Giáo Hội và Internet
GIÁO HỘI VÀ INTERNET
HỘI ÐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Nội Dung
I. Dẫn Nhập
II. Cơ hội và Thách Ðố
III. Những đề nghị và kết luận
I. DẪN NHẬP
1. Quan tâm của Giáo Hội đối với Internet là một thể hiện cụ thể của mối quan tâm đã có từ lâu của Giáo Hội đối với các phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi xem các phương tiện truyền thông như là một thành quả của tiến trình khoa học lịch sử theo đó con người “tiến xa hơn nữa trong việc khám phá những tài nguyên và những giá trị chứa đựng trong toàn thể kỳ công sáng tạo” [1], Giáo Hội thường tuyên bố niềm xác tín của mình, theo cách nói của Công Ðồng Vatican II, rằng chúng là “những sáng tạo kỹ thuật diệu kỳ” [2] đã đáp ứng rất nhiều những nhu cầu của con người và ngay cả có thể còn làm hơn thế nữa.
Chính vì thế, Giáo Hội đã chọn bước tiến về cơ bản là tích cực đối với các phương tiện truyền thông. [3] Ngay cả khi lên án những lạm dụng nghiêm trọng, những tài liệu của Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội đã liên tục cố gắng làm rõ rằng “một thái độ kiểm duyệt đơn giản về phần Giáo Hội … vừa không đầy đủ mà lại còn là không thích hợp”[4].
Khi trích dẫn lời của Ðức Giáo Hoàng Piô thứ XII trong thông điệp Miranda Prorsus năm 1957, Chỉ Dẫn Mục Vụ Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Communio et Progressio, được xuất bản năm 1971, đã nhấn mạnh điểm này: “Giáo Hội xem các phương tiện truyền thông này là ‘quà tặng của Thiên Chúa’ mà, theo dự định quan phòng của Ngài, hiệp nhất nhân loại trong tình huynh đệ và như thế giúp họ hợp tác với kế hoạch của Ngài cho ơn cứu độ của họ”.[5] Ðiều này cũng là quan điểm của chúng tôi, và đó là quan điểm chúng tôi chọn đối với Internet.
2. Theo hiểu biết của Giáo Hội, lịch sử của truyền thông nhân loại giống như một cuộc hành trình dài, đem nhân loại “từ dự án tháp Babel lèo lái bởi lòng kiêu ngạo và sự sụp đổ trong hoang mang và không thể hiểu biết lẫn nhau do dự án này gây ra (xem. Gen 11:1-9), đến Ngày Lễ Ngũ Tuần và ơn nói nhiều tiếng lạ: một sự phục hồi truyền thông, lấy Ðức Giêsu làm trung tâm điểm, qua các tác động của Chúa Thánh Thần”.[6] Trong sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Ðức Kitô “truyền thông giữa con người tìm thấy lý tưởng cao nhất của nó và tìm thấy gương tối cao nơi Thiên Chúa đấng đã trở nên con người và nên anh em với nhân loại”.[7]
Những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại là những yếu tố văn hóa đóng một vai trò trong câu chuyện này. Như Công Ðồng Vatican II nhận xét: “mặc dù chúng ta cần phải cẩn thận phân biệt một cách rõ ràng tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng của vương quốc Chúa Kitô”, “tiến bộ này nằm trong mối quan tâm thiết yếu của Nước Chúa vì nó có thể đóng góp vào việc sắp đặt tốt hơn trật tự trong xã hội loài người “.[8] Trong khi đánh giá các phương tiện truyền thông xã hội dưới ánh sáng này, chúng ta thấy rằng chúng “đóng góp lớn lao cho sự lớn mạnh và sự phong phú trí tuệ con người và cho sự truyền bá và củng cố Nước Chúa”.[9]
Ngày nay, điều này áp dụng cách đặc biệt cho Internet, là phương tiện truyền thông đang giúp đem lại những thay đổi có tính cách mạng trong thương mại, giáo dục, chính trị, báo chí, quan hệ giữa các dân tộc và giữa các nền văn hóa – những thay đổi không chỉ trong cách thế con người giao tiếp với nhau nhưng cả trong cách thế họ hiểu biết cuộc sống. Trong một tài liệu đính kèm, Ðạo Ðức trong Internet, chúng ta bàn thảo những vấn đề này trong chiều kích đạo đức. [10] Ở đây, chúng ta xem xét những hệ quả của Internet đối với tôn giáo và đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo.
3. Giáo Hội có một mục tiêu gồm hai mặt liên quan đến các phương tiện truyền thông. Một mặt là thúc đẩy sự phát triển đúng đắn và sự sử dụng thích đáng các phương tiện truyền thông vì lợi ích của sự phát triển nhân loại, công lý và hòa bình – cho sự thăng tiến của xã hội ở cấp địa phương, quốc gia và các cấp cộng đồng dưới ánh sáng của lợi ích chung và trong một tinh thần liên đới. Khi xem xét tầm quan trọng lớn lao của truyền thông xã hội, Giáo Hội tìm kiếm “một sự đối thoại thành thật và tôn trọng với những ai chịu trách nhiệm trong ngành truyền thông xã hội” – một sự đối thoại liên quan chủ yếu đến sự hình thành chính sách của các phương tiện truyền thông. [11] Về phía Giáo Hội, sự đối thoại này liên quan đến những nỗ lực nhằm hiểu biết phương tiện truyền thông – mục đích của chúng, các trình tự, các hình thái và chủng loại, các cấu trúc nội tại và các phương thức – và để đưa ra sự hỗ trợ và khích lệ với những ai liên quan đến các hoạt động truyền thông. Trên căn bản của sự hiểu biết và ủng hộ thiện cảm này, có thể đưa ra những đề nghị có ý nghĩa cho việc tháo bỏ những cản trở cho tiến bộ nhân loại và cho việc công bố Tin Mừng. [12]
Nhưng quan tâm của Giáo Hội còn liên quan đến việc truyền thông trong và bởi chính Giáo Hội. Loại truyền thông này vượt xa sự áp dụng kỹ thuật, vì nó “tìm thấy điểm xuất phát trong sự hiệp thông yêu thương giữa các Ngôi Vị Chí Thánh và việc truyền thông giữa các Ngài với chúng ta”, và trong nhận thức rằng truyền thông của Ba Ngôi “đến với loài người: Ngôi Con là Lời, được ‘nói’ muôn đời bởi Chúa Cha; trong và qua Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Con và Lời đã hoá thành nhục thể, Thiên Chúa truyền thông chính Ngài và ơn cứu độ của Ngài cho người nữ, người nam”. [13]
Thiên Chúa tiếp tục truyền thông với nhân loại qua Giáo Hội, người mang lấy và gìn giữ mạc khải của Ngài, người duy nhất với chức trách dạy dỗ đã được ủy thác nhiệm vụ diễn giải trung thực lời Ngài.[14] Hơn thế nữa, chính Giáo Hội là một communio, một sự hiệp thông của cá nhân và các cộng đoàn thánh thể do bởi và phản ảnh sự hiệp thông của Ba Ngôi; 15 truyền thông do đó là đặc trưng của Giáo Hội. Ðiều này, trên tất cả mọi lý do khác, là lý do tại sao “việc thực hành truyền thông của Giáo Hội phải là gương mẫu, phản ảmh các tiêu chuẩn cao nhất của sự đúng đắn, khả tín, và nhậy cảm đối với nhân quyền, và các nguyên tắc cũng như các chuẩn mực khác”.[16]
4. Thông điệp Communio et Progressio cách đây ba thập niên đã chỉ ra rằng “các phương tiện truyền thông hiện đại đem lại những cách thế mới để đưa con người đối diện với thông điệp của Tin Mừng”.[17] Ðức Thánh Cha Phaolô VI nói rằng Giáo Hội “có lỗi trước mặt Chúa” nếu không sử dụng các phương tiện truyền thông cho việc truyền bá Tin Mừng. [18] Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi các phương tiện truyền thông là “Areopagus [trên đồi Ares nơi đặt toà án tối cao của người Athens thờ xa xưa – chú thích của người dịch] đầu tiên của thời hiện đại”, và tuyên bố rằng “Sử dụng các phương tiện truyền thông chỉ để loan truyền thông điệp Kitô Giáo và huấn giáo chân thật của Giáo Hội là chưa đủ. Cần phải hội nhập thông điệp này trong ‘nền văn hóa mới’ đã được hình thành bởi truyền thông hiện đại”.[19] Ngày nay, sự thực hiện điều này còn quan trọng hơn thế nữa vì bên cạnh việc các phương tiện truyền thông ngày nay ảnh hưởng mạnh mẽ đến điều mà người ta nghĩ về cuộc sống, còn có một cấp độ lớn hơn “con người cảm nhận chính nó trong cảm nhận của các phương tiện truyền thông”.[20]
Tất cả điều này áp dụng cho Internet. Và cho dù thế giới truyền thông “đôi khi tỏ ra ác cảm với thông điệp Kitô Giáo, nó cũng đem lại những cơ hội độc nhất cho việc công bố Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô cho toàn thể nhân loại. Hãy xem …những khả năng tích cực của Internet nhằm chuyển tải những thông tin tôn giáo và giáo huấn vượt mọi rào cản và biên giới. Một số thính giả rộng lớn như vậy vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta…Người Công Giáo không nên sợ mở rộng cửa truyền thông xã hội ra cho Chúa Kitô, để Tin Mừng của Ngài có thể được nghe từ trên những mái nhà của thế giới”.[21]
II. CƠ HỘI VÀ THÁCH ÐỐ
5. “Truyền thông trong và bởi Giáo Hội về bản chất là những truyền thông về Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô. Ðó là việc công bố Tin Mừng như một lời có tính tiên tri và giải thoát cho những người nam, người nữ trong thời đại chúng ta; đó là lời chứng cho sự thật thánh thiện và cho phẩm giá cao trọng của con người trước sự tục hóa tận gốc; đó là chứng tá được đưa ra trong tình liên đới với tất cả những tín hữu, chống lại sự tranh chấp và chia rẽ để minh chứng cho công lý và sự hiệp thông giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa”.[22]
Do việc công bố Tin Mừng cho con người sống trong một nền văn hóa truyền thông đòi hỏi sự suy xét thận trọng những đặc tính của chính các phương tiện truyền thông, Giáo Hội ngày nay cần hiểu về Internet. Ðiều này là cần thiết để giao tiếp hiệu quả với con người – đặc biệt với những người trẻ – những người đang chìm ngập trong kỹ thuật này; và cũng để Giáo Hội thể dùng nó tốt hơn.
Các phương tiện truyền thông đem đến những lợi ích quan trọng và những thuận lợi từ góc độ tôn giáo: “Chúng chuyển tải tin tức và thông tin về các biến cố tôn giáo, các ý tưởng, và các nhân cách; chúng được dùng như phương tiện truyền bá Tin Mừng và giáo lý. Ngày qua ngày, chúng đem đến sự linh hứng, khích lệ và những cơ hội cho những cá nhân bị bó gối trong nhà hay trong những cơ sở”.23 Nhưng trỗi vượt trên tất cả các phương tiện truyền thông, Internet đem lại những ích lợi rất đặc biệt. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng – những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.
Internet có liên quan đến nhiều hoạt động và chương trình của Giáo Hội – phúc âm hóa, bao gồm cả tái phúc âm hóa và tân phúc âm hóa và những hoạt động truyền giáo truyền thống, giáo lý và các hình thức giáo dục khác, tin tức và thông tin, hộ giáo (apologetics), chăn dắt và quản trị, và các hình thức tư vấn mục vụ và khải đạo tâm linh. Mặc dù thực tại ảo (virtual reality) của không gian điện toán (cyberspace) không thể thay thế cho cộng đoàn giao tiếp cá nhân thực sự, cho sự hiện diện của Chúa trong các phép bí tích và trong phụng vụ, hay cho sự công bố tức khắc và trực tiếp Tin Mừng, nó vẫn có thể bổ sung, lôi kéo người ta đến một kinh nghiệm đầy đủ hơn của cuộc sống đức tin và làm phong phú đời sống đạo của những người dùng nó. Nó cũng đem đến cho Giáo Hội một phương tiện để truyền thông cho những nhóm cụ thể – những người trẻ và những người mới thành niên, những người già và những người bị bó gối trong nhà, những người sống ở các miền xa xôi, các thành viên của các thực thể tôn giáo khác – những người mà nếu không có Internet rất khó có thể tiếp cận.
Một con số ngày càng đông đảo những giáo xứ, những địa phận, những dòng tu và các cơ quan có liên hệ với Giáo Hội, các chương trình, và các tổ chức đủ loại đang tận dụng Internet cho những mục đích nêu trên và những mục đích khác nữa. Những đề án sáng tạo do Giáo Hội bảo trợ đang hiện diện tại nhiều nơi ở cấp quốc gia và khu vực. Tòa Thánh đã rất tích cực trong lãnh vực này và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sự hiện diện của mình trên Internet. Các nhóm có liên quan với Giáo Hội mà chưa bước vào không gian điện toán được khuyến khích hãy xem xét khả năng thực hiện điều này trong thời gian ngắn. Chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích sự trao đổi ý tưởng và thông tin về Internet giữa những ai có kinh nghiệm trong lãnh vực này với những người mới làm quen.
6. Giáo Hội cũng cần phải hiểu và dùng Internet như là một phương tiện truyền thông nội bộ. Ðiều này đòi hỏi chúng ta giữ một nhận thức rõ ràng về đặc tính của Internet như một phương tiện truyền thông trực tiếp, tức thời, giao tiếp (interactive) và dự phần (participatory). Sự giao tiếp hai chiều của Internet đang làm mờ đi sự phân biệt cổ điển giữa những người truyền thông và những người nhận được truyền thông,24 và tạo ra một tình trạng theo đó, mọi người, ít nhất là về triển vọng, có thể đóng cả hai vai trò. Ðây không phải là loại truyền thông một chiều, rót từ trên xuống như trong quá khứ. Khi ngày càng nhiều người trở nên quen thuộc với đặc điểm này của Internet trong các lãnh vực khác của đời sống, họ cũng có thể được mong đợi tìm kiếm điều này trong lãnh vực tôn giáo và Giáo Hội.
Kỹ thuật này là mới, nhưng ý tưởng thì không mới. Công Ðồng Vatican II nói rằng các thành viên của Giáo Hội cần giãi bày cho các mục tử của họ “những nhu cầu và ước muốn với sự tự do và tự tin thích hợp của con cái Chúa và anh em của Ðức Kitô”; thật vậy, theo hiểu biết, khả năng hay vị trí, người tín hữu không những có thể mà đôi khi có trách nhiệm phải phát biểu ý kiến về những vấn đề liên hệ đến lợi ích của Giáo Hội”.25 Communio et Progressio nhận xét rằng như một “thân thể sống động” Giáo Hội “cần ý kiến của công chúng để nuôi dưỡng việc cho và nhận giữa các thành viên”.26 Mặc dù những sự thật đức tin “không cho phép những diễn giải tùy tiện”, chỉ dẫn mục vụ này ghi nhận “một lãnh vực to lớn nơi các thành viên của Giáo Hội có thể bày tỏ quan điểm của họ”.27
Những ý tưởng tương tự như thế cũng được nêu ra trong Giáo Luật 28 cũng như trong các tài liệu gần đây của Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội.29 Aetatis Novae gọi truyền thông hai chiều và ý kiến công chúng là “một trong những cách thế nhận thức một cách cụ thể tính cách của Giáo Hội như communio”30 Văn kiện Ðạo Ðức Trong Truyền Thông cho biết: “Một dòng chảy thông tin và quan điểm hai chiều giữa các mục tử và giáo dân, sự tự do phát biểu nhạy cảm với sự hưng thịnh của cộng đoàn và vai trò của Huấn Quyền trong việc nuôi dưỡng nó, và những ý kiến công chúng có trách nhiệm, tất cả là những biểu hiện quan trọng của ‘quyền căn bản về đối thoại và thông tin bên trong Giáo Hội'”31 Internet đem đến một phương tiện kỹ thuật hiệu quả để hiện thực hóa viễn kiến này.
Do đó, đây là một khí cụ có thể dùng một cách sáng tạo cho nhiều khía cạnh của quản trị và chăn dắt. Cùng với việc mở ra những kênh cho việc phát biểu ý kiến công khai, chúng ta có trong đầu những thứ này như là những chuyên viên về cố vấn, chuẩn bị cho những buổi hội họp, và thực hành sự hợp tác trong và giữa các giáo xứ, và các cơ quan tôn giáo trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
7. Giáo dục và huấn luyện là một lãnh vực khác nữa của cơ hội và nhu cầu. “Ngày nay mọi người đều cần một số dạng thức học tiếp về truyền thông xã hội qua việc tự học hay tham gia vào một chương trình có tổ chức hoặc cả hai. Không chỉ dạy về kỹ thuật, giáo dục truyền thông giúp con người hình thành những tiêu chuẩn về sở thích và sự phán đoán luân lý theo sự thật, một khía cạnh của sự hình thành lương tâm. Qua các trường học và các chương trình đào tạo, Giáo Hội nên cung cấp giáo dân truyền thông loại này”. 32
Giáo dục và đào tạo về Internet cần phải là một phần của những chương trình hoàn chỉnh về giáo dục truyền thông dành cho mọi thành phần của Giáo Hội. Hoạch định mục vụ dành cho truyền thông xã hội cần phải dành đến mức có thể được cho việc cung cấp sự huấn luyện này trong quy trình đào tạo chủng sinh, linh mục, tu sĩ và các giáo dân tham gia việc mục vụ, cũng như các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và học sinh.33
Các người trẻ đặc biệt cần được dạy “không phải chỉ để trở nên người Kitô hữu tốt khi họ là những người tiếp nhận truyền thông nhưng còn phải nên tích cực trong việc sử dụng tất cả các trợ giúp truyền thông nằm trong các phương tiện truyền thông đại chúng…Nhờ thế, những người trẻ sẽ là những công dân thực sự của thời đại truyền thông xã hội đã bắt đầu”34 – một thời đại trong đó truyền thông đại chúng được xem như “một phần của một nền văn hóa đang mở ra mà những hệ quả đầy đủ vẫn chưa được hiểu hoàn toàn”35 Giảng dạy về Internet và kỹ thuật mới do đó liên quan nhiều hơn là giảng dạy về mặt kỹ thuật; thanh niên cần học biết cách hành xử tốt trong không gian điện toán, đưa ra những phán đoán sắc bén theo những tiêu chuẩn luân lý lành mạnh về những gì họ thấy trong không gian này, và sử dụng kỹ thuật mới cho sự phát triển tổng thể và cho lợi ích của tha nhân.
8. Internet cũng đưa ra nhiều vấn nạn đặc biệt cho Giáo Hội, được bàn thảo đại cương trong văn kiện Ðạo Ðức và Internet, là văn kiện đi kèm với văn kiện này.36 Trong khi nhấn mạnh đến điều tích cực về Internet, điều quan trọng là cần phải rõ ràng về điều gì không tích cực.
Ở một mức rất sâu, “thế giới truyền thông có thể đôi khi thờ ơ hay ngay cả thù địch với đức tin và luân lý Kitô Giáo. Ðiều này một phần do bởi văn hóa truyền thông tiêm nhiễm quá đậm một ý tưởng tiêu biểu của thời hậu hiện đại theo đó sự thật duy nhất tuyệt đối là không có sự thật tuyệt đối hay, nếu có những sự thật như thế, thì chúng không thể tiếp cận với lý trí nhân loại và do đó là không có liên quan”37
Trong những vấn nạn đặc thù do Internet đưa ra phải kể đến sự có mặt của những trạm thông tin (site) thù địch dành riêng cho việc hạ nhục và tấn công các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Một số trong những trạm thông tin này tấn công vào Giáo Hội Công Giáo. Cũng như hiện tượng tài liệu khiêu dâm và kích động bạo lực trong truyền thông xã hội, các trạm thông tin thù địch trên Internet là “những phản ảnh của mặt trái tối tăm của một bản tính nhân loại bị hủy hoại bởi tội lỗi”38 Và trong khi sự tôn trọng quyền tự do phát biểu có thể đòi hỏi khoan dung ngay cả với những tiếng nói hận thù đến một mức độ nào đó, sự tự điều chỉnh trong kỹ nghệ truyền thông và, nếu cần, sự can thiệp của nhà chức trách – cần được thiết lập và đề ra những giới hạn hợp lý cho những gì có thể được phát biểu.
Sự lan tràn của những trạm thông tin tự xưng là Công Giáo cũng tạo ra một vấn đề thuộc dạng khác. Như chúng ta đã nói, các nhóm liên hệ đến Giáo Hội nên hiện diện cách sáng tạo trên Internet; các cá nhân và các nhóm không chính thức có động cơ tốt và được thông tin đầy đủ, hoạt động theo sáng kiến của riêng họ cũng nên có mặt trên Internet. Nhưng quả là lúng túng, tối thiểu phải nói như thế, khi cần phân biệt giữa những diễn giải của những giáo lý chuyên biệt, những thực hành đạo đức cá nhân, những tranh luận về ý thức hệ mang nhãn hiệu Công Giáo với những lập trường chân thật của Giáo Hội. Chúng tôi đề nghị một giải pháp cho vấn nạn này trong phần dưới đây.
9. Những vấn đề nhất định khác cũng đòi hỏi nhiều suy tư. Khi xem xét những vấn đề này, chúng tôi khích lệ việc tìm kiếm và nghiên cứu tiếp tục, bao gồm cả “sự phát triển của một ngành nhân loại học và thần học về truyền thông”39, với quy chiếu đặc biệt đến Internet. Cùng với việc nghiên cứu và tìm kiếm, cố nhiên, việc hoạch định mục vụ tích cực cho việc dùng Internet có thể và cần phải xúc tiến.40
Một lãnh vực nghiên cứu liên quan đến đề xuất cho rằng những lựa chọn quá phong phú những sản phẩm tiêu thụ và những dịch vụ trên Internet có thể có một tác động lây lan trên phương diện tôn giáo và kích thích một giải pháp “tiêu dùng” cho những vấn đề thuộc đức tin. Những dữ liệu thống kê cho thấy một số người ghé thăm các trạm thông tin tôn giáo hành xử như đang đi mua sắm, lựa chọn những thành phần của những gói hàng tôn giáo được cắt xén theo sở thích. “Khuynh hướng về phía những người Công Giáo muốn chọn lọc trong sự trung thành” với các giáo huấn Giáo Hội là một vấn nạn đã được nhìn nhận trong những bối cảnh khác;41 nhiều thông tin liên quan đến vấn đề liệu rằng Internet có làm xấu thêm vấn nạn này không và đến mức độ nào là rất cần thiết.
Tương tự, như đã lưu ý ở trên, thực tại ảo của không gian điện toán có một số hệ quả gây ra lo lắng cho tôn giáo cũng như cho các lãnh vực khác của đời sống. Thực tại ảo không thể thay thế cho sự Hiện Diện Thật Sự của Ðức Kitô trong Thánh Thể, cho thực tại bí tích của các bí tích khác, và cho việc chia sẻ thờ phượng trong một cộng đoàn nhân loại máu thịt. Không có bí tích nào trên Internet cả; và cả những cảm nghiệm tôn giáo, có thể xảy ra ở đó nhờ hồng ân của Thiên Chúa, cũng không đủ để tách biệt khỏi sự giao tiếp trong thế giới thực với những anh chị em cùng đức tin. Ðây là một khía cạnh khác của Internet đòi hỏi nghiên cứu và suy tư. Ðồng thời, hoạch định mục vụ cần xem xét cách thế dẫn dắt con người từ không gian điện toán đến cộng đoàn đích thực và cách thế, qua giảng dạy và giáo lý, Internet có thể được dùng để nuôi dưỡng và làm phong phú họ trong cuộc sống Kitô Giáo.
III. NHỮNG ÐỀ NGHỊ VÀ KẾT LUẬN
10. Những tín hữu, cũng như những thành phần ưu tư của một số đông hơn những khán giả của Internet, những người có những quan tâm hợp pháp nhất định của riêng họ, mong muốn dự phần vào tiến trình dẫn dắt sự hình thành tương lai của phương tiện truyền thông mới này. Cũng cần phải nói là điều này đôi khi đòi hỏi họ phải điều chỉnh lại cho thích ứng lề lối tư duy và thực hành của họ.
Một điều quan trọng nữa là mọi người ở mọi cấp của Giáo Hội cần dùng Internet cách sáng tạo để chu toàn bổn phận của họ và giúp Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình. Lui lại một cách nhút nhát vì sợ kỹ thuật hay vì lý do khác là không thể chấp nhận, khi tính đến những khả năng rất tích cực của Internet. “Những phương pháp đem lại tiện nghi truyền thông và đối thoại giữa các thành phần của Giáo Hội có thể củng cố những mối dây hiệp nhất giữa họ. Việc tiếp cận tức khắc với thông tin giúp Giáo Hội có thể đào sâu thêm đối thoại với thế giới đương đại? Giáo Hội có thể sẵn sàng hơn để cho thế giới biết về niềm tin của mình và giải thích những lý do cho lập trường của mình về bất cứ vấn đề và biến cố nào. Giáo Hội có thể nghe rõ ràng hơn tiếng nói của ý kiến công chúng, và bước vào một cuộc tranh luận liên tục với thế giới quanh mình, và như thế dấn thân trực tiếp hơn trong nỗ lực tìm kiếm chung những giải pháp cho rất nhiều những vấn đề căng thẳng của nhân loại”.42
11. Do đó, để kết luận những suy tư này, chúng tôi đưa ra những lời khích lệ cho những nhóm đặc biệt – những nhà lãnh đạo Giáo Hội, các vị mục tử, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và đặc biệt cho những người trẻ.
Với những nhà lãnh đạo Giáo Hội: Những đấng bậc trong cương vị lãnh đạo trong mọi lãnh vực của Giáo Hội cần hiểu biết về các phương tiện truyền thông đại chúng, áp dụng những hiểu biết này trong việc hình thành các kế hoạch mục vụ cho truyền thông xã hội 43 cùng với những chính sách cụ thể và những chương trình trong lãnh vực này, và sử dụng thích hợp các phương tiện truyền thông. Khi cần thiết, chính các vị cũng nên học tập về truyền thông; thật ra, “Giáo Hội sẽ được phục vụ tốt hơn nếu có nhiều vị đang giữ các chức vụ và thi hành các chức năng nhân danh Giáo Hội nhận được những huấn luyện về truyền thông”.44
Ðiều này áp dụng cho Internet cũng như cho các phương tiện truyền thông cổ điển. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội buộc phải dùng “hết các tiềm năng của thời đại điện toán để phục vụ con người và những ơn gọi cao trọng của mỗi người, và do đó làm vinh danh Chúa Cha, đấng xuất phát mọi điều thiện hảo”45 Họ phải sử dụng kỹ thuật nổi bật này trong nhiều khía cạnh của sứ vụ Giáo Hội, trong khi cũng tìm kiếm những cơ hội cho sự hợp tác đại kết và liên tôn trong việc sử dụng nó.
Một khía cạnh đặc biệt của Internet, như chúng ta đã thấy, liên quan đến sự lan tràn đôi khi rất dễ gây hoang mang của các trạm thông tin mang danh “Công Giáo”. Một hệ thống cầu chứng tự nguyện (voluntary certification) ở các cấp địa phương và quốc gia có thể có ích khi liên quan đến những tài liệu có tính chất tín lý hay giáo lý. Ý tưởng ở đây không phải là vấn đề kiểm duyệt nhưng là để cung cấp cho những người dùng Internet một chỉ dẫn khả tín về điều được cho là lập trường chân thực của Giáo Hội.
Với những mục tử: Linh mục, phó tế, tu sĩ và những giáo dân làm việc mục vụ cần phải được huấn luyện về truyền thông để tăng cường hiểu biết của họ về hệ quả của truyền thông xã hội đối với cá nhân và xã hội; và giúp họ đạt được một cách thế truyền thông làm rung động lòng người và gây thu hút nơi con người trong một nền văn hóa truyền thông. Ngày nay, điều này rõ ràng bao gồm việc huấn luyện về Internet, kể cả việc làm sao dùng nó trong công việc của họ. Họ cũng được lợi từ những trạm thông tin cung cấp cập nhật về thần học và các gợi ý mục vụ.
Với những nhân sự trong Giáo Hội trực tiếp liên quan đến truyền thông xã hội, điều chắc chắn khỏi cần phải nói là họ cần phải được đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng họ cũng cần được đào tạo về tín lý và tâm linh, bởi vì “để làm chứng tá cho Ðức Kitô, cần thiết là chính ta phải gặp gỡ Ngài và nuôi dưỡng một mối liên hệ cá nhân với Ngài qua cầu nguyện, Thánh Thể và bí tích hòa giải, đọc và suy niệm Lời Chúa, học hỏi tín lý Kitô Giáo, và phục vụ tha nhân”.46
Với những nhà giáo dục và các giáo lý viên: Chỉ Thị Mục Vụ Communio et Progressio đã nói về “bổn phận cần kíp” của trường Công Giáo để huấn luyện những nhà truyền thông và những người tiếp nhận truyền thông xã hội trong mối liên hệ với những nguyên tắc của Kitô Giáo. 47 Thông điệp tương tự đã được lặp lại nhiều lần. Trong thời đại của Internet, với tầm vươn tới và hệ quả to lớn của nó, nhu cầu này còn cấp bách hơn bao giờ.
Các trường đại học, các học viện, các trường học, và các chương trình giáo dục ở mọi cấp phải cung cấp những khóa học cho những nhóm khác nhau – “các chủng sinh, các linh mục, các sư huynh và các nữ tu, các nhà lãnh đạo giáo dân ? các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và học sinh”48 – cũng như khóa học cao hơn về kỹ thuật truyền thông, quản lý, đạo đức, và chính sách cho những cá nhân đang chuẩn bị cho công việc truyền thông xã hội chuyên nghiệp hay cho những vai trò đưa ra quyết định, bao gồm cả những người làm việc trong ngành truyền thông cho Giáo Hội. Xa hơn nữa, chúng tôi đưa ra những vấn đề và những khúc mắc nêu trên với những học giả và những nhà nghiên cứu thuộc những ngành có liên quan trong các cơ sở Công Giáo chuyên môn.
Với các bậc cha mẹ: Vì lợi ích của con cái họ, cũng như của chính họ, các bậc cha mẹ cần phải “học và thực hành những năng khiếu của những người xem, nghe và đọc một cách nhạy bén, hành xử như những mẫu gương về sự sử dụng thận trọng các phương tiện truyền thông xã hội tại gia”49 Về phương diện Internet, trẻ em và thanh niên thường tỏ ra quen thuộc hơn là cha mẹ chúng, nhưng cha mẹ vẫn phải hướng dẫn và giám sát con cái họ trong việc sử dụng Internet.50 Nếu điều này có nghĩa là họ phải học hỏi thêm về Internet, thì đó cũng là điều đáng làm.
Việc giám sát của cha mẹ phải bao gồm cả việc phải bảo đảm rằng kỹ thuật lọc (filtering technology) được dùng trong những máy điện toán dành cho con cái khi điều kiện tài chính và kỹ thuật cho phép, ngõ hầu bảo vệ con trẻ tối đa có thể được khỏi những tài liệu khiêu dâm, những kẻ săn tìm tính dục, và những đe dọa khác. Tiếp cận với Internet mà không có giám sát là điều không thể cho phép. Cha mẹ và con cái cần đối thoại với nhau về những điều đã thấy và đã kinh qua trong không gian điện toán; chia sẻ với những gia đình khác có cùng những giá trị và cùng những mối ưu tư sẽ rất là hữu ích. Bổn phận căn bản của cha mẹ ở đây là giúp con cái trở nên những người sử dụng biết phân định và có trách nhiệm, và không là những kẻ nghiện Internet đến nỗi lơ là những tiếp xúc với chúng bạn và cả với thiên nhiên.
Ðối với trẻ em và các bạn trẻ: Internet là cánh cửa mở ra một thế giới ồn ào náo nhiệt với ảnh hưởng định hình mạnh mẽ; nhưng không phải mọi thứ ở đàng sau cánh cửa là an toàn, lành mạnh và trung thực. “Việc đào tạo liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội cần được mở ra cho trẻ em và thanh niên nhằm chống lại con đường dễ dàng của sự tuân theo mà không biết phê phán, chống lại áp lực bạn bè và khai thác thương mại”51. Người trẻ có bổn phận với chính họ – và với cha mẹ, gia đình và bạn bè, các vị mục tử và thầy cô giáo, và trên hết là với Thiên Chúa – phải dùng Internet một cách lành mạnh.
Internet đặt trong tầm với của thanh niên ở vào tuổi rất sớm một khả năng bao la để làm điều tốt cũng như để gây hại, cho chính họ và cho người khác. Nó có thể làm phong phú đời sống họ vượt xa những mơ ước của các thế hệ đi trước và đến lượt lại cho họ khả năng để làm phong phú đời sống của những người khác. Internet cũng có thể nhận chìm họ trong chủ nghĩa tiêu thụ, hoang tưởng dâm đãng và bạo lực, và cô lập về tâm lý.
Thanh niên, như thường được đề cập đến, là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Việc sử dụng lành mạnh Internet có thể giúp chuẩn bị cho họ gánh vác trách nhiệm với xã hội và Giáo Hội. Nhưng điều này không tự động xảy đến. Internet không chỉ đơn giản là một phương tiện truyền thông dành cho vui chơi giải trí và mua sắm. Nó là dụng cụ để hoàn thành công việc hữu ích, và thanh niên phải học để xem và dùng nó như thế. Trong không gian điện toán, tối thiểu giống như ở những hoàn cảnh khác, họ có thể được kêu gọi để đi ngược lại với trào lưu, chống lại xu hướng văn hóa, ngay cả chịu bắt bớ vì lẽ công chính.
12. Ðối với những người thiện chí: Cuối cùng, chúng tôi đề nghị một số đức tính cần rèn luyện với những ai muốn dùng tốt Internet; việc thực hành các đức tính này cần phải dựa trên và hướng dẫn bởi một sự đánh giá thực tiễn nội dung.
Sự thận trọng là cần thiết để thấy rõ những hệ quả – tiềm năng dẫn đến sự thiện và sự dữ – trong phương tiện truyền thông này và để đáp trả cách sáng tạo với những cơ hội và thách đố của nó.
Công lý là cần thiết, đặc biệt công lý trong nỗ lực đóng lại khoảng cách điện số (digital divide) – khoảng cách giữa kẻ giàu thông tin và kẻ nghèo thông tin trong thế giới ngày nay.52 Ðiều này đòi hỏi một cam kết cho lợi ích chung của quốc tế không thua gì “sự toàn cầu hóa tình liên đới”53
Dũng cảm là cần thiết. Ðiều này có nghĩa là đứng dậy cho sự thật khi đối diện với chủ nghĩa tương đối hóa tôn giáo và luân lý, đứng dậy cho sự xả kỷ và quảng đại khi đối diện với chủ nghĩa tiêu dùng cá nhân, đứng dậy cho sự đứng đắn khi đối diện với dâm dục và tội lỗi.
Và tự chế là cần thiết – một giải pháp kỷ luật tự giác cho khí cụ kỹ thuật phi thường này, Internet, cũng như việc dùng nó khôn ngoan và chỉ dùng cho điều thiện.
Khi suy niệm về Internet, cũng như về tất cả các phương tiện truyền thông xã hội khác, chúng tôi nhắc nhớ rằng Ðức Kitô là “nhà truyền thông hoàn hảo” 54 – chuẩn mực và mẫu gương cho bước tiến truyền thông của Giáo Hội – cũng như là nội dung mà Giáo Hội có bổn phận phải truyền thông. “Xin cho những người Công Giáo liên quan đến thế giới truyền thông rao giảng sự thật về Ðức Giêsu mạnh dạn hơn bao giờ từ trên những mái nhà, sao cho mọi người nam nữ có thể nghe về tình yêu là tâm điểm của chính truyền thông Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô, hôm qua, cũng như hôm nay và mãi mãi” 55
Thành Vatican, Tháng 2 Ngày 22, Năm 2002, Lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ.
+ John P. Foley
Chủ tịch
+ Pierfranco Pastore
Thư ký
(1) John Paul II, encyclical letter Laborem Exercens, n. 25; cf. Vatican Council II, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, n. 34.
(2) Vatican Council II, Decree on the Means of Social Communication Inter Mirifica, n. 1.
(3) For example, Inter Mirifica; the Messages of Pope Paul VI and Pope John Paul II on the occasion of the World Communication Days; Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instruction Communio et Progressio, Pornography and Violence in the Communications Media: A Pastoral Response, Pastoral Instruction Aetatis Novae, Ethics in Advertising, Ethics in Communications.
(4) Pornography and Violence in the Communications Media, n. 30.
(5) Communio et Progressio, n. 2.
(6) John Paul II, Message for the 34th World Communications Day, June 4, 2000.
(7) Communio et Progressio, n. 10.
(8) Vatican Council II, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 39.
(9) Inter Mirifica, 2.
(10) Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Internet.
(11) Aetatis Novae, 8.
(12) Ibid.
(13) Ethics in Communications, n. 3.
(14) Cf. Vatican Council II, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, n. 10.
(15) Aetatis Novae, n. 10.
(16) Ethics in Communications, n. 26.
(17) Communio et Progressio, 128.
(18) Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi, n. 45.
(19) Encyclical Redemptoris Missio, n. 37.
(20) Aetatis Novae, n. 2.
(21) John Paul II, Message for the 35th World Communications Day, n. 3, May 27, 2001.
(22) Aetatis Novae, n. 9.
(23) Ethics in Communications, n. 11.
(24) Cf. Communio et Progressio, n. 15.
(25) Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, n. 37.
(26) Communio et Progressio, n. 116.
(27) Ibid., n. 117.
(28) Cf. Canon 212.2, 212.3.
(29) Cf. Aetatis Novae, n. 10; Ethics in Communications, n. 26.
(30) Aetatis Novae, n. 10.
(31) Ethics in Communications, n. 26.
(32) Ethics in Communications, n. 25.
(33) Aetatis Novae, n. 28.
(34) Communio et Progressio, n. 107.
(35) John Paul II, Message for the 24th World Communications Day, 1990.
(36) Cf. Ethics in Internet.
(37) John Paul II, Message for the 35th World Communications Day, n. 3.
(38) Pornography and Violence in the Communications Media, n. 7.
(39) Aetatis Novae, 8.
(40) Cf. John Paul II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte, n. 39.
(41) Cf. John Paul II, Address to the Bishops of the United States, n. 5, Los Angeles, September 16, 1987.
(42) John Paul II, Message for the 24th World Communications Day, 1990.
(43) Cf. Aetatis Novae, nn. 23-33.
(44) Ethics in Communications, n. 26.
(45) Message for the 24th World Communications Day.
(46) Message for the 34th World Communications Day, 2000.
(47) Communio et Progressio, n. 107.
(48) Aetatis Novae, n. 28.
(49) Ethics in Communications, n. 25.
(50) Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Familiaris Consortio, n. 76.
(51) Ethics in Communications, n. 25.
(52) Cf. Ethics in Internet, nn. 10, 17.
(53) John Paul II, Address to the UN Secretary General and to the Administrative Committee on Coordination of the United Nations, n. 2, April 7, 2000.
(54) Communio et Progressio, n. 11.
(55) Message for the 35th World Communications Day, n. 4.
Bản dịch Việt Ngữ của J.B Ðặng Minh An
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo