Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện
Hỏi: Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều không chú tâm lắm đến việc nhà chúa. Vậy con cần làm gì chứ mỗi lần con nghĩ như vậy con luôn bị chán nản. Cha nghĩ việc con đi lễ đọc kinh cầu nguyện lúc đó có lợi ích gì không ạ?
Trả lời:
Bạn mến,
Phạm tội về tư tưởng được hiểu theo nhiều nghĩa nhưng theo những gì bạn diễn giải thêm thì đó là tội chia trí khi đọc kinh dâng lễ. Trước hết chúng ta đi phân tích tại sao hay chia trí? Chúng ta biết con người khi làm cái gì quen rồi thì cơ thể đẩy nó vào vô thức, tức không cần ý thức nữa. Các kỹ năng đều là vô thức: đá bóng chẳng hạn, đá quen rồi thì không nghĩ nữa, thấy bóng là chân tự đưa ra và căn rất chuẩn. Đạp xe đạp cũng vậy, đạp quen rồi thì vừa đạp vừa lái vừa nhìn nhưng thực ra tất cả đều khá tự động, người đi xe vẫn có thể nghĩ về chuyện khác. Còn người mới đá bóng và mới đi xe thì rất chú ý.
Cũng vậy, chúng ta đi lễ và đọc kinh nhiều nên rất quen, quen nên vô thức làm thay cho chúng ta; mà vô thức làm thay thì đầu chúng ta rảnh, rảnh thì tự nhiên đầu chúng ta sẽ nghĩ về những gì chúng ta thích hay quan tâm. Ở đây, nếu bạn có ý hỏi về ‘hình ảnh xấu’ hiện ra thì cũng đúng. Vì những hình ảnh xấu thực ra rất đẹp vì nó thuộc vấn đề giới tính. Đẹp nên thu hút, và ký ức có nhiệm vụ ghi nhớ những gì gây ấn tượng, nên những hình ảnh xấu này được ghi rất đậm. Nên khi đầu óc rảnh rang trong lúc đọc kinh, còn lúc khác thì đầu óc bận làm việc, những hình ảnh đó hiện ra, hay những việc làm mình bận tâm cũng hiện ra trong đầu và mình miên man nghĩ về nó. Những người mới yêu nhau, họ thích nhau đến độ khi ở một mình làm việc, chân tay họ vẫn làm nhưng đầu họ nghĩ về người ấy và họ còn cười một mình… Vậy kết luận đầu tiên rằng đây là một tình trạng xảy ra cho mọi người, không riêng gì bạn. Thế nên bạn cứ an tâm.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là chia trí như vậy liệu việc đọc kinh dâng lễ có sinh lợi ích không? Ở đây có thể trả lời: thước đo sự thánh thiện và điều cốt yếu nhất trong việc đọc kinh dâng lễ là sự cố gắng. Vì thế, nếu bạn rất cố gắng để không chia trí mà vẫn chia trí, thì Chúa vẫn coi như bạn đã không chia trí. Còn nếu bạn không cố gắng mấy thì lợi ích ít hơn. Chúa nhìn tấm lòng. Đó chẳng phải là chia trí thánh thiện sao?
Bạn sẽ hỏi thêm, bạn phải cố gắng cách nào? Mỗi người có một cách, bạn cứ mày mò, và xem điều nào giúp thì giữ lại mà dùng. Tuy nhiên, một cách chung, có những cách sau. Về chuẩn bị xa, thì cố gắng giữ tâm hồn cho bình an, đừng để nghiện ngập điều gì, hay có ấn tượng mạnh với điều gì. Khi có nhiều đam mê tội lỗi, tâm hồn bất an, chúng ta dễ ‘loạn tâm’ và những hình ảnh kia đến quấy nhiễu. Tóm lại là gìn giữ năm giác quan, đừng ‘ghi những hình ảnh phù vân’.
Chuẩn bị gần, bạn có thể tập làm diễn viên theo nghĩa bạn đọc lời kinh với tất cả cảm xúc, bạn tưởng tượng bạn đại hiện cho cả thế giới này dâng Chúa lời kinh, và tin rằng dâng lên Chúa, Chúa sẽ nhận lời, vì thế bạn đặt hết tâm tình vào lời kinh. Khi dự lễ, bạn tin rằng cộng đoàn quy tụ để dâng Hy tế Chúa Giêsu lên Chúa Cha và cầu khẩn cho toàn thể nhân loại. Bạn tưởng tượng Chúa Cha ở trên phía cao nhà thờ, bạn cung kính thờ lạy và chú ý đến từng cử chỉ và lời thưa tiếng đáp. Tin rằng mỗi cử chỉ bạn làm thật chu đáo và sốt sắng sẽ sinh ích trong việc cứu linh hồn. Dù có chia trí thì lại trở về.
Một cách cụ thể hơn, trước khi đọc kinh dâng lễ cần chuẩn bị: Tự hỏi tôi sắp làm gì? Sắp gặp và thưa chuyện với Đấng nào? Việc tôi làm này sẽ mang lại lợi ích lớn lao biết chừng nào? và tôi thực sự tin vào những gì tôi sắp làm. Hãy nhớ đến ai đó cần cầu nguyện, các linh hồn, tội nhân…
Mặc dù cố gắng vậy nhưng vẫn chia trí thì sao. Có hai cách sau đây, chúng hơi trái nhau, bạn xem cách nào được thì dùng. Cách một, bạn thẳng tay với cám dỗ và chia trí, dứt khoát mạnh mẽ từ bỏ những mời mọc của nó, và nói, có chết cũng không thèm nghĩ về chúng. Một lòng theo Chúa mà thôi. Nghĩ như vậy xác thịt thế gian sẽ yếu đi. Chứ còn khi mình chống trả hời hợt thì xác thịt nó mạnh lắm.
Cách thứ hai mềm mại hơn: khi chia trí, mình ý thức rằng, à tôi đang nghĩ về điều này, chắc điều này quan trọng với mình lắm. Lát nữa về nhà sẽ nghĩ thêm về nó, còn giờ thì đọc kinh đã. Rồi nhẹ nhàng quay về. Và rồi lại chia trí tiếp, lại nhận ra và ghi nhận rồi lại nhẹ nhàng quay về. Tự nhủ rằng, chia trí là bình thường, tập trung mới khó, nhưng mình cứ cố gắng.
Không chỉ khi đọc kinh dâng lễ chúng ta mới phải trở lại mãi vì bị chia trí. Nhưng cả đời sống của chúng ta cũng vậy thôi: nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Chia trí thì cứ bắt đầu lại bạn nhé. Khi làm như vậy Chúa rất vui, vì chúng ta chấp nhận thân phận yếu hèn của mình: đọc kinh thôi cũng không cầm trí được! Nhưng tình yêu của chúng ta, đúng hơn là tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, sẽ khiến chúng ta bắt đầu lại mãi.
WHĐ (23/10/2024)
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 150 – Thánh lễ Chúa nhật
-
“Học mà vui, vui mà học” -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội -
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông