Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Chilê: Thánh lễ tại Lobito Campus
Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Chilê: Thánh lễ tại Lobito Campus
“Chúng ta được mời gọi dự phần vào việc Chúa làm phép lạ”
WHĐ (19.01.2018) – Trưa 18-01 (11g30, giờ địa phương), theo chương trình ngày cuối chuyến tông du lần thứ 22 viếng thăm Chilê, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại Lobito Campus, Iquique.
Iquique là một thành phố phía bắc Chilê, cách thủ đô Santiago khoảng 1.800 km về phía Bắc.
Sau đây là toàn văn bài giảng Thánh lễ của Đức Thánh Cha.
*
“Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê” (Ga 2, 11)
Đó là những lời cuối cùng trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thuật lại lần xuất hiện công khai đầu tiên của Chúa Giêsu: tại một bữa tiệc, không hơn không kém. Chẳng thể khác hơn, vì Tin Mừng là lời mời gọi liên lỉ hãy vui lên. Ngay đầu Tin Mừng là lời thiên thần nói với Đức Maria: “Hãy vui lên!” (Lc 1, 28). Hãy vui lên, thiên thần nói với các mục đồng; hãy vui lên, thiên thần nói với bà Elizabeth, một phụ nữ đã già và hiếm muộn…; hãy vui lên, Chúa Giêsu nói với người trộm lành, vì hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng (x. Lc 23, 43).
Sứ điệp Tin Mừng là một nguồn vui: “Thầy nói những điều này với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15, 11). Niềm vui ấy lan tỏa, truyền qua các thế hệ, chúng ta được thừa hưởng. Vì chúng ta là Kitô hữu.
Đó là điều anh chị em đã hiểu nhiều, thưa anh chị em miền bắc Chilê! Anh chị em hiểu nhiều biết bao về sống đức Tin và cuộc sống trong bàu khí lễ hội! Như một người hành hương, tôi đến tham gia với anh chị em vào cách sống đức Tin tuyệt đẹp này. Những ngày lễ của tổ tiên, những điệu múa tôn giáo – có khi kéo dài cả tuần – âm nhạc, trang phục của anh chị em, tất cả đã biến vùng đất này trở thành một đền thờ của lòng đạo đức và đời sống thiêng liêng bình dân. Vì trong nhà thờ thì không có lễ hội, nhưng anh chị em đã làm cho cả thành phố trở thành một lễ hội. Anh chị em biết cách mừng lễ bằng ca hát, nhảy múa ca ngợi “Tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện đầy yêu thương không ngừng” của Thiên Chúa, và điều này làm nảy sinh “những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi khác với cùng mức độ: nhẫn nại, ý thức về thập giá trong cuộc sống hằng ngày, cởi mở với mọi người, lòng sùng mộ”.[1] Nhớ lời của tiên tri Isaia: “Hoang địa sẽ thành vườn hoa trái, và vườn hoa trái sẽ nên như rừng” (Is 32, 15). Miền đất này, với sa mạc khô hạn nhất thế giới bao quanh, đang trang điểm dự lễ hội.
Trong bàu khí lễ hội này, Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Maria hành động như thế nào để tiệc vui tiếp diễn. Mẹ chú ý đến mọi việc diễn ra chung quanh; như một người mẹ hiền, Mẹ không ngồi yên. Vì vậy, giữa bữa tiệc, trong niềm vui được chia sẻ, Mẹ thấy một điều gì đó sắp xảy ra, có lẽ là “phải đổ nước vào” thôi. Mẹ lại gần Con mình và chỉ nói: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).
Vậy đó, Đức Maria đang đi qua các thành phố, những con đường, quảng trường, nhà ở và bệnh viện của chúng ta. Đức Maria là Đức Mẹ Tirana; Đức Mẹ Ayquina ở Calama; Đức Mẹ Núi ở Arica. Mẹ thấy tất cả mọi vấn đề đang đè nặng trái tim chúng ta, rồi Mẹ thầm thì vào tai Chúa Giêsu: Con xem, “họ hết rượu rồi”.
Đức Mẹ không im lặng. Mẹ đến gặp các người giúp việc, bảo họ: “Hãy làm mọi điều Thầy bảo các anh chị làm” (Ga 2, 5). Đức Maria – tuy kiệm lời, nhưng đã nói thì đi thẳng vào vấn đề – cũng đang đến gần mỗi người chúng ta và nói: “Hãy làm mọi điều Thầy bảo các con”. Phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã bắt đầu như thế đó: Mẹ cho bạn hữu của mình cảm thấy chính họ cũng phải dự phần vào phép lạ. Bởi vì, Đức Kitô “đến trần gian này, không phải một mình Người, mà cùng với chúng ta thi hành phận sự – Người cùng chúng ta làm phép lạ – “với tất cả chúng ta, để trở nên đầu của thân mình, còn chúng ta là những phần tử sống động, tự do và tích cực”.[2] cách Chúa Giêsu làm phép lạ là: Người làm cùng với chúng ta.
Phép lạ bắt đầu khi những người giúp việc đến các chum nước dùng để rửa ráy. Cũng với cách thức này, mỗi người chúng ta có thể bắt đầu phép lạ; hơn nữa, đều được mời gọi tham dự vào phép lạ đối với tha nhân.
Anh chị em thân mến, Iquique là vùng đất của ước mơ (nghĩa của tên gọi Iquique trong tiếng Aymara). Đây là miền đất trú ngụ của những người nam nữ thuộc các sắc dân và văn hóa khác nhau đã phải bỏ lại mọi sự ra đi. Bao giờ cũng ra đi với niềm hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, thế nhưng, như anh chị em biết, hành trang họ mang theo luôn có nỗi sợ hãi và một tương lai bấp bênh. Iquique là vùng đất của người di dân, điều này nhắc chúng ta nhớ đến sự vĩ đại của những người nam nữ, toàn thể các gia đình, khi đứng trước nghịch cảnh, đã không bỏ cuộc, vẫn ra đi tìm đường sống. Họ – nhất là những người phải lìa bỏ quê hương vì không còn cách sống – là hình ảnh của Thánh Gia vốn đã phải vượt qua sa mạc để được tiếp tục sống.
Mảnh đất này là mảnh đất của những ước mơ, nhưng chúng ta hãy làm sao để bảo đảm nó vẫn tiếp tục là mảnh đất hiếu khách. Lòng hiếu khách như ngày có lễ hội, vì chúng ta biết rất rõ nơi không có niềm vui Kitô là nơi khép chặt cửa lại; nơi không có niềm vui Kitô là nơi khiến người ta thấy mình không được chờ đón, không còn chỗ cho họ cư ngụ (x. Lc 16, 19-31).
Như Đức Maria tại Cana, chúng ta hãy cố gắng chăm chú nhìn những quảng trường và thành phố của mình, để nhận ra những con người mà cuộc sống đã bị “pha loãng”, những người đã mất – hoặc đã bị cướp mất – những lý do để mừng lễ; những người trĩu nặng nỗi buồn trong lòng. và chúng ta đừng sợ phải lên tiếng nói, kêu lên: “Họ hết rượu rồi”. Tiếng kêu của dân Chúa, tiếng kêu của người nghèo là một loại cầu nguyện; tiếng kêu ấy mở lòng chúng ta ra và dạy chúng ta phải biết lưu tâm. Vậy chúng ta hãy lưu tâm đến những tình cảnh bất công, đến những hình thức bóc lột mới có nguy cơ làm cho nhiều anh chị em chúng ta không còn được hưởng niềm vui hội hè. Chúng ta hãy lưu tâm đến tình trạng thiếu việc làm ổn định đang tàn phá những cuộc đời và các gia đình. Chúng ta hãy lưu ý đến những người đang lợi dụng tình trạng bất hợp lệ của nhiều di dân không biết ngôn ngữ hoặc những người không có hồ sơ “hợp lệ”. Chúng ta hãy lưu tâm đến tình cảnh không nơi trú ngụ, chẳng có đất đai và việc làm mà quá nhiều gia đình đang gặp phải. và như Đức Maria, chúng ta hãy nói: Thưa Chúa, họ hết rượu rồi.
Như những người giúp việc trong buổi tiệc, chúng ta hãy trao tặng những gì mình có, dù chẳng nhiều nhặn gì, Cũng như họ, chúng ta đừng sợ “chìa bàn tay”. Mong sao tình liên đới của chúng ta trong việc dấn thân cho công lý trở thành một phần của vũ điệu hoặc bài ca dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tận dụng cơ hội để học hỏi để biến thành của mình những giá trị, sự khôn ngoan và niềm tin mà các di dân mang theo với họ. Đừng để lòng mình khép lại trước những chiếc “chum” chứa đầy khôn ngoan và lịch sử của những người đang tiếp tục đặt chân lên những miền đất này. Chúng ta đừng để mình vuột mất mọi điều tốt đẹp họ mang đến.
Và chúng ta hãy để Chúa Giêsu hoàn tất phép lạ bằng cách biến đổi các cộng đồng và trái tim chúng ta thành dấu chỉ sống động sự hiện diện của Người, một sự hiện diện mang lại niềm vui như mở hội vì cảm nhận được Chúa đang ở cùng chúng ta, và vì đã học biết dành chỗ cho Chúa ngự trong lòng mình. Một niềm vui lan tỏa và như ngày hội sẽ giúp chúng ta không loại trừ ai ra khỏi công cuộc loan báo Tin Mừng này, và giúp chúng ta biết chia sẻ tất cả những gì thuộc về nền văn hóa nguồn cội của mình, để cũng làm phong phú Tin Mừng bằng những gì thật sự của chúng ta, bằng những truyền thống riêng của chúng ta, bằng kho tàng khôn ngoan của tổ tiên chúng ta. Đó là mở tiệc mừng lễ. Đó là nước biến thành rượu. Đó là phép lạ Chúa Giêsu thực hiện.
Xin Mẹ Maria, dưới những tước hiệu của Mẹ tại đất nước này, tiếp tục nói thầm bên tai Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”, và xin cho chúng con luôn biết thực thi lời Mẹ dặn dò: “Hãy làm tất cả những gì Thầy truyền cho các con”.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô