Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 133 - Con đường đến với Thiên Chúa
Trả lời:
Có lẽ định vị dẫn đường là một trong những phát minh vĩ đại và thực tiễn nhất mà chúng ta đang sử dụng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được nối kết mạng là bạn có thể đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới. Hấp dẫn hơn, định vị này còn chỉ cho chúng ta con đường nào là ngắn nhất để đến được đích. Định vị này còn mô tả cho chúng ta những chướng ngại vật cũng như những tiện ích trên hành trình. Nói chung, nếu bạn đi du lịch hoặc muốn đến nơi nào đó, bản đồ dẫn đường là một chương trình ứng dụng (App - Application) phải có trong điện thoại của bạn. Chỉ như thế, chúng ta mới tự tin và đến được đích nhanh và an toàn nhất.
Câu hỏi của bạn cũng liên quan đến con đường, bởi theo từ ngữ: linh là sự thánh thiêng, hoặc tinh thần của con người, đạo là con đường. Như vậy, linh đạo là con đường thiêng liêng giúp người ta đến được với Thiên Chúa. Như một cha dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ giải thích như sau: “Linh đạo là nỗ lực của một cá nhân hay một nhóm người để gặp gỡ và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, của tha nhân và vũ trụ để đi vào sự sống và mừng vui cùng tất cả. Các khuôn khổ và tập quán chung cụ thể phát triển từ điều này đã trở thành nền tảng cho nhiều linh đạo khác nhau” (Ron Rolheiser).
Nếu không dùng định vị, bạn có thể tự mình đến được đích, nhưng lâu hơn, không chắc chắn và nguy hiểm hơn. Cũng vậy, nếu không sống theo một linh đạo nào đó, bạn có nguy cơ rất khó đến được với Thiên Chúa, thậm chí là lầm đường lạc lối. Vì lý do này, Giáo hội một mặt rất trân quý những linh đạo khác nhau, vốn là món quà của Chúa Thánh Thần; mặt khác, Giáo hội khuyến khích mỗi người hãy can đảm lựa chọn cho mình một linh đạo để tiến bước trong hành trình đức tin của mình.
Tôi tin bạn đã từng nghe câu nói nổi tiếng này của Chúa Giêsu: “Thầy là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Nếu mở Tin Mừng đoạn này, bạn gặp thánh Tôma là người đang bối rối không biết con đường Đức Giêsu đi. Ông muốn đi theo Thầy, nhưng vẫn chưa biết đường. Dĩ nhiên thời đó không có bản đồ định vị! Dẫu sao chúng ta cũng cảm ơn Tôma, bởi nhờ ông mà chúng ta thêm xác tín rằng chính Đức Giêsu là con đường dẫn con người đến với Chúa Cha. Thú vị là chỉ có Đức Giêsu đến từ Chúa Cha, nên chỉ một mình Người biết con đường trở về với Cha. Do đó, nếu ai đó bắt chước linh đạo, con đường thiêng liêng của Đức Giêsu, chắc chắn người ấy sẽ được cứu độ và được ở trong Thiên Đàng với Chúa Cha. Đức Giêsu là linh đạo trọn hảo và nhanh nhất để chúng ta đến với Chúa.
Ngoài ra, tôi đoán bạn đã từng nghe đến linh đạo Phanxicô, linh đạo Đa Minh hoặc linh đạo Dòng Tên... Linh đạo trong đời sống dòng tu đòi hỏi việc cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, và sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm thiêng liêng. Điều này giúp tránh những hình thức chủ quan và cảm tính trong đời sống thiêng liêng[1]. Trong Giáo hội có những người (cả nam và nữ) đã nhận được những ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần (đặc sủng) để họ vạch ra một lối sống vốn đưa con người đến với Chúa Giêsu. Chẳng hạn vào thế kỷ 12, chàng trai Phanxicô sống ở thành Assisi bên nước Ý từ bỏ mọi sự để sống khó nghèo theo gương mẫu của Đức Giêsu. Thánh Phanxicô quy tụ nhóm bạn để sống linh đạo khó nghèo này. Sau đó, dòng Phanxicô được thành lập. Càng ngày, lối sống ấy thu hút được nhiều người và về sau Giáo hội công nhận lối sống này sẽ đưa con người đến được với Thiên Chúa.
Đầu thế kỷ 15 trước phong trào cải cách của anh em Tin Lành, I-nhã thành Loyola đã xuất hiện như một luồng gió mới để giúp Giáo hội canh tân. Sau khi hoán cải và nhận được đặc sủng của Chúa Thánh Thần, I-nhã chọn lối sống chiêm niệm trong hoạt động như là kim chỉ nam cho ngài và cho Dòng Tên sau này. Giờ đây, linh đạo tu trì không bị giới hạn bên trong bức tường nhà dòng, nhưng còn đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chính khi phục vụ con người và phụng sự Thiên Chúa ở trong mọi lãnh vực, cũng là cách làm tôn vinh Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Têrêsa Avila: “Nền linh đạo đích thực là tình yêu bước xuống hướng về tha nhân”[2]. Chưa hết, người sống gần chúng ta nhất đó là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã cho chúng ta một linh đạo với “con đường bé nhỏ”[3]. Tuy không lập dòng như thánh Phanxicô, không đến tận chân trời góc bể như các Giêsu hữu, nhưng thánh Têrêsa đã thu hút rất nhiều con tim đến với linh đạo của mình. Sống đơn sơ, khiêm nhường và làm việc nhỏ với tình yêu lớn, linh đạo này đã giúp rất nhiều người đến được với Thiên Chúa.
Trên đây chỉ là ba trong muôn vàn con đường (linh đạo) có thể dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Mẫu số chung của các linh đạo là chúng họa lại, bắt chước bao nhiêu có thể lối sống của Chúa Giêsu. Thật may cho thời đại chúng ta vì đã có các tiền bối, các vị thánh đã cho chúng ta những lối nẻo rất phù hợp để bước theo Chúa Giêsu. Nếu thấy được gợi hứng bởi linh đạo nào, bạn có thể sống theo. Điều này không đồng nghĩa mời gọi bạn đi tu đâu.
Thực ra, ngoài linh đạo tu trì, vốn tu sĩ sống theo linh đạo của vị sáng lập, chúng ta còn có linh đạo hôn nhân gia đình[4], linh đạo giáo lý viên, linh đạo giáo dân[5], v.v... Nghĩa là nếu sống chu toàn trách nhiệm của mình ở bậc sống của mình, bạn cũng đang đi đúng hướng và sẽ đến được đích. Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong công đồng Vatican II nói về linh đạo Kitô giáo: “Mỗi người không được do dự đáp lại ân huệ và bổn phận với một đức tin sống động, nó sẽ làm phát sinh niềm hy vọng và việc làm qua bác ái”[6].
Nếu lúc nào đó bạn cảm thấy mình chán nản, buồn sầu và mất hướng đi cho cuộc đời, hãy khởi động lại định vị. Để làm được điều này, bạn cần chút thời gian tĩnh lặng một mình với Thiên Chúa. Khi đó, tâm hồn bạn về mặt tâm lý sẽ thư thái và nhẹ nhàng hơn để nhìn nhận vấn đề, về mặt tâm linh, bạn sẽ được Thiên Chúa giúp đi đúng con đường. Cứ hỏi Chúa về những băn khoăn của bạn, bởi chính Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Dù trong bậc sống gia đình, tu sĩ hoặc dù bạn đang đi học hoặc đi làm, Chúa sẽ chỉ cho bạn một bản đồ hướng đi với rất nhiều tình yêu và trợ giúp. Chỉ có bạn với Thiên Chúa biết điều này. Có thể hỏi những người tương đối rành về đời sống tâm linh, hiểu về linh đạo nữa nhé. Họ cũng sẽ giúp cho bạn thoát ra khỏi con đường u mê, để bước vào chân trời tươi sáng.
Cầu chúc bạn luôn bước đi với Chúa Giêsu và Hội thánh của Ngài. Đây là con đường đúng nhất để đến bến bờ hạnh phúc bình an. Xin đừng tắt hoặc ngắt kết nối với Đức Giêsu, bởi khi đó, App định vị của bạn sẽ không hoạt động. Thay vào đó, chăm chỉ cầu nguyện và xin Chúa dẫn đường, chúng ta tin rằng bạn sẽ bon bon trên hành trình đức tin và cuộc sống của bạn sẽ luôn nở hoa.
Mong thay!
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7 Nxb Tôn Giáo, 03/2023)
_______
[1] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/apost_exhortations/documents/hf_ben-xvi_exh_20120914_ecclesia-in-medio-oriente.html (số 52).
[2] Nền linh đạo đích thực của thánh Têrêsa Avila được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Lâu đài Nội Tâm”, nơi thánh nhân nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn và sự hiệp nhất của Giáo hội, thể hiện tình yêu bước xuống hướng về tha nhân.
[3] Con đường bé nhỏ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được trình bày rõ nhất trong tác phẩm “Truyện một tâm hồn”. Đây là con đường của lòng tin và tình yêu, nhấn mạnh đến sự phó thác hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa.
[4] Đọc thêm: Linh đạo hôn nhân và gia đình https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/honnhangiadinh/Bai14.htm
[5] Linh đạo cho giáo dân: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-dao-cho-giao-dan-42567
[6] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 41.
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 150 – Thánh lễ Chúa nhật
-
“Học mà vui, vui mà học” -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội -
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông