Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI – Bài 02: Lịch sử cầu nguyện
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 11 tháng 5 năm 2011
Chương này tôi muốn tiếp tục suy tư về việc cầu nguyện và cảm thức tôn giáo trở thành một phần của nhân loại trong suốt dòng lịch sử ra sao. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những dấu chỉ của chủ nghĩa thế tục thật là hiển nhiên. Thiên Chúa xem ra đã bị khuất dạng khỏi chân trời của nhiều con người, hay trở thành một thực thể mà người ta thờ ơ với nó. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra nhiều dấu chỉ đang thức tỉnh về cảm thức tôn giáo, một sự tái khám phá về tầm quan trọng của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người, một nhu cầu tâm linh, với việc vượt ra ngoài nhãn quan thuần túy nhân bản và vật chất của cuộc sống con người.
Nhìn vào lịch sử gần đây, người ta nhận ra sự thất bại của những kẻ theo của chủ thuyết Trào lưu Ánh Sáng (Enlightenment)[1], họ đã tiên báo rằng các tôn giáo sẽ biến mất, và đề cao một thứ lý trí tuyệt đối, tách rời khỏi đức tin, một thứ lý trí có thể sẽ xóa bỏ bóng tối của khuynh hướng tín điều tôn giáo, và phá tan một “thế giới thánh thiêng”, trả lại cho con người sự tự do, phẩm giá và sự tự lập của con người khỏi Thiên Chúa. Kinh nghiệm của thế kỷ vừa qua với hai cuộc Thế Chiến bi thảm đã gây gián đoạn cho sự một tiến bộ tưởng như có thể bảo đảm được bởi một thứ lý trí tự lập, vì cho rằng con người không còn cần đến Thiên Chúa nữa.
Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định rằng: “Khi tạo dựng, Thiên Chúa kêu mọi hữu thể từ hư vô bước vào hiện hữu…. Thậm chí sau khi đã đánh mất vẻ giống như Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Ðấng Tạo Hóa, con người vẫn duy trì sự khát khao Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho họ hiện hữu. Mọi tôn giáo đều làm chứng cho sự tìm kiếm căn bản này của con người”[2]. Như tôi đã trình bày trong chương trước, chúng ta có thể nói rằng, từ xưa tới nay, không hề có một nền văn minh vĩ đại nào mà lại vắng bóng tôn giáo.
Tự bản chất con người là tôn giáo, họ là con người tôn giáo (homo religiosus), cũng như họ là con người khôn ngoan (homo sapiens), và cũng là con người sáng tạo (homo faber). Một lần nữa, Sách Giáo Lý khẳng định rằng: “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa”[3]. Hình ảnh của Đấng Tạo Hóa được khắc ghi trên con người và con người cảm thấy cần phải tìm ra một ánh sáng để trả lời những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa sâu sắc hơn về thực tại; một câu trả lời mà họ không thể tìm thấy được trong chính mình, trong sự tiến bộ, hay trong khoa học thực nghiệm.
Con người tôn giáo (homo religiosus) không những chỉ liên quan đến thế giới cổ đại, mà còn trải qua toàn bộ lịch sử nhân loại. Về mặt này, lãnh địa phong phú của kinh nghiệm con người đã phát sinh ra các hình thức khác nhau về cảm thức tôn giáo, trong cố gắng đáp ứng ước vọng được sung mãn và hạnh phúc, sự cần thiết của ơn cứu độ, việc tìm kiếm ý nghĩa. Mặc dù con người thuộc thời “kỹ thuật số” (digital), hay thuộc thời bán khai, còn ăn lông ở lỗ (the cave man) đi chăng nữa, cũng vẫn tìm thấy trong kinh nghiệm tôn giáo những phương cách để vượt qua tình trạng giới hạn của mình, và nhằm bảo đảm cho cuộc phiêu lưu mạo hiểm bấp bênh trên trần gian này. Hơn nữa, một cuộc sống mà không có chân trời siêu việt sẽ không có một ý nghĩa trọn vẹn và niềm hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều hướng tới, tất cả chúng ta đều tìm kiếm, một cách tự nhiên, nhắm thẳng về một tương lai của ngày mai chưa tới.
Công đồng Vaticanô II, trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đã nhấn mạnh dưới hình thức tóm lược như sau: “Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những điều xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở: Con người là chi? Cuộc sống chúng ta mang ý nghĩa và mục đích gì? Thế nào là thiện hảo và tội lỗi? Ðau khổ có nguyên nhân và mục đích nào? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết? Sau cùng, đâu là huyền nhiệm tối hậu và khôn tả bao trùm cả cuộc hiện hữu của con người, nơi chúng ta xuất phát và cũng là điểm chúng ta phải hướng về?”[4].
Con người biết rằng, tự mình họ không thể đáp ứng được nhu cầu hiểu biết căn bản của họ. Tuy nhiên, người ta đã và còn nuôi dưỡng ảo tưởng là mình có thể tự túc dù họ đã kinh nghiệm sự thiếu thốn của chính mình. Họ cần mở lòng ra cho một điều gì khác, cho một cái gì đó hay một người nào đó có thể cho họ những gì họ thiếu, có thể thỏa mãn chiều rộng và chiều sâu khát vọng của mình.
Con người mang trong mình một khát vọng vô biên, một khát mong về sự vĩnh cửu, một sự tìm kiếm vẻ đẹp, một khát vọng yêu thương, một nhu cầu về ánh sáng và sự thật, đẩy họ tới với Đấng Tuyệt Đối (the Absolute); con người mang trong mình khát vọng về Thiên Chúa. Và trong một cách thức nào đó, con người biết rằng mình có thể hướng tới Thiên Chúa, và có thể khẩn cầu Người.
Thánh Tôma Aquinô, một trong những thần học gia vĩ đại nhất trong lịch sử, đã định nghĩa cầu nguyện như một “cách diễn tả lòng khao khát của con người hướng về Thiên Chúa”. Sự lôi kéo đến với Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đã đặt để nơi con người, là linh hồn của lời cầu nguyện, sau đó được diễn tả bằng rất nhiều hình thức và phương pháp theo dòng lịch sử, thời điểm, giờ phút ân sủng, và ngay cả tội lỗi của mỗi con người cầu nguyện nữa. Quả thật, lịch sử của con người đã biết đến nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, bởi nó đã phát triển những cách khác nhau để mở lòng ra đối với “Đấng Khác” và với “Đấng Ở Bên Kia”, vì thế, chúng ta có thể nhận ra rằng, cầu nguyện như một kinh nghiệm hiện hữu trong tất cả mọi tôn giáo và mọi nền văn hóa.
Anh chị em thân mến, quả thật, như chúng ta đã thấy trong chương trước, cầu nguyện không bị trói buộc vào một bối cảnh cụ thể nào, mà là được ghi khắc trong tim mọi người và mọi nền văn hóa. Dĩ nhiên, khi nói về cầu nguyện như một kinh nghiệm của con người, như thế, con người cầu nguyện (homo orans), chúng ta cần nhớ rằng nó là một thái độ nội tâm, trước khi là hàng loạt những cách thực hành và công thức, một cách sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa trước khi thực hiện những hành động phụng tự hoặc thưa lên bằng những lời kinh.
Cầu nguyện đặt trọng tâm và được đâm rễ tận đáy lòng con người, cho nên người ta không dễ đọc được nó, vì thế, nó dễ bị hiểu lầm và trở thành bí ẩn. Theo nghĩa này chúng ta cũng có thể hiểu được từ ngữ: cầu nguyện thì thật là khó. Quả thật, cầu nguyện là một cách tốt nhất để tỏ lòng biết ơn, là cố gắng đến cùng Đấng Vô Hình, Đấng Bất Ngờ, Đấng Khôn Dò Khôn Thấu. Đó là lý do tại sao kinh nghiệm cầu nguyện là một thách thức cho tất cả mọi người, là một “ân sủng” để cầu xin, một hồng ân từ Đấng mà chúng ta hướng tới.
Trong cầu nguyện, ở mỗi giai đoạn của lịch sử, con người tự đặt mình và hoàn cảnh của mình trước Thiên Chúa, từ Thiên Chúa và trong tương quan với Thiên Chúa, và cảm nghiệm thấy rằng mình là một thụ tạo cần được trợ giúp, không có khả năng tự mình đạt được tất cả những gì thích hợp với đời mình, và ước vọng của mình. Triết gia Ludwig Wittgenstein nhắc nhở chúng ta như sau: “Cầu nguyện có nghĩa là cảm nhận rằng ý nghĩa của thế giới thì lại nằm ở bên ngoài thế giới này.”
Trong sự năng động của mối tương quan này với Thiên Chúa, Đấng ban tặng ý nghĩa cho cuộc sống, cầu nguyện có một trong những cách diễn tả điển hình của nó là quỳ gối. Đó là một cử chỉ, mà tự nó là một mâu thuẫn tận căn. Quả thật, tôi có thể bị bắt buộc phải quỳ xuống – một tình trạng của kẻ khốn cùng và nô lệ – nhưng tôi cũng có thể quỳ xuống một cách tự phát, nói lên tình trạng hữu hạn của mình, và vì thế, tôi cần đến Một Đấng Khác. Đối với Người, tôi nhìn nhận mình yếu đuối, thiếu thốn, và là “kẻ có tội”.
Trong kinh nghiệm về cầu nguyện, con người thụ tạo diễn tả tất cả ý thức về mình, tất cả những thành công trong việc hiểu chính sự hiện hữu của mình, và đồng thời, hướng tất cả cuộc sống về Đấng mà mình đang đứng trước mặt, hướng linh hồn về Mầu Nhiệm mà ở đó mình đang mong làm trọn được những ước muốn thẳm sâu nhất, và sự trợ giúp để thắng vượt sự nghèo nàn nơi cuộc sống mình. Trong việc quay về “Đấng Khác”, hướng mình “vượt ra bên kia”, chứa đựng bản chất của cầu nguyện như một kinh nghiệm về một thực tại vượt trên những gì ngẫu nhiên và có thể cảm giác được.
Tuy nhiên, chỉ trong Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình, mà việc tìm kiếm của con người mới được thực hiện cách trọn vẹn. Lời cầu nguyện mở lòng ra và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, như thế trở thành tương quan cá nhân với Người. Và ngay cả khi con người có quên Đấng Tạo Hóa của mình đi chăng nữa, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi con người trước để gặp gỡ Người cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện.
Như Sách Giáo lý khẳng định rằng: “Trong việc cầu nguyện, Thiên Chúa trung tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa tự mặc khải và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì việc cầu nguyện được xuất hiện như một lời kêu gọi hỗ tương, một tiến trình giao ước. Qua lời nói và hành động, tiến trình này thu hút được sự chú ý của trái tim. Tiến trình này đã được diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ”[5].
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học cách ở lại lâu giờ hơn trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy học biết nhận ra trong sự thinh lặng, và trong tận sâu thẳm cõi lòng mình, tiếng nói của Đấng kêu gọi và dẫn đưa chúng ta trở lại tận những nơi sâu thẳm của cuộc sống chúng ta, tới suối nguồn sự sống, tới nguồn ơn cứu độ, để giúp chúng ta vượt thắng những giới hạn của mình, và mở lòng ra cho chiều kích của Thiên Chúa, cho tương quan với Đấng là Tình Yêu Vô Biên (Infinite Love)[6].
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
[1] Trào lưu Ánh Sáng (Enlightenment), một trào lưu tư tưởng của Âu châu thế kỷ XVIII, chủ trương rằng chân lý chỉ có thể đạt được nhờ ánh sáng của lý trí. Quan điểm này nhằm loại bỏ đức tin và mặc khải, vì cho rằng điều đó phản với khoa học - ND.
[2] Catechism of the Catholic Church, n. 2566.
[3] Ibid., n. 27.
[4] The Second Vatican Council, Declaration Nostra Aetate, n. 1.
[5] Catechism of the Catholic Church, n. 2567.
[6] Pope Benedict XVI, General Audience, May 11, 2011.
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông