Đức tin mạnh mẽ của các tín hữu Trung Phi dù bị khủng bố Hồi giáo đe dọa
Vatican-- Cha Moses Otii Alir, 38 tuổi, một nhà truyền giáo dòng Comboni từ Kotido, Uganda, là cha xứ của giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở thủ đô Bangui của Trung phi từ năm 2013. Ngày 28 tháng 5 năm 2014, cha đã chứng kiến cuộc tấn công, giết hại 15 người. Ngày 01 tháng 5 vừa qua, một lần nữa, cha lại phải chứng kiến các con chiên của mình ngã gục vì đức tin Công giáo.
Trong kỳ nghỉ tại Châu Âu sau cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại giáo xứ của cha, cha đã thuật lại vụ tấn công khủng bố mà cha tận mắt thấy các con chiên của mình ngã gục dưới làn đạn của quân khủng bố. Cha cũng trình bày cho thấy chứng tá phục vụ, hy sinh của các nhà truyền giáo cũng như chứng tá đức tin của các giáo dân, dù cho những đe dọa từ các quân nhân Hồi giáo.
Ngày 01 tháng 5 năm 2018, ngày lễ thánh Giuse Thợ, là ngày lễ lớn tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở ngoại ô thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung phi. Hội “thánh Giuse” đã tổ chức Thánh lễ trọng thể và đã có hơn 2000 người tham dự. Nhà thờ không đủ chỗ cho bằng ấy tín hữu, nên nhiều người trong số họ đã dự lễ từ ngoài sân nhà thờ, dưới bóng cây, trên các băng ghế được xếp sẵn. Có 19 linh mục đồng tế trong Thánh lễ. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí lễ hội, với các bài thánh ca, các bài sách Thánh và kinh nguyện.
Khi đến phần dâng lễ, lúc đó khoảng 10g30 sáng, các tín hữu bắt đầu nghe những tiếng súng đầu tiên, nhưng dường như ở một nơi rất xa. Tiếng súng vang lên như thỉnh thoảng người dân vẫn nghe trên các đường phố của thủ đô Bangui. Lúc ấy, không ai trong số các tín hữu nghĩ rằng không lâu sau đó, họ sẽ chứng kiến hoặc là nạn nhân của một cuộc thảm sát khủng khiếp.
Các tín hữu bắt đầu hoảng sợ la hét và chạy trốn. Nhà thờ trước đó đã được bảo vệ với các cảnh sát. Đầu tiên, những kẻ tấn công đã đụng độ với hai cảnh sát ở lối vào của giáo xứ. Không đủ đối đầu với các làn đạn từ những kẻ tấn công, hai cảnh sát đã chạy trốn. Vào lúc này, nhóm khủng bố, lực lượng Hồi giáo được các nhóm nước ngoài tài trợ, bắt đầu điên cuồng xả súng vào các tín hữu đang ở trong sân nhà thờ. Chúng đặt súng trên tường bao quanh nhà thờ để nhắm bắn các giáo dân; một số tên trèo lên các cây vào ném lựu đạn vào nhà thờ. Một trong những trái lựu đạn đã làm thủng mái nhà thờ.
7 tín hữu bị chết tại chỗ và nhiều người khác không qua khỏi do bị thương nặng. Cho đến cuối ngày hôm đó, đã có 30 người chết và hơn 100 người bị thương. Trong số những người chết trong nhà thờ, có cha Albert Toungoumalé-Baba, 70 tuổi, phụ trách Ủy ban Công lý và Hòa bình, bị trúng đạn ở đầu. Khi cha Albert nhận ra điều gì đang xảy ra, cha đã nói với cha Moses: “Cha Moses, chúng ta phải tiếp tục Thánh lễ.” Đó là những lời cuối cùng của cha Albert.
Gần 2 tháng sau thảm kịch đó, tình hình tại khu vực này vẫn không có an ninh. Tuy thế, Thánh lễ vẫn được cử hành và khi Thánh lễ được cử hành thì quân lính mang vũ khí bao bọc xung quanh nhà thờ để bảo vệ. Dù cho sợ hãi, dân chúng có một niềm tin mạnh mẽ và tiếp tục đến nhà thờ.
Giáo xứ cách khu trung tâm Bangui khoảng 15 phút lái xe, thành phố có khoảng 50 ngàn dân. Mỗi Chúa nhật có từ 2000 đến 2500 người tham dự Thánh lễ. Ngày hôm sau vụ tấn công, cha Moses đã gặp các tín hữu và họ đã cùng nhau quyết định tiếp tục các hoạt động trong giáo xứ. Ngày Chúa nhật mùng 02 tháng 6, có 400 thiếu niên, từ 12 đến 14 tuổi, lãnh nhận các Bí tích Rửa tội và Rước lễ lần đầu. Vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có 103 em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Trong số này, có một thanh niên 19 tuổi, bị thương ở đùi trong vụ tấn công ngày 01 tháng 5.
Khi được hỏi, các tín hữu đã tìm được sức mạnh ở đâu để tiếp tục tiến bước, cha Moses chia sẻ rằng: “Sức mạnh của các tín hữu ở trong niềm tin và trong Giáo hội. Họ đã hiểu rằng họ không thể chờ đợi điều gì từ các tổ chức quốc tế lớn. Họ có niềm tin vào Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi Giáo hội, bởi vì chúng tôi, các nhà truyền giáo ở đó, hiện diện bên cạnh họ. Chúng tôi đã không chạy trốn sau khi cuộc tấn công xảy ra, chúng tôi ở lại đó, ở giữa dân chúng. Và dân chúng thấy điều này và sống điều này. Mỗi ngày có hàng trăm người đến nhà thờ vào lúc 3 giờ rưỡi chiều để cầu nguyện cho hòa bình và cho đất nước.
Đối với cha Moses, sự kiện ĐTC Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh lòng thương xót tại Bangui thật có ý nghĩa. ĐTC đã mở rộng cánh cửa đối thoại với người Hồi giáo tại Trung phi. Hành động của ĐTC là một việc làm quan trọng cho cả quốc gia này. Trong dịp đó, ĐTC đã nhắc rằng “lòng thương xót và công bằng” phải đi đôi với nhau. Nhưng không may là trong những năm gần đây người ta chỉ nói về lòng thương xót nhưng lại quên đi sự công bằng.
Cha Moses cho biết, sau vài tháng nghỉ ngơi tại Áo và Đức để phục hồi sau cuộc tấn công, vào tháng 8, cha sẽ trở lại giáo xứ, tiếp tục công việc và sẽ luôn tiếp tục. (SIR 25/06/2018)
bài liên quan mới nhất
- Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng
-
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô