Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 03: Giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 03: Giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 03: Giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 18 tháng 5 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Trong hai chương trước, chúng ta đã suy niệm về cầu nguyện như một hiện tượng phổ quát, mặc dù có nhiều hình thức khác nhau, nhưng hiện diện trong các nền văn hóa của mọi thời đại.

Giờ đây tôi muốn bắt đầu ôn lại Kinh Thánh về chủ đề này, là điều sẽ dẫn chúng ta đến việc đi sâu vào cuộc đối thoại Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, và làm sống động lịch sử cứu độ, cho đến tột đỉnh trong Lời dứt khoát của Đức Giêsu Kitô. Cuộc hành trình này sẽ dẫn chúng ta đến việc dừng lại ở một vài đoạn văn quan trọng và nhân vật mô phạm của Cựu Ước và Tân Ước.

Tổ phụ Ápraham vĩ đại, cha của những ai có lòng tin như ông (x. Rm 4,11-12.16-17), cung cấp cho chúng ta một mẫu gương đầu tiên về cầu nguyện trong đoạn Kinh Thánh nói về việc ông cầu bầu cho hai thành Sơđôm và Gômôra. 

Tôi cũng muốn mời gọi anh chị em nhân cuộc hành trình mà chúng ta sẽ đi trong những bài giáo lý tới để học biết thêm về Kinh Thánh, một cuốn sách mà tôi hy vọng anh chị em đang có trong nhà mình, và trong tuần, ngừng lại để đọc và suy niệm trong cầu nguyện, để biết lịch sử tuyệt vời về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Thiên Chúa là Đấng truyền thông với chúng ta và con người là kẻ đáp lời bằng cầu nguyện.

Đoạn văn đầu tiên mà chúng ta muốn suy niệm được tìm thấy trong sách Sáng Thế, chương 18, chuyện kể lại rằng, tội ác của dân thành Sơđôm và Gômôra đã lên đến tột cùng, đến nỗi cần sự can thiệp của Thiên Chúa, để thi hành công lý và ngăn chặn tội ác bằng cách hủy diệt hai thành ấy. Chính ở đây mà ông Ápraham đã nhập cuộc với lời cầu xin của mình. Thiên Chúa quyết định tỏ cho ông biết những gì sẽ xảy ra, cho ông biết mức độ trầm trọng của tội ác và hậu quả khủng khiếp của nó, bởi vì ông Ápraham là người được Chúa chọn, được chọn để trở thành một dân vĩ đại, để làm cho các phúc lành của Thiên Chúa được lan tỏa trên toàn cõi đất. Ông có một sứ vụ cứu độ, phải đáp lại tội lỗi đang xâm chiếm thực trạng của con người; qua ông, Chúa muốn đưa nhân loại trở về với đức tin, bằng sự vâng phục và công chính. Giờ đây, người bạn hữu này của Thiên Chúa mở lòng ra với thực tại và nhu cầu của thế giới, cầu bầu cho những người đang bị trừng phạt và xin cho họ được cứu độ.

Ông Ápraham lập tức trình bày vấn đề với tất cả mức độ nghiêm trọng của nó, và thưa cùng Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (St 18,23-25). Với những lời này, cùng lòng can đảm tuyệt vời, ông Ápraham đặt trước Thiên Chúa nhu cầu cần phải tránh một công lý tổng lược: nếu thành có tội, thì việc lên án tội của nó và trừng phạt nó là đúng, nhưng vị Tổ phụ vĩ đại xác quyết rằng, việc trừng phạt tất cả các dân cư mà không phân biệt ai cả như vậy là bất công. Nếu có những người vô tội trong thành thì họ không thể bị đối xử như những kẻ có tội. Ông Ápraham thưa với Thiên Chúa một cách đúng đắn rằng, Thiên Chúa là một vị thẩm phán công bằng nên không thể làm như thế được.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ bản văn hơn, chúng ta sẽ thấy rằng lời xin của tổ phụ Abraham sâu sắc hơn, vì ông không chỉ xin ơn cứu rỗi cho người vô tội mà còn xin ơn tha thứ cho toàn thành phố nữa, và ông làm như thế bằng cách cậy vào đức công chính của Thiên Chúa. Quả thật, ông thưa cùng Chúa: “Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” (St 18,24b). Làm như thế, nghĩa là ông đưa ra một tư tưởng mới về công lý, không chỉ đánh phạt kẻ có tội như loài người vẫn thường làm, mà là một công lý khác, công lý của Thiên Chúa, tìm kiếm sự thiện và tạo ra sự thiện qua ơn tha thứ biến đổi kẻ tội lỗi, hoán cải họ và cứu vớt họ. Như thế, với lời cầu của mình tổ phụ Abraham không khẩn cầu một sự công chính hoàn toàn có tính cách thưởng phạt, nhưng một sự can thiệp cứu độ chú ý tới những người vô tội, kể cả người gian ác được giải thoát khỏi tội lỗi bằng cách tha thứ cho họ. Có thể tóm tắt tư tưởng của tổ phụ như sau: không thể đối xử với người vô tội như kẻ có tội, vì như thế là bất công; trái lại, cần phải đối xử với kẻ có tội như người vô tội, và đưa ra một sự công chính “cao thượng hơn”, bằng cách cống hiến cho họ một khả thể được cứu rỗi, bởi vì nếu kẻ phạm tội chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và thú nhận tội lỗi bằng, cách để cho mình được cứu rỗi, họ sẽ không tiếp tục làm điều dữ nữa, và họ cũng sẽ trở thành người công chính, không còn cần đến hình phạt nữa.

Đó là lời xin công lý mà Abraham diễn tả trong lời bầu cử của ông, một yêu cầu là dựa trên niềm tin chắc chắn rằng Chúa là Đấng đầy lòng xót thương. Ông không xin Thiên Chúa một điều trái nghịch với bản thể của Người, nhưng gõ cửa con tim của Thiên Chúa vì biết rõ ý muốn của Người. Chắc chắn 50 người công chính đối với một thành phố lớn như Sơđôm xem ra ít ỏi, nhưng sự công chính của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Người lại không phải là sự biểu lộ sức mạnh của sự thiện hay sao, cả khi xem ra nó bé nhỏ và yếu đuối hơn sự dữ? Sự tàn phá Sơđôm phải chặn đứng sự dữ hiện diện trong thành phố, nhưng Ápraham biết Thiên Chúa có các phương cách khác để ngăn chặn sự dữ lan tràn. Đó là sự tha thứ bẻ gãy vòng xoáy của tội lỗi, và trong khi nói chuyện với Thiên Chúa, ông nại vào điều đó. Nhưng khi không tìm thấy 50 người, tổ phụ Abraham xin giảm xuống 40, 30, 20 và 10 người công chính, rồi ông tiếp tục lời khẩn cầu của ông, gần như táo bạo và kiên trì: “Nếu tìm thấy bốn mươi người… ba mươi người … hai mươi người … mười người” (x. St 18, 29-32). Và con số càng nhỏ xuống, thì lòng xót thương của Thiên Chúa lại càng lớn lao hơn, vì Người là Đấng kiên nhẫn lắng nghe lời cầu nguyện, chấp nhận nó và lặp lại sau mỗi lần khẩn nài của ông : “Ta sẽ tha thứ... Ta sẽ không phá hủy... Ta sẽ không làm điều ấy” (x. St 18,26.28.29-32).

Như vậy, qua lời chuyển cầu của ông Ápraham, Sơđôm có thể được cứu nếu người ta chỉ cần tìm thấy được mười người vô tội trong đó. Đó chính là sức mạnh của lời cầu nguyện. Bởi vì được bày tỏ và diễn tả qua việc cầu bầu, cầu nguyện với Thiên Chúa để cứu độ tha nhân, đó là ý muốn cứu độ mà Thiên Chúa luôn luôn dành cho người tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa không chấp nhận Sự Dữ, nó phải bị vạch trần và tiêu hủy bằng hình phạt: việc hủy diệt thành Sơđôm chính là thuộc chức năng này. 

Tuy nhiên, Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng hoán cải và được sống (x. Ed 18,23; 33,11). Thiên Chúa luôn muốn tha thứ, cứu độ, ban sự sống và biến đổi điều xấu thành tốt. Vâng, chính ý muốn này của Thiên Chúa, trong cầu nguyện, trở thành của ý muốn con người, và được diễn tả bằng những lời cầu bầu.

Với lời cầu xin của mình, ông Ápraham đã không những đã cho Chúa mượn chính tiếng nói của mình, mà còn cho cả trái tim của mình nữa: ý muốn của Thiên Chúa chính là lòng nhân từ, yêu thương, và muốn ban ơn cứu độ. Ý muốn này của Thiên Chúa được tìm thấy nơi ông Ápraham và nơi lời cầu nguyện của ông, một khả thể biểu lộ ra một cách cụ thể bên trong lịch sử nhân loại, để hiện hữu tại bất cứ nơi nào cần đến ân sủng Chúa. Với lời cầu nguyện của mình, ông Ápraham nói lên ý muốn của Thiên Chúa, đó là không phải chỉ nhằm hủy diệt, nhưng còn là cứu dân thành Sơđôm, để ban sự sống cho các tội nhân biết sám hối ăn năn.

Đây chính là điều Chúa khát khao, và cuộc đối thoại của Chúa với Ápraham là một biểu lộ tình yêu thương xót của Thiên Chúa, được nối dài và không thể lầm lẫn được. Việc cần phải tìm được những người công chính trong thành mỗi lúc càng trở nên ít đòi hỏi hơn, và cuối cùng chỉ cần có được mười người công chính cũng đủ để cứu toàn thể dân thành. Tại sao Ápraham lại dừng lại ở con số 10 người công chính để cứu toàn thành phố, chúng ta không biết được; Có lẽ nó là một số ám chỉ số người nòng cốt tối thiểu của một cộng đoàn (ngày nay cũng thế, con số 10 là con số cần thiết cho lời cầu nguyện công khai của của người Do Thái). Tuy nhiên, đó là một con số nhỏ, một chút điều thiện để nhờ đó cứu dân thành khỏi một điều ác lớn. Người ta cũng không tìm thấy, dù chỉ mười người công chính trong thành Sơđôm và Gômôra, vì thế, hai thành này đã bị hủy diệt. Như vậy, việc phá hủy được chứng tỏ là cần thiết một cách nghịch lý qua chính lời cầu bầu của ông Ápraham. Bởi vì lời cầu bầu ấy đã cho thấy ý muốn cứu độ của Thiên Chúa: Chúa đã sẵn sàng tha thứ, Người muốn làm như thế, nhưng hai thành đã hoàn toàn bị đóng kín trong sự dữ và bị tê liệt đến nỗi không có ngay cả một ít người vô tội để nhờ đó biến điều xấu thành điều tốt. Bởi vì đó chính là cách cứu độ mà ông Ápraham đã cầu xin: để được cứu độ không chỉ đơn thuần là để tránh bị trừng phạt, nhưng để được giải thoát khỏi sự dữ đang ở trong chúng ta. Không nhất thiết phải loại bỏ hình phạt, nhưng cần phải loại bỏ tội lỗi, chính sự chối bỏ Thiên Chúa và từ chối yêu thương, điều đó tự nó đã là một hình phạt rồi.

Ngôn sứ Giêrêmia đã phải nói cho dân phản trắc rằng: “Sự gian ác của ngươi phải sửa trị ngươi, hành vi phản bội của ngươi sẽ trừng phạt ngươi. Ngươi phải biết, ngươi phải thấy rằng: Lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, không còn kính sợ Người, thì thật là xấu xa và cay đắng” (Gr 2,19).

Chính từ nỗi buồn và cay đắng này mà Chúa muốn cứu độ loài người, bằng cách giải thoát họ khỏi tội lỗi. Nhưng cần phải có một sự biến đổi nội tâm, từ một chút thiện chí nào đó như một khởi đầu để từ đó biến đổi sự dữ thành sự thiện, sự hận thù trở thành yêu thương, sự oán thù trở thành tha thứ, lấy ân để báo oán. Bởi vì sự công chính này phải được tìm thấy trong thành, và Ápraham tiếp tục lặp đi lặp lại rằng: “Giả như tìm được ở đó…” Chữ “ở đó”: nghĩa là trong chính cái thực tại đau buồn đó cũng cần phải có mầm mống của sự thiện mới có thể chữa lành và phục hồi sự sống. Đó cũng chính là điều muốn nói với chúng ta rằng, trong thành của chúng ta cũng cần phải tìm được những mầm mống của sự thiện; rằng chúng ta phải làm hết sức để sẽ không chỉ có mười người công chính, để thực sự làm cho các thành phố của chúng ta được sống và tồn tại, cùng để cứu chúng ta khỏi sự cay đắng nội tâm này, đó chính là sự vắng bóng Thiên Chúa. Và trong thực tại đau yếu của Sơđôm và Gômôra, người ta đã không tìm được mầm mống của sự thiện đó.

Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa trong lịch sử dân Người. Để cứu Sơđôm chỉ cần mười người công chính là đủ, ngôn sứ Giêrêmia đã nói rằng, nhân danh Đấng Toàn Năng, chỉ cần một người công chính cũng đủ để cứu để cứu thành Giêrusalem: “Hãy rảo quanh đường phố Giêrusalem mà xem cho biết. Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành” (Gr 5,1).

Con số người công chính lại được giảm xuống một lần nữa, chứng tỏ rằng Thiên Chúa còn cao cả tốt lành hơn rất nhiều. Tuy thế vẫn chưa đủ, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đã không tìm thấy sự đáp trả thiện chí như Chúa chờ mong, và Giêrusalem đã bị quân thù bao vây tư bề.

Sẽ phải cần đến chính Thiên Chúa trở thành con người công chính ấy. Đó là mầu nhiệm Nhập Thể: để bảo đảm rằng, chính Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để nhân loại này có được một người công chính ấy. Như thế sẽ luôn có một người công chính, đó là chính Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa cần phải trở nên người công chính ấy. Tình yêu vô biên và đầy bất ngờ của Thiên Chúa sẽ được hoàn toàn tỏ lộ khi Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, Đấng Công Chính tuyệt đối, Đấng hoàn toàn Vô Tội, sẽ mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại, bằng cái chết trên Thập giá, tha thứ và chuyển cầu cho những người “không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Vì thế, lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta sẽ tìm được câu trả lời, rồi mỗi lời chuyển cầu của chúng ta sẽ hoàn toàn được Thiên Chúa lắng nghe.

Anh chị em thân mến, lời cầu khẩn của Tổ phụ Ápraham, là cha của chúng ta trong đức tin, dạy cho chúng ta luôn biết mở rộng con tim hơn nữa cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để trong lời cầu nguyện hằng ngày, chúng ta biết khát mong ơn cứu độ cho nhân loại, và kiên trì cầu nguyện với một lòng tín thác nơi Chúa là Đấng cao cả trong tình yêu.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top