Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ

Hỏi: Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan đến tình yêu nam nữ, vợ chồng. Xin cha giải thích giúp ạ?

Trả lời:

Bạn nghe câu này chưa: “Tình yêu không thể bị ép buộc” (Boris Pasternak, 1890–1960). Câu này đúng cho cả đạo và đời. Nhưng trong Công giáo, sau một thời gian tìm hiểu và cùng nhau hạnh phúc trong tình yêu, thì đôi bạn đón nhận Bí tích Hôn phối. Theo cách nói thần học, Bí tích này là dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu sinh hoa kết quả giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1661). Theo đó, Bí tích này ban ơn cần thiết để vợ chồng nên thánh trong cuộc sống hôn nhân và trong việc đón nhận và giáo dục con cái. Đây là điều rất đặc biệt chỉ có trong Đạo Công Giáo. Những bạn không cùng tôn giáo thường thắc mắc nhiều về ngày lễ cưới này.

Đây là bí tích xác nhận đôi bạn chính thức nên nghĩa vợ chồng. Trước mặt cộng đoàn và Thiên Chúa, họ nắm tay nhau trao câu thề ước. Dĩ nhiên, đôi bạn hoàn toàn tự do để tuyên bố:

Anh (em) là T… nhận em (anh) T… làm vợ (chồng) của anh (em), và hứa giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).

Lời thề hứa trên hẳn nhiên là không thể nói suông. Đó cũng không phải là một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Trên hết, bên trong đó là cả một sự linh thánh mà Thiên Chúa sẽ ban nhiều ơn lành, thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng; vì từ đây, họ thuộc trọn về nhau. Để qua đó, Hội Thánh đón nhận đôi bạn như một gia đình mới cùng hướng nhìn về Đức Giêsu. Chính Đức Kitô đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitô hữu qua Bí tích Hôn phối. Đó là nét đẹp của bí tích này.

Điều thú vị là trong Bí tích Hôn phối, linh mục không phải là người cử hành bí tích này. Thay vào đó, chính người nam và người nữ đang kết hôn cử hành bí tích này, qua việc bày tỏ sự ưng thuận và diễn tả nó qua việc trao hiến cho nhau. Nhờ đó, họ chắc chắn nhận được nhiều ân sủng để có thể tạo nên một gia đình công giáo hạnh phúc. Nhờ sự ưng thuận và sự kết hợp thân xác mà họ trở nên “một xương một thịt”. Từ đây, vợ chồng không chỉ là một sự kết hợp về thể xác, mà còn là một sự hiệp nhất sâu xa về tâm linh và nhân vị[1]. Hơn nữa, sự hiệp nhất này không chỉ có chiều kích cá nhân, mà còn có chiều kích truyền giáo, vì vợ chồng Kitô hữu trở thành những chứng nhân sống động về tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh[2].

Làm sao vợ chồng nên một, nếu không nhờ tình yêu phu phụ? Theo đó, nếu đến học lớp giáo lý hôn nhân, bạn được mời gọi khám phá giá trị và sự phong phú của đời sống hôn nhân. Cụ thể, Giáo Hội mời gọi đôi bạn: “Phải nhận ra được sự hấp dẫn của một kết hợp trọn vẹn, một kết hợp nâng cao và kiện toàn chiều kích xã hội của cuộc sống, mang lại cho tính dục ý nghĩa cao trọng nhất của nó, và đồng thời cổ võ thiện ích của con cái và tạo cho chúng hoàn cảnh tốt nhất để được trưởng thành và giáo dục” (Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của tình yêu, số 205).

Nhiều người hỏi tôi là làm sao để gia đình được hạnh phúc? Có nhiều cách thế khác nhau. Tôi thiết nghĩ gia đình hãy cùng nhau trở về, nhớ lại[3] những gì đã diễn ra trong ngày lễ cưới. Ngày đó, vợ chồng tràn đầy tình yêu. Cả hai đã thề non, hẹn biển với sự chứng kiến của Thiên Chúa. Họ thực sự được Thiên Chúa chúc phúc cho duyên tình lứa đôi. Thực tế là thời gian có hai tác động đến cuộc tình này:

1) Tình yêu phai nhạt: Tình yêu hôn nhân theo năm tháng sẽ phai nhòa. Thế giới của hai người có khi không chung quỹ đạo. Mỗi người nhìn về một hướng. Hai khung trời cách biệt. Sự hiện diện của Thiên Chúa cũng bị đôi bạn quên lãng dần trong cuộc sống lứa đôi. Con cái, công việc, khó khăn bủa vây người vợ, người chồng. Nhiều bữa cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tình yêu phai nhạt khiến “nửa kia” của đời mình không còn hấp dẫn nữa. Nếu không để ý, giọt nước sẽ một ngày nào đó làm tràn ly, tan vỡ cuộc sống lứa đôi. Bởi đó, thật quý biết bao khi hai người thấy cuộc sống tẻ nhạt, tình yêu phai nhòa, hãy cùng nhớ lại buổi hôn lễ thánh thiêng năm xưa. Nói cách khác, hãy cùng nhau cử hành bí tích ấy mỗi ngày: Yêu thương, tôn trọng và chung thủy với nhau trong từng ngày sống.

2) Tình yêu mặn nồng: Thật phúc cho những đôi vợ chồng luôn hạnh phúc trong tình yêu. Càng sống với nhau, họ càng hiểu thế nào là tình yêu vợ chồng, thế nào là cùng nhau gìn giữ gia đình hạnh phúc. Mâu thuẫn, khó khăn và thách đố không thiếu, nhưng với tình yêu, họ biết nắm tay nhau vượt qua sóng gió. Họ không đơn độc, nhưng có Thiên Chúa, có nhau. Họ tin Thiên Chúa không thể bỏ rơi họ kể từ ngày lễ cưới năm xưa. Phải chăng chỉ có đôi vợ chồng nào để Thiên Chúa chi phối, tình yêu mới luôn mỉm cười với họ. Càng sống lâu, họ càng yêu nhau nhiều hơn. Đến răng long đầu bạc, họ vẫn tình tứ trong tình yêu. Thật đẹp biết bao!

Bởi đó, khi muốn giúp các gia đình Kitô hữu, Giáo hội một lần nữa mời gọi các đôi vợ chồng nhớ lại Bí tích Hôn phối này. Thực vậy, “nhờ ân sủng của Bí tích này, là chủ thể chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ cống hiến chứng tá đầy hoan lạc của đôi vợ chồng và của gia đình, Hội thánh tại gia”[4]. Khi đó chúng ta mới hy vọng có được một gia đình hạnh phúc. Vì trên hết, chúng ta tin rằng trong Đức Kitô, chúng ta được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc” (Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng, số 1).

Sau thánh lễ cưới, nhiều đôi tân hôn thường đến trước tượng Đức Mẹ để nguyện cầu. Họ “khấn xin Mẹ thương dắt dìu tình yêu dâng cao”. Có Mẹ trong gia đình mới này, tình yêu vợ chồng ước sao mỗi ngày một nồng thắm hơn.[5]

WHĐ (08/10/2024)

_____

[1] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/audiences/1979/documents/hf_jp-ii_aud_19791114.html

[2]https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_en.html (số 127).

[3] “Hôn nhân cũng như mọi Bí tích khác, là một sự nhớ lại, một sự hiện tại hóa và một lời tiên tri về biến cố cứu độ. Là một sự nhớ lại, Bí tích ban cho họ ân sủng và trao ban cho họ bổn phận phải nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa và làm chứng về những kỳ công ấy trước mặt con cái họ; là một sự hiện tại hóa, Bí tích ban cho họ ân sủng lẫn bổn phận phải thực hành trong hiện tại giữa họ với nhau và giữa họ với con cái, những đòi hỏi của một tình yêu tha thứ và cứu chuộc; là một lời tiên tri, Bí tích ban cho họ ân sủng và bổn phận sống và làm chứng về mối hy vọng sẽ được gặp gỡ Đức Kitô sau này.” (Denzinger số 4706).

[4] Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng, số 200, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

[5] “Tất cả các Kitô hữu hãy tha thiết khấn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ nhân loại, để như ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện, thì ngày nay Mẹ được tôn vinh trên trời, vượt trên các thánh và các thiên thần, ngày cũng chuyển cầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã được vinh dự mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa nhận biết Đấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, họp thành đoàn dân Thiên Chúa duy nhất, để làm vinh danh một Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” (Denzinger số 4179).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top