Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Colombia: “Kiến tạo hòa bình - Cổ võ sự sống”
WHĐ (09.09.2017) – Từ ngày 6 đến 11 tháng Chín 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô thăm chính thức Colombia. Đây là chuyến tông du thứ 20 trong triều đại giáo hoàng của ngài, từ khi đảm nhận sứ vụ Phêrô vào tháng Ba 2013.
Trong ngày thứ hai tại Colombia, lúc 5g20 chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ đồng tế tại Công viên Simon Bolivar ở thủ đô Bogota.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức thánh Cha trong Thánh lễ.
Trong ngày thứ hai tại Colombia, lúc 5g20 chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ đồng tế tại Công viên Simon Bolivar ở thủ đô Bogota.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức thánh Cha trong Thánh lễ.
* * *
Tác giả sách Tin Mừng thuật lại sự kiện các tông đồ đầu tiên được Chúa kêu gọi diễn ra bên hồ Giênêsarét, nơi dân chúng tuôn đến lắng nghe một giọng nói hướng dẫn và soi sáng họ; cũng là nơi các ngư phủ sau những ngày lao nhọc vẫn thường đến để nghỉ ngơi và bồi bổ, hưởng một cuộc sống hạnh phúc và xứng với phẩm giá con người, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Trong sách Tin Mừng Luca, đây là lần duy nhất Chúa Giêsu giảng dạy gần Biển Galilê. Trên biển cả, niềm hy vọng đánh được mẻ cá lớn đã chuyển thành nỗi thất vọng, mọi nỗ lực trở thành vô nghĩa và lãng phí. Theo một giải thích xa xưa của Kitô giáo, cho rằng biển cả còn tượng trưng cho cõi sống bao la của mọi dân nước; cõi bao la này hỗn mang và tăm tối, đe dọa sự tồn tại của con người; mang trong mình sức mạnh hủy diệt sự tồn tại ấy.
Tương tự, chúng ta có thể gọi các đám đông như một làn sóng người, một biển người. Hôm ấy, sau lưng Chúa Giêsu là biển cả, còn trước mặt là một đám đông đã đi theo Người vì biết Người vốn xúc động trước nỗi thống khổ của con người và lời dạy của Người thật chính trực, sâu sắc, không thiên vị. Mọi người tuôn đến nghe Chúa Giêsu nói vì lời Người thật lạ lùng, không ai có thể thờ ơ được, có sức mạnh hoán cải tâm hồn, thay đổi các chương trình và dự định. Đó là lời được chứng thực bằng hành động, không phải những kết luận trong sách vở, trong những thỏa ước lạnh lùng và xa cách nỗi khổ đau của con người, vì thế, lời Chúa vừa mang lại sự an toàn của bờ, vừa đáp ứng trước tình thế mong manh lúc ở giữa biển khơi.
Thành phố Bogota đáng yêu và đất nước Colombia xinh đẹp này giống như nhiều trạng huống được Tin Mừng nói đến. Ở đây cũng có những đám đông tuôn đến, mong đợi được nghe lời hằng sống khơi lên mọi cố gắng, gợi ra phương hướng và vẻ đẹp của cuộc sống con người. Những đám đông với mọi người nam nữ, già trẻ, sống tại một đất nước vô cùng phì nhiêu, có thể mang lại hoa trái cho tất cả mọi người. Nhưng ở đây, cũng như nhiều nơi khác, có những bóng tối dày đặc đang đe dọa hủy diệt sự sống: bóng tối của bất công và bất bình đẳng trong xã hội; bóng tối tham nhũng vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm đang bòn rút những phúc lợi dành cho mọi người một cách vô độ và ích kỷ; bóng tối không tôn trọng sự sống con người hằng ngày vẫn đang hủy diệt mạng sống của nhiều người vô tội mà máu của họ đang kêu thấu tới trời; bóng tối của lòng thèm khát báo thù và oán hờn đang nhuốm máu bàn tay những người đòi công lý cho mình; bóng tối của những người đang trở nên vô cảm trước nỗi đau đớn của biết bao nạn nhân. Chúa Giêsu xua tan và tiêu diệt tất cả những bóng tối này bằng lệnh truyền của Người khi ở trên thuyền Phêrô: “Hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5, 4).
Chúng ta có thể rối mù vì những cuộc tranh cãi bất tận, phải chuốc thêm thất bại và đưa thêm vào danh sách những nỗ lực chẳng đưa đến đâu; nhưng như Phêrô, chúng ta biết ý nghĩa của làm lụng mà chẳng được gì. Đất nước này quá hiểu điều đó, nhất là trong giai đoạn lịch sử sáu năm, lúc bắt đầu đã có đến 16 tổng thống, khiến đất nước phải trả giá đắt vì những cuộc chia rẽ (“đất nước khờ dại”); Giáo hội Colombia cũng nếm mùi hoạt động mục vụ thất bại, không hiệu quả…, tuy nhiên, cũng như Phêrô, chúng ta tin tưởng vào Thầy, Đấng ban những lời sinh hoa trái, dù tại những nơi sự thù địch của bóng tối con người làm cho những cố gắng và sự nhọc nhằn không sinh hoa kết quả. Phêrô là một người đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu thật dứt khoát, bỏ mọi sự để theo Chúa, trở nên một ngư phủ mới, với sứ mạng mang đến cho anh em mình Nước Thiên Chúa, nơi có sự sống toàn vẹn và hạnh phúc.
Lệnh truyền ra chỗ nước sâu thả lưới không chỉ ban cho Phêrô, mà còn cho những người, chẳng hạn những đồng hương đầu tiên của anh chị em vốn đã từng nhận ra điều thôi thúc mình nhất; chẳng hạn những người đã đưa ra sáng kiến vì nền hòa bình, vì sự sống. Việc thả lưới dẫn đến trách nhiệm. Ở Bogota và tại Colombia, một cộng đoàn rộng lớn đang hành trình tiến về phía trước, được mời gọi trở nên tấm lưới vững chắc, thu mọi người vào sự hiệp nhất, cùng nhau làm việc bảo vệ và giữ gìn sự sống con người, nhất là sự sống mong manh và dễ bị thương tổn nhất: sự sống trong dạ mẹ, sự sống trẻ thơ, sự sống người cao tuổi, sự sống trong điều kiện không thể làm gì được và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những đám người rất đông đảo tại Bogota và Colombia cũng có thể trở thành các cộng đoàn thật sự sống động, công bằng và huynh đệ nếu biết lắng nghe và chào đón Lời Thiên Chúa. Từ những đám đông đã được Phúc âm hóa này, sẽ nảy sinh nhiều người nam nữ trở nên môn đệ, những người thật lòng bước theo Chúa Giêsu; những người nam nữ đều có thể yêu quý, tôn trọng và cổ võ mọi giai đoạn của sự sống.
Như các Tông đồ, chúng ta cần kêu gọi nhau, ra hiệu cho nhau, như các ngư phủ, để lại coi nhau là anh em, chị em, bạn đồng hành, người hợp tác vì một lẽ chung là quê hương đất nước. Bogota và Colombia đều đồng thời là bờ, là hồ, là biển, là thành phố Chúa Giêsu đã và đang đi qua, để mang lại sự hiện diện và lời sinh hoa trái của Người, để kéo chúng ta ra khỏi bóng tối và đưa đến ánh sáng và sự sống. Người kêu gọi mọi người để không một ai bị rơi vào lòng bão tố; kêu gọi hãy bước vào con thuyền của từng gia đình, vì gia đình là cung đền sự sống; kêu gọi hãy dành chỗ cho công ích ở trên mọi lợi ích vị kỷ hoặc cá nhân; kêu gọi hãy cưu mang những người yếu ớt nhất và cổ võ cho những quyền của họ.
Phêrô thấm thía sự thấp hèn của mình, ngài thấm thía lời và quyền năng của Chúa Giêsu thật mênh mông. Phêrô biết rõ mình yếu đuối, chần chừ…, như chúng ta biết mình có những gì; như đã thấy trong lịch sử của bạo lực và chia rẽ nơi dân tộc anh chị em, một lịch sử không phải lúc nào cũng chứng kiến chúng ta cùng chung một thuyền, chịu chung cơn bão, cùng chung những bất hạnh. Cũng như Simon, chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy ra chỗ nước sâu, khích lệ chúng ta chia ngọt sẻ bùi, đừng sợ hiểm nguy, hãy vất bỏ những vị kỷ và bước theo Người; hãy tống khứ mọi sợ hãi vốn không phát xuất từ Thiên Chúa, chúng khiến chúng ta tê liệt và cản trở chúng ta trở nên những người kiến tạo hòa bình và cổ võ sự sống. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy ra chỗ nước sâu. Các môn đệ ra hiệu hãy gặp nhau trên thuyền. Ước mong mọi người của đất nước này cũng làm như vậy.
(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô