Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Chilê: Thánh lễ tại phi trường Maquehue
“Trở nên những người kiến tạo sự hiệp nhất”
WHĐ (19.01.2018) – Sáng 17-01, theo chương trình tông du Chilê, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến phi trường Maquehue, thuộc thành phố Temuco, miền nam Chilê.
Thành phố Temuco là thủ phủ tỉnh Cautín, thuộc vùng Araucanía, cách thủ đô Santiago 683 km về phía nam.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người tham dự Thánh lễ hãy cùng ngài: “cầu nguyện cho những người đã chịu đau khổ đến chết, và cho những ai đang hằng ngày gánh chịu nhiều loại bất công”.
Sau đây là toàn văn bài giảng trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha.
*
“Mari, Mari” [Chào tất cả anh chị em!]
“Küme tünngün ta niemün” [“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!” (Lc 24,36)]
Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi được đến thăm vùng Araucanía tuyệt đẹp này của châu lục chúng ta. Vùng đất này được Đấng Tạo hóa ban cho những cánh đồng bao la bát ngát, xanh tốt phì nhiêu, những cánh rừng cây bách tán araucaria đầy ấn tượng – gợi hứng cho nữ sĩ Gabriela Mistral viết bài “tụng ca” thứ năm về miền đất này của Chilê [1] – cùng những ngọn núi lửa tuyết phủ hùng vĩ, những sông hồ đầy sức sống. Phong cảnh này nâng lòng chúng ta lên với Chúa, và dễ dàng nhận ra bàn tay của Ngài nơi mỗi thụ tạo. Nhiều thế hệ nam nữ đã đem lòng tri ân nồng thắm mến yêu mảnh đất này. Đến đây tôi muốn dừng lại để đặc biệt chào thăm anh chị em thuộc sắc dân Mapuche, cũng như các sắc dân bản địa khác cư ngụ trên miền đất phương nam này: các anh chị em Rapanui (thuộc Đảo Đông), Aymara, Quechua và Atacameños, và nhiều sắc dân khác.
Dưới mắt của người đi du lịch, miền đất này sẽ khiến chúng ta ngây ngất khi đi qua, còn nếu áp tai xuống đất, chúng ta sẽ nghe đất hát rằng: “Arauco mang nỗi buồn không thể cứ lặng thinh, những bất công lưu cữu bao đời ai ai cũng thấy”.[2]
Trong niềm tri ân mảnh đất và con người ở đây, đồng thời thấm thía nỗi buồn đau thống khổ, chúng ta cùng dâng Thánh lễ này. Chúng ta cử hành ngay tại phi trường Maquehue này, là nơi từng diễn ra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chúng ta dâng Thánh lễ này cầu nguyện cho những ai đã chịu đau khổ đến chết, và những ai đang hằng ngày gánh chịu nhiều loại bất công.
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha “xin cho họ tất cả được nên một” (Ga 17,21). Trong giây phút quan trọng của đời mình, Người dừng lại để nài xin ơn hiệp nhất. Từ đáy lòng, Người biết một trong những mối đe doạ lớn nhất đối với các môn đệ và tất cả nhân loại là sự chia rẽ, đối đầu, và áp bức. Sẽ còn phải rơi biết bao nước mắt! Hôm nay chúng ta muốn dựa vào lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, cùng Người bước vào khu vườn buồn thảm này với những nỗi buồn phiền của chúng ta, để cùng với Chúa Giêsu nài xin Chúa Cha cho chúng ta cũng được nên một. Mong sao chúng ta đừng rơi vào cảnh đối đầu và chia rẽ.
Sự hiệp nhất Chúa Giêsu khẩn cầu là ơn chúng ta không ngừng nài xin Chúa ban, để đất nước và thế hệ con cháu trên mảnh đất này sống trong an lành. Chúng ta cần đề phòng những cám dỗ có thể xảy đến và “làm hỏng gốc rễ” của hồng ân Chúa muốn ban cho chúng ta, và qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy đảm nhận vai trò đích thực trong lịch sử.
1. Những đồng nghĩa sai lạc
Một trong những cám dỗ chính chúng ta cần chống lại là nhầm lẫn giữa hiệp nhất và đồng nhất. Chúa Giêsu không xin Chúa Cha ban cho tất cả được nên bằng nhau, giống nhau, vì hiệp nhất không có nghĩa là vô hiệu hóa hoặc phớt lờ những khác biệt. Hiệp nhất không phải là đồng hóa hoặc bắt phải hòa nhập; không phải là mua lấy sự hài hòa với cái giá là gạt một số người ra ngoài lề. Đất nước được giàu có là nhờ mỗi thành viên biết chia sẻ sự khôn ngoan của mình cho các thành viên khác. Hiệp nhất không phải là sự đồng dạng cứng nhắc do kẻ mạnh áp đặt, hoặc kỳ thị không nhìn thấy cái tốt nơi người khác. Sự hiệp nhất Chúa Giêsu muốn mang lại chính là biết nhận ra mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa đều được mời gọi đóng góp vào mảnh đất hồng ân này. Hiệp nhất là hòa giải những khác biệt, nên không được phép nhân danh hiệp nhất để hợp pháp hóa những bất công của mọi cá nhân hoặc cộng đồng. Chúng ta cần sự giàu có do mỗi sắc dân mang lại, và phải gạt qua một bên thứ lý luận phân biệt thấp cao giữa những nền văn hóa. Để làm ra tấm áo choàng “chamal” tuyệt đẹp, người thợ dệt phải biết nghệ thuật pha trộn các chất liệu và màu sắc, tốn nhiều giờ cho từng yếu tố và từng công đoạn. Máy móc cũng dệt được “chamal”, nhưng ai cũng có thể nhận ra ngay tấm vải ấy được dệt bằng máy. Nghệ thuật xây dựng sự hiệp nhất đòi phải có những người thợ đích thực, biết cách làm thế nào hài hòa những dị biệt khi ‘thiết kế” những thành phố, đường sá, quảng trường và cảnh quan thiên nhiên. Nó không phải là “nghệ thuật bàn giấy”, hoặc giấy tờ hành chánh; mà là một tác phẩm đòi hỏi sự lắng nghe và thấu hiểu. Đó là nguồn sinh ra vẻ đẹp của sự hiệp nhất, có thể chống chọi với thời gian đang bào mòn và bão tố ập đến.
Sự hiệp nhất mà người dân chúng ta đang cần đòi chúng ta phải biết lắng nghe nhau, nhưng quan trọng hơn cả là biết tôn trọng nhau. “Không chỉ là nói tốt về người khác, mà còn phải biết gặt hái những gì đã đựơc Thần Khí gieo nơi họ”.[3] Như thế sẽ mở đường cho chúng ta đi tới tình liên đới, chất liệu dệt nên sự hiệp nhất, chất liệu xây dựng lịch sử. Với tình liên đới này, chúng ta có thể nói lên rằng: chúng tôi cần có nhau, và cần có những khác biệt của nhau, để đất nước này mãi mãi xinh đẹp! Đó không chỉ là khí giới của chúng ta chống lại “sự phá trụi rừng” hy vọng, mà là lý do khiến chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên những người kiến tạo sự hiệp nhất.
2. Khí giới của hiệp nhất
Nếu hiệp nhất đựơc xây trên nền của lòng tự trọng và tình liên đới, thì chúng ta không thể chấp nhận bất kỳ cách thức nào để đạt đến hiệp nhất. Có hai thứ bạo lực, thay vì đưa đến hiệp nhất và hòa giải, thì lại đe dọa chúng. Thứ nhất, chúng ta phải lưu ý đến những hiệp ước “đẹp đẽ” mà chẳng bao giờ thực hiện. Lời lẽ hay ho, kế hoạch tỉ mỉ – kể ra thì cũng cần – nhưng nếu không đưa ra thực hiện, thì kết cục giống như “bàn tay viết, khuỷu tay xóa”. Đó là một thứ bạo lực, vì nó làm thui chột niềm hy vọng.
Thứ hai, chúng ta phải nhấn mạnh rằng nền văn hóa tôn trọng nhau không thể dựa trên hành động bạo lực và hủy diệt, đưa đến lấy đi mạng sống con người. Người ta không thể kêu gọi người khác nhìn nhận mình bằng cách chính mình lại đi tiêu diệt người khác, như vậy chỉ đưa đến bạo lực và chia rẽ. Bạo lực sinh ra bạo lực, hủy diệt càng làm tan rã và chia rẽ thêm. Cuối cùng bạo lực khiến cho động cơ đúng đắn nhất trở thành sự dối trá. Đó là lý do khiến chúng ta phải “nói không với bạo lực hủy diệt” dù với hình thức nào đi nữa.
Hai cách tiếp cận này tựa như dung nham núi lửa tràn ra đốt cháy mọi thứ, chỉ để lại cằn cỗi hoang vu. Như vậy chúng ta hãy tìm kiếm con đường bất bạo động tích cực, “như một phong cách chính trị kiến tạo hòa bình”.[4] Chúng ta hãy tìm kiếm, và đừng bao giờ mệt mỏi kiếm tìm, đối thoại vì sự hiệp nhất. Đó là lý do khiến chúng ta thốt lên: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên những người kiến tạo sự hiệp nhất của Chúa.
Tất cả chúng ta, trong một mức độ nhất định, đều là người của đất (x. St 2,7). Tất cả chúng ta đều được mời gọi “sống tốt lành” (Küme Mongen), như minh triết của tổ tiên người Mapuche nhắc chúng ta nhớ. Đường đi còn xa biết bao, và còn biết bao điều chúng ta phải học! Küme Mongen, một niềm khao khát sâu xa không những trào vọt từ trái tim chúng ta, mà con vang lên như một tên kêu, như một khúc hát trong mọi thụ tạo. Chính vì thế, thưa anh chị em, vì con cái của trái đất này, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu nài xin Chúa Cha: Xin cho cả chúng nữa cũng được nên một; xin làm cho chúng con trở nên những người kiến tạo sự hiệp nhất.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô