Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Chilê: Gặp chính quyền & Ngoại giao đoàn
WHĐ (17.01.2018) – Ngày đầu tiên sau khi đến Chilê, thứ Ba 16-01, lúc 8g20 sáng (giờ địa phương), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Dinh Tổng thống La Moneda, chào thăm và gặp giới chức chính quyền Chilê và ngoại giao đoàn. Sau đó, ngài hội kiến với Bà Michelle Bachelet, Tổng thống Chilê.
Trong cuộc gặp giới chức chính quyền và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha đã phát biểu. Toàn văn như sau:
*
Kính thưa Quý vị trong Chính phủ và Ngoại giao đoàn; Quý vị đại diện xã hội dân sự; Quý Bà và Quý Ông,
Tôi thật vui mừng lại được đặt chân trên mảnh đất châu Mỹ Latinh, bắt đầu chuyến viếng thăm Chilê, đất nước cận kề trái tim tôi, từng chào đón và cho tôi được học hành thời niên thiếu. Tôi mong những ngày này được ở bên quý vị trở thành thời gian bày tỏ lòng biết ơn về những ngày tháng tôi được đón chào ấy. Tôi nhớ đến khúc thơ trong bài quốc ca của quý vị: “Chilê ơi, bầu trời xanh của Người thanh khiết biết bao / Và thanh khiết biết bao, ngọn gió thổi qua Người / Mảnh đất Người nhận làm quê hương dệt đầy hoa / Thật nơi đây là hình ảnh Địa đàng”. Khúc thơ là bản tụng ca đích thực dành cho mảnh đất này, mảnh đất đầy hứa hẹn và không ít thách đố, và đặc biệt, tràn trề hy vọng vào tương lai.
Xin cảm ơn Bà Tổng thống đã ngỏ lời chào mừng. Tôi muốn nhờ Bà chuyển lời chào và ôm hôn mọi người Chilê, từ miền cực Bắc Arica và Parinacota đến quần đảo phía Nam với “chằng chịt đảo và kênh”.[1] Sự đa dạng về địa lý gợi lên sự phong phú dồi dào về văn hóa là nét đặc trưng của đất nước này.
Xin cảm ơn quý vị đang hiện diện nơi đây: quý vị thành viên trong Chính phủ, quý vị Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và Tối cao Pháp viện, cũng như quý giới chức chính quyền. Tôi xin chào Ngài Sebastián Piñera Echenique, Tổng thống tân cử, vừa được nhân dân Chilê trao phó trọng trách lãnh đạo đất nước trong bốn năm tới.
Điểm nổi bật của Chilê trong những thập niên gần đây là nền dân chủ được phát huy đã tạo ra sự phát triển vững chắc. Những cuộc bầu cử mới đây cho thấy quý vị đã đạt đến sự vững vàng và chín chắn của tinh thần công dân. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa trong năm nay, kỷ niệm 200 năm ngày tuyên bố độc lập. Ngày ấy mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu vận mệnh của dân tộc quý vị từ đây được đặt trên nền tảng tự do và luật pháp, một dân tộc tuy gặp phải những giai đoạn rối ren, những lúc đau thương, nhưng đã vượt qua hết thảy. Nhờ đó, quý vị đã có thể củng cố và khẳng định những ước mơ của các vị lập quốc.
Vì thế, tôi nhớ đến phát biểu đầy ý nghĩa của Đức hồng y Silva Henríquez trong bài giảng Te Deum: “Chúng ta – tất cả chúng ta – là những người đang xây dựng công trình đẹp nhất: quê hương chúng ta. Chính quê hương trần thế là hình ảnh tiên báo và chuẩn bị cho quê hương không có biên giới (quê hương trên trời). Quê hương này không bắt đầu hôm nay, với chúng ta; nhưng không thể phát triển và sinh hoa trái mà không có chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta lãnh nhận quê hương này với niềm quý trọng, lòng biết ơn, như một nghĩa vụ đã bắt đầu nhiều năm trước, như một di sản khiến chúng ta tự hào, và đồng thời, hết lòng gắn bó”.[2]
Mỗi thế hệ mới, khi nhắm đến những mục tiêu cao hơn, đều phải tiếp nhận những nỗ lực và thành quả của các thế hệ trước. Lòng nhân hậu, cùng với tình yêu, công lý và tình liên đới không đạt được một lần là xong, mà phải thực hiện mỗi ngày. Không thể bằng lòng và tự mãn với những gì đã đạt được trong quá khứ, rồi dửng dưng trước thực trạng nhiều anh chị em của chúng ta vẫn đang chịu cảnh bất công.
Quý vị đang đứng trước một thách đố tuyệt vời và lý thú: tiếp tục làm việc để nền dân chủ này, như những vị đi trước đã mong ước, ngoài các khía cạnh vốn có của nó, thực sự trở thành nơi gặp gỡ dành cho mọi người, giúp mọi người, không trừ một ai, đều thấy mình được mời gọi tham gia xây dựng ngôi nhà, gia đình và đất nước. Nơi ấy, ngôi nhà và gia đình ấy chính là Chilê: quảng đại và hiếu khách, yêu mến lịch sử của mình, quyết tâm kiến tạo một xã hội hòa hợp trong hiện tại, và hướng đến tương lai với niềm hy vọng. Đến đây chúng ta nhớ đến lời Thánh Alberto Hurtado: “Đất nước, còn hơn biên cương, đất đai, núi rừng, biển cả, ngôn ngữ và các truyền thống của nó, là cả một sứ mệnh phải chu toàn”.[3] Là cả một tương lai. Và tương lai đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng biết lắng nghe của mọi người dân và các vị lãnh đạo đất nước.
Khả năng biết lắng nghe có ý nghĩa quan trọng nhất tại đất nước này, nơi mà sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa và lịch sử phải được bảo vệ khỏi mọi tinh thần bè phái hoặc óc cai trị, đồng thời, thúc đẩy khả năng vốn có của chúng ta để thay thế những đầu óc hẹp hòi bằng sự quan tâm lành mạnh đến lợi ích chung (nếu không nhắm đến cộng đồng thì chẳng bao giờ tốt cả). Cần phải lắng nghe: lắng nghe người không có việc làm, là người chẳng lo gì được cho gia đình mình lúc này, đừng nói chi đến tương lai. Lắng nghe người bản địa, là những người thường bị lãng quên, phải bảo vệ quyền lợi và nền văn hóa của họ, đừng làm mai một nền văn hóa vốn làm nên bản sắc và sự phong phú của đất nước này. Lắng nghe những di dân đang gõ cửa đất nước này tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chính họ cũng mang đến năng lực và niềm hy vọng góp phần kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người. Lắng nghe những người trẻ và khát vọng của họ muốn có được nhiều cơ hội hơn, nhất là được học hành, để có thể tham gia tích cực vào việc xây dựng một Chilê như lòng họ mong ước, đồng thời che chở họ khỏi hiểm họa ma túy cướp mất phần đời đẹp nhất của họ. Lắng nghe người cao tuổi vốn rất mực khôn ngoan nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng ta không thể bỏ rơi họ. Lắng nghe các trẻ nhỏ đang chăm chú nhìn thế giới bằng đôi mắt đầy ngạc nhiên và ngây thơ, mong chờ chúng ta đưa ra câu trả lời cụ thể cho một tương lai xứng đáng. Đến đây tôi thấy buộc phải nói lên nỗi đau đớn và hổ thẹn trước những thiệt hại do các thừa tác viên của Giáo hội đã gây ra cho trẻ nhỏ. Hiệp nhất với các anh em giám mục của mình, tôi thấy cần phải nói lên lời xin tha thứ và hết sức trợ giúp các nạn nhân, thậm chí chính chúng tôi cam kết sẽ không để tái diễn những việc như thế.
Với khả năng lắng nghe này – đặc biệt hôm nay – chúng ta được mời gọi hãy lưu tâm hơn đến mái nhà chung của mình: vun xới nền văn hóa biết lưu tâm chăm sóc trái đất, và vì thế không đơn thuần chỉ giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về sinh thái và môi trường đang phát sinh, mà còn can đảm tiếp nhận “một cách nhìn khác, lối suy nghĩ, những chính sách, chương trình giáo dục, lối sống và đời sống thiêng liêng, cùng nhau chống lại xu thế kỹ trị”[4], xu thế này coi trọng lợi ích kinh tế hơn hệ sinh thái và lợi ích chung của mọi người dân chúng ta. Sự hiểu biết khôn ngoan của những người dân bản địa có thể mang lại những đóng góp lớn lao cho vấn đề này. Chúng ta có thể học nơi họ để biết rằng một dân tộc quay lưng lại với đất, với mọi sự và mọi người ở trên mặt đất, thì chẳng bao giờ thực sự phát triển được. Nền minh triết sâu sắc của Chilê có thể giúp vượt lên khỏi thứ nhân sinh quan chỉ coi trọng tiêu thụ và tiếp nhận một thái độ đúng mực đối với tượng lai.
Tinh thần của người Chilê là hướng đến sự sống, là dứt khoát duy trì sự sống.[5] Đó là lời hiệu triệu tất cả mọi người, và từ lời hiệu triệu này, không ai thấy mình bị loại trừ hoặc là kẻ vô dụng. Một lời hiệu triệu đòi phải triệt để lựa chọn sự sống, nhất là sự sống trong tất cả mọi hình thái đang bị đe dọa.
Một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã mời tôi đến thăm và được gặp gỡ tinh thần của nhân dân đất nước này. Nguyện xin Đức Mẹ Núi Carmêlô, là Mẹ và là Nữ Vương đất nước Chilê, luôn đồng hành và ban cho những mơ ước của đất nước diễm phúc này được hiện thực.
___________________
(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô