Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 134 - Đôi điều về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Câu hỏi: Trong Kinh Tin Kính có đoạn nói Chúa Con được “sinh ra” mà không phải “tạo thành”, ta cần hiểu “sinh ra” ở đây như thế nào? Kinh Tin Kính cũng có nói Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Phải chăng Chúa Cha có trước rồi đến Chúa Con rồi tới Chúa Thánh Thần? Có đoạn Kinh Thánh nào để cho Hội Thánh xác tín điều này ạ?
Trả lời:
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong đạo, là chân lý đức tin vượt quá trí khôn hữu hạn của loài người chúng ta. Cho nên mọi cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ hạn hẹp của loài người đều khập khiễng và khiếm khuyết. Giáo Hội đã phải vất vả rất nhiều để giữ cho chân lý ấy không bị hiểu sai lạc. Phần mình, dù sự hiểu biết không được bao nhiêu, vẫn liều lĩnh đồng hành cùng bạn đi tìm lời giải đáp.
Mạc khải về Ba Ngôi trong Kinh Thánh
Cách đây không lâu, có một diễn thuyết gia rêu rao rằng: “Lẽ đạo Ba Ngôi đồng đẳng ngược với Kinh Thánh, và không hề được nhắc lấy một lần trong Kinh Thánh”. Anh này nhầm to, vì tuy rằng trong toàn bộ Kinh Thánh không hề có cụm từ “Chúa Ba Ngôi”, nhưng những câu những đoạn biểu lộ cho ta thấy về một Thiên Chúa Ba Ngôi thì rất nhiều, chằng hạn:
Trang đầu tiên của Kinh Thánh đã chép: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Thần khí Thiên Chúa bay là trên mặt nước. Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng.’ Liền có ánh sáng…”. Ở đây, thần khi Thiên Chúa gợi ý đến Chúa Thánh Thần; Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời, gợi ý đến Chúa Con, Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Cũng trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa nói về chính mình ở số nhiều: “chúng ta” (Elohim), như vậy Người không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là một cộng đồng ba ngôi; cuộc viếng thăm ông Abraham của ba sứ giả và nhiều đoạn khác nữa rải rác trong Cựu Ước đều đã nhắm nói đến mầu nhiệm ba ngôi.
Kinh Thánh Tân Ước thì mạc khải rõ ràng hơn. Chẳng hạn những câu sau đây:
- “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong... Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu... Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’." (Mt 3,16).
- “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16)…
- “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
- “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13,13)…
Còn rất nhiều câu Kinh Thánh khác nữa. Chúng ta không thể trưng dẫn hết ở đây. Nhưng thiết nghĩ, bấy nhiêu đã đủ để chúng ta xác tín: Thiên Chúa Duy Nhất là Cha và Con và Thánh Thần.
Phải hiểu thế nào về cụm từ “Chúa Con được sinh ra mà không phải được tạo thành”?
Chúng ta đã biết Chúa Cha là Đấng tạo hóa, Ngài sáng tạo trời đất muôn loài. Thiên thần, loài người và mọi thực tại đều là thụ tạo của Ngài. Nhưng Chúa Con thì không phải là một thụ tạo. Chính Người cũng là Đấng tạo hóa, thông dự vào việc tạo dựng của Chúa Cha. Tin Mừng Gioan viết rằng:
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. (Ga 1,1-3).
Loài người chúng ta tuy được gọi là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta hiện hữu được là nhờ Thiên Chúa tạo thành từ hư vô, chúng ta là con với thân phận là thụ tạo. Còn đối với Chúa Giêsu, Người được Chúa Cha sinh ra thực sự theo đúng nghĩa chữ “sinh”. Người được sinh ra từ bản thể Chúa Cha. Chúa Cha đã ban cho Chúa Con tất cả những gì Ngài có, gồm cả thần tính. Do đó, Chúa Con ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự: về vinh quang, về danh dự, về đời sống vĩnh cửu, về sự khôn ngoan, về ý chí và quyền năng. Về điều này, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 17,10); "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30); "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9).
Chúa Con là con Chúa Cha tự bản tính, là con đích thực, là con “ruột” và là con duy nhất của Chúa Cha. Ngoài Người ra, Chúa Cha không có “con ruột” nào khác. Còn chúng ta, thánh Phaolô trong thư Ga-lát gọi là “nghĩa tử”, nghĩa là được thông dự vào tư cách làm con của Con Thiên Chúa. Do Chúa Con đã nhận lấy thân phận loài người chúng ta, qua cái chết và đã sống lại, Người đã đón tiếp tất cả chúng ta vào trong nhân tính mới của Người; và vì Người là Con Thiên Chúa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa (Gl 3,26), và trở thành người “đồng thừa kế” (Rm 8,17).
Cũng xin chia sẻ thêm rằng đối với loài người chúng ta, phải chờ đến tuổi trưởng thành, lấy vợ lấy chồng rồi mới sinh con. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác. Chúa Cha sinh Chúa Con từ thuở đời đời. Chúa Con hiện hữu đồng thời với Chúa Cha. Cả Cha và Con cùng có trước vô cùng. Bởi vì Chúa Con hằng có cũng như Chúa Cha hằng có.
Đối với loài người chúng ta, sinh con ra thì đứa con là một bản thể riêng biệt, có thể tách ra khỏi cha mẹ. Chúa Con thì hằng được sinh ra, Người luôn luôn được sinh ra bởi Chúa Cha. Thần học gọi sự sinh ra kỳ diệu khôn tả này là “nhiệm sinh”.
Để dễ hiểu hơn, bạn hãy nhìn vào một ngọn lửa nhé. Bạn có thấy ánh sáng xuất hiện cùng lúc với sự xuất hiện của ngọn lửa không? Chúa Cha sinh ra Chúa Con cũng tương tự như thế. Có Cha là có Con. Bạn có thấy ngọn lửa luôn luôn sinh ra ánh sáng không? Chúa Con cũng luôn luôn được Chúa Cha sinh ra như vậy.
Phải hiểu câu “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra” như thế nào?
Tiếp tục thí dụ về ngọn lửa ở trên: ngọn lửa tượng trưng cho Chúa Cha, ánh sáng tượng trưng cho Chúa Con, và một yếu tố thứ ba nữa tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, đó là sức nóng. Ngọn lửa – ánh sáng – sức nóng; ba yếu tố này tuy phân biệt nhưng không tách biệt, tương tự như Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhưng Chúa Thánh Thần không phải được sinh ra như Chúa Con. Ngài không phải là con Đức Chúa Cha bởi vì Chúa Cha chỉ có một Chúa Con duy nhất. Ngài cũng không phải là “anh em” của Chúa Con. Ngài là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài phát xuất cách nhiệm mầu bởi Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng không phải Chúa Thánh Thần có hai nguồn gốc. Ngài chỉ có một nguồn gốc, bởi vì Chúa Cha và Chúa Con là một.
Giáo Hội Chính Thống diễn đạt theo cách khác: Thánh Thần bởi Chúa Cha qua Chúa Con mà ra. Hai cách diễn đạt khác nhau này đã đưa đến cuộc ly giáo lớn nhất vào năm 1054. Ngày hôm nay các thần học gia cởi mở của cả hai bên đều cho rằng hai lập trường này có thể bổ sung cho nhau. Giáo Hội Công Giáo không phản đối cách diễn tả “Thánh Thần bởi Chúa Cha qua Chúa Con mà ra”, nhưng vẫn dùng cách nói “Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra” để nhấn mạnh tính duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con nhằm chống lại lạc giáo Ariô với quan niệm cho rằng chỉ một mình Chúa Cha là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối, ngoài Ngài ra, mọi thực tại khác chỉ là thụ tạo được dựng nên từ hư vô kể cả Chúa Con.
Kinh thánh cho biết Chúa Thánh Thần "là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha" (Ga 15,26). Kinh Thánh cũng cho thấy Thần Khí phát xuất từ Cha cũng chính là Thần Khí của Con: "Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô" (Rm 8:9), hoặc "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’" (Gl 4:6).
Chúng ta cũng thấy không chỉ Chúa Cha sai Thánh Thần đến (x. Lc 11,13; Ga 3,34; Cv 2,38; 10,45), mà Đức Kitô cũng thông phần vào việc sai Thánh Thần, chẳng hạn: "Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha..." (15:26).
Sách Khải huyền cũng nói về "một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên" (Kh 22: 1). Trong Kinh Thánh, nước cũng là biểu tượng của Thần Khí, chảy ra từ một chiếc ngai duy nhất của cả Chúa Cha và Chúa Con, nên cả hai Ngôi vị này là một nguồn gốc duy nhất của Thần Khí.
Dựa vào những nội dung mạc khải trên đây và nhiều đoạn khác tương tự mà Giáo Hội Công Giáo khẳng định Thánh Thần bởi Cha và Con mà ra.
Chỉ có một Thánh Thần nhiệm xuất chứ không có nhiều Thánh Thần. Ngài là thần linh phát xuất từ bản thể thần linh. Ngài là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài ngang bằng với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài phải được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con.[1]
Phải chăng Chúa Cha có trước rồi đến Chúa Con rồi tới Chúa Thánh Thần?
Không phải thế.
Nếu như trong Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải mình là Đấng "Hằng Hữu" (x. Xh 3,14) thì trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng nhiều lần khẳng định "Tôi Hằng Hữu" (Ga 8,24.28.58; 13,19; 18,6). Như vậy Chúa Cha và Chúa Con đều Hằng Hữu. Và Thánh Thần, Đấng phát xuất Đấng phát xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con từ thuở đời đời, cũng thế.
Trong Kinh Sáng Danh, chúng ta tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng”. Nghĩa là chúng ta tuyên xưng cả Ba Ngôi cùng có trước vô cùng, không có ngôi nào có trước, không có ngôi nào có sau, cả ba cùng hiện hữu cả trước khi có thời gian, Cả Ba Ngôi bằng nhau về mọi mặt, thần tính cũng như quyền năng, cả ba cùng chung một sự sống, một bản chất thần linh. Cả Ba Ngôi cũng vĩnh cửu, vô hạn, bất biến, quyền năng và khôn dò khôn tả như Chúa Cha và Chúa Con.
Đây không phải là điều nghịch lý, nhưng là Siêu lý.
***
Bạn thân mến, với kiến thức hạn hẹp, mình đã cố gắng giải đáp phần nào những thắc mắc của bạn xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi. Mầu nhiệm này là ánh sáng chân lý cho những ai khiêm nhường đón nhận; đồng thời cũng là bóng tối dày đặc đối với những ai kiêu căng, muốn dùng lý trí hạn hẹp của mình để làm thước đo Vô Cùng.
Tài liệu tham khảo:
- Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa, https://tgpsaigon.net.
- Gómez, Felipe, “Ki-tô học”, Antôn & Đuốc Sáng, 2017.
- Lm Lê Văn Chính, “Giáo trình Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”, Đại chủng viện Sài Gòn.
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7 Nxb Tôn Giáo, 03/2023)
WHĐ (23.07.2024)
_______
[1] Về mặt từ ngữ: Thánh Thần = Thánh Linh = Thần Khí, là những danh xưng của cùng một ngôi vị Thiên Chúa. Nhưng thiên thần (thiên sứ) thì hoàn toàn khác. Các thiên thần cũng là thụ tạo của Thiên Chúa, là tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Các ngài thuần thiêng, không có thể xác. Thần thánh cũng là một từ có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thần thánh là danh từ nói khái quát về các thiên thần và các vị thánh nói chung, hoặc là tính từ để nói tính chất thiêng liêng vĩ đại.
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 10/2024: Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? -
Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông