyện

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 22 tháng 6 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Trong các chương trước, chúng ta đã chú tâm đến một số nhân vật trong Cựu Ước, là những vị đặc biệt quan trọng đối với việc suy niệm của chúng ta về cầu nguyện. Tôi đã nói về việc ông Ápraham cầu bầu cho hai thành phố xa lạ, ông Giacóp nhận được phúc lành trong cuộc vật lộn ban đêm, ông Môsê xin Chúa tha thứ cho dân của ông, và ngôn sứ Êlia cầu nguyện cho dân Israel hoán cải. Với chương này, tôi sẽ bắt đầu một giai đoạn mới của lộ trình này, thay vì chú giải về những câu chuyện riêng biệt của các nhân vật trong cầu nguyện, chúng ta sẽ đi vào sách Thánh vịnh, “một cuốn sách cầu nguyện” tuyệt hảo. Trong những chương sắp tới chúng ta sẽ đọc và suy niệm về một số Thánh vịnh tuyệt vời nhất và thân yêu đối với truyền thống cầu nguyện của Giáo hội. Hôm nay tôi xin giới thiệu các Thánh vịnh này bằng cách nói chung về sách Thánh vịnh.

Sách Thánh vịnh được trình bày như một “công thức” cầu nguyện, một tuyển tập gồm 150 Thánh vịnh mà truyền thống Kinh Thánh trao ban cho cộng đoàn tín hữu để kinh nguyện trở thành của mình, thành kinh nguyện của chúng ta, cách thức chúng ta thân thưa với Thiên Chúa và liên hệ với Người. Trong sách này, toàn thể kinh nghiệm của con người với nhiều khía cạnh của nó, cùng toàn bộ tâm tình đi kèm theo đời sống con người được diễn tả. Trong các Thánh vịnh, những tâm tình ấy đan quyện với nhau và bày tỏ niềm vui cùng đau khổ, lòng khao khát Thiên Chúa cùng ý thức về tình trạng bất xứng của mình, hạnh phúc cùng cảm giác bị bỏ rơi, lòng tín thác vào Thiên Chúa cùng sự cô đơn tê tái, sự sung túc của cuộc sống cùng nỗi lo sợ trước cái chết. Toàn thể thực tại được tuôn đổ vào lời cầu nguyện mà các tín hữu, trước hết là dân Israel và sau đó là Giáo hội, đã dùng để suy niệm về mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và cách đáp trả thích hợp duy nhất đối với việc tỏ mình ra trong lịch sử.

Như những lời cầu nguyện, Thánh vịnh là những một cách tỏ bày của linh hồn và của đức tin, trong đó mỗi người có thể nhận ra chính mình và truyền đạt cho người khác kinh nghiệm gần gũi đặc biệt với Thiên Chúa này là điều họ được mời gọi đến. Toàn thể cuộc sống phức tạp của con người được tập trung trong những hình thức văn thể khác nhau của các Thánh vịnh: như các bài thánh thi, các bài ai ca, các lời cầu khẩn cá nhân và tập thể, những bài ca tạ ơn, những Thánh vịnh thống hối, những Thánh vịnh thuộc thể loại khôn ngoan, và các thể văn khác nhau có thể tìm thấy được trong những bài thơ này.

Bất chấp cách diễn tả đa dạng này, chúng ta có thể xác định được hai lĩnh vực chính hợp thành kinh nguyện của Thánh vịnh: trước hết là những lời khẩn nguyện, gắn liền với sự than vãn, tiếp đến là sự chúc tụng ngợi khen, hai chiều kích này liên hệ với nhau và hầu như không thể tách rời nhau. Vì lời cầu khẩn được linh hoạt nhờ xác tín Thiên Chúa sẽ đáp lại, và điều này dẫn tới sự chúc tụng và cảm tạ. Sự chúc tụng và cảm tạ nảy sinh từ kinh nghiệm về ơn cứu độ đã nhận lãnh, tức là giả thiết là có nhu cầu cần được cứu giúp và sự khẩn nguyện biểu lộ nhu cầu ấy.  

Trong cầu nguyện, tác giả Thánh vịnh than van và mô tả tình trạng khốn cùng, nguy hiểm và cô độc của mình, hay như trong Thánh vịnh thống hối, thú nhận tình trạng tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Ông tỏ bày với Chúa lòng tín thác của mình trong tình trạng cần được lắng nghe, và điều này có ý nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Đấng mong muốn những điều tốt lành và “yêu sự sống” (x. Kn 11,26), sẵn sàng giúp đỡ, cứu độ và tha thứ. Như thế, như tác giả Thánh vịnh cầu nguyện trong Thánh vịnh 31 rằng: “Con ẩn náu trong Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ… Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài” (Tv 31,2.5). Cho nên, trong lời than thở có thể xuất hiện một lời ngợi khen nào đó, là điều đang hình thành trong niềm hy vọng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, và sau đó được thấy rõ khi ơn cứu độ của Thiên Chúa trở thành hiện thực.

Cũng tương tự, trong các Thánh vịnh tạ ơn và ngợi khen, khi nhắc lại những hồng ân nhận được hoặc suy niệm về sự cao cả của lòng thương xót của Thiên Chúa, tác giả cũng nhìn nhận sự bé nhỏ của chính mình và nhu cầu cần được cứu độ, là nền tảng của lời khẩn cầu. Ông thú nhận với Thiên Chúa tình trạng của mình như thụ tạo chắc chắn được đánh dấu bởi cái chết, nhưng mang trong mình một ước muốn căn bản là được sống. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh đã nói trong Thánh vịnh 86 rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ, Thánh Danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh, vì tình Chúa thương con như trời như biển, Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty” (Tv 86,12-13). Bằng cách này, trong những lời cầu nguyện của Thánh vịnh, lời khẩn cầu và ngợi khen, được giao thoa với nhau, và hợp lại thành một bài thánh ca duy nhất mừng hồng ân vĩnh cửu của Chúa, Đấng đoái thương nhìn đến thân phận mỏng giòn của ta.

Chính vì muốn cho cộng đoàn tín hữu kết hợp với bài thánh ca này, mà Sách Thánh vịnh đã được trao cho dân Israel và Giáo hội. Quả thật, các Thánh vịnh dạy chúng ta cầu nguyện. Trong đó, Lời Thiên Chúa trở thành lời cầu nguyện – là những lời của tác giả Thánh vịnh được linh hứng – cũng trở thành lời của con người cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Đây là vẻ đẹp và sự độc đáo của quyển Sách Thánh này: những lời cầu nguyện chứa đựng trong đó, không giống như những lời cầu nguyện khác mà chúng ta thấy trong Kinh Thánh, chúng không bị lồng vào một trình thuật xác định ý nghĩa và chức năng của chúng. Các Thánh vịnh được ban cho cộng đoàn tín hữu như một cuốn sách cầu nguyện, mà mục đích duy nhất của nó là để trở nên lời cầu nguyện của người lãnh nhận, và với những lời này họ thưa với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa. Những người cầu nguyện bằng Thánh vịnh nói về Thiên Chúa bằng chính những lời mà Người đã ban cho chúng ta, thưa chuyện với Người cũng bằng những lời mà chính Người đã ban cho ta. Vì thế, khi cầu nguyện bằng Thánh vịnh chúng ta cũng học cầu nguyện. Các Thánh vịnh là một trường học cầu nguyện.

Có một điều tương tự xảy ra khi đứa trẻ bắt đầu nói chuyện, là nó học cách biểu lộ tình cảm, cảm xúc và nhu cầu của mình bằng những từ ngữ không do bẩm sinh, nhưng học được từ cha mẹ và những người sống chung quanh nó. Những gì đứa trẻ muốn diễn tả là kinh nghiệm riêng của nó, nhưng những phương cách để diễn tả là của người khác; và nó đã dần dần thủ đắc những từ ngữ ấy; những từ ngữ nhận được từ cha mẹ trở thành những từ ngữ của nó; và qua những từ ngữ ấy, nó cũng học một cách suy nghĩ và cảm giác; nó đi vào một thế giới toàn bộ về các khái niệm, và trong đó nó phát triển, liên hệ với thực tại, với người ta và với Thiên Chúa. Cuối cùng, ngôn ngữ của cha mẹ nó đã trở thành ngôn ngữ của nó, nó nói bằng những từ ngữ nhận được từ những người khác mà từ nay trở thành những từ ngữ của mình.

Những lời cầu nguyện của Thánh vịnh cũng thế. Thiên Chúa ban chúng cho chúng ta để chúng ta học cách thưa chuyện với Người, để giao tiếp với Người, để nói với Người về mình bằng những lời của Người, để tìm một ngôn ngữ cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Và nhờ những lời này, chúng ta cũng có thể nhận biết và chấp nhận những tiêu chuẩn cho hành vi của mình, tiếp cận huyền nhiệm của tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa (x. Is 55,8-9), cũng như để tăng trưởng hơn trong đức tin và đức ái. Như những lời của chúng ta không chỉ là những từ ngữ, nhưng còn dạy cho chúng ta về một thế giới thực sự và thế giới khái niệm, thì những lời cầu nguyện dạy cho chúng ta về trái tim của Thiên Chúa, do đó, chúng ta không những chỉ có thể thưa chuyện với Người, nhưng còn có thể học biết Thiên Chúa là ai, và học cách thưa chuyện với Người, chúng ta học làm người, trở thành chính mình như thế nào.

Về điểm này, một nhan đề đầy ý nghĩa đã được truyền thống Do Thái gán cho Sách Thánh vịnh là tehillîm, một từ ngữ Hípri có nghĩa là “ngợi khen”, từ chữ gốc này mà chúng ta có từ ngữ “Halleluiah”, có nghĩa là, “ngợi khen Giavê”. Như thế, dù sách cầu nguyện này cũng đa diện và phức tạp, với nhiều loại văn thể và sự liên hệ giữa lời ngợi khen và khẩn cầu, nhưng chung cuộc nó là một sách ca ngợi, trong đó dạy chúng ta tạ ơn, để mừng sự trọng đại của các hồng ân của Thiên Chúa, để nhận ra sự tuyệt mỹ của của các kỳ công của Người, và tôn vinh Thánh Danh Người. Đây là một cách đáp trả thích hợp nhất trước sự tự tỏ bày của Chúa và cảm nghiệm lòng nhân lành của Người.

Sách Thánh vịnh dạy chúng ta trong sự cầu nguyện rằng, ngay cả trong lúc thất vọng, trong lúc đau khổ nhất, thì sự hiện diện kiên định của Thiên Chúa vẫn là nguồn mạch kỳ diệu và ủi an; chúng ta có thể khóc lóc, van xin, khẩn cầu, khiếu nại, nhưng trong ý ​​thức rằng mình đang đi về phía ánh sáng, mà ở đó dứt khoát chỉ có ngợi khen. Như Thánh vịnh 36 dạy chúng ta: “Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Nhưng bên cạnh nhan đề chung này của sách, truyền thống Do Thái còn đặt những đầu đề riêng cho nhiều Thánh vịnh, mà phần lớn được gán cho vua Đavít. Dung mạo của một con người nhạy cảm và có chiều sâu thần học, vua Đavít là một nhân vật phức tạp, đã trải qua nhiều kinh nghiệm căn bản về cuộc đời. Một mục tử trẻ chăm sóc đàn chiên của cha mình, và sau nhiều biến cố thăng trầm bi thảm của cuộc đời, đã trở thành vua của dân Israel, mục tử của Dân Thiên Chúa. Là con người của hòa bình, ông đã chiến đấu trong nhiều cuộc chiến; là người tìm Thiên Chúa không biết mệt, nhưng đã phản bội tình yêu Người, và đây là đặc tính của ông: ông luôn luôn vẫn là một người tìm kiếm Thiên Chúa, mặc dù nhiều lần ông đã phạm trọng tội; một hối nhân khiêm tốn, ông đã đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, kể cả hình phạt của Người, và đã chấp nhận một số phận được đánh dấu bằng đau khổ. Vì vậy, dù với tất cả sự yếu đuối của mình, vua Đavít đã trở thành một vị vua “như lòng Chúa mong ước” (x. 1Sm 13,14), tức là, một con người cầu nguyện thiết tha, một người biết thế nào là cầu xin và ngợi khen. Sự liên kết các Thánh vịnh với vị vua thời danh của Israel là điều rất quan trọng bởi vì Đavít chính là một nhân vật được Chúa sai đến, kẻ được Chúa xức dầu, nơi Đavít, một cách nào đó, tiên báo mầu nhiệm của Đức Kitô.

Một điều quan trọng và có ý nghĩa không kém khác là cách thức và sự thường xuyên mà những lời của Thánh vịnh được nhắc lại trong Tân Ước, bằng cách đề cập và nhấn mạnh đến giá trị tiên tri được đề ra qua sự liên kết của sách Thánh vịnh với dung mạo Mêsia của vua Đavít. Nơi Đức Giêsu, Đấng trong cuộc đời dương thế của Người, đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh, các Thánh vịnh này đã được thể hiện cách dứt khoát và mặc khải ý nghĩa đầy đủ nhất và sâu sắc nhất của chúng.

Những lời cầu nguyện của các Thánh vịnh, mà nhờ đó chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa, nói với chúng ta về Người, về Con của Người, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), Đấng tỏ cho chúng ta thấy dung nhan của Chúa Cha cách trọn vẹn nhất. Như thế, qua việc cầu nguyện bằng Thánh vịnh, người Kitô hữu cầu nguyện với Chúa Cha trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, bằng cách dùng những bài thánh ca này dưới một nhãn quan mới, một viễn cảnh tìm thấy lời chú giải cuối cùng của nó trong  Mầu Nhiệm Vượt Qua. Như thế, chân trời của con người cầu nguyện cũng mở ra một thực tại quá bất ngờ, mỗi Thánh vịnh tìm được một ánh sáng mới trong Đưc Kitô, và sách Thánh vịnh có thể chiếu sáng trong tất cả sự phong phú khôn lường của nó.

Anh chị em thân mến, vì thế, chúng ta hãy cầm quyển Sách Thánh này lên, hãy để cho Thiên Chúa dạy chúng ta cách thưa chuyện với Người, hãy biến sách Thánh vịnh thành một hướng dẫn viên giúp chúng ta và đồng hành với chúng ta trong đời sống cầu nguyện hàng ngày. Và chúng ta cũng khẩn khoản như các môn đệ của Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1), bằng cách mở tâm hồn mình ra để đón nhận lời cầu nguyện của Thầy, mà trong Người tất cả mọi lời cầu nguyện đều được thể hiện. Vì thế, được trở nên con trong Chúa Con, chúng ta có thể thưa với Thiên Chúa khi gọi Người là “Cha chúng con”.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top