Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 136 - Nghe tiếng Chúa đích thực
Trả lời:
Bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta được thêu dệt bởi muôn vàn thứ ngôn ngữ; ngôn ngữ âm thanh, ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ cử điệu… Ngôn ngữ biểu trưng cho một mối tương giao tiếp giữa con người với nhau, giữa con người với Thiên Chúa… Trước khi về trời, Đức Giêsu nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Ngài vẫn hiện diện với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Nhưng chúng ta không thể nhìn thấy Ngài, cũng như không nghe được tiếng Ngài nói với mình bằng những giác quan bên ngoài, vì Ngài là Đấng hằng hữu - Đấng vô hình. Câu hỏi của bạn và nhiều người đặt ra “làm sao để nghe theo và nhận ra tiếng Chúa đích thực?”
Với niềm tin Kitô giáo - bằng con mắt đức tin, đôi tai đức tin ta có thể nghe được Thiên Chúa thầm thĩ với chính mình, nhìn thấy Ngài hiện diện trong cuộc sống của nhân loại. Bạn hãy đặt cuộc đời của bạn trước Đấng vô hình - Đấng mang Danh Thiên Chúa và Ngài sẽ nói cho bạn biết.
Trong thinh lặng để gặp Ngài
Trong cuộc sống khi đối diện với những khó khăn, chán nản hoặc không ít lần ta phải đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn, bất lực, cô đơn, mất định hướng. Dường như ta cảm thấy cùng với sự quay lưng của vạn vật thì Thiên Chúa cũng trở nên mờ mịt, Ngài im lặng với cả cõi lòng ta, ta tìm Ngài trong vô vọng đến đớn đau. Nghe được tiếng Ngài, nhận ra được tiếng Ngài là điều ta khát khao mòn mỏi hơn bao giờ hết. Trong khoảnh khắc đó bạn hãy để cho mình một chút nghỉ ngơi an nhiên - bình tĩnh. Hãy tìm cho mình một nơi thanh vắng chỉ có bạn và Ngài.
Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, Ngài vẫn thổ lộ với chúng ta qua cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống xô bồ bởi nhiều thứ âm thanh, ngôn ngữ. Ta không biết đâu là tiếng Chúa đích thực. Tôi ví von âm thanh cuộc sống và cả tiếng nói của Thiên Chúa như một bản giao hưởng khổng lồ bao gồm nhiều nhạc cụ cộng lại. Trong bản giao hưởng đó, tôi chỉ muốn nghe tiếng đàn Piano. Vậy để nghe được tiếng đàn Piano thì buộc tôi phải dừng (tắt) tất cả các dụng cụ âm nhạc khác, chỉ để tiếng đàn Piano du dương trong bản nhạc. Cũng vậy muốn nghe được và nhận ra tiếng Chúa bạn hãy để Chúa nói trong bạn. Còn những ngôn ngữ âm thanh ồn ào khác hãy tạm dừng.
Câu chuyện:
Có một nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Đi từ lũng cát này qua cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia nơi đâu ông cũng chỉ thấy toàn là cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô, ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu với sự sống còn của mình. Và ông cũng không còn một chút hi vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy nhà thám hiểu ý thức được sự thinh lặng của sa mạc, bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự tập trung chú ý nhà thám hiểu mới nhận thức đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại. Như sống lại từ cõi chết ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối, rồi dùng nguồn năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối.
Bạn thân mến,
Cuộc sống chúng ta có quá nhiều bận tâm kiếm tìm khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Có những ồn ào cho việc bận tâm trước tiền tài danh vọng của tương lai. Có những ồn áo chỉ lo hưởng thụ quy chính mình không quan tâm người khác. Có những ồn áo của sự sân si hơn thua đố kỵ, có những ồn ào của buồn bã, chán ngán cuộc đời… Nếu có thinh lặng trong cõi lòng chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng chúng ta mới nhận ra được tiếng Ngài trong tiếng khóc than của biết bao người bất hạnh xung quanh trong cảnh nghèo đói chiến tranh dịch bệnh. Có thinh lặng chúng ta mới nghe được lời an ủi đỡ nâng của Ngài giữa những khó khăn chồng chất trong cuộc sống qua những cử chỉ san sẻ yêu thương giữa người với người. (Trích: Lẽ Sống, Đài Chân Lý Á Châu)
Tiếng Chúa đích thực
Tiếng Chúa vẫn thầm thĩ với mỗi chúng ta qua quang cảnh cuộc sống, và ngang qua hoàn cảnh của mỗi phận người, chúng ta hãy cùng nhau đọc ý định của Thiên Chúa trong biến cố vui buồn dưới ánh sáng đức tin. Tiếng Chúa nói trong cuộc sống âm thầm của các đan sĩ, tiếng Chúa nói qua cử chỉ yêu thương của người nữ tu chăm sóc bệnh nhân HIV, tiếng Chúa nói qua những em bé nghèo bưng thúng bán bưng nơi phố thị, tiếng Chúa nói qua hơi thở yếu ớt của phận người sắp bước vào cuộc sống vĩnh hằng…
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn tạp nhiều thông tin đa chiều thật giả lẫn lộn. không ít lần chúng ta hoang mang tự hỏi không biết đâu là sự thật, đâu là sự công chính đích thực, đâu là tiếng nói của Thiên Chúa? Trong giờ Kinh Nữ Vương Thiên Đàng ngày Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành, Đức Phanxicô đã nhắc lại tầm quan trọng phải biết phân biệt tiếng của Chúa và tiếng cám dỗ dẫn chúng ta đến sự xấu. Chúng ta phải học để phân biệt thần hứng của Chúa và lời quyến dụ của sự dữ, Đức Thánh cha nhắc lại: “Tiếng của Chúa không bao giờ bắt buộc chúng ta.” Ngài nhấn mạnh, người Mục tử tốt lành thì “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải biết phân biệt tiếng của Chúa và tiếng của quỷ dữ.
Đức Thánh cha giải thích:
“Tiếng nói của Chúa không bao giờ áp đặt chúng ta. Ngài tự hiến, Ngài không áp đặt. Thần hứng của Chúa kiên nhẫn sửa chữa và luôn khuyến khích chúng ta, luôn muốn điều tốt cho chúng ta, luôn nuôi dưỡng chúng ta trong hy vọng.”
Ngược lại, “tiếng của ác quỷ quyến rũ, và tấn công, gợi lên các ảo tưởng chói lọi, các cảm xúc hấp dẫn nhưng phù du mau qua chóng hết. Sự dữ còn làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta đầy quyền lực nhưng sau đó để lại một sự trống rỗng trong lòng chúng ta.”
Và có ba điểm để có thể nhận diện người ngôn sứ thật.
1. Ngôn sứ thật là người có kinh nghiệm về Thiên Chúa (có đời sống cầu nguyện, tương quan mật thiết với Thiên Chúa).
2. Ngôn sứ thật được mạc khải về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô (qua Kinh Thánh).
3. Ngôn sứ thật được sai đi đến với muôn dân (chứ không co cụm trong một nhóm nhỏ mánh mung).
Trong nhiều trường hợp khó khăn trong việc phân định lắng nghe tiếng Chúa nói với bạn, bạn hãy tìm cho mình một linh mục, tu sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực đồng hành thiêng liêng giúp bạn nhận định lắng nghe tiếng Chúa.
Bạn có thể để Chúa nói với mình qua những biến cố cuộc sống vui buồn, lo âu. Hãy đọc tất cả dưới ánh sáng đức tin, mặt khác bạn có thể tìm gặp Lời Ngài trong Kinh Thánh, qua tiếng lương tâm thật của chính mình.
Bước theo tiếng Chúa
Khi đã phân định lắng nghe được tiếng Chúa nói, bạn hãy thẳng đường mà bước tiếp đừng phân vân hay chần chừ. Một người sẽ đi đến đích nhanh hơn nếu anh ta đi một mạch theo lộ trình đã vạch. Nếu trên đường đi bạn mải mê vui chơi, bận tâm đến việc tìm kiếm hư danh, tư lợi thì bạn còn rất lâu mới đến đích điểm.
Trước khi bắt đầu một hành trình, bạn nên dành thời gian để chiêm niệm suy nghĩ về con đường Chúa mời gọi bạn. Từ đó, bạn có thể gạt bỏ ra khỏi cuộc đời của mình những điều không cần thiết và chọn lắng nghe tiếng Chúa là định hướng của cuộc đời mình.
Trong cuộc hành trình, bạn nên có những khoảnh khắc dừng lại để cảm nhận hành trình Chúa mời gọi bạn đong đầy những niềm vui, yêu thương. Đồng thời sửa đổi những sai lầm vấp váp và nghiệm ra được những bài học Chúa gởi đến cho mình và không quên tri ân Thiên Chúa, cảm ơn cuộc đời đã giúp mình lớn lên.
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, tháng 3/2023
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông